thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đọc Duras ở Việt Nam
«En lisant Duras au Vietnam», Courrier international, No. 802 (16-22/03/2006)
Bản dịch của Hoàng Xuân Tứ

 

LTS: Dịch giả, nhà phê bình kiêm giảng viên văn học Việt Nam tại Đại học Paris VII-Denis Diderot, Đoàn Cầm Thi đã xuất bản nhiều bài viết và dịch một số tác phẩm, trong đó phải kể tới La Douleur [Nỗi đau] của Marguerite Duras (Hà Nội, 1999) và Au-rez-de-chaussée du paradis. Récits vietnamiens 1991-2003 [Tầng trệt thiên đường. Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam 1991-2003] (nxb Philippe Picquier, 2005), giải thưởng Le Mot d’or de la traduction năm 2005 (của UNESCO - Cơ quan liên Chính phủ các nước nói tiếng Pháp - Hội dịch giả Pháp văn).

 

Nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày người Pháp ra đi, văn học của họ được nhìn nhận như thế nào tại Việt Nam, đất nước sau đó sẽ hấp thụ thêm văn hoá Nga ở miền Bắc và văn hoá Mỹ ở miền Nam? Balzac, Hugo, Dumas liệu có chống cự nổi Dostoïevski, Tolstoï, Faulkner, Steinbeck? Thanh niên Việt ngày nay vốn mê phim bộ Hàn Quốc và chát trên mạng đọc Duras, Echenoz, Houellebecq như thế nào? Không có tham vọng phân tích toàn bộ hiện trạng văn học Pháp tại Việt nam, chúng tôi thử tìm câu trả lời sau khi quan sát kinh nghiệm của một số tác giả ở khoảng tuổi 25-50.

Rimbaud quyến rũ các nhà thơ Việt nhờ một văn phong thô, lạ thường. Nhà thơ bụi đời Trần Tiến Dũng nói về Con tàu say anh đã đọc qua bản dịch: «Chất hiện đại của Rimbaud nằm ở trong giọng thơ và thế giới quan của ông. Sức mạnh của thơ Rimbaud đến từ kinh nghiệm một mùa địa ngục». Với Trần Tiến Dũng, Rimbaud là một «cuộc nổi loạn chống lai tất cả mọi nghiêm kỷ: tinh thần, chính trị và thơ». Bùi Chát thổ lộ: «Nhóm Oulipo khiến tôi say mê vì những tìm tòi táo bạo: ứng dụng toán học, chơi chữ…». Bùi Chát là thành viên của Mở Miệng, một nhóm thơSài Gòn mang mục đích phản-mỹ-học. Bùi Chát tự định nghĩa trước hết như một nghệ sĩ: thơ với anh là một nghệ thuật được xây dựng không những với chữ, mà còn với hình học, âm thanh, không gian, ánh sáng, cơ thể. Như Oulipo, Mở Miệng không ngừng đi tìm các hình thức có khả năng thể hiện hiệu quả những biến chuyển mới của thế giới hiện đại. Balzac với bộ Tấn trò cười hầu hết đã được dịch ra tiếng Việt, làm mê hoặc nhiều thế hệ độc giả. Bùi Hoằng Vị nói: «Tiểu thuyết của Balzac đều là những điều tra về thời đại của ông. Chúng tôi thích sự tràn đầy ở ông, thế giới ông dựng lên lúc nhúc người và vật. Cái xương thịt và gân guốc của hiện thực Balzac hôm nay vẫn vô cùng hiện đại». Nếu nhà văn Sài Gòn này rất khó chịu với phong cách «đèm đẹp» của nhiều tác giả Pháp như Hugo, anh thích ngòi bút «không chải chuốt, hơi khô, nhưng vẫn mang một nét nhạc kín đáo» của Gide. Còn nhà văn quân đội Nguyễn Bình Phương lại thừa nhận mối nợ của mình với Proust, Céline, Camus, Beckett, Duras và Robbe-Grillet, những người đã trao cho anh «chiếc chìa khoá của kỹ thuật tiểu thuyết». Nhưng có lẽ Hoàng tử bé vẫn là tác phẩm yêu thích nhất của Nguyễn Bình Phương: «Tôi cười thích thú khi đọc đoạn văn về một ông vua có mỗi một con chuột là thần dân duy nhất. Ông ta thỉnh thoảng đem con chuột ra xử tử hình nhưng không thi hành án, vì nếu giết con chuột ấy thì chẳng còn thần dân nào để xét xử cả. Chỉ chi tiết ấy thôi đủ nói lên thiên tài của Saint-Exupéry!»

Một số tác giả khác đã gặp nước Pháp trên hành trình riêng của mình và thường biến vốn văn hoá đó thành một thứ «vốn» riêng. Ngô Tự Lập đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ, đã sống một thời gian tại Paris và viết thơ bằng tiếng Pháp. Với anh, sáng tác trong một thứ tiếng khác ngoài tiếng mẹ đẻ giống như một cuộc thám hiểm ngôn ngữ: «Cuộc phiêu lưu này hấp dẫn tôi vì nó làm nảy sinh trong tôi một cảm giác kỳ lạ. Đương nhiên, thách đố mới này vừa là tình yêu vừa là lo sợ: mỗi câu thơ viết ra đối với tôi là tìm kiếm và chinh phục». Trần Vũ, chuyên viên điện toán đồng thời là một nhà văn danh tiếng, không tỏ ra ngọt ngào chút nào với các tác giả Pháp: «Đọc Dantec, Viel, Carrière, Boyer ư? Các tác giả này không thao tác cú pháp. Văn phong của họ, rất hành chính, và đó chính là sự suy thoái của tiểu thuyết Pháp: nó không còn khả năng tưởng tượng ra một thế giới khác». Tuy nhiên, Trần Vũ thú nhận rằng một số cảnh tình yêu trong Mở rộng phạm vi đấu tranh của Houellebecq thật «tuyệt vời». Nhà văn nữ Thuận, sau khi học đại học ở Liên Xô, sang định cư tại Paris, thành phố từ đó Thuận khởi hành về Hà Nội, sang Berlin và New York. Tác giả ngoại kiều này từ chối sống bó hẹp trong cộng đồng, theo dõi rất sát văn học đương đại Pháp. Các tiểu thuyết của Thuận cũng thường lấy Pháp làm bối cảnh. Trong Chinatown, một phụ nữ Việt trẻ sống tại Pháp kể về mối tình ngang trái trước đây của cô với một thanh niên Hoa kiều Hà Nội những năm 1979 chính vào lúc cuộc xung đột Việt-Trung bùng nổ. Hôm nay, tại Paris, cô có thể nói về anh mà không ngượng ngùng xấu hổ. Người đọc, theo bước chân của nhân vật nữ, khám phá những phân tích độc đáo của tác giả về sự sụp đổ của đế chế Xô Viết, cuộc chiến tranh Irac, cơn bùng nổ của tân cường quốc Trung Hoa, các vấn đề ngoại ô Pháp. Lưu vong và bí mật tình yêu là hai chủ đề chính của Chinatown trong đó tác giả không quên gửi cho Duras nhiều cái nháy mắt lém lỉnh.

Đỗ Khiêm (bút danh Đỗ Kh.) sống ở hai nơi: Paris và California. Anh thú thật là không quan tâm lắm tới văn học Pháp đương đại kể từ Céline trở đi. Tuy nhiên, Đỗ Khiêm biết ơn ngôn ngữ Pháp đã cho anh khám phá không chỉ các nhà văn viết tiếng Pháp như Yourcenar và Đới Tư Kiệt, mà các tác giả nước ngoài khác như Babel, Malaparte hay Mishima. Nếu Băng Cốc chỉ cách Sài Gòn 800 km, Đỗ Khiêm biết tới các nhà văn Thái qua bản dịch tiếng Pháp. Với các sáng tác bao gồm thơ, truyện ngắn, kịch bản phim và tiểu luận, Đỗ Khiêm là thí dụ minh chứng tuyệt vời cho sự kết hợp phong phú của ba nền văn hoá và cũng là một trong những tác giả cách tân nhất của văn học Việt Nam. Văn phong của Đỗ Khiêm mang dấu ấn của nhiều hình thái ngữ pháp Pháp văn, cùng các câu văn khúc khuỷu, các dụng ngữ và điển tích khác lạ, nhiều từ ngữ nước ngoài đập nhau chan chát.

Như vậy, các nhà văn trẻ Việt Nam có một mối quan hệ bình đẳng với các nhà văn xứ Lục Lăng. Khác với những nhà văn tiền bối, họ thoát khỏi những cái bóng của Lamartine, Hugo và Daudet. Mỗi người đọc văn học Pháp theo cách riêng của mình và tìm thấy ở đó những hướng đi mới.

 
Hoàng Xuân Tứ dịch từ nguyên bản tiếng Pháp «En lisant Duras au Vietnam»,
tuần báo Courrier international số 802 (16-22/03/2006).
 
--------------------------------
Chú thích của người dịch:
Bài viết của Đoàn Cầm Thi nằm trong khuôn khổ Salon du Livre, hội chợ sách lớn nhất của Pháp diễn ra vào tháng 3 hàng năm.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021