thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Anh ơi...

 

 

ANH ƠI...

 

Một số bạn bè sẽ cười lăn lộn nếu tôi nói tôi là đứa giản dị và thích yên bình. Cũng đúng! Nhìn vào số lượng áo quần, giày dép, son đỏ (khoảng hai chục tông màu đỏ khác nhau) và cái cách tôi nói về sở thích ăn uống của mình, không ai nghĩ tôi là đứa dễ dàng đơn giản. Và nếu có người nào may mắn nghe qua danh sách những rắc rối mà tôi, bằng một cách hay ho nào đó (trời biết được!), tự cắm đầu mình vào, sau đó tự loay hoay thoát ra, thì không ai nghĩ tôi là đứa thích những điều lặng lẽ lều bều như đám lục bình trôi sông. “Điên rồ” và “bản năng” cũng là những từ cơ bản mà mọi người dùng để miêu tả khái quát về một đứa con gái hơi cà chớn trong kiểu ăn nói và có tí mầm mống dị hợm trong lối sống. Nhưng, tự tôi nhận xét về mình, tôi vẫn cho rằng mình là đứa giản dị và thích yên bình!

Tôi nghĩ điểm mạnh nhất và yếu nhất của bản thân chính là: cho đến thời điểm này, sau hai mươi ba năm sống (mà thực ra là mới biết sống khoảng bảy năm, trước đó coi như thực vật), trong tất cả những gì tôi đã làm, chín chục phần trăm được dẫn đường bởi một thứ màu đỏ, đập bịch bịch từ sáu chục đến cả trăm nhịp/phút (hoàn toàn có thể tăng lên tới trăm tám-hai trăm nếu gặp đúng đối tượng), không mắt và không có neuron (là cái mà mấy cha nội dạy sinh học ở trường cấp ba gọi là “nơ-ron thần kinh” đó!). Mười phần trăm còn lại, có lẽ tôi nghe theo một thứ tạm gọi là “ý thức”. Tóm lại, tôi dám khẳng định mình là một đứa không não. Do đó, việc nắm đầu tôi coi như là không thể, vì đơn giản là bạn không thể nắm thứ không tồn tại. Tuy nhiên, chính sự thiếu hụt nhẹ nhàng này lại khiến tôi cảm thấy đôi lúc mình ngu tệ hơn cả Phương-Trinh-não-ngắn (vì ngắn tức là có, mà ít, đằng này... không có luôn!). Điều duy nhất khiến tôi khác biệt với nàng có lẽ là ngực tôi nhỏ hơn và, sau khi phạm sai lầm, tôi không phải họp báo xin lỗi bố tiên sư thằng nào con nào cả! Vì ai làm nấy chịu! Đó, chẳng phải tôi suy nghĩ đơn giản lắm sao? Tôi đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ vũng lầy này đến vũng lầy khác, với hy vọng cái sau đỡ sâu hơn cái trước và từ đó mình có thể rút chân lên. Tôi chỉ sống bằng cảm xúc, và hy vọng. Không có công thức, không có lời giải đáp chính xác, không có gì tuyệt đối, không sở hữu, không quy luật, không định kiến. Đây chẳng phải là tối giản hay sao?

Yêu đương với tôi cũng thế. Tôi cố gắng xua đuổi hết mọi sự phân tâm xung quanh để tìm đến một cảm xúc nguyên sơ nhất. Gọi đó là tình yêu hay đam mê cũng được, kiểu như hoa hồng dù có tên gì thì hương vẫn thơm. Tôi ngửi cảm xúc của mình bằng một giác quan thứ sáu. Người đàn ông trong đầu tôi, lúc này tôi chú ý đến gã qua một điệu nhảy vụng về theo phong cách chim cánh cụt, rung rinh khi kẻ xa lạ này trông thấy một mẩu vụn bánh mì từ bữa sáng còn vương trên mép tôi, và lấy nó bằng một động tác điệu nghệ như thể anh đã luôn làm điều này từ ba năm nay... Đàn ông là một dạng sinh vật hết sức dễ thương nhưng chắc không đủ thông minh để hiểu được sự tối giản của phụ nữ. Đến bây giờ gã vẫn không biết là gã đã làm được điều thần kỳ, vì bình thường tôi cực kỳ ghét bị người lạ chạm lên mặt. Nhưng bạn biết đó, tôi đã nói ngay từ đầu là không có công thức tuyệt đối cho cảm xúc. Từ “rất thích” đến “yêu” có thể là một khoảng cách rất xa, phải qua vài vòng thử thách, hoặc có khi chỉ khoảng vài đêm nằm sấp đếm đốt ngón tay những cuộc tình đã qua và cùng nhau cười như nắc nẻ. Không ghen tuông, không sở hữu, không kỳ vọng xa xôi. Tình yêu của tôi không tồn tại theo ngày tháng, đó chỉ là những khoảnh khắc.

Khoảnh khắc mẩu bánh mì được nhẹ nhàng lấy đi.

Khoảnh khắc hai cánh tay lực lưỡng bế gọn tôi lên đi dọc hết con đường Đồng Khởi, ra tận bến Bạch Đằng

Khoảnh khắc lặng im hàng giờ nhìn sinh vật cao mét bảy sáu nặng bảy mươi tám ký sốt nóng hâm hấp, toát mồ hôi và người nồng nặc mùi tuổi thơ tôi.

Khoảnh khắc người đàn ông đó cứ nửa tiếng lại hôn lên trán tôi một lần chỉ để kiểm tra xem tôi có sốt hay không (ở nơi hắn đến, người ta kiểm tra thân nhiệt bằng môi, không phải bằng tay hay bằng nhiệt kế).

Khoảnh khắc tôi thèm khát, uống rượu vang đỏ từ đôi môi người tình, uống đến giọt cuối cùng.

Khoảnh khắc vùi đầu vào ngực, vào gáy và hít cái mùi quen thuộc, trong khi tay bắt đầu vò tung mớ tóc mầu hung.

Khoảnh khắc bình mình xuyên qua ô cửa sổ, đột nhiên giật mình tỉnh giấc và bắt gặp một đôi mắt xám đang nhìn mình ngủ say mê.

Những khoảnh khắc đó giống như những đốm sáng, loé lên, có thể tắt ngay, có thể cháy âm ỉ... nhưng kết quả vẫn sẽ là lụi tàn! Tình yêu không phải là mãi mãi. Chỉ có một thứ tình khác, hình như là tình thương, thì sẽ muôn đời (tùy vào độ tốt đẹp của hai người thương nhau). Tôi yêu hết mình nhưng hình như chưa đủ tuổi thương ai... Thường thì sau khi được tôi yêu, đàn ông sẽ trở thành bạn nếu họ đủ rộng lượng, và sẽ tan biến khỏi đầu óc tôi như một ảo ảnh nếu họ xấu xa. Đương nhiên luôn luôn có vài vệt đen để lại trong ký ức nhưng, như tôi đã nói, tôi không có não, nên dường như việc đó cũng chả ảnh hưởng gì lắm đến quyết định yêu đương của tôi sau này. Chưa người đàn ông nào là của tôi, và tôi biết ơn vì điều đó. Tôi không cố giữ ai nên tôi chưa bao giờ mất ai, anh ta thấy tôi hấp dẫn và tự nhiên muốn chui đầu vào. Thỉnh thoảng chúng tôi nằm lên người nhau, người này đóng vai làm “cái mền” của người kia, và chúng tôi nói chuyện hàng giờ, không phải về việc giữ chân nhau, mà làm sao để người kia bước đi tự do nhất! Chúng tôi học cách tránh làm tổn thương nhau, học cách phát tín hiệu cho nhau chỉ bằng một ánh mắt. Những ngày tháng đầu tiên của tình yêu thường bắt đầu một cách dễ thương như thế!

Rồi trong một phút chốc hết sức đàn bà, tôi nổi cơn tham và ham muốn sự bình yên, nhưng không muốn ổn định. Tôi nằm suy nghĩ, mặt mũi nghiêm trọng đến mức người đàn ông nằm kế bên hơi hoang mang, gọi tôi bằng tiếng Việt:

- Em ơi!

Và tôi lơ đễnh (cũng bằng tiếng Việt):

- Hử?

Sau một phút đăm chiêu, hắn rụt rè “bày tỏ quan điểm” bằng thứ ngôn ngữ phòng họp (bằng tiếng Anh):

- Đó có phải là cách trả lời thông thường ở Việt Nam khi có người gọi mình không em? Ý anh là anh nghe nói, với người lớn hơn thì người Việt phải nói “Dạ”, còn bình thường thì không có cách nào khác ngoài “hử?” sao? Ví dụ em gọi anh, anh không muốn “hử?” vì anh nghe có vẻ hơi thiếu tôn trọng...

Tôi chợt phát hiện ra mình vừa làm cho gã trẻ con sống lâu, to cao nhạy cảm này cảm thấy bị lơ là, và hắn thấy bất an. Tôi quên mất tiếng mẹ đẻ của mình quả thực là một phép mầu. Chỉ bằng hai chữ, người này có thể làm cho người kia cảm thấy rất bình yên...

- Ừ nhỉ, em không để ý đấy! Đúng là “hử?” nghe rất chán, kiểu như ai gọi anh mà anh “what?” vậy. Đúng không?

- Dạ (tiếng Việt!)

- Tiếng Việt, anh có thể trả lời là “Ơi” mỗi khi ai gọi anh “Anh ơi!” Hoặc anh “Dạ” với người lớn, hoặc với em, anh có thể nói “Anh đây...”

- Thế em thích kiểu nào?

- “Anh đây!”

- Sao vậy? Nó nghĩa là gì?

- Nghĩa là “I’m here”... Nghĩa là anh ở đây, bên cạnh em. Kiểu như khi em cần một cái ôm hay một người nào đó, anh luôn sẵn sàng. Em gọi anh, nghĩa là em cần anh, thì tất cả những gì anh phải làm là có mặt, thế thôi! Hiểu không?

- Anh hiểu (tiếng Việt!)

Bốn giờ sáng hôm sau, tôi đột nhiên tỉnh dậy sau một cú trở mình. Tôi vòng tay ôm lấy thân hình trắng nõn và gối đầu lên bộ ngực nhiều lông như một giống khỉ lạ. Tôi gọi:

- Anh ơi!

Anh như đứa trẻ con ngái ngủ, mắt vẫn nhắm nghiền và mò mẫm bàn tay tôi qua ánh sáng tờ mờ vừa xuyên qua cửa sổ. Kéo tôi lại gần, ôm chặt hơn, rồi trong khi một tay bắt đầu vuốt ve dọc theo sống lưng mà trước đó anh gọi là “lưng lụa”, anh thì thầm:

- Anh đây...

Trong khoảnh khắc, tôi tìm thấy sự bình yên.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021