thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
VÌ SAO CỦA ĐIỀU KHẢ HỮU
Bản dịch Diễm Châu
 
 
ERNST MEISTER
(1911–1979)
 
ERNST MEISTER (1911-1979) là một thi sĩ kiêm hoạ sĩ Đức, rất gần Hölderlin, Novalis và Paul Celan — người duy nhất mà chính Meister nhìn nhận là có thân thích về nghệ thuật với mình. Meister sinh ngày 3. 9. 1911 tại Haste, gần Hagen, vùng kỹ nghệ ở Westphalie, nơi thân phụ ông điều khiển một xí nghiệp nhỏ.
 
Sau tú tài (1930), Meister theo học thần học, rồi triết lý, văn chương Đức và lịch sử nghệ thuật ở Marburg, Berlin trong hai năm. Tập thơ đầu tay của ông, Austellung («Trình bày») xuất hiện vào năm 1932.
 
Năm 1934 ông nghiên cứu ráo riết về Nietzsche với dự định viết luận án tiến sĩ về đề tài «Ẩn dụ về biển như ẩn dụ về tinh thần trong tác phẩm của Nietzsche». Nhưng giáo sư hướng dẫn, K. Löwith, là một người Do-thái, phải rời bỏ nước Đức; luận án cũng vì thế mà phải bỏ dở. Meister lập gia đình năm 1935, và đến năm 1939 thì dọn về ở với thân phụ, làm nhân viên trong nhà máy của cha.
 
Trong năm năm kế tiếp, Meister bị động viên, được giải ngũ tạm vì lý do sức khỏe, rồi lại bị gọi tái ngũ như lính thường. Rốt cuộc bị bắt làm tù binh ở Ý từ 1943 đến 1945.
 
Sau 15 năm, kể từ tác phẩm đầu tay, Meister cho xuất bản tập thơ thứ nhì. Rồi trở lại làm việc cho nhà máy của cha. Và khởi sự viết những vở kịch truyền thanh. Ông cũng bắt đầu vẽ lại từ năm 1953, hoạ phẩm gồm khoảng 400 bức thủy mặc và giao mặc và chừng 100 hình vẽ. Ông đã gặp gỡ hoặc giao du với nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có Paul Celan và Ingeborg Bachmann,...
 
Từ năm 1960, bị xí nghiệp gia đình, lúc này do người em trai trông coi, «sa thải», Meister hoàn toàn sống bằng ngòi bút. May thay, các thi phẩm, kịch bản truyền thanh... gia tăng đều đặn. Meister còn viết văn xuôi cho báo chí và đi giảng dạy về một số nhà văn như Baudelaire, Rimbaud, Mallarmé, Hofmannstal, Musil, Benn, Montaigne, Pascal, Nietzsche và các nhà đạo đức Pháp. Giới đại học và công chúng đông đảo ngày càng biết tới ông.
 
Meister nhận được một vài giải thưởng như Giải thưởng của thành phố Hagen (1962), Giải thưởng lớn về nghệ thuật của Vùng Rhénanie ở Bắc-Westphalie (1963); nhưng từ 1967, mắt ông cũng bắt đầu «có vấn đề»: thị lực suy giảm nghiêm trọng.
 
Năm 1970, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Hölderlin, Meister viết một «suy tư triết học» vể tác phẩm của Hölderlin, dưới dạng kịch bản truyền thanh, nhưng năm đó cũng là năm Paul Celan trầm mình trên sông Seine. Bởi thế, ông đã tìm cách đưa hai nhà thơ thân mến vào một công trình thơ, và kết quả là Năm kỳ dị (theo bản Pháp văn) hay Sage vom Ganzen den Satz (nguyên tác, 1972).
 
Ông trở thành thành viên Hàn lâm viện Đức về ngôn ngữ và văn chương vào năm 1975; và các giải thưởng có tiếng về thơ cũng dồn dập đến với ông về cuối đời: Giải Pétrarque (1976, cùng với Sarah Kirsch), và Giải Rilke (trao tại Paris, 1978).
 
Ernst Meister mất tại Hagen ngày 15. 6. 1979. Và Giải Büchner, giải thưởng quan trọng bậc nhất về thơ của Đức, đã được truy tặng ông cùng năm. Ông để lại khoảng hai mươi thi phẩm; ảnh hưởng được nhìn nhận là «ngày càng lớn» đối với thơ Đức và thơ thế giới.
 
Hai mươi mốt bài thơ của Ernst Meister ở đây được trích dịch từ các tập thơ của ông từ 1932 đến khoảng 1968. Đây mới chỉ là một phần đầu của một Tuyển tập thơ Ernst Meister mà tôi hy vọng sẽ có thể cống hiến bạn đọc những phần kế tiếp. Các bài dịch cũng như ghi chú này dựa theo hai bản Pháp văn của Françoise Lartillot và Denis Thouard (1993) và một bản của Jean-Claude Schneider (1992). Cả ba bản Pháp văn này đều có in đối chiếu nguyên tác.
 
Diễm Châu, 2006.
 
 
 
 
VÌ SAO CỦA ĐIỀU KHẢ HỮU
 
 

NGƯỜI GÙ

 
Y đi.
Y đã trải qua một cơn mộng dữ.
Lúc này y đi lưng gù và hơi thở khó khăn.
Y đi.
Trán y rủ xuống bụng.
Y đi.
Đôi bàn tay cũng buông thõng.
Y đi.
Trán y rớt xuống chân.
Y đi.
Và trước mặt y đầu y lăn.
Nó lặp lại chuỗi kinh cầu:
Ta ở đây với lũ trùn.
Mộng ta là mộng dữ.
Y đi lưng gù trong ánh ngày.
 
 

BÓNG TỐI

 
Bóng tối, ta không hỏi,
mạnh giỏi ra sao.
Nó không hát.
Nó không có mắt.
Bóng tối là một con chó chết.
 
 

HẾT THẢY TỰA TRÊN MÌNH

 
Tôi tựa trên tôi.
 
Thành phố đi dạo chơi qua đường phố
Trái núi leo trên mình.
Một phi thuyền dừng lại giữa lúc đương bay và suy nghĩ.
Dòng sông nói: Tôi phải chảy về đâu?
Thượng đế nói: Mẹ ơi, con không chịu được nữa. Nóng quá.
Mặt đường nói: Hết xăng rồi.
Buổi chiều bao quanh mọi người mà nói: Chào ban chiều.
Các bà mẹ đồng thanh:
Hết thảy tựa trên mình.
Các bà cười.
 
 

SẦU MUỘN

 
Và mọi lời đều là lời vĩnh biệt,
phóng qua cánh cửa của ngôi nhà những người chết,
nơi hát lên một cỗ sọ
nơi những lóng tay chơi
bài tình ca xưa:
 
Tái xanh là mặt trong của lớp vỏ đỏ trái táo,
tái xanh hơn nữa là đứa trẻ trên bậc đá,
khi chiều rơi và đứa trẻ run run
không biết mẹ đi đâu,
nó kêu khóc và lặp lại mãi,
rằng máu chảy,
máu trút ra... rỉ hoài... và bay...
 
Hỡi các ngươi, các ngươi ở đâu, những kẻ nắm giữ ngôn từ, nắm giữ chúng ta?
Các ngươi những thiên sứ? — Những thiên sứ nằm dài trong những cỗ áo quan,
phủ đầy tuyết của những tiếng thở dài.
Họ nằm dài trong một gian phòng khác của ngôi nhà,
nơi những lóng tay chơi
bài tình ca xưa:
 
Tái xanh là mặt trong của lớp vỏ đỏ trái táo...
 
 

TIẾNG KÊU BỎ TRỐN

 
Tiếng nức nở của thú rừng ở những nơi quanh co của
chiếc tù-và đi săn... nhưng kẻ đi săn biết gì được về chuyện đó?
Y treo chiếc tù-và lên vách.
Và con thú khóc than trong chiếc tù-và,
vách tường nào có nghe.
 
Thế nhưng một tiếng kêu, tôi, thoát khỏi chiếc tù-và lấp lánh
trên bức vách màu lá cây, lướt tới bước đường cùng
trên khuôn mặt của người hãy còn đi săn trong giấc ngủ,
vấp phải mái tóc đen buông xõa của
vợ y và còn phớt qua những làn má đỏ hồng
của lũ con trai nữa; tuyệt vọng, tôi bứt khỏi
những nắm tay chai sạn của bọn hỗ trợ cuộc săn
và hai bàn tay nứt nẻ của chị vú già,
đang rên rỉ trong mơ.
Đuổi theo tôi là tiếng tru tréo của lũ chó ngao,
tôi thẳng cánh vút qua khung cửa sổ ban đêm trốn thoát,
băng trên khu rừng đen,
lao sâu vào khoảng không của trời rộng lớn,
và ấy là
để hãi hùng chấm dứt, bởi không thể chịu đựng được.
 
Tôi hối tiếc,
lộn vòng trở lại cái mê lộ của chiếc tù-và,
đang lấp lánh trong đêm, và rũ rượi, thiếp đi
bên bức vách xanh màu lá cây,
với những bộ lông cánh, bộ da lông êm dịu
của những loài thú buồn.
 
 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

 
Trong không gian không sấm sét
những con chim trắng lượn quanh những cây hạc cầm bằng pha lê.
 
Trên những luống cày của những cánh đồng vào xuân,
chảy tràn lan nhựa xanh của cuộc sống;
tựa một dòng sông, nó chuyển về hướng đồi Golgotha,
để hòa lẫn lúc hừng đông tới – những hàng mi mặt trời đỏ máu, xám tro –
với dấm chua man rợ.
 
Hỡi Núi Sọ! Cội cây của sự chết! Tai ương của trời! sự chĩu nặng của Thượng đế!
Ngày mai, tôi sẽ không có mặt ở Thiên đường,
mà như chiếc cối xay, tôi sẽ nghiền nát những nỗi sợ,
như kẻ tôi tớ của trái đất tôi sẽ ca những bài thánh ca.
 
Sau công việc, tôi sẽ dạo chơi với Mạc-đa-liên* trên mảnh ao của nhà máy xay gió.
Người đàn bà tội lỗi mặt trời lúc ấy sẽ hoài công khóc,
bằng cửa miệng run run nhai miếng bánh mà tôi đã nghiền hạt!
 
Đêm tựa nhà mồ! Ở bên tôi, các thiên sứ rên xiết trong những giấc mơ khủng khiếp:
Mẹ Maria không thể trả lời câu đố của con nhân sư;
Giu-se khủng khiếp nhạo cười những kẻ chết vì bị tra tấn;
Đức Chúa Cha là người chế tạo kính mắt như Spinoza ngày trước
Tóc hoa râm và hầu như đã mù, ngài mài những tròng kính.
 
Chúa ơi, Chúa ơi, đẹp biết mấy hoa cây hạnh đào ở núi Sion, giấc mơ của con!
 
--------------------
* «Magdalena» trong nguyên tác hay Marie-Madeleine (Pháp văn).
 
 

VẬT LỘN TRÊN MỘT GIƯỜNG HOA HỒNG

 
Vật ấy trong cổ họng
không phài là sô-cô-la tan chảy,
cũng chẳng phải mảnh vẩy hạnh nhân
ở cửa miệng người đàn bà Rất-yêu dấu,
ấp giữa đôi vành môi.
 
Màu trắng ấy nơi con mắt đối thủ
đã quên những cặp đùi thiếu nữ,
là trời-của-sự-chết, nơi những cái trứng đen dập nát
và những cánh hồng-trà bay.
 
Dẫu sao
người kia đã chảy máu nơi những bông hồng
trên đó là
như kẻ nằm sóng sượt dưới đất thấy
những con rận xám xanh
đang lúc nhúc bò tới
để nuôi thân giữa cái tâm vàng của những bông hồng và toàn thắng.
 
Và bầu trời Tối cao cũng trở thành xám như lũ rận.
 
 

TRONG CHUỒNG THÚ Ở B.

 
Bên người trong chuồng thú thời ấm áp.
Ngoài đồng mùa đông quất roi lên người chúng tôi.
Hỡi Chúa Hài nhi, sinh từ bông hồng của tuyết,
sáng rỡ trên đám rơm,
để nhìn thấy người, chúng tôi đã tới,
không phải để chất lên người
nỗi thống khổ gai nhọn của chúng tôi. —
Và chúng tôi đứng đó
trong hơi thở của bầy thú dịu êm như sữa
như dưới hơi ấm của gió Nam.
Từ Núi cây Dầu trôi ra lớp dầu vàng ánh...
Những âm thanh cây hạc cầm của David
cũng tới với người như những kẻ đỡ đầu,
 
và chẳng phải sao Uria cũng có mặt ở đây,
viên đội trưởng đơn sơ và chung thủy
mà nhà vua đã đoạt mất vợ, là Bethseba
và thành hôn với bà trên những áng mây của Gia-vê,
Uria, đang thì thầm những phán quyết của Salomon? —
Xa biết bao nỗi thống khổ cay đắng của chúng tôi,
khi chúng tôi được thấy bàn tay hồng hồng của người
vươn ra ngoài đám rơm của máng cỏ
hướng tới cái sừng trăng ánh bạc...
 
Dưới bầu trời tiên tri của Maria
hãy còn bước tới với người những người khách tốt lành
trên tấm khăn liệm của tuyết.
Và mới đây thôi đã đến với người
Tonoko, em bé, sinh từ những vết thương chí tử,
một em gái, dưới cây nấm độc
ở Hiroshima vào giây lát của ánh chớp,
Tonoko, ở bàn tay của im lặng được giữ gìn cẩn mật nhất
nơi trại im lặng ở W.
 
 
SAU APRESLUDE *
 
Cát ở Brandenburg mở ra.
Một lần là bằng hữu,
một lần là buồn phiền đi qua
và: Vĩnh biệt cú pháp.
 
Chết, nơi mình và vì mình
điều ấy tôi không hiểu được.
Những lời từ ngôi nhà tổ phụ
tôi nghe êm tai.
 
Giờ hãy hòa cung đàn với cái thoáng qua
và với tiếng vỡ đổ của thế giới:
Bùng bập bùng điệu quân hành — toàn tiếng sắt tây loảng xoảng —
Cái trống, cùng với bệnh lậu, xin chào.
 
A, giờ là một nhành vạn niên thanh,
ca khúc của loài cây dây leo, Benn trong giấc ngủ,
muôn vàn cảm tạ, và giờ đây...
 
Một đội hoa hồng.**
 
--------------------
* Tựa đề trong nguyên tác: «Apres Apreslude». Apreslude là tên tập thơ cuối cùng do Gottfried Benn (1888-1956) xuất bản vào 1955. Gottfried Benn là một nhà thơ có xu hướng «thiên» quốc xã, (nhưng cũng không được trọng dụng). Xin xem thêm về G. Benn trong Tiền Vệ, ở phần đầu «Vài nét về thơ Biểu hiện Đức».
 
** Trong nguyên tác: «Ein Rosenphalanx». Rosenphalanx không được dịch là «Một lóng… hoa hồng» là vì chữ «phalanx» ở đây gợi nghĩa một binh đoàn hay một tổ chức chính trị (phát-xít). Tất nhiên, chữ «đội»… thường thấy cũng chưa lột được hết nghĩa… (ND.)
 
 

MỘT ĐỨA TRẺ NÓI

 
Một đứa trẻ nói: tôi đen tối.
Ấy mùa xuân.
Người làm vườn đi tới đất.
Mặt trời đi
tới đất và biển.
Mở ra những cánh cửa.
Đóng sập lại những áo quan.
 
Thế thì tôi nói đã rõ chưa?
Tuyết chìm vào lửa,
và lúc này bông anh thảo có đó.
Một bông hoa tím giữ trên miệng,
một người đàn ông ngoài biển.
Một đứa trẻ nói:
tôi đen tối.
 
Ở đó! Hỡi người đàn bà, da thịt
trên cổ người già đi.
Ở đó, hỡi người em gái, thịt da nào
nhung tơ.
Lúc này chăn đôi mắt tôi
là một người chăn cừu — tôi không thấy người ấy.
Một đứa trẻ nói: tôi đen tối.
 
 

LÚC NÀY

 
Lúc này
Lúc này là đã lâu.
Lúc này
là tháng Chín —
xế trưa.
 
Mùi
tro ấm.
Như thể tôi,
bị đốt cháy hôm nay,
tôi chính là tro.
 
Tôi có đó?
Tôi không có đó?
Tròn như dĩa
và nặng những trái táo,
trái lê
là ánh sáng.
 
Tôi hiện có.
Tôi hiện có đó với những đóa hoa.
Những sợi mi mặt trời,
những hạt nhân
trong vòng con ngươi chúng:
những mắt,
thật gần mắt tôi.
Phải chăng tôi không còn nữa?
 
Ánh sáng của con người
trong bóng tối đỏ sậm
một tia chớp.
 
Lúc này:
một buổi xế trưa
tháng Chín.
LÚC NÀY
là đã lâu.
 
 

BẨM SINH

 
Một người câu cá
ngồi trên tảng đá núi
đi giày nhẹ
và phóng lưỡi câu.
Biển ở xa xa dưới chân...
 
Lúc này
là dành cho cái chết,
cái chết là chốn chung
của mỗi người,
bẩm sinh nơi y
(không ai là không thế),
 
tại sao lại không phải ở dưới chân con dê,
không chút choáng váng?
 
Một người câu cá
ngồi trên tảng đá núi
đi giày nhẹ.
Biển cả
uốn lượn dưới chân.
 
 

ĐỘT NHIÊN

 
Như phủ bóng của một vòm cao
và đen thật xa,
ánh sáng bước vào rạng rỡ.
Mọi sự vật, mọi sinh vật
bước vào trò chuyện cùng ánh sáng.
 
Cái cây thì xanh hơn, và nâu hơn
là mặt đất, những vách bánh mì;
các ngôi nhà để lộ
màu trắng.
 
Còn một lát nữa
con cừu mẹ cho con
trong bầu khí ê-te tươi nở này.
Rồi đột nhiên bóng tối
như một cuộc trảm quyết.
 
 

CÔ GÁI CHĂN CỪU

 
Những con thú mà cô đang kêu gọi, những con cừu con,
cô gái chăn cừu,
cô lại cũng chẳng chăn giữ đấy sao
những con cừu
tựa bóng ma mà cô đã bỏ mặc
cho người xẻ thịt?
 
Này,
bằng giọng nói nào
cô thu hút bầy thú của cô
về nhà
ban chiều?
 
Nhưng coi kìa,
loắt thoắt chạy
bên những bộ lông ấm áp
trong những tia sáng
của một mặt trời bông huệ
những bộ xương cừu con.
 
 
THU HỒI *
 
Ấy là chuyện cất bước, con đường
và không gì khác hơn nữa.
Nỗi sầu nheo mắt,
mặt trời ở tột đỉnh.
Tươi cười, những người chết
rắc bụi lên mí mắt anh.
Và gánh nặng chất lên
chưa bao giờ nặng hơn.
 
Ngộ nhận hiểu ra,
Phiền muộn —
Những cuốn sách muộn phiền vì phiền muộn
và trở lại
những vấn nạn như thế, nhẫn nhục như thế.
Mi nghệ thuật quá dịu êm...
Nếu ý nghĩa của ý nghĩa là riêng tư,
con người dịu hiền** ấy vẫn còn hãi sợ
trong sự tế nhị của ông.
 
Và gánh nặng chất lên
chưa bao giờ nặng hơn.
Ngả theo cơn gió xoay vần
mà anh đã làm im tiếng
đó đây
là những chỏm lau sậy ở đầm lầy.
Tươi cười, những người chết
rắc bụi lên mí mắt anh.
 
Và gánh nặng chất lên
chưa bao giờ nặng hơn.
 
--------------
* Tựa đề trong nguyên tác là «Gedächtnis» («Hoài niệm») đã được dịch khác đi, theo bản Pháp văn của Denis Thouard và Françoise Lartillot (vì những liên hệ giữa các chữ Gedächtnis-Verdacht-gedacht mà E. Meister dùng trong bài…)
 
** dịch nghĩa vần đầu Holde của «con người dịu hiền cả đến trong tên»: Hölderlin. (ND.)
 
 

ĐƯỢC CHE CHỞ VÀ BỊ GIAM GIỮ

 
Trên những đầu hồi câm nín
những con gà trống trắng
không động đậy.
Lấp lánh
những tấm gỗ dùng thay ngói và gia cầm
dưới ánh trăng.
 
Trong tia sáng trăng
tôi giữ, tôi xoay
một cây chữ thập.
Như lớp sơn bóng
nhỏ giọt từ cây ấy
một dòng máu đỏ thắm.
 
Tôi cảm thấy mình
ở trong một trái cây lớn có vỏ cứng
cùng với những con gà trống, những mái nhà,
cây chữ thập và ánh trăng, máu
— như lớp nhân ở bên trong —
vừa được che chở vừa bị giam giữ.
 
 

TRỜI CỦA TẠO VẬT

 
Bất lực gạch đường nét của mình
ngang qua bầu trời
của tạo vật
và các tiên tri của tạo vật.
 
Và không một phép mầu nào
đến từ buổi chiều.
Hèn mọn, ngôi sao của nó
nhấp nháy.
 
 
BỜ BIỂN *
 
Em hãy quay lại
đôi môi tôi.
Tôi sẽ kể em nghe
một bài ca của người chèo thuyền
dưới hàng mi:
 
Chúng ta giong buồm
bằng mí mắt
xuôi theo
bờ biển,
chuyện vãn với ánh sáng.
 
----------------
* Tựa đề bài này: «Küste» (Bờ biển) còn khiến ta nghĩ tới chữ đồng âm «Küβte» (Nụ hôn). (ND.)
 
 
ĐÓ LÀ GIỜ PHÚT *
 
Đó là giờ phút
những ngón tay của bông hồng
nắm lấy tóc người nằm ngủ
và nhận chìm
khuôn mặt y
vào nỗi kinh hoàng một giấc mộng.
 
---------------
* In nghiêng, vì nguyên tác không có tựa (ND.)
 
 

NÓI VÀ IM LẶNG

 
Đối diện với tôi
là im lặng
của đá: khắp chung quanh
tôi viết
tiếng động của trước đêm tối,
 
và có điều gì đó nói:
Nói
khiến tôi ghê tởm,
bởi thế tôi im lặng,
không nói với ai,
không cả với tôi,
 
hãy để sáng lên
ánh trăng
trên một khuôn mặt
già nua
 
(kẻ biết
khi nào thì tôi
rời khỏi đây).
 
 
TRỜI *
 
Trời
trước hết thì có
(không phải Thần thánh),
mà là
nỗi Bất hạnh này:
vì sao của điều khả hữu.
 
---------------
* In nghiêng, vì nguyên tác không có tựa (ND.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021