thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT [8]

 

 

CON RÙA BÒ NGANG MẶT ĐẤT

Đã đăng: [1] - [2] - [3]
[4] - [5] - [6] - [7]

 

8.

 

Qua hết phố này đến phố khác, sau cùng mọi người ồ lên khi hiểu được ý ta. Ta muốn đến thăm đám bạn cũ nằm trong Văn Miếu, cả hằng mấy mươi năm rồi ta chưa quay lại chốn này.

Văn Miếu là đền thờ Khổng Tử do triều đình lập để cổ xúy đạo Nho, nằm ở phía Nam kinh đô, có phần được mô phỏng theo khu Văn Miếu thờ Khổng Tử ở Khúc Phụ, Sơn Đông, bên Trung Quốc, tuy nhiên theo nhiều người nghiên cứu thì giữa Văn Miếu ở kinh đô Thăng Long này và Văn Miếu của Trung Quốc có nhiều sự khác biệt và mỗi nơi đều có nét đặc thù riêng.

Bốn mặt Văn Miếu là phố vây quanh. Cổng tam quan phía ngoài được gọi là Văn Miếu Môn. Ngày xưa có lệ rằng bất kể là bậc công hầu hay khanh tướng, bất kể đang ngồi trên võng lọng hay ngựa xe, hễ ai đi ngang qua Văn Miếu thì đều phải xuống đi bộ một đoạn, từ tấm bia Hạ mã bên này sang tới tấm bia Hạ mã bên kia, rồi mới được lên xe lên ngựa đi tiếp. Ngày nay chẳng còn ai để ý đến cái lệ tôn nghiêm đó, thậm chí có kẻ đi ngang cổng mà trong cơn mót đái khó nín, thế là cứ ngang nhiên quay mặt vào tường kéo quần xuống tè.

Một lần nọ, vào cái năm trước lúc cách mạng, có kẻ kia khi đang đứng tè ở xế cổng thì nhác thấy một gói hàng được ràng buộc kỹ càng, ai vất nằm đám cỏ, bèn nhặt lấy, mang về, mở ra thấy toàn là vàng miếng, phát sinh phú quý bất ngờ. Câu chuyện được loan truyền rất nhanh khiến cả ngàn người xông vào đào xới, lục tung cả khu vực nhưng không ai tìm thấy được gì khác ngoài những bãi phân người. Tuy nhiên, lâu rồi thành lệ mới, thiên hạ đồn rằng đái ỉa ở đó nếu không gặp vàng thật thì cũng thường gặp may mắn vì đó là nơi có quỷ thần lai vãng và phò trợ. Dăm năm sau, cứt đái làm cả vùng dậy mùi xú uế. Mãi về sau, chính quyền phải dán bảng cảnh báo và trừng phạt rất nặng mới đỡ được phần nào.

Theo ta biết thì thời nhà Lê có 116 tấm bia được đặt trên lưng rùa đá làm bệ. Sau mỗi khoa thi, một tấm bia được đặt trên lưng rùa để tôn vinh vị tiến sĩ của khoa đó, bắt đầu từ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo, tới khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng. Sau, do chiến tranh loạn lạc, các bia đá dần dà thất lạc hư mất, ta không đếm chúng nữa nhưng biết rằng còn 82 tấm bia và 82 rùa đá.

Nhiều tấm bia nứt vỡ được gắn vá lại. Do chủ ý của các nhà cầm quyền mà nhiều chỗ chữ trên bia bị đục xoá bỏ đi cho thích hợp với chính kiến về lịch sử của thời đó. Trong những thời suy vong, nhiều bia và rùa đá đội bia bị lắp ghép lẫn lộn với nhau, bia nọ lắp vào rùa kia, cái ngược cái xuôi. Lại nữa, trong thời kỳ Việt Nam bị thuộc Minh, với chủ trương “đục bia, đốt sách, thiến đồng nam”, thì một trong những chính sách của Hán tộc là huỷ hoại di tích lịch sử văn hoá. Nếu không phá huỷ cho hư hoại bia tượng đền miếu thì cũng lấy mang về Yên Kinh (sau này là Bắc Kinh). Ta không biết lúc đó chúng có phá huỷ hay mang bia và đứa bạn rùa đá nào của ta về bên ấy hay không.

Vì không phải là kinh đô như đất Thuận Hoá, nên cuối triều nhà Nguyễn vùng này bị bỏ hoang khá lâu. Có khi ta bò vào chơi thấy cỏ mọc um tùm, hồ ao đầy rong rêu bèo bọt, nhà cửa miếu thờ hư hỏng, hoang tàn.

Ta thương bọn bạn rùa đá ở đây. Thân bằng đá nhưng mỗi đứa trong bọn chúng đều có chút hồn riêng. Đứa nào cũng được tạc ra dáng to đậm, vạm vỡ, uy nghi. Tội một nỗi không biết có lệ từ đâu mà bọn sĩ tử trong mọi thời đều tin vào một điều khá là nhảm nhí, nhảm nhí không kém cái lệ vạch cu đái ở cổng vào để lấy may. Chúng sĩ tử tin rằng việc lấy tay sờ đầu rùa đá sẽ mang lại may mắn trong các kỳ thi, vậy là cứ thế mà lũ lượt vào sờ, năm này sang năm khác đầu bọn rùa đá đều trở nên láng bóng, nhẵn thín. Mấy năm sau này người ta đặt hàng rào ngăn cách không cho vói tay vào tới đầu rùa nên không còn cái lệ sờ đầu rùa ấy nữa, thay vào đó, mỗi sĩ tử đặt một món tiền lễ lên chiếc khay trước bia để mong được phù độ và lấy may.

Ngày nay, hàng năm vào ngày rằm tháng giêng, Văn Miếu là nơi chính quyền tổ chức một thứ hội hè diêm dúa gọi là “hội thơ”. Chúng bày trò báo cáo với nhau kết quả của nền văn học trong năm và bình những bài thơ được cho rằng xuất chúng. Những ngày ấy, nhất là thời gian diễn ra cái hội kỷ niệm 1000 năm kinh thành có mặt, mùi xú uế nồng nặc của những trò phù phiếm, trơ tráo bốc ra tới tận cái hồ mà ta ngụ.

Mấy trăm năm trước, một chiều nọ ta vào đây cù rủ bọn rùa đá cùng nhau xuống bơi lội trong làn nước trong mát rười rượi dưới hồ. Chúng ngần ngừ một lát rồi đồng ý.

Chúng vẹt những đám cỏ cao um tùm rồi lổm ngổm bò ra. Con nào cũng bê bết bùn và trên da đá bám đầy rêu xanh trơn nhớt. Chúng hất hết những tấm bia xuống khỏi lưng, dồn lại thành mấy đống nhỏ bên hồ, rồi đồng loạt nhảy ùm xuống hồ. Cả trăm con rùa đá nặng chình chịch làm nước hồ dâng lên cả vài thước, tràn bờ. Chúng tự động bắt cặp với nhau theo bản năng khát tình. Vài cặp vội vàng cưỡi đè lên lưng nhau. Tiếng rên rỉ sướng khoái cộng hưởng với tiếng mai đá cạ vào nhau ken két dấy động cả vùng.

Ta cũng chọn vội một con trong đám cỏ sậy rồi cưỡi lên lưng. Ta cắn nghiến vào gáy nó. Nó lật người đè ta chỏng gọng, lún xuống vũng bùn. Ta ngộp thở và đau điếng dưới trọng lượng cả tấn, nhưng một cơn hứng tình cuồn cuộn dâng lên làm át đi tất cả mọi cảm xúc khác. Nó lôi ta đến bờ hồ rồi hất ta xuống nước. Những cặp khác vùng vẫy chung quanh làm sóng cuộn lên từng đợt. Ta lôi tay bạn tình của mình ra giữa hồ, rồi kéo nó xuống đáy. Trong cơn sướng tột đỉnh, ta chỉ muốn giết nó. Ta dìm đầu nó xuống. Nó vùng vẫy thật mạnh nhưng không thoát nổi. Ta nhấn nó xuống sâu mãi rồi thấy mình chìm xuống thật nhanh. Nó chới với sặc sụa và chìm theo ta. Ta buông nó ra. Giây lát đáy hồ đục ngầu bùn. Khi quay lại thì ta không còn thấy nó đâu nữa, chỉ thấy những đám bọt máu ti li sủi tăm trào lên mặt nước. Qua cơn man rợ, những cảm giác nguội nhanh, tỉnh hồn, ta biết nó đuối và không trồi lên được. Đá mà cũng chết sao? Ta hô hoán cho cả bọn lặn tìm. Chúng thảy đều kinh hoảng nhưng không đứa nào đủ sức mò xuống đáy hồ, chỉ ngẩn ngơ lội loanh quanh một hồi rồi đành chịu thua.

Giữa đêm, mọi đứa đều thấm mệt, cuộc vui chơi thành trò bi thảm. Mỗi đứa lẳng lặng nhặt một tấm bia bất kỳ rồi đặt lên lưng, do đó lẫn lộn tùm lum, bia của đứa này thành bia của đứa kia. Ta bảo chúng sắp thành hai hàng, cùng hướng mặt về phía cái giếng. Ta đếm được mỗi hàng là 41 đứa, hai hàng là 82 đứa. Đứa chết đuối là đứa thứ 83. Tấm bia của nó vấy đầy bùn, nửa phần cắm ngập xuống đất, nửa phần nhô lên chơ vơ giữa đám cỏ dại. Không đành lòng để lại dấu tích buồn thảm, ta hất luôn tấm bia xuống hồ. Có lẽ giờ này tấm bia nằm lại với những mầm thai đá có từ đêm ấy.

Cách đây không lâu, ta nghe nói người ta phát hiện và trục vớt lên một con rùa đá dưới lòng hồ trong khu vực, ta biết ngay nó chính là con rùa đá mà đêm nọ ta dìm cho chết đuối, vậy là rốt cục hiện nay có tất cả 83 con.

Đêm nay, mặt hồ lặng yên không chút sóng gợn. Trời lại đổ mưa lâm thâm. Ánh đèn chiếu hắt xuống mặt nước lung linh, những dãy nhà in bóng chập chờn huyền ảo.

Bọn người đi theo ta khệ nệ mang hàng đống đồ hàng mã vào đền thờ, bày ra la liệt đầy mặt đất để cúng tế. Hàng mã được chế tác thành đủ thứ vật dụng cho người cõi âm. Nào là xe hơi, nhà lầu, máy giặt, dàn máy hát, ti-vi, máy vi tính, điện thoại di động, cả hình nhân o-sin, hoa hậu, ca sĩ, tài xế, đầu bếp… để phục dịch trong cõi âm. Chúng bắt đầu đốt. Mớ hàng mã cháy phừng phừng, tàn tro bay lả tả. Một hình nhân ả ca-ve chân dài bắt lửa, giẫy giụa uốn éo như đang khi múa cột trong đám khói cuồn cuộn bốc lên trời.

Dừng lại bên hai dãy rùa đá đội bia, ta muốn tìm lại con rùa bị ta dìm chết ngày xưa. Bọn người trong đám rước theo sau không ai bảo ai cùng đồng loạt thành kính quỳ xuống bái lạy.

Ta thấy nó rồi. Nó đứng một mình ở cuối dãy bên ngoài, trên lưng không đội tấm bia nào. Chiếc mai vỡ một mảnh to bằng bàn tay người lớn. Ta đi tới bên nó. Chúng nhận ra ta. Nhận ra Kụ. Nhận ra vua của loài rùa, nên đồng loạt cúi đầu khi ta bước ngang qua.

Bức tượng lão râu dài, đội mão mang hia đứng trong ngôi nhà thờ, đang vung tay ném ra từng tập bạc có mệnh giá 2.000 và 5.000. Bạc bay lới phới đầy sân. Bọn người ùa vào chen nhau cật lực giành lộc thánh, tiếng la chửi huyên náo, nhiều đứa mãi giành giật ngã lăn xuống hồ lội loi ngoi.

Lũ rùa đá vẫn ngự hai hàng, đầu thụt ra thụt vào ngúc ngắc nhưng tuyệt đối im lặng. Ta thấy chúng gật mãi những cái đầu trơn nhẵn giống y bọn quan lại bất tài, bất xứng, vốn chỉ có truyền thống gật đầu với những gì đã được quán triệt từ trước trong các buổi hội họp bất kể lớn nhỏ ở ngoài phố.

Ta giận dữ, gào lên, “Kẻ sĩ gì bọn mày, bọn bạc nhược, phản phúc! Chúng chỉ dạy cho bọn mày thấm nhuần thứ tư tưởng u mê thâm căn cố đế, văn hoá hủ nho và tinh thần nô dịch. Bọn mày chưa ngán lẩu Mao với cháo Khổng à?”

Bức tượng của lão già họ Khổng trong nhà thờ cất giọng âm u vọng ra, “Bọn mày đừng nghe nó. Mi đừng hòng mang trò chơi dân chủ vào đây! Đất nước này cần được ổn định. Đất nước này không cần cái thứ tinh thần dân chủ lai căng của bọn Tây dương như thế! Ta chỉ cần một dúm bạc lẻ là bọn chúng sẵn sàng quỳ xuống phủ phục dưới chân ta cả nút. Con rùa già kia, cút ngay, không ta cho lính gông cổ mi lại bây giờ!”

Ta nói với hai hàng rùa đá, “Tại sao bọn mày không nói năng gì vậy? Nào, hãy phát biểu đi chứ! Mồ cha bọn mày! Hãy chứng tỏ cho mọi người biết rằng cái miệng không chỉ để ăn thôi, mà còn để phát ngôn những gì bọn mày suy nghĩ. Hãy chứng tỏ cái miệng của bọn mày chưa thoái hoá đến độ hèn mạt như thế!”

Ta đi qua từng đứa, nhặt lên những đồng bạc lẻ mà bọn sĩ tử để trên khay rồi tọng vào đầy họng chúng. Ta làm thế với từng đứa một. Miệng đứa nào cũng há hốc, miệng đứa nào cũng câm lặng, miệng đứa nào cũng ngậm đầy giấy bạc. Khi đến gần cuối hàng, ta lấy sức hất đổ năm đứa sau cùng lăn kềnh ra đất nằm chỏng chơ, hai tấm bia bị bứng trốc gốc ngã xuống đánh sầm, sấp mặt xuống vũng nước bùn rêu xâm xấp, ba tấm còn lại va vào nhau vỡ nát.

Ta chồm hẳn lên lưng con rùa đá đứng cuối hàng, liên hồi xoay trở dọc ngang đủ thế một cách khốn khổ, tiếng mu cạ vào đá nghe kiên cả răng. Ta luồn xuống dưới bùn cố gắng hất ngửa nó ra, nhưng không thể. Ta đứng dựng lên hai chân sau, rồi ngã sập xuống phủ lên lưng nó, co giật đùng đùng. Phần thân dưới ta đau điếng vì không thể thực hiện được hành vi sướng khoái của giới tính. Ta đuối sức, đành buông nó ra. Bọn người đứng quanh thất thần ngó ta kinh sợ.

Ta nhác thấy lão già đứng trong ngôi nhà thờ nhếch miệng cười nhạt. Khi đi ngang, ta nhét luôn vào cái miệng bẻm mép của lão một nắm bạc. Vài đồng bạc cắc rơi xuống sàn gạch kêu lẻng kẻng. Thằng bé Tỏi, đô đốc hạm trưởng, nhoài người chen vào, vơ lấy những tờ rơi vương vãi dưới chân rồi bỏ vào cái thau nhôm có các thuỷ thủ chuột.

 

(Còn tiếp)
_________
Một số thông tin về Văn Miếu do tác giả tham khảo trên mạng.

 

 

-----------------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021