thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một chút mơ hồ đâu đó

 

 

Một liên hệ kì lạ, cứ mỗi lần đọc Phạm Phú Hải (1950-2009), tôi lại nhớ về Gérard de Nerval (1808-1855) và Bùi Giáng (1926-1998), ba thi sĩ này đều có cuộc đời li kì gay cấn; đều “chơi” với sự suy nhược tâm thần phân liệt; đều phiêu hốt với cuộc tồn sinh; đều thỉnh thoảng đi vào cõi vô sai biệt... Nhưng không phải chỉ vì thế mà nhớ. Tôi nhớ, vì hình như ba vị có cách nghĩ/cách làm thơ khá giống nhau.

Nếu Gérard de Nerval được xem là thi sĩ bí truyền, vì thơ ông hay mô tả lại những mật truyền, những thần chú kì bí, cổ xưa và cả tự nhiên thần giáo;

Nếu Bùi Giáng được xem là thi sĩ đi tìm hiện sinh và hư vô, vì thực chất thơ ông chỉ là mô tả lại những tư tưởng mà ông đã dày công xây dựng trong các tác phẩm biên khảo trước đó như Tư tưởng hiện đại (1962), Martin Heiderger và tư tưởng hiện đại (1963);

Thì, Phạm Phú Hải phải được xem là thi sĩ chuyển hoá kinh Phật, vì thơ ông dù mô tả xuôi ngược trước sau vẫn là cuộc đối đãi, thi hoá với Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra).

Nói vội vàng như vậy, cũng chỉ để khép vội vàng rằng ba thi sĩ vô tiền khoáng hậu này đã tạo được một “công thức” làm thơ tiện lợi. Bằng công thức này, hay nói khác đi, bằng sơ đồ nguyên lí mà mình tạo ra, thơ của ba vị đã tuôn chảy tự nhiên, không cầu cạnh phong cách, thể loại và cả chuyện mới cũ trong ngôn ngữ.

Mật độ “tái sử dụng” những chữ mang nghĩa tư tưởng, triết lí, hay những từ quen/thích/muốn dùng trong ba vị này khá “đều tay”. Và y như rằng, vị nào sống lâu hơn thì làm được nhiều bài thơ hơn, và mật độ sử dụng từ trùng lặp, cốt để diễn ý cũng nhiều hơn.

Có thể nói, ba vị chỉ nghĩ về thơ như là một phương cách ảo diệu trong việc diễn đạt lại các tư tưởng vốn khô khan, rối rắm.

Chính vì thế, riêng với Bùi Giáng và Phạm Phú Hải, việc tìm bút pháp, cấu trúc, thi pháp và cả ngôn ngữ mới trong thơ của họ thì gần như vô vọng, dù ngôn ngữ hấp dẫn, linh hoạt, đảo ngôn - đảo ý được hai thi sĩ sử dụng liên tục. Nguồn cơn của việc này, có lẽ bắt đầu từ sự linh hoạt gần như chẳng cần ngữ pháp của tiếng Việt; hai thi sĩ Bùi-Phạm thì lại quá yêu mến thơ lục bát, yêu mến cách chơi chữ, hoạt ngôn... nên cứ tha hồ du hí với ngữ ngôn; hơn nữa, có khi hai vị này cũng chẳng cần quan tâm gì về những điều mà ta vừa nêu ra. Cái hay, hấp lực trong thơ của hai vị thường ở cách “mượn” thơ / “chơi” thơ này, chứ không phải “làm” thơ; cách tân với họ là một cảnh giới xa lạ; cho nên, có nhiều cụm từ, nhiều câu xuất thần, nhưng có rất ít bài mạnh và chặt chẽ về cấu trúc.

 

*

 

Từ vài ý rời ở trên, nói rộng hơn một chút, khi xét trong tiến trình thi ca, lịch sử văn học, thì ba vị này chẳng biết xếp vào đâu, vì họ là kẻ ngoài cuộc. Cùng thời với họ, có họ thì càng hay, càng thú vị, mà không có họ cũng chẳng sao, vì thi ca vẫn dần dà đi tới.

Rộng hơn nữa, ở những nước có trình độ tiếp thị thi ca giỏi như Pháp, một hiện tượng dị biệt và đứng bên lề lịch sử văn học như Gérard de Nerval thì lập tức biến thành thứ hương xa, một giá trị đẹp, vì cách làm của họ hợp lí, khoa học. Ở ta thì chưa, và chắc còn lâu mới được như thế, với Bùi Giáng và Phạm Phú Hải, ngoài những giai thoại ngày càng được thêu dệt thêm, chẳng có mấy người muốn đi sâu vào trong văn bản, tìm hiểu rõ căn cơ, nguồn cơn... của cố quận. Mịt mù và mơ hồ, đang là hai cách nói “phổ cập” về thơ của hai thi sĩ này. Y như Phạm Phú Hải từng nghe: “Nghe mơ hồ đâu đó trong mênh mông / Nghe mơ hồ đâu đó trong xa xăm”; và y như Bùi Giáng từng nói: “Mở môi ngôn ngữ hồ đồ / Vén xiêm em lội xuống hồ nước kia”. Vậy đó. Một chút mơ hồ đâu đó.

 

Sài Gòn 27.4.2010

 

-----------
Nguồn: Bài này nằm trong tập Đặc san tưởng niệm thi sĩ Phạm Phú Hải, từ trang 96 đến 98, xuất bản tại Đà Nẵng hồi tháng 5.2010, nhân kỉ niệm một năm ngày mất của thi sĩ (6.5.2009–6.5.2010).
 
Chân dung:
Gérard de Nerval. Ảnh: Nadar (1820–1910).
Bùi Giáng. Ảnh: Lâm Ngọc Duy.
Phạm Phú Hải. Ảnh: Lý Đợi.

 

 

----------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021