thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Niệm khúc những mỹ nhân thời xa xưa
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
Lời người dịch:
 
Niệm khúc những mỹ nhân thời xa xưa (Ballade des dames du temps jadis) có thể xem như là một trong hai bài niệm khúc lừng danh nhất của François Villon, nhà thơ trữ tình đầu tiên cùa Pháp (1431/32-1489), với câu thơ điệp khúc (refrain) bất hủ: “Ôi đâu rồi hỡi những mùa tuyết của thời xa xưa?” (cũng có thể dịch “Ôi mùa tuyết cũ đâu rồi”?). Tất nhiên và rất tiếc rằng nó đã bị mất sự ngắn gọn, giản dị, trữ tình khi chuyển sang tiếng Việt.
 
Bài thơ này được giảng dạy trong trường thời Pháp thuộc. Thiển nghĩ do đó mà nó có thể đã gợi hứng cho nhà thơ Vũ Đình Liên viết bài “Ông Đồ”, với câu kết “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?” chăng?
 
Niệm khúc nổi tiếng thứ hai của Villon là bài Niệm khúc những kẻ bị treo cổ, hay Lời thơ ghi trên mộ bia Villon (Ballade des pendus, hay L’épitaphe de Villon), có thể đã được viết trong ngục thất trong khi chờ bị giảo hình vì tội trộm cắp. Trước đó, khi còn trẻ, nhà thơ từng là học trò/sinh viên Sorbonne có lối sống giang hồ phóng đãng “đậm màu sắc” và cũng đã phạm tội giết người (giết một vị tu sĩ) nhưng được ân xá bởi những lý do nào đó.
 
Để tránh dài dòng, xin không đi sâu vào chi tiết, tên các nhân vật lịch sử và huyền thoại trong bài thơ, cũng như về thể loại ballade, thơ vần tám vế, rất thịnh hành trong thơ và nhạc thời Trung Đại Âu châu. Bởi đây chỉ là một bản dịch, không phải là một bài nghiên cứu văn học.
 
Từ “antan” tiếng Pháp thời Trung Đại có nghĩa là “năm rồi / năm ngoái”. Nhưng ngày nay thì nghĩa của nó là “thời xưa / xa xưa”. “Ôi đâu rồi hỡi những mùa tuyết của thời xa xưa?” (Mais où sont les neiges d’antan? / Where are the snows of yesteryear?) đã được trích dẫn trong truyện, kịch, nhạc, điện ảnh, bởi các nhà văn, nhạc sĩ, kịch tác gia, đạo diễn phim tiếng tăm. Nhạc sĩ Pháp Georges Brassens và nhạc sĩ Tiệp Petr Eben đã có phổ nhạc cho bài niệm khúc này.
 
NĐT
 
Les amours d’Héloïse et Abélard
tranh sơn dầu (1819) của Jean Vignaud (1775-1826)
 

Niệm khúc những mỹ nhân thời xa xưa

 
Hãy cho ta biết hiện đang ở tận xứ nào
Flora người đẹp thành La Mã
Archipiade và Thais
Sắc đẹp ngang bằng nhau
Dư âm, khi những tiếng động rền vang
Trên sông nước và trên ao hồ
Nhan sắc ơi mi không quá đỗi phi nhân
Ôi đâu rồi hỡi những mùa tuyết của thời xa xưa?
 
Ở nơi đâu hỡi Héloïse nàng thục nữ
Vì nàng mà hắn đã bị thiến và nàng phải nhập tu viện
Pierre Esbaillart ở Saint-Denis?
Vì nàng mà hắn đã phải chịu bao khổ đau
Cũng thế đấy, nay đâu rồi hỡi bà hoàng hậu
Đã ra lệnh truy lùng chàng Burridan
Bỏ vào bao tải và ném xuống đáy sông Seine?
 
Nữ hoàng Blanche trắng như cành huệ
Có giọng ca quyến rũ của đàn tiên cá
Berthe có đôi chân to, và Bietrix, và Aliz,
Haramburgis đã cai quản vùng Maine,
Và Jeanne, nàng thôn nữ Lorraine,
Quân Anh đã thiêu đốt ở thành Rouen?
Ôi đâu rồi hỡi những mùa tuyết của thời xa xưa?
 
Hoàng Tử ơi, xin Ngài đừng hỏi suốt cả tuần lễ
Hay suốt trọn cả năm rằng họ nay đang ở đâu
Bởi lẽ trước sau gì rồi thì cũng sẽ quay lại với câu hỏi
Ôi đâu rồi hỡi những mùa tuyết của thời xa xưa?
 
 
---------
Dịch theo nguyên tác cổ văn tiếng Pháp thời Trung Đại. Nguồn: François Villon, Poésies, trong tủ sách Poésie/Gallimard, Paris, 1973.
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021