thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
LỊCH SỬ KÍNH MỜI

 

Tôi là một người đàn bà bình thường, một người đàn bà tầm thường thì đúng hơn; đời tôi là một cuộc đời nhàn nhạt, vô vị, không có sự kiện nào có tầm cỡ đáng để ghi vào tiểu sử hay lý lịch cho sang trọng.

Tôi kiếm sống bằng nghề buôn bán đã mười lăm năm nay. Tôi có một cái tủ kính nhỏ để bày hàng trên vỉa hè trong Chợ Lớn.

Người ta nói “phi thương bất phú” nhưng bao năm buôn bán lương thiện tôi vẫn chưa giàu. Chưa giàu mà lại có chút điều tiếng. Điều tiếng là vì cái mặt hàng tôi bán vốn là thứ nhạy cảm, nên nhiều người vẫn ngại ngần khi nghĩ đến việc phải đi mua nó; nó vẫn mang một sắc thái không đàng hoàng cho lắm trong cái nhìn đạo đức và văn hoá khá là lạc hậu ở xứ sở này. Nhưng tôi biết cái mặt hàng này đang là một trong những nhu cầu cần thiết nhất của con người trong thời đại văn minh. Người ta không thể vui sống mà không có nó.

Ai mà không yêu cơ chứ? Ai yêu mà không làm chuyện đó cơ chứ? Ai làm chuyện đó mà không nhờ đến nó — mặt hàng tôi bán — để tự bảo vệ mình và bạn mình khỏi những phiền hà không đáng có cơ chứ? Tất nhiên cũng có những kẻ yêu nhau mà không làm chuyện đó. Hay ngược lại, cũng có những kẻ không yêu nhau mà vẫn làm chuyện đó. Nhưng tựu trung, làm chuyện đó mà có nó hay không có nó là sự tự do được chọn lựa của con người, làm sao tôi có thể xâm phạm vào sự riêng tư? Tuy nhiên, hàng tôi bán rất chạy, nhờ bán nó mà tôi sắm được chiếc xe gắn máy, mua được căn nhà cấp 4, và nuôi gia đình đủ sống qua ngày.

Tôi có gần như đủ các thương hiệu của mọi quốc gia sản xuất có mặt trên thị trường. Từ thứ bình dân cho đến thứ cao cấp. Đủ mọi phong cách và mùi vị và màu sắc và kích cỡ và độ dày mỏng. Thậm chí tôi đang có cả loại đặc biệt mà người ta có thể ấn định thời gian sử dụng dài hay ngắn theo ý muốn của mình. Thậm chí tôi đang có cả thứ phát ra tiếng nhạc sôi động hay dìu dặt tuỳ theo ý muốn, từ nhạc cổ truyền đàn sáo réo rắt cho tới các bản giao hưởng kinh điển hùng tráng của nhân loại.

Tôi giữ mức giá phải chăng, lời ít nhưng bán nhiều là tiêu chí của tôi. Khách hàng của tôi có đủ mọi thành phần trong xã hội. Tôi rất công bằng. Tôi phục vụ mọi khách hàng với sự ân cần và tinh thần trách nhiệm như nhau, không phân biệt sang hèn, giới tính, màu da, trình độ văn hoá, chính kiến, tín ngưỡng, vai vế xã hội… Hơn thế nữa, tôi rất yêu nghề, tôi chân thành kính trọng ý thức xã hội và niềm vui của khách hàng. Khách hàng là Thượng đế. Tất nhiên, niềm vui của Thượng đế là niềm vui của tôi.

Điều tôi quan tâm duy nhất là lứa tuổi của khách hàng. Tất nhiên rồi, làm sao tôi có thể đang tâm bán hàng cho những đứa bé vị thành niên cơ chứ? Làm sao tôi biết được bọn trẻ có sử dụng nó sai mục đích hay không? Trong trường hợp này, để yên tâm không bị lương tâm cắn rứt thì tôi sẽ giới thiệu cho chúng một cửa hàng đồ chơi có bán bong bóng ở gần đây.

Tôi không có cửa hàng, tôi chưa đủ tiền để thuê một mặt bằng và tích trữ thêm nhiều hàng, nhưng sẽ có ngày tôi phát triển công việc kinh doanh của mình với quy mô lớn hơn, đó là giấc mơ mà tôi sẽ thực hiện.

Bây giờ tôi tạm bày hàng trong một cái tủ kính để ở góc phố. Trên tủ kính, tôi đặt một tấm biển có kẻ dòng chữ nắn nót:

 

GIÚP BẠN THỂ HIỆN BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG

LÀ VINH DỰ CỦA CHÚNG TÔI!

 

_________

 

Một đêm, một đêm mưa lâm thâm.

- Ở đây bà có bán mặt hàng đã qua sử dụng không?

- Hàng ‘đã qua sử dụng’? Thưa ông, tôi không hiểu cho lắm ý ông nói.

- Tôi đang nói tiếng Việt và nói rất rõ mà. Tôi hỏi bà có bán mặt hàng đã qua sử dụng không.

- Thưa ông, ông nói là mặt hàng này? (Tôi lấy ra một trong những chiếc hộp màu đỏ để trong tủ kính, đưa cho ông khách xem.)

- Đúng rồi, mặt hàng này. Nhưng yêu cầu của tôi là loại hộp có hai cái, đã qua sử dụng, và quan trọng nhất là nó phải là hàng Made in China.

- Vâng, tôi hiểu phần nào yêu cầu của ông rồi. Hộp hai cái, tôi có. Made in China, tôi cũng có. Nhưng còn cái vụ ‘đã qua sử dụng’ thì tôi không hiểu. Tôi không có. À, tôi chưa có, thì đúng hơn. Mà như thế nào là ‘đã qua sử dụng’, thưa ông?

- Tôi vẫn nói tiếng Việt mà, sao bà không chịu hiểu? ‘Đã qua sử dụng’ có nghĩa là đã xài qua rồi, hiểu chưa nào?

- Cái này? Đã xài qua rồi? (Một cơn buồn nôn thốc lên ngực tôi, choáng váng. Thôi nào, bình tĩnh, đừng xúc động đến vậy chứ!)

- Đúng vậy, bà bắt đầu thông minh hơn rồi đó. ‘Đã qua sử dụng’ có nghĩa là đã xài qua rồi.

- Đã xài qua rồi, nhưng ai xài? Xài như thế nào? Ở đâu? Với ai, thưa ông?

- Bà định đổi nghề à? Bà đâu có phải là đồng nghiệp của tôi mà hỏi nhiều vậy?

- Vâng, vâng. Thưa ông, tôi xin lỗi. (Nói vậy, nhưng làm sao tôi biết vì đâu mà ông ta cho rằng mình là đồng nghiệp của ông ta.)

- Vậy bà có hay không có? Giá cả chuyện nhỏ, không thành vấn đề! Tôi không có nhiều thời gian đâu. Không có thì tôi đi mua chỗ khác. Và nhớ rằng tôi không muốn bà thắc mắc và bép xép với bất cứ ai về vụ này, bí mật quốc gia đấy nhé.

Tôi không thể để mất người khách này, dứt khoát không!

- Vâng, thưa ông. Vâng, bí mật quốc gia, tôi hứa. Tôi sẽ không thắc mắc, không bép xép với bất cứ ai về giao dịch này. Và tôi sẽ có hàng cho ông. Bao giờ ông muốn lấy hàng?

- Ngay bây giờ. Nếu ngay bây giờ chưa có thì phải có trong thời gian sớm nhất, và muộn lắm là phải có trước 10 giờ tối nay.

Tôi nhìn đồng hồ, 8:47. Vậy là còn đúng 73 phút để cho tôi thực hiện việc có hàng cho khách.

- Vâng, thưa ông. Thú thật với ông là ngay bây giờ thì chưa có. Nhưng khi ông quay trở lại vào lúc 10 giờ thì chắc chắn sẽ có. Xin ông tin tưởng vào uy tín làm ăn của tôi.

Tôi không thể để mất người khách này, dứt khoát không!

Không phải vì lý do lợi nhuận mà cuộc mua bán sẽ mang lại cho tôi. Không phải vì lý do sợ mất uy tín của một tiểu thương tự trọng, một tiểu thương luôn tự hào rằng mình tận tụy đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng. Cũng không phải lý do vì sự tò mò đang cuồn cuộn dâng trào trong đầu tôi.

Nhưng là do tôi linh cảm được một điều gì trọng đại đang sắp xảy ra với số phận của mình. Tôi mơ hồ linh cảm rằng mình đang tham gia vào một sự kiện trọng đại, một sự kiện trọng đại ở ngoài khả năng nhận biết của tôi lâu nay.

Một sự kiện trọng đại như thế nào nhỉ?

À, bí mật quốc gia! Phải rồi, như lịch sử! Bí mật quốc gia là những gì có liên quan đến lịch sử chứ gì nữa?

À, phải rồi, tôi đang làm lịch sử.

À, phải rồi, tôi đang góp phần vào việc làm nên lịch sử.

Sau này, tôi biết rằng trong thoáng chốc ngẫu nhiên đó, kỳ dị thay, linh cảm của tôi thật là chính xác. Đúng vậy, ngay lúc đó, tôi đang tham gia vào lịch sử. Chính xác hơn là tôi đang góp phần tạo nên một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử loài người.

- Ok, đúng 10 giờ tôi quay lại lấy. Nhớ các yêu cầu đấy nhé.

- Vâng, tôi nhớ, xin ông yên tâm. Hộp có hai cái, đã qua sử dụng, và quan trọng nhất là hàng Made in China.

73 phút sau, ông khách tới, tôi giao hàng đúng như đã hẹn.

 

_________

 

Chắc bạn tự hỏi tôi đang kể chuyện gì vậy, ý nghĩa của câu chuyện là gì, nó cho bạn những kinh nghiệm gì, mà sao tôi lại dài dòng quá?

Chắc bạn tự hỏi tôi bán cái gì vậy? Không, tới đây thì chắc bạn đã biết được tôi bán loại hàng gì rồi.

Nhưng ông khách hàng bí mật kia là ai? Vì sao lại muốn mua đồ ‘đã qua sử dụng’? Mua để làm gì? Làm thế nào? Làm với ai? Làm ở đâu? Vì sao làm?

Vân vân…

Trời đất, sao không nói thẳng ra cái rẹt đi bà nội!

Không, không… Xin đừng hiểu lầm tôi.

Tôi chẳng ngại gì mà không nói ra cái rẹt cho khoẻ. Nhưng vấn đề không phải đơn giản như bạn đang nghĩ đâu. Lý do tôi không nói thẳng ra cái rẹt không phải là do các phạm trù đạo đức, luân lý, truyền thống, văn hoá nhảm nhí kia cản trở đâu. Nhưng kẹt cái là vấn đề có tầm vóc quốc gia, thậm chí tầm vóc quốc tế, thậm chí tầm vóc nhân loại nữa kìa.

Những việc hệ trọng có tính tiền lệ như thế này thì chúng ta không thể nào tiết lộ một cách hàm hồ và bất cẩn.

Nhưng tôi cũng không thể không nói.

Tôi thấy mình là anh thợ cắt tóc của ông vua tai lừa. Tôi đang ngồi trước bàn phím này mà có cảm giác như anh thợ cắt tóc đang nằm sấp trước cái lỗ tự tay mình đào trên cánh đồng lau sậy gió thổi lao xao, rồi không cưỡng được cơn cám dỗ muốn gào lên “Nhà vua tai lừa! Nhà vua tai lừa!” vào lỗ.

Tôi không cưỡng được cám dỗ rồi, khổ thân tôi!

Thôi thì, không nói những điều quá sức hệ trọng ấy cũng được đi. Nhưng ít ra, có lẽ bạn buộc tôi phải nói một cách rõ ràng và mạch lạc: làm sao chỉ trong 73 phút phù du mà tôi có thể có đủ mặt hàng để giao cho ông khách bí mật ấy đúng thời hạn?

Tôi thành thật xin lỗi bạn, tôi cũng không thể trả lời câu hỏi ấy.

Tôi không trả lời không phải vì tôi sợ bạn ăn cắp bí quyết nghề nghiệp. Cũng không phải vì nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi tiết lộ. Nhưng là vì một điều sâu xa và cao cả hơn nhiều.

Vì đó là một BÍ MẬT QUỐC GIA!

Đúng vậy, vì đó là một BÍ MẬT QUỐC GIA!

Làm sao một công dân hèn mọn và khiêm tốn như tôi, nhưng lỡ có lương tri và trách nhiệm, lại có thể tiết lộ BÍ MẬT QUỐC GIA cơ chứ?

Tôi chỉ có thể nói với bạn như vậy thôi.

Nhân danh lương tri con người.

Xin đừng chấp tôi.

Xin ủng hộ và mua hàng giúp tôi.

Cho tôi có lương thực, áo quần và chỗ ngụ hằng ngày.

Và xí xoá nợ tôi mắc, như tôi cũng đôi khi xí xoá những kẻ mua chịu hàng của tôi.

Tôi kiên quyết không mua bán hàng dỏm.

Xin đừng để tôi sa vào tù tội.

Xin cứu tôi cho khỏi bọn ác ôn âm mưu hãm hại ở khắp mọi nơi.

Nhân danh lương tri con người.

 

_________

 

Tôi nắn nót kẻ thêm chữ cho tấm biển đặt trên tủ kính, bây giờ thì nó như thế này:

 

PHỤC VỤ TỔ QUỐC

GIÚP BẠN THỂ HIỆN BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG

GIÚP BẠN THỂ HIỆN SỰ TINH TẾ & Ý THỨC TRÁCH NHIỆM

CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ HIỆN ĐẠI

LÀ VINH DỰ CỦA CHÚNG TÔI!

 

Hơi dài dòng, nhưng đành phải vậy thôi. Có chân lý nào mà không dài dòng và luôn được thay đổi cho phù hợp với thực tế lịch sử đâu chứ? Kiến thức của con người vẫn quá nhỏ nhoi trước những bí mật bất ngờ của thiên nhiên và cả những bất ngờ ngay trong đời sống quanh mình. Chúng ta ngỡ rằng mình biết hết mọi điều ư? Không đâu, thật ra, thậm chí chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết công dụng của những vật dụng đơn giản mà mình đang sử dụng hằng ngày. Làm sao tôi biết được mặt hàng của mình còn được dùng vào một số mục đích khác như tạo ra micro không thấm nước và bảo vệ nòng súng khỏi bị kẹt cơ chứ?

Một tối mưa lâm thâm nào đó mà bạn đi ngang góc phố Chợ Lớn, tình cờ thấy nó — tấm biển đó — thì hãy kín đáo mỉm cười với người đàn bà ngồi ngay sau nó nhé.

Một nụ cười thoáng qua và kín đáo thôi, cũng đủ làm ấm lòng tôi — là tôi đấy, một người đàn bà bình thường, một người đàn bà hèn mọn tầm thường thì đúng hơn, một cuộc đời nhàn nhạt, vô vị, không có sự kiện nào có tầm cỡ đáng để ghi vào lý lịch cho sang trọng.

Nhưng này, trong 73 phút phù du ở một đêm mưa, tôi đã tình cờ tận tụy phục vụ lịch sử và tổ quốc, có lẽ tổ quốc của tôi.

Tôi vẫn hằng mơ thấy một giấc mơ kỳ dị. Tôi mơ thấy một hôm nào đó mình đứng trước một tủ kính, sau lưng mình là một hàng người kính cẩn đứng sắp hàng nối đuôi nhau. Chính chúng nó, đúng rồi chính chúng nó. Trong tủ kính là hai cái hiện vật lịch sử khô queo và nhăn nhúm được đặt trân trọng trên một cái khay bằng bạc lót nhung đỏ. Tôi ngước mắt ngó lên, trên cái cổng uy nghi cao vút là hàng chữ VIỆN BẢO TÀNG LỊCH SỬ.

Chà, dạo này sao tôi khoái xài hai chữ ‘lịch sử’ sang trọng này quá! Hay nó đã vận vào số phận của mình rồi? Hay cuối tháng tôi hốt hụi, tìm sang một cái mặt bằng rồi mở tiệm, treo một tấm biển có đèn màu chớp tắt huy hoàng có hai chữ “LỊCH SỬ” làm tên tiệm cho nó bảnh ta? Đại khái như vầy nè:

 

LỊCH SỬ

 

PHỤC VỤ TỔ QUỐC

GIÚP BẠN THỂ HIỆN BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG

GIÚP BẠN THỂ HIỆN SỰ TINH TẾ & Ý THỨC TRÁCH NHIỆM

CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ HIỆN ĐẠI

LÀ VINH DỰ CỦA CHÚNG TÔI!

 

KÍNH MỜI

 

Sg, 23/03/2011

 

 

---------------------------
Truyện ngắn này được viết theo sự gợi ý của T.H.N.T. Tôi có ý định biến nó thành một món quà tặng tinh thần, nhưng chợt nghĩ lại, ai mà chịu nhận một món quà như thế này; thật là khiếm nhã, tệ hơn nữa, thật là bất kính. Vì thế, chỉ xin bày tỏ lòng tri ân chân thành và sâu xa của mình vậy.
 
Một số kiến thức quan trọng mà tác giả sử dụng trong truyện được lấy từ
Tuy nhiên, tác giả đề nghị wikipedia nên bổ sung thêm kiến thức về phần công dụng sau khi truyện này ra đời.

 

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021