thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài trường ca Tây Tạng [9]
 
 

9.

 
Tây Tạng
đến khi nào bông lúa
là cơn tuyệt thực của người?
 
đến khi nào nạn đói rơi
người bay lên trời
thành Phật?
 
Tây Tạng
chẳng lẽ người thích khóc
như da thịt bị dùi cui
thích cười
mà nụ cười người có bao giờ thiếu
 
người chỉ thiếu tự do
không thiếu sự thật
sự thật, không phải bài thơ múa lân
người ghét đã đói phải giả vờ lãng mạn
 
nhưng cơn đói quá dài
để mùa đông chờ đến mùa hè
người chỉ còn những viên thuốc an thần
vì kẻ lạ muốn người mệt mỏi
với trò ăn gian
 
bọn họ tạo ra những hồn ma
treo trên xà nhà
mỗi tối
và những gã buôn thần bán thánh
đã tới
dùng hai đầu gối
bò cả vào bài thơ
 
vì kẻ lạ muốn kiểm soát luân hồi
tìm người kế vị
trong các hội nghị
hiệp thương giữa công an với kẻ giả quân vương
chứ không phải nơi cheo leo sườn núi
với lòng từ bi đá lăn, gió thổi
chim sa cá lội
qua những kiếp người
 
cái liềm kẻ lạ
và nhát búa của họ
đã giáng vào cửa sổ ngôi nhà của người
làm đại bàng núi vỡ ra chuyến bay
nghị quyết vỡ ra tháng mười
dự thảo vỡ ra bóng ma
bức tranh vỡ ra bóng tối
 
ơi người
người biết bài thơ
là cửa sổ mở ra thế giới
nhưng bây giờ người đành ngồi trong bóng tối
vì ánh sáng chỉ có nơi con thú màu đỏ
lúc nó đến, sau khi nó giả vờ
bỏ đi
 
Tây Tạng
người không bao giờ chết
vì lưu vong là để đứng lên
để đòi lại
để tồn tại
chứ không phải chìm trong nước mắt
 
Tây Tạng
như đám mây, người bay, nhìn xuống
tuyệt vọng với cái ác
của nhà sư kiêm công an
kiêm cơn gió vòng quanh gian dối
trên các con đồi
nhuộm màu ổ chuột
 
giáo hội thành mặt trận
không phải thiên đường, người biết
sau một ngày màu đỏ sẽ thành đen
người cầm bụng đói trên tay
trở về, nhìn bài thơ trên bàn phím
đang chờ một cú giáng búa
xuống đầu ai đó
với cái cớ và không cần cái cớ
không phải của ông vua
mà là kẻ tự xưng vương
 
bàn tay người lần tìm bài thơ
vì đến phút cuối cùng
trước khi lưu vong
Tây Tạng, người vẫn cố
giữ hoà bình...
 
người tưởng mao là lông
nên người đã mang ngây thơ
đối đầu với sức mạnh
 
ôi, Tây Tạng
người kiềm chế cơn giận của mình
gương mặt thành đông lạnh
nụ cười băng tuyết
tuyết, là lúc đất nước người không còn ánh nắng
không có vó ngựa
trong các đường phố
và ngõ hẻm chỉ còn màu đỏ Trường An
 
linh hồn người liệu có khoan đủ độ sâu
như một mỏ dầu
để kẻ lạ dù muốn liên doanh
sẽ không nhìn thấy
 
cũng như dân tộc tôi từng chết đói
từng bị tàn sát bằng mã tấu
bị thả trôi sông, bị vùi tro trấu
bị “cách mạng”, bị “vùng lên”
lúc những gã nhà thơ cúi mình trên sân khấu
bài thơ tự đứng lên
vì trước sau gì những kẻ lạ
sẽ chìm trong đám rước của tử thần
tiến tới cái chết
 
dân tộc tôi ở kề bên bờ biển
không phải tít trên núi cao hàng ngàn mét
tưởng đã cách xa
tưởng đã an bài
vẫn nhiều lần chết đi sống lại
nghe Lỗ Tấn hỏi:
Trung Hoa ơi Trung Hoa
ăn thịt người, còn a?
 
Tây Tạng, chúng ta
sẽ làm gì?
chẳng lẽ lại lưu vong
nhìn đất nước chết đói
cùng với bọn chạy rông
lông nhông giả làm thi sĩ?
 
cuối cùng, chúng ta vẫn có
hai bàn tay chìa ra
làm sợi dây nối con tim
với Đức Phật
 
chúng ta biết
vì kẻ lạ khi bị bí
khi không thể giả vờ tử tế
khi không thể lôi người dân quê ra che chắn
thì chúng ác, trời ơi...
 
Tây Tạng
người chỉ chết khi nhân loại không còn nghe tiếng thét
người chỉ chết khi nhân loại chịu đánh bạn với kẻ thù
chứ không lẽ loài người
cứ ngồi nhìn
những ác thần vung liềm và búa
rồi giả danh nhân dân?
 
chứ không lẽ Trung Hoa
mặc kệ chính mình cũng đang đói
chính mình cũng đang tối tăm
dân tộc mình gãy cánh
cứ liều lĩnh bay
ngang qua nhân loại này
bắt mọi người phải chứng kiến vở tuồng
toàn vai diễn của công an và lính?
 
chứ không lẽ Trung Hoa
trong giấc mơ vật vã
trong các linh hồn mang đầy thương tích của mình
trong cái chết vô tội của chính đồng bào mình
vẫn tiếp tục mang tử thần đi công diễn?
 
kể cả nếu có thêm những giọt nước mắt
Trung Hoa có thể làm gì
cho dân tộc của mình đang chết đói
đang bị phanh thây mổ lấy tạng
ôi, không chỉ Tây Tạng
trời ơi...
 
chẳng lẽ máu của chính dân tộc này không đủ
cần phải lấy thêm máu của các dân tộc khác
xào nấu thành bữa ăn
của những tên hôn quân
và đêm về hôn quần
cho những cơn nứng bất nhân
của chúng
 
những kẻ luôn vu cho người “nổi loạn”
nhưng người chính là cuộc giải cứu
cho thần thánh thoát khỏi quỷ sứ
cho xót xa cúi mình trước niềm vui
cho nước mắt ngước lên cười hạnh phúc
cho tội ác bị đời đời nguyền rủa
trong ngôi nhà vô minh
cho đoá hoa và xạc xào lá cỏ
cho thi sĩ sẽ thêu từng sợi chỉ
của ngôn từ
thành bài thơ
để lịch sử không phải chỉ toàn lời nguyền rủa
không phải bị huỷ diệt bởi làn khói và ngọn gió
hình cái nấm
làm trời cao phân rã thành hư vô
 
Tây Tạng
dù người là cột khói
mỏng manh và chập chờn
người đã thành con mắt thần
nhìn vào tám cõi
chỉ ra bọn quỷ vương
còn sót lại
cuối cùng
của nhân loại...
 
 
____________
Mời độc giả đọc bài viết Lê Vĩnh Tài và “Bài trường ca Tây Tạng” của Mặc Lâm, đăng trên trang web của Đài Á Châu Tự Do.
 
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021