thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chùm thơ
Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu
 
Aleksander Wat (bút hiệu của Aleksander Chwat) là gương mặt hàng đầu trong phong trào tiền phong ở đất nước Ba Lan nở rộ giữa Thế chiến I và Thế chiến II. Ông sinh ở Warsaw, thuộc một gia đình trí thức Ba Lan gốc Do thái, học Triết học ở Đại học Warsaw, nhưng “thay vì một triết gia, ông trở thành một nhà thơ, người cùng sáng lập phong trào vị lai (đúng ra là theo trường phái dada) của Ba Lan năm 1919” (Czeslaw Milosz, tựa cho tập Những bài thơ Địa trung hải của Aleksander Wat).
       Wat xuất bản tập thơ đầu tiên Tôi từ phía bên này và phía bên kia bếp lò sắt của tôi năm 1920. Năm 1929 ông xuất bản tập truyện kể huyền hoặc Lucifer Kẻ thất nghiệp (Bezrobotny Lucyfer). Tập văn xuôi hình thành rất sớm này không báo trước con đường chính trị mà Wat chọn lựa sau đó (nghiêng dần về phía Cách mạng Nga, thập kỷ 20), nhưng đã phác họa một bút pháp thơ sẽ tồn tại lâu dài của ông. Khoảng 1929-32 ông làm biên tập cho một số tạp chí có ảnh hưởng lớn, đặc biệt là tạp chí cánh tả Nguyệt san Văn học, đồng thời tiếp tay phổ biến thơ Mayakovsky và cánh văn học vị lai ở Ba Lan. Năm 1939, ông bỏ lại vợ con và trốn Đức quốc xã, chạy lạc qua vùng do quân đội Xô viết chiếm, đoàn tụ với gia đình ở Lvov và tìm được một việc làm tại đây nhưng ngay sau đó bị bắt (đầu 1940), bị kết án phản động và đã phải đi qua nhiều nhà tù khác nhau: Lvov, Moscow, Kiev, Saratov... trước khi lại đoàn tụ với gia đình ở đất lưu đày Kazakhstan năm 1942 – nơi ông có dịp giao du với giới nghệ sĩ tiền phong Nga như Zoschenko, Pautovsky, Eisenstein là những người trốn Moscow về sống ẩn ở Alma-Ata. Sau chiến tranh, ông trở về Ba Lan, làm biên tập cho một nhà xuất bản Nhà nước, lại tiếp tục làm thơ và hoạt động văn học trở lại. Vào thời “băng giá”, giữa 1949-56, ông bị chính quyền hành hạ vì những quan điểm bắt đầu “không phải đạo” của mình, và sống bằng nghề dịch thuật. Vào thập kỷ cuối đời, những bài thơ mới xuất bản của ông được giới trẻ chào đón như một biến cố, trong khi sức khoẻ ông ngày càng yếu đi. Năm 1956, ông được trao một giải thưởng văn học, rồi đến 1963, vì lý do sức khoẻ, đồng thời cũng là lý do chính trị, có thể gọi là những phức tạp của chính trị, ông được đưa qua sống ở miền Nam nước Pháp. Trong dịp được trường Đại học Berkeley ở California ở Mỹ mời (1964), Aleksander Wat đã cho thu băng những buổi chuyện trò về cuộc đời và thời đại mình với nhà thơ đồng hương Czeslaw Milosz, những cuộn băng về sau được Milosz biên tập và cho xuất bản sau khi Aleksander Wat qua đời (Paris, 1967), với tên sách là My Century – có thể được coi như một thứ hồi ký kể lại cuộc sống Đông Âu trong thế kỷ mà tác giả cho là khủng khiếp.
       Để tìm hiểu về nhà thơ sinh ra trong một gia đình chính thống Do thái, một người tiền phong không mệt mỏi trong mọi hoạt động văn nghệ, từ vị lai qua siêu thực, vừa thiên chúa giáo lại vừa từng trải qua phần lớn cuộc đời như một người cộng sản, ngoài tập thơ Những bài thơ Địa trung hải (Nxb. Ardis/Ann Arbor, 1977) và Ngọn đèn lu (Ciemne swiecidlo, 1968) được xuất bản sau khi ông đã qua đời, và ngoài Thế kỷ của tôi nói trên, chúng ta có thể tìm đọc thêm cuốn hồi ký Mọi thứ được coi quan trọng nhất (Wszystko co najwazniejsze, 1984) của Paulina (Ola) Watowa (1904-1991) là vợ của nhà thơ, và cuốn tiểu sử Wat – Life and Art of an Iconoclast (1996) của nhà thơ học giả Tomas Venclova, giáo sư Nga ngữ và những vấn đề Đông Âu ở Đại học Yale.
 
 
ALEKSANDER WAT
(1900-1967)
 
 

Tại cuộc triển lãm

 
Thế giới chúng ta. Nhỏ đến nỗi
Một cây ghi ta
cũng đã đủ
để làm cho nó đông đúc với những âm thanh –
nếu đàn được đàn bởi Tình yêu.
 
Tình yêu ta không nhìn thấy được
dù nó hiện diện.
 
Bên cạnh ghi ta một cái cốc chạm với những trái táo
– một dấu hiệu vương giả
được biết từ cỗ bài ta rô;
thực hiện điều xấu-tốt;
trái cây của các nữ thần Hesperides
nhưng không phải làm bằng vàng,
trái lại – bằng những màu sắc
từ thế giới chúng ta
thế giới nhỏ đến nỗi
một cây ghi ta cũng đủ
vân vân.
 
Tất cả những cái đó ta nhìn thấy được
trừ Tình yêu
là cái ta không nhìn thấy
dù nó hiện diện
trong một cuộc triển lãm nhỏ
của một tay buôn tranh
ở vùng Ngoại ô Saint-Honoré.
 
                     Paris, 12.1955
 
 

Một giấc mơ hồng hạc

 
Nước nước nước. Và chẳng có gì ngoài nước.
Phải chi có hai phân đất! Hai phân bất-kể-loại-đất nào!
Để cắm một bàn chân lên đó! Phải chi!
 
Chúng tôi khẩn cầu các vị thần như thế! Tất cả các vị!
Thần nước, thần đất, thần nam, thần bắc,
Xin được hai phân, một mảnh nhỏ, một miếng vụn bất kể
                                                            loại đất nào!
Không nhiều hơn chỉ đủ để chịu đựng móng vuốt
                                                            của một bàn chân!
Và không gì cả. Chỉ nước. Không gì ngoài nước.
Nước nước nước.
Phải chi có một vết đất!
Không có sự cứu rỗi.
 
 

Làm một con chuột

 
Làm một con chuột. Một con chuột đồng thì thích hơn.
                                                Hay một con chuột vườn –
nhưng không phải là loại sống trong nhà.
Con người bốc một mùi hôi khủng khiếp!
Chúng ta ai cũng biết điều ấy – chim, cua, chuột.
Con người gợi sự ghê tởm và e ngại.
            Run sợ.
 
Sống bằng hoa đậu tía, bằng vỏ cây cọ,
đào bới rễ cây trên đất lạnh và ẩm
và nhảy múa sau một đêm mát trời. Nhìn ánh trăng tròn,
phản chiếu trong mắt mình ánh sáng trăng mượt mà
            Buổi hấp hối.
 
Đào bới một cái hang chuột trong khi thần gió bấc
                                                            Boreas ác độc
sẽ lùng tìm tôi với những ngón tay lạnh và xương xẩu
để vắt ép trái tim nhỏ của tôi dưới cái
                                           lưỡi móng vuốt của mình,
một trái tim chuột nhát gan –
            Một tinh thể đập theo mạch.
 
 

Từ những ngụ ngôn Ba Tư

 
Gần chỗ sông rộng, nước chảy xiết
trên một phía bờ đầy đá
một cái sọ người nằm la hét:
Allah la ilah.
 
Và trong tiếng la ấy sự kinh hãi
và sự khẩn khoản
nỗi tuyệt vọng lớn đến
nỗi tôi đã hỏi người lái tàu:
 
Sọ kia còn cần gì mà la thế? Có gì mà nó còn phải sợ?
Thần thánh đâu còn có thể phạt nó lần nữa?
 
Đột nhiên có một ngọn sóng
túm lấy cái sọ người
và tung nó lên cao
đập nó tan ra từng mảnh trên bờ.
 
Không có gì là đã qua khỏi
– giọng người lái tàu như từ đáy hang –
và cái ác là không có đáy.
 
 
--------------------------
* "Tại cuộc triển lãm", "Một giấc mơ hoàng hạc", "Làm một con chuột" được dịch từ bản Anh ngữ của Clare Cavanagh và Stanislaw Baranczak; "Từ những ngụ ngôn Ba Tư", từ bản Anh ngữ của Czeslaw Milosz và Leonard Nathan. Bốn bản Việt ngữ trên đều được in lần đầu trong Thơ mới Ba Lan do Hoàng Ngọc Biên tuyển dịch và giới thiệu, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021