thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một vài ý nghĩ xung quanh "Thu nhà em" của Lê Đạt

 

Thu nhà em
 
Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó
 
Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đồi cốm đường thon ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió
 
Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
             và xanh rất cao
 
Lê Đạt

 

 

1. Hai giả định

"Thu nhà em", đúng như tên gọi của nó, mở ra hai giả định: Không gian thu quanh nhà em, thu của nhà em, hoặc là em là mùa thu, em là một kiến trúc “nhà thu” hay rộng hơn, là một thế giới thu. Điều kì lạ là, cả hai giả định này quyện hoà với nhau trong tứ thơ được khai triển ở toàn bài. Cấu trúc tỉnh lược từ tên gọi bài thơ đã ảo hóa một hiện thực lấp lửng và tình tứ đó.

 

2. Sự tồn tại bình đẳng của những khả thể nhịp thơ

Ngay từ câu mở đầu bài thơ, nếu theo cách nói thông thường, có thể là: anh đến nhà em vào mùa thu. Như vậy, thì mùa thu ở đây thành khung giới hạn của thời gian, nhà em thành khung giới hạn của không gian, và nhân vật trữ tình giới hạn chủ thể. Một hiện thực đóng băng, như là được bày ra đấy, thông báo chỉ để thông báo mà thôi. Nhưng trong trật tự khác thường của câu thơ đầu “Anh đến mùa thu nhà em” nếu giả định không có cấu trúc tỉnh lược, thì “mùa thu” ở đây bị không gian hóa, bởi sau từ “đến” bao giờ cũng là bổ ngữ chỉ không gian “đến đâu”, “nhà em” lại thu hẹp khoảng không gian thu hơn nữa. Vì vậy, theo kết cấu trật tự từ, thì dường như ở đây không chỉ có hành động đến được thông báo, mà cả quá trình đến cũng được thể hiện theo chiều thu hẹp dần không gian và dừng lại nơi ngôi nhà cô gái.

Nếu ngắt nhịp 2/4 thì cả cụm từ mùa thu nhà em lại là một kết hợp lạ khác: mùa thu nhà em hay nói cách khác nhà em “tư hữu” mùa thu. Mùa thu làm sao là của nhà em được? Nhưng ở đây, áp lực nhịp thơ dường như lại biến điều không thể thành có thể: mùa thu nhà em tồn tại như một cụm từ, như một hiện thực hiển nhiên. Anh đến mùa thu nhà em, là anh đến nơi nào vậy, nó có thực hay không thực, xác định hay không xác định?

Ngắt theo nhịp 2/2/2, ta lại thấy một thực tại khác, khoảng ngừng giữa các nhịp như tái hiện lại cả dòng cảm xúc ngập ngừng, một hiện thực đứt đoạn trong suy tư của chàng trai, mùa thu như cắt ngang hai không gian, ý định “hướng về nhà em” được đẩy về phía kia chứ không trực tiếp sau từ đến như là cả một khoảng trời do dự ngập ngừng, mênh mang xôn xao những nỗi niềm thu. Như vậy, tỉnh lược hay không tỉnh lược, tuyến tính hay không tuyến tính đều có thể gợi mở một hướng nghĩa. Nghĩa của câu thơ không phải là một nghĩa giới hạn, xác định, cụ thể, bất động, nó là nét nghĩa lung linh giữa những đường ranh giới, vô hạn giữa các kiểu kết hợp và đang kiến tạo, đang sinh thành.

Nhịp điệu thơ linh hoạt, và mềm mại, nó là cuộc trình diễn của những nhịp điệu bình đẳng, không có một sự lựa chọn chính xác một nhịp rõ ràng, hay nói cách khác, chẳng có cách ngắt câu nào hợp lý hơn cách ngắt câu nào, cái nào cũng là một khả thể. Bởi hiện thực mà nó thể hiện rõ ràng là một hiện thực không bình lặng mà đang tiến triển, luôn chuyển động giữa những đường biên hữu hình và vô hình, giữa nội tâm và ngoại giới. Nét nghĩa thể hiện cảm xúc, không được thể hiện qua các nét nghĩa của từng từ, nhưng lại được chuyển hóa trong các mối quan hệ giữa từ, tựa một niềm say mê chìm lắng vào trong và ngân nga thành những nhịp lòng vang động.

 

3. Thế giới “thu nhà em”

Thế giới “thu nhà em” hình như tự định hình một “bản sắc riêng” tách khỏi “cộng đồng” những nàng thu muôn thủa của thơ ca. Sự trong vắt đến hư ảo của mùa thu làm nhoè đi cái “tính cách đa sầu” vẫn gắn bó với nó từ thủa khai sinh. Điều đó cũng hợp lí, bởi mùa thu ở đây không mang gương mặt tự nhiên của đất trời, nó bị giới hạn trong một “vùng thiêng” là “nhà em”, cái không gian “đầy quyền năng” chi phối đến kẻ tình nhân đang chiêm ngưỡng! Vậy “thu nhà em” có gì đặc biệt khi khúc xạ qua ống kính vạn hoa?

Thử nhìn nhận hình ảnh nắng trong câu thứ hai: nắng hình như cũng “thu hơn” nhờ cái định danh (hay định tính) mới mẻ của nó. Từ “cúc” tạo danh từ chỉ nắng một đường biên hư ảo chập chờn. Nắng cúc nhoè lẫn trong đó cả mùi vị (nắng thu thơm hương cúc, nắng dậy hương thu) cả màu sắc (cái rực rỡ vàng tươi của cúc), cả dáng nét (những hạt nắng chiếu qua kẽ lá, tạo những chấm tròn li ti như những chiếc cúc đơm trên mặt nước). Như vậy, ở câu thứ hai, hiện thực mờ ảo được thu hẹp lại trong hình ảnh tinh tế. Nắng trong vũng nhỏ. Tựa một điểm dừng ấn tượng. Cả một trời thu được lọc qua một chấm điểm nhưng thức dậy bao cảm giác thu. Kết hợp lạ làm phát sáng những từ vốn quen thuộc đến mức mòn nghĩa, như nắng và cúc. Kiểu sáng tạo kết hợp từ này làm nghĩa không bị giới hạn và cụ thể hóa, sức gợi tỏa ra từ quan hệ giữa các từ mang đến cho nó tiềm năng phát nghĩa cao. Giữa mỗi từ dường như là những khoảng trống để người đọc tự lấp đầy bằng các liên tưởng của mình. Cách kết hợp lạ ấy tạo nên chất thơ, mở rộng đường biên vốn hiện thực hữu hạn của từ, mở rộng cả đường biên của trí tưởng tượng của chúng ta. Câu thơ Lê Đạt “nén” nhưng không làm “chặt” nghĩa là vì thế.

 

4. Em là một “kiến trúc thu”

Đoạn cuối bài thơ đột ngột xuất hiện hình ảnh cụ thể: “tóc”. Tại sao miêu tả một không gian thu, mà lại xuất hiện hình ảnh tóc lạc lõng vậy? Nhưng nếu cả bài thơ là một cấu trúc ẩn miêu tả thiếu nữ, thì hình ảnh tóc ấy sẽ vào đúng vị trí của nó.

Nếu giả định em là một “kiến trúc thu” thì có thể thấy cấu trúc của hai khổ đầu bài thơ là cấu trúc của ẩn dụ. Nhưng ẩn dụ ở đây không chỉ làm hiện lên những tương quan, thể hiện sự liên tưởng độc đáo của tác giả, mà ý nghĩa lớn nhất của nó lại là sự mờ nghĩa. Có thể thấy “mùa thu nhà em” được miêu tả chủ yếu ở “Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ” và “Đồi cốm đường thon ngõ cỏ”. Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ gợi nắng trong mắt, những hạt nắng lấp lánh ánh lên cùng với sự tinh nghịch , trong trẻo. Tương tự như thế, “Đồi cốm đường thon ngõ cỏ” có thể là sự gợi tả tuyệt vời tinh tế, ý nhị những vùng nhạy cảm của thiếu nữ nếu coi đó là cấu trúc ẩn dụ. Chân dung người thiếu nữ, hiện lên qua những dáng nét kì ảo, người thiếu nữ được đồng nhất với một vùng thiên thiên non trẻ, mềm mại và đầy sức sống.

Một ẩn dụ độc đáo nữa trong “Thu nhà em” đó là cách miêu tả một “vùng hương thiếu nữ” :

Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió

Vùng hương đầy sức quyến rũ gọi mời ấy góp phần hoàn thiện bức chân dung “người thiếu nữ thiên nhiên” kết tụ tinh hoa của tự nhiên.

Ở đây, một vấn đề có thể được đặt ra: Tại sao tác giả không sử dụng cách miêu tả trực tiếp, không dùng phép so sánh trực tiếp mà lại “giấu” hoàn toàn “đối tượng thể hiện”? Sự lựa chọn đó dù vô thức hay ý thức, cũng là một sự lựa chọn chuẩn xác. Toàn bộ cấu trúc ẩn dụ đã thể hiện một sự tương hợp lạ kì với quan niệm vẻ đẹp nữ tính của phương Đông, nơi cái đẹp không phô lộ, sự tinh tế, lắng sâu, sự chìm ẩn, ảo mờ là một chuẩn giá trị. Như vậy, người thiếu nữ ở đây không chỉ rất “thiên nhiên” mà còn thấp thoáng những “nét diễm xưa” trầm mặc của ngàn năm văn hóa. Có lẽ vì thế, chẳng có gì là lạ khi mái tóc ấy “hong mùi ca dao”! Nó đánh thức dậy cái “vị hương” của thời gian, của truyền thống, nơi cái đẹp định hình được “mẫu” hóa trong tâm thức dân tộc.

Ý niệm “con đường” hóa thân trong các hình ảnh “đồi”, “đường”, “ngõ” hóa ra vừa là vật kết nối vừa biến ảo hư hình. Ở đây, ta gặp cách nói lấp lửng dấp dính hai mặt trong thơ Xuân Hương, tuy nhiên, ở thơ Lê Đạt sự chuyển nghĩa không trực tiếp bị quy định của một từ “mạnh, đặc biệt, khác thường” như thơ bà chúa thơ Nôm, mà chuyển nghĩa do áp lực của cả thế giới hình tượng trong bài. Ranh giới giữa thiên nhiên và con người bị mờ đi, tả thiên nhiên, mà lại là tả người, tả người những lại thuần chất thiên nhiên. Ngay hình tượng thơ Lê Đạt bản thân hình ảnh chưa được chuyển nghĩa, đã là sự xếp chồng của hình tượng kì ảo, biến ảo, độc đáo và đầy sức gợi, làm thu hút sự chú ý vào nó. Tinh tế, nhẹ nhàng, kín đáo, đồng thời cũng rất tinh nghịch phải chăng đó là đặc trưng của hồn thơ Lê Đạt?

 

5. Cấu trúc khổ thơ

Cấu trúc chung bài thơ là một hiện thực chuyển động xung quanh ba từ duy nhất: Thu Nhà Em. Có thể hình dung cấu trúc ấy như một vòng tròn là sự xâm lấn, liên tục đồng nhất chuyển hóa từ Không gian Thu Nhà đến Em hoặc có thể chuyển hóa từ Em đến Nhà Thu. Trong sự chuyển hóa này, những chữ xoay quanh chữ như xoay quanh một quỹ đạo tròn, quanh thu là cúc, là cốm, là cỏ, là hoa, là phấn vàng, là gió; quanh nhà là đồi, là đường, là ngõ, là vũng; quanh em là tóc, là lông mày, là tuổi. Những điểm giao có thể tạo ra một vùng thiên nhiên thiếu nữ tựa một ngôi nhà thân quen mà kì vĩ. Nhưng tất cả đều nằm dưới vũ-trụ-cái-nhìn của Anh, mà mỗi chiều quay, mỗi khả thể kết hợp, mỗi điểm giao, sự gặp gỡ là một nhịp cung, một điệu hồn, một niềm mê say…

 

6. Vẻ đẹp thiên tính nữ

Hầu như, thiên nhiên trong thơ Lê Đạt đều được cảm nhận trong những dáng nét, vẻ đẹp thiên tính nữ. Cây gạo thì “lơi tình” “cởi thắm”, hè thì “thon cong thân nắng cựa mình”, còn miêu tả con người bao giờ trong sự đồng nhất với thiên nhiên “ai đánh rớt cánh hôn hồng cỏ dại”…Con người nhờ thiên nhiên mà bất tử hóa, thiên nhiên mang nét con người mà mềm mại, đầy sức sống, đồng thời cũng hấp dẫn hơn. Nhưng vẻ đẹp thiên tính này không chỉ chi phối hệ thống hình ảnh trong thơ Lê Đạt mà còn chi phối cả hệ thống kết cấu ngôn từ, từ “chữ” cho đến “câu”. Chữ trong thơ Lê Đạt cũng có “bóng” như người, mặt khác “bóng” lại gợi lên những kết hợp từ quen thuộc với nó mà tiêu biểu là “bóng hồng”, “bóng giai nhân”, những con chữ biết “tạo sinh”, mà tạo sinh, nhân lên, cũng là một trong những thiên chức tuyệt vời của người nữ. Thiên tính nữ này, cũng làm “mềm” ngữ pháp, có thể nói, sự linh hoạt, sự biến đổi tự nhiên của ngữ pháp, của câu, của nhịp điệu, làm cho trật tự từ vốn khá chặt trong tiếng Việt cũng bị nới lỏng ra, với nhiều cách kiểu kết hợp, tạo thành cú pháp tạo sinh…

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021