thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thăng ca

 

Một trong những nơi tôi thích ngồi cà-phê khi rỗi là quán Fai, nằm trong con hẻm nhỏ ở quận 3. Giữa sân là một cây xoài lớn vươn bóng che mát, bàn ghế chỉ để vài bộ, trên tường có treo nhiều tranh đẹp. Giữa nhịp sống rộn ràng của Sài Gòn, ông nhà thơ chủ quán lại có phong thái từ tốn, điệu nghệ. Tôi thích đến chơi vì ngoài việc quán có cà-phê thơm đậm, có các món ăn của xứ Quảng được chế biến tinh tế, ngôi nhà mát bóng cây yên tĩnh vào buổi sáng, thì ông chủ còn có rất nhiều câu chuyện thú vị để làm quà cho khách quen.

Ông mê nuôi chim, nhưng không nuôi nhiều, lúc nào cũng chỉ có hai hay nhiều nhất là ba con để làm vui. Trước đây ông có nuôi một con sáo, nó có tài nhái theo những âm thanh nghe được. Khi ta gõ muỗng hay gõ chiếc chìa khóa vào thành ly, vào cạnh bàn, hay đáy dĩa… sáo liền bắt chước đúng y theo tiếng động đó, tinh tế đến độ tiếng thanh ra tiếng thanh, tiếng đục ra tiếng đục, cường độ và trường độ cũng không khác gì âm thanh gốc. Bẵng đi một dạo, tôi ghé lại không thấy sáo, hỏi thì ông cho biết nó đã qua đời. Ông không nói con chim chết đi, nhưng nói rằng sáo đã qua đời như đang nói về một con người mà ông yêu quý, giọng ngậm ngùi. Bất giác tôi gõ muỗng vào thành ly, không có tiếng nhái theo như trước, duy có cậu hầu bàn bước ra hỏi tôi cần gì.

Kỳ lạ, thường thì sinh vật nào cũng khao khát tự do, nhưng có khi có được tự do thì lại không biết phải làm gì với tự do. Nhất là với những con, kể cả con người, đã quen sống trong môi trường thiếu nó. Phải chăng tự do không phải luôn luôn là điều quý giá và cần thiết cho tất cả mọi sinh vật, và trong mọi hoàn cảnh? Trong một bộ phim tôi đã xem, một người tù mang án chung thân từ thuở còn trẻ, khi đã về già thì được ân xá. Lúc ấy ông ta không thể thích ứng và hội nhập lại với xã hội, bèn tìm cách phạm tội để được trở lại nhà tù, nhưng thất bại. Sau cùng, ông treo cổ tự sát vì tuyệt vọng cho tình trạng thừa mứa tự do của mình.

Từ khi nạn dịch đe dọa, tiếp tục nuôi chim thì rắc rối quá, nào là e ngại mất khách vì họ sẽ lo sợ, nào là các nhân viên phòng chống dịch trong địa phương sẽ làm khó dễ, nhưng giết chim thì không đành, ông bèn mở lồng thả cho chúng bay đi. Hai con chim, một sáo và một sơn ca, rụt rè bay ra, bỡ ngỡ với bầu trời cao rộng nhưng xa lạ. Suốt buổi sáng chúng không dám bay xa, chỉ quanh quẩn trên tàn lá cây xoài, rồi chăm chăm bay trở lại vào lồng. Con mèo hàng xóm nhác thấy liền phục kích vồ bắt, may mà người nhà kịp phát hiện cứu thoát. Hai con chim đã như tình trạng của người tù bất hạnh trong chuyện phim kia, chúng không còn khả năng kiếm mồi và sinh tồn bên ngoài chiếc lồng. Không còn cách nào khác, ông mang cất hai chiếc lồng chim trong phòng toilet trên lầu. Ông cẩn thận chăm sóc chúng, hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài, chẳng những là cách ly chúng với các loài chim trời, mà còn với cả con người.

Sơn ca chỉ hót khi nó vui, thường là vào buổi sáng khi được chơi ngoài nắng ấm. Từ khi bị nhốt trong phòng kín, không còn nắng gió sương mưa thì chim biếng hót hẳn. Tuy nhiên có hôm chim cao hứng, bất ngờ cất tiếng hót, ông phải tắt đèn, đóng kín cửa lại cho tiếng hót phải tắt đi. Ôi là buồn, chẳng những chỉ nhốt chim, mà còn đành lòng phải giam kín cả tiếng hót .

Ông kể, sơn ca thích tắm cát, thỉnh thoảng người ta trải một lớp cát mỏng dưới đáy lồng, chim xù lông dùng chân bươi cho cát bắn lên thân lấy làm thích thú. Ông có người bạn cũng nuôi sơn ca, vì mê mải xem chim tắm mà ghé mặt lại gần để quan sát, thì bị cát bắn vào mắt gần phải lòa. Sau, ông này cho người mang thuốc trừ sâu xịt vào lồng, con chim hồn nhiên ngỡ rằng được xịt nước tắm, vui mừng nhảy nhót lần cuối, vui mừng cho bi kịch của chính mình, rồi ngã ra giãy chết.

Sơn ca còn được gọi bằng các tên khác tùy theo từng địa phương. Miền Bắc, ngoài tên sơn ca, ở vùng thượng du nó còn được gọi là chim cà-đơi. Miền Trung và Nam có nơi gọi là chim chiền chiện. Nhưng lạ và ít người biết là nó còn được gọi là thăng ca. Được gọi là thăng ca vì khi hót nó thường bay lên, vừa bay vừa xoay tít thân theo chiều thẳng đứng, người nghe phải ngước mắt nhìn lên theo, và nếu chim được bay tự do bên ngoài, tầm mắt người sẽ chạm đến bầu trời xanh, tiếng hót xanh trời là thế. Ông trìu mến gọi con chim mình nuôi là thăng ca.

Những hôm quán vắng khách, chiều lòng tôi thích nghe tiếng hót, ông gọi người nhà lên lầu mang lồng thăng ca xuống. Lồng chim làm bằng nan tre vót, chính giữa có dựng chiếc bệ nhỏ như một sân khấu. Ông giải thích rằng chim chỉ nhảy lên chiếc bệ đó khi hót thôi, như một danh ca thượng thặng lên sân khấu trình diễn trước công chúng, rồi sau khi hót xong thì nhảy xuống khỏi bệ, trở lại với những sinh hoạt đời thường. Vừa được treo lồng lên cành cây, chim e dè giây lát rồi mừng rỡ nhảy lên chiếc bệ nhỏ. Nó xù lông làm điệu đón ánh nắng, rồi ưỡn cổ cất lên từng tràng âm thanh loảng xoảng trong vắt, từng tràng từng tràng âm thanh tuôn ra quấn quít nhau, từng chuỗi sóng tuyệt đẹp đuổi bắt xao động cả không gian. Xong điệu hót, chiếc lồng lại được gỡ xuống, âm thanh bị mang trở lên lầu, nhốt lại. Những hôm ông vắng nhà, chim không được mang xuống, tôi bắt gặp mình chờ nghe một tiếng hót cất lên từ một toilet tối tăm.

 

***

 

Sáng nay bất ngờ một chuỗi âm thanh đen, tanh tưởi, sắc nhọn rơi xoáy xuống khoảnh sân, mọi người lặng đi vì kinh hoàng. Khi chúng tôi chạy lên mở cửa bật đèn toilet thì chỉ còn kịp nghe tiếng đập cánh yếu ớt bấn loạn vang ra từ bên trong. Chiếc lồng đã rơi xuống nằm trên nền sàn nhà ướt sũng nước, lông chim rụng vương vãi. Trong một cố gắng tuyệt vọng để phá vỡ nan lồng, đầu thăng ca nằm kẹt giữa hai chấn song, một con mắt bết máu trồi ra khỏi hốc, nhìn tôi. Những âm thanh cuối là tiếng thét, cuồng dại và phi lý, vút lên thật cao, nấc nghẹn rồi đột ngột giãy tắt.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021