thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CHÙM THƠ
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
RAYMOND CARVER
(1938-1988)
 
 
 

Uống rượu trên xe

 
Tháng tám và đã sáu tháng
tôi chưa đọc một cuốn sách nào
trừ một cuốn gì đó tên Rút quân ra khỏi Mạc-tư-khoa
cùa Caulaincourt.
Mặc dầu vậy, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc
khi vừa lái xe với thằng em trai tôi
và vừa tu Old Crow từ cửa miệng chai.
Chúng tôi không đi đâu cả,
chúng tôi cứ chạy thẳng tới trước, vậy thôi.
Nếu tôi nhắm mắt lại dù chỉ một phút
thì tôi sẽ lạc hướng, tuy nhiên
tôi sẽ không ngần ngại nằm ngay xuống ven
mép con đường này
để ngủ cho tới ngàn thu.
Thằng em thúc vào hông tôi.
Sẽ có chuyện xảy ra trong vài phút mà.
 
 
 

Tấm hình của ba tôi trong lứa tuổi hai mươi

 
Tháng mười. Trong căn bếp ẩm ướt, xa lạ đó,
tôi quan sát cái khuôn mặt rụt rè và non choẹt của ba.
Cười gượng, một tay ba cầm một sợi dây
lủng lẳng những con cá rô vàng, và tay kia
một chai bia Carlsbad.
 
Mặc quần bò và sơ-mi vải thô xanh, ba tựa mình
vào nắp máy xe Ford đời 1934.
Ba luôn luôn muốn tạo dáng anh chị để lại cho mai hậu,
cái nón cũ lệch xệ ngạo nghễ trên vành tai.
Cả đời, ba tôi muốn trở thành một kẻ bạo dạn.
 
Nhưng đôi mắt đã phản bội ba tôi, và hai bàn tay
mềm nhũn cầm xâu cá rô chết và chai bia. Ba ơi, con
thương ba nhiều lắm,
nhưng làm thế nào để con cám ơn ba, khi con không
biết uống rượu
mà cũng không biết những chỗ tốt để thả câu?
 
 
 

Hamid Ramouz (1818-1906)

 
Sáng nay tôi khởi sự làm một bài thơ về Hamid Ramouz —
quân nhân, kẻ thông thái, nhà thám hiểm sa mạc —
đã bắn một phát súng vào đầu mình năm tám mươi tám tuổi.
 
Tôi đã thử đọc phần ghi chú trong cuốn từ điển về con người lạ lùng đó
cho thằng con tôi nghe — chúng tôi tìm thêm trong sách của Raleigh —
nhưng nó không kiên tâm, và như vậy là phải đó.
 
Chuyện đã xảy ra nhiều tháng trước, giờ thì nó ở với mẹ,
nhưng tôi ghi nhớ cái tên: Ramouz —
và một bài thơ đương hình thành.
 
Cả buổi sáng tôi ngồi tại bàn
hai tay loay hoay tới lui trên đống giấy thải nhiều vô tận
cố nhớ lại cái cuộc đời lạ kỳ đó.
 
 
 

Phá sản

 
Hăm tám tuổi, bụng lông lòi ra ngoài
cái áo thun (không bị tịch thu)
tôi nằm nghiêng
trên ghế dài (không bị tịch thu)
và lắng nghe cái âm thanh lạ lùng
của giọng nói của vợ (cũng không bị tịch thu).
 
Chúng tôi là những kẻ mới tới với các trò
be bé vui vẻ này.
Hãy tha lỗi cho chúng tôi (tôi cầu khẩn Tòa án)
về sự không biết lo xa.
Hôm nay, lần đầu tiên sau nhiều tháng,
tim tôi hé mở, như cửa trước.
 
 
 

Anh thợ bánh mì

 
Lúc đó Pancho Villa vào thành phố,
treo cổ ông thị trưởng
và cho lịnh gọi ông bá tước Vronsky
già yếu và tật nguyền tới ăn cơm tối.
Pancho giới thiệu cô tình nhân mới của mình
và người chồng đeo tạp dề trắng của cô
và khẩu súng sáu — cho ông bá tước
và yêu cầu ông ta kể lại cuộc đời lưu đày buồn bã của ông ta tại Mễ-tây-cơ.
Sau đó, họ chuyện trò về đàn bà và ngựa.
Cả hai đều thành thạo.
Cô tình nhân cười nghiêng ngả
và đùa nghịch với các nút áo xà cừ
trên chiếc áo sơ-mi của Pancho cho tới
lúc nửa đêm, khi Pancho thiếp ngủ
đầu gục trên bàn.
Người chồng làm dấu thánh giá
và rời căn nhà tay cầm đôi ủng
chẳng cúi đầu chào
vợ mình hay Vronsky.
 
Người chồng vô danh đó, chưn không,
bị hạ nhục, tìm cách thoát thân, chính anh ta
mới là người hùng trong bài thơ của tôi.
 
 
 

Mùa hạ ở Iowa

 
Thằng bé giao báo lay tôi để đánh thức. “Tao chiêm bao thấy
mày đang tới,” tôi bảo nó
khi đứng dậy. Một thằng đen khổng lồ của đại học đi với nó
có vẻ ngứa tay muốn dần tôi. Tôi tranh thủ thời gian.
Mồ hôi đổ giọt trên mặt chúng tôi; chúng tôi đứng đó chờ.
Tôi không mời tụi nó ngồi ghế và không ai mở miệng.
 
Chỉ ít lâu sau đó, khi chúng nó đã đi rồi,
tôi mới nhận thấy chúng đã mang tới cho tôi một lá thư.
Lá thư của vợ tôi. “Anh đang làm gì ở đó?” vợ tôi hỏi “Anh có uống rượu không?”
Tôi ngắm nghía con dấu bưu điện trong mấy tiếng đồng hồ.
Rồi thì nó cũng phai mờ.
Tôi hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ quên tất cả.
 
 
----------------
Dịch theo nguyên tác tiếng Anh “Drinking While Driving”, “Photograph of My Father in His Twenty-Second Year”, “Hamid Ramouz (1818-1906)”, “The Baker” và “Iowa Summer”, trong Raymond Carver, Fires: Essays, Poems, Stories [tủ sách Vintage Classics] (London: Random House, 2009).
 
 
 
-----------
Đã đăng:
 
Các anh đéo biết tình yêu là gì Bukowski nói / tôi đã 51 tuổi đời rồi hãy ngó tôi mà coi / tôi đang si tình một con nhỏ / tôi bị kẹt nhưng nó cũng bị mắc câu / vậy là huề vậy là đúng chả có gì để nói... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Những giấc mơ  (truyện / tuỳ bút) 
... Đêm đó tôi ngủ không yên. Dotty ú ớ trong giấc mơ và cứ trở mình liên tục. Tôi biết chắc nàng đang nằm mơ. Tôi biết cả đêm nàng ở chốn nào đấy xa xôi. Sáng hôm sau, tôi không hỏi nàng mơ thấy gì, mà nàng cũng không tự nguyện kể. Nhưng khi tôi mang cà-phê và nước trái cây vào cho nàng, nàng đã có quyển sổ và cây bút trên đùi. Nàng gài cây bút vào cuốn sổ và nhìn tôi... [Bản dịch của Lâm Vũ Thao] (...)
 
Em làm ơn im đi, được không?  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh gồng người lại khi cô chạm vào, rồi anh thả lỏng một chút. Thả lỏng môt chút thì dễ chịu hơn. Tay cô lần qua hông anh, qua bụng anh và bây giờ thì người cô áp vào người anh, dịch chuyển tới lui trên người anh. Anh ghìm mình lại, sau này anh nhớ vậy, lâu hết mức có thể. Và anh nghiêng sang cô. Anh lăn qua lăn lại trong giấc ngủ lẽ ra là tuyệt vời, và anh vẫn còn xoay trở, kinh ngạc về sự thay đổi không ngờ tràn ngập trong anh... [Bản dịch của Lâm Vũ Thao] (...)
 
Người cha  (truyện / tuỳ bút) 
“The Father”, một truyện ngắn tiêu biểu cho lối viết “minimalist” của Raymond Carver (1938-1988) — một trong những tên tuổi đáng nhớ của văn chương hậu hiện đại Hoa Kỳ. [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Kinh nghiệm viết truyện ngắn  (tiểu luận / nhận định) 
Tôi đã viết và đăng báo truyện ngắn đầu tiên của tôi vào năm 1963, cách đây hai mươi lăm năm, và bị lôi cuốn vào việc viết truyện ngắn kể từ đó. Tôi nghĩ một phần (chỉ một phần thôi) cái khuynh hướng thiên về tính cách ngắn gọn và căng thẳng phải có liên hệ đến sự kiện rằng tôi vừa là nhà thơ vừa là nhà viết truyện ngắn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thêm một điều nữa  (truyện / tuỳ bút) 
Maxine, vợ của L.D., đuổi anh ra khỏi nhà vào buổi tối chị đi làm về, thấy L.D. lại say rượu và nói năng lỗ mãng với Rae, đứa con gái mười lăm tuổi của họ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những sự vật nhỏ bé  (truyện / tuỳ bút) 
[...] Đồ chó đẻ! Tôi rất vui mừng thấy ông ra đi! Nàng bắt đầu khóc. Ông không dám nhìn thẳng vào mặt tôi, phải không?... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Về truyện hư cấu đương đại  (tiểu luận / nhận định) 
Theo như tôi nghĩ, có lẽ tác phẩm tốt nhất, tác phẩm thú vị và thoả mãn nhất về nhiều mặt, thậm chí, có lẽ, tác phẩm có cơ hội lớn nhất để trường tồn, chính là tác phẩm được viết dưới hình thức truyện ngắn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Sợi lông  (truyện / tuỳ bút) 
Hắn dùng lưỡi khều nó một lúc rồi ngồi dậy trên giường và bắt đầu dùng hai ngón tay nhổ nó. Ngoài kia, một ngày đẹp trời sắp bắt đầu... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021