thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bùi Chát “đạo văn” (?), ông Phan Nhiên Hạo bị hay được tổn thất?

 

Ngày 12/4, talawas đăng tải bài “Về một bài thơ của tôi bị đạo văn trên Tiền Vệ” của Phan Nhiên Hạo. Sau khi đọc xong bài viết này, tôi cảm thấy một cái gì đó rất bất ổn, trong cách hành xử, cũng như trong cách lập luận của ông Hảo.

Hôm nay (14/4), đọc bài “Về bài thơ ‘Ờ, tại sao hỏi của Khuyến và phản ứng lạ lùng của Phan Nhiên Hạo” của Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi mới vỡ nhẽ thêm nhiều điều. Té ra, cả bà Khuyên (Khuyến) lẫn ông Hạo đều có một lối ứng xử lạ kì, nếu không muốn nói, cả hai ông bà đang tiến hành một “âm mưu” nào đó. Về cách ứng xử lạ lùng của ông Hạo, bài viết của Hoàng Ngọc-Tuấn đã chỉ ra quá rõ, không còn gì để nói thêm. Về trường hợp bà Khuyên (Khuyến) với bài “Ờ, tại sao hỏi”, tôi thấy có một điểm mâu thuẫn rất khó lí giải. Trong bài “Một nền văn học xây dựng từ Đực và phục vụ cho Đực”, bà viết thế này:

“ … để góp thêm cho minh chứng bài viết này, chúng tôi thử dùng một bút danh khác, nhái-giễu nhại thơ của Đinh Linh (bài “Chùm thơ vận mệnh” thành “một bài thơ vận mệnh/cô ấy ví von) Bùi Chát (bài “Cái lồn què” thành “Qué lồn cài”), Lê Thị Thấm Vân (bài “Căn phòng 2.2- âm thanh sóng” thành “Tắm hơi 54”), nhưng xoay ngược nội dung về bình quyền nam nữ…”

Câu hỏi của tôi đặt ra ở đây là, bà Khuyên giễu nhại 3 bài thơ trên, với dụng ý “xoay ngược lại về bình quyền nam nữ”, nhằm mục đích như là một liều thuốc thử đối với Tiền Vệ (khi gửi đi, bà gửi cả 4 bài. Bài viết của Hoàng Ngọc-Tuấn có nói rõ). Vậy, bà giễu nhại bài “Tại sao hỏi” của Phan Nhiên Hạo nhằm mục đích gì? Tạo cơ hội cho ông Hạo tự đánh bóng mình chăng? Tôi buộc phải suy diễn như vậy, bởi nội dung bài thơ “Tại sao hỏi” chẳng có liên quan gì tới “dục tính” hay “nữ quyền”.

Như trên đã nói, cách xử sự lạ lùng của ông Hạo đã được Hoàng Ngọc-Tuấn viết ra khá đầy đủ, xin không bàn thêm. Ở đây, tôi chỉ muốn bàn về việc “… trường hợp ‘Bài mùa thu’ của tôi bị Bùi Chát đạo văn”. Về tính chất của việc đạo văn, tôi đã có dịp trình bầy trong bài viết “Thưa với quí ông Đa Cháy”, xin không nói thêm. Nhưng dường như, ông Hạo bưng tai bịt mắt không thèm nghe bất cứ ý kiến nào khác mình, bởi vậy, tới giờ phút này ông vẫn khăng khăng “Bùi Chát” đạo văn. Vậy, nhân tiện có một lập luận của ông trong bài “Về một bài thơ của tôi bị đạo văn trên Tiền Vệ”, tôi xin nương theo lập luận đó để “hầu chuyện” ông.

Ông Hạo viết:

“Năm 1919 Marcel Duchamp vẽ râu lên bức tranh Mona Lisa của Leonardo de Vinci. Nhưng Mona Lisa là tác phẩm cổ điển mà cả thế giới đều biết, Duchamp có “mần” gì với Mona Lisa thì cũng chỉ là trò chuột ngoáy đuôi lọ mỡ, không ai lẫn lộn đâu là chuột, đâu là lọ mỡ. Người ta không thể làm trò tương tự với tác giả đương thời mà không cần chú thích. Tác phẩm của tác giả đương thời không có tầm phổ biến như Mona Lisa, và quan trọng hơn, vẫn nằm trong vòng bảo hộ tác quyền.”

Ông Hạo lí luận như trên hoàn toàn đúng, nhưng nó chỉ đúng trong trường hợp tác giả Khuyến với bài “Tại sao hỏi”, còn nó không có liên quan gì tới Bùi Chát với “Bài mùa thu”.

Tập thơ Xác ướp trở lại của Bùi Chát với 333 bài, trong đó các tác giả bị/được “nhại” đều tầm cỡ Leonardo de Vinci Việt Nam như Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu v.v. Và những tác phẩm nằm trong tập này cũng đều là tầm cỡ Mona Lisa Việt Nam như “Tiếng thu”, “Đây thôn Vĩ Dạ”, “Thời hoa đỏ” v.v. Như vậy, dù cho Bùi Chát có “mần” thế nào, thì cũng sẽ chẳng có ai lẫn lộn giữa đuôi chuột và lọ mỡ. Hơn nữa, cái “dự án” của Bùi Chát ra đời trong bối cảnh dư luận Việt Nam đang nóng lên vì các vụ “đạo” từ văn đến nhạc (một đòn “khả độc dĩ độc” của Bùi Chát?). Và Bùi Chát cũng chẳng cần chú thích, bởi khi đó Việt Nam chưa tham gia công ước Berne. Nếu giờ đây, Bùi Chát còn ý định công bố tập thơ đó, tôi tin rằng, hắn sẽ phải cẩn thận hơn, ít nhất phảI chú thích rõ ràng.

Riêng trường hợp “Bài mùa thu” (mà Bùi Chát biến nó thành “Hoảng hốt với một quả lựu đạn trong túi quần mùa thu”) thì lại khác. “Bài mùa thu” không có tầm như một Mona Lisa, dù là Mona Lisa Việt, tác giả của nó cũng chưa vươn tới tầm Leonardo de Vinci Việt, vậy mà Bùi Chát vẫn không thèm chú thích khi “giễu nhại”, quả thật, đây là một tội lớn. Nhưng, ông Hạo trách cứ Bùi Chát vẫn không đúng. Vì sao thế? Xin thưa, bài “Hoảng hốt với một quả lựu đạn…” xuất hiện trong phần “thơ khuyến mãi” (một sản phẩm của Lý Đợi) trong bài viết “Thơ dơ ở Việt Nam” – talawas 28/05/04. Có thể thấy, những tác phẩm xuất hiện trong mục “thơ khuyến mãi” chưa thể gọi là một tác phẩm chính danh, nó chỉ mang một ý nghĩa đùa vui tếu táo của Lý Đợi và nhóm Mở Miệng. Mà trong trường hợp này, bài “Hoảng hốt với một quả lựu đạn…” lại xuất hiện trong một bài viết tranh luận với chính ông Hạo. Hiển nhiên, có thể coi đây như một cách Bùi Chát “trêu” ông Hạo (kiểu trêu chọc khá trẻ con, nhưng không kém phần thú vị). Không thể coi đây là một tác phẩm “đạo văn”, bởi trước hết, nó chưa được đăng tải ở bất cứ đâu. Nó chưa là một tác phẩm đúng nghĩa. Nó khác hẳn trường hợp bà Khuyên với bài “Ờ, tại sao hỏi”.

Những dòng trên, tôi nói lí (nương theo lí của ông Hạo), còn về tình, nói thật, ông nên cảm ơn Bùi Chát mới đúng. Nếu Bùi Chát không nhại bài thơ “Bài mùa thu” của ông, thì còn lâu, tôi (cũng như nhiều ngườI khác) mới biết tới bài thơ đó. Nhưng biết đâu, việc ông cứ lu loa, rằng “Bùi Chát đạo văn ‘Bài mùa thu’”, chính là cách tiếp thị hàng hoá của ông (cũng tương tự như cách hành xử của ông, thông qua bài viết “Về một bài thơ của tôi bị đạo văn trên Tiền Vệ”, mà Hoàng Ngọc-Tuấn đã chỉ rõ).

Việc phải viết những dòng này là cực chẳng đã. Tôi rất hãi lại mang vào mình cái tiếng “bodyguard không công”. Nhưng vì Bùi Chát dạo này lên cân quá nhiều, hắn lười biếng kinh khủng, tới mức không thèm tắm và làm thơ (dạo này, hắn toàn nhặt mấy mẩu rao vặt, quảng cáo trên các tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ v.v. để “chế tạo thơ ca”), vì vậy, tôi đành phải chép miệng, coi đây như là “giữa đường thấy việc bất bằng… ” vậy.

 

Sài Gòn 14/04/05

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021