thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Fernando Pessoa và người thày của ông
«Văn chương, như mọi hình thức nghệ thuật,
là lời thú nhận rằng đời sống không đủ.»
Fernando Pessoa.

 

«FERNANDO PESSOA là thi sĩ lớn nhất và đặc biệt nhất của Bồ-đào-nha», các nhà nhận định văn nghệ thường thêm: «kể từ thời Phục hưng» hay «kể từ Camöens», một thi hào khác của xứ ông.

Pessoa sinh tại thủ đô Lisboa ngày 13 tháng Sáu 1888. Khi ông mới lên năm thì cha mất và tới năm lên tám, ông đã phải theo mẹ qua Durban, Nam Phi nơi dượng ghẻ ông làm lãnh sự. Đây cũng là nơi Pessoa theo học các trường Anh, thấm nhuần văn hóa Anh để sau này sáng tác bằng ngôn ngữ của Shakespeare. Đúng vào năm bước vào đại học (1905), Pessoa phải trở về Bồ-đào-nha. Ông ghi tên theo học Triết lý tại đại học Văn khoa ở Lisboa được hai năm thì bỏ, nhân một cuộc bãi khóa của sinh viên.

Kế đó, ông mở một xưởng in lấy tên là Ibis. Công cuộc này thất bại, ông nhận việc phiên dịch thư từ thương mại cho các hãng buôn để độ nhật và theo đuổi công việc «khiêm tốn» này cho tới ngày ông mất (30.11.1935). Các nhà nghiên cứu tỉ mỉ ghi nhận: từ năm 1905 đến năm 1935, Pessoa đã lần lượt cư ngụ tại chín địa chỉ khác nhau, nhưng ông không rời Lisboa nữa.

Pessoa sống độc thân. Người ta chỉ biết có một mối tình duy nhất giữa ông và cô Ophelia Queiroz, mối tình mà cuối cùng Pessoa đã phải thoái thác vì «định mệnh của tôi», như ông viết trong thư từ biệt, «thuộc về một Lề luật khác mà em không ngờ tới cả sự hiện hữu...» Ông cũng khước từ một ghế giảng sư đại học mà người ta đã có nhã ý dành cho ông.

Bí mật của Pessoa có lẽ là sự say mê văn nghệ: ông làm thơ, viết truyện, viết kịch, viết khảo luận, phê bình..., viết bằng tiếng mẹ đẻ, bằng Anh văn, bằng Pháp văn, sáng lập và cộng tác với nhiều tạp chí, khởi xướng nhiều trường phái văn nghệ... Thế nhưng, sinh thời, dưới tên thực Fernando Pessoa, ông chỉ in được một tập thơ nhỏ bằng tiếng Bồ tựa là Mensagem (1934) và một vài tập thơ mỏng viết bằng Anh văn. Chuyện nực cười ở đây: sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của «nhà thơ vĩ đại nhất kể từ Camöens» đã đem lại cho ông một giải thưởng thi ca... hạng nhì! (Giải nhất về tay một ông linh mục). Cho tới ngày Pessoa mất, phần lớn các tác phẩm của ông còn nằm rải rác trên các tạp chí văn nghệ hoặc còn là bản thảo. Năm 1982, Thư viện quốc gia ở Lisboa nhận được một «rương» bản thảo của Pessoa gồm 27.543 bản, trong đó có tới 25.425 bản do Pessoa viết tay. Chính chiếc rương này mỗi ngày lại đem lại thêm một dáng vẻ mới của Pessoa, vì cho tới nay người ta vẫn chưa in được hết «Tác phẩm toàn tập» của ông!*

Pessoa trong tiếng Bồ có nghĩa là «không ai cả» và theo từ nguyên còn có nghĩa là chiếc mặt nạ của các diễn viên sân khấu (La-mã). Ngay từ năm 25 tuổi, Pessoa đã có tham vọng «một mình trở thành cả một nền văn chương» của Bồ-đào-nha, và quả thật, Fernando Pessoa đã trở thành, không phải một mà là rất nhiều tác giả cùng một lúc. Vì ông, theo bản kiểm kê hồi gần đây, đã «tạo ra» trên bảy mươi danh hiệu với số tác phẩm nhiều ít, khác biệt, thuộc đủ loại như thơ, truyện, bút ký, phê bình,... và cả triết lý nữa...! Trong các «dị danh» (hétéronymes) của ông nổi bật các tên tuổi như Alberto Caeiro, Ricardo Reis, Álvaro de Campos, Bernardo Soares, C. Pacheco,... Đây không phải là những biệt hiệu khác nhau của cùng một tác giả như ta thường thấy. Với mỗi danh hiệu này, Pessoa đã «thực hiện» cả một tiểu sử tỉ mỉ, một quan niệm sống tách biệt và nhất là một bút pháp riêng, khác nhau và khác với chính ông, vì Fernando Pessoa còn viết dưới tên thực của mình! Theo Pessoa, «tác phẩm viết bằng ‘biệt hiệu’ (pseudonyme) là tác phẩm của «chính con người» tác giả thiếu chữ ký tên thực của ông; tác phẩm ‘dị danh’ (hétéronyme) là tác phẩm của tác giả «ở ngoài con người của ông»; ấy là tác phẩm của một nhân vật hay nhân cách hoàn toàn do ông tạo ra, cũng như những lời đối đáp của một nhân vật xuất phát từ một kịch bản sân khấu nào đó do tay ông viết ra.» Chính bởi thế mà Pessoa đã để cho Alberto Caeiro (1889-1915), «thi sĩ duy nhất của Thiên nhiên», viết những lời thơ giản dị; Álvaro de Campos (1890- ), «một kỹ sư hàng hải được đào tạo ở Glasgow» tin ở những cảm giác, «rất Whitman»; Ricardo Reis (1887- ), «một y sĩ chuyên nghiệp, sống biệt xứ ở Ba-tây từ năm 1919», thiên trọng về hình thức; Bernardo Soares, viên phụ tá kế toán, ngồi ghi chép và phân tích cái thế giới giả tưởng của mình trong Bất an thư,...

Trong tất cả các tác giả-nhân vật của Pessoa này, Alberto Caeiro, theo phân tích của nhà thơ Mễ-tây-cơ Octavio Paz, chính là «vầng thái dương, xoay chung quanh đó là Reis, Campos và ngay cả Pessoa nữa». Tất cả các tác giả-nhân vật nói trên và chính Pessoa đều coi Caeiro như «bậc thày» của họ. Caeiro sinh tại Lisboa năm 1889, mất vì lao phổi năm 1915. Là một người tầm thước, tóc hung, chỉ học tới tiểu học và sống tại miền quê (trong một ngôi nhà nhỏ ở đỉnh đồi). Vì mệnh yểu, ông chỉ «để lại» một số tác phẩm ngắn -- khoảng hơn một trăm bài -- tất cả đều là thơ tự do hoặc thơ không vần. Tính cách tiêu biểu của những bài này là sự giản dị, như tâm hồn Caeiro!

Trong thư gửi Adolfo Casais Montero ngày 13. 1. 1935, Pessoa cho biết về cuộc «gặp gỡ» của ông với Alberto Caeiro như sau: «Hôm ấy là ngày 8. 3.1914 – tôi lại gần một chiếc tủ ngăn khá cao và lấy một tờ giấy khởi sự viết, đứng mà viết như tôi vẫn làm như vậy mỗi khi có thể được. Và tôi đã viết liên tiếp hơn ba mươi bài thơ trong một thứ say sưa mà tôi không sao xác định được tính chất. Ấy là ngày toàn thắng của đời tôi, và không bao giờ tôi còn được biết tới một ngày tương tự. Tôi khởi đi từ cái tựa Người chăn giữ đàn thú. Và điều kế đó là sự xuất hiện nơi tôi của một người mà tôi lập tức kêu bằng Alberto Caeiro. Xin thứ lỗi cho kiểu nói này: Caeiro đã xuất hiện với tôi như một bậc thày của tôi.(...)» Kế đó, Pessoa cho biết tiếp, ông đã lấy một tờ giấy khác và cũng viết «một hơi» sáu bài thơ hợp thành bài «Mưa nghiêng» của... Fernando Pessoa, khác hẳn những bài trên.

Một đoạn khác có thể cho thấy vị trí chính xác của các tác giả «xuất hiện nơi ông» đối với chính Pessoa. Trong một ghi chú, được công bố lần đầu tiên vào năm 1960, nhan đề «Về bài thơ VIII trong tập Người chăn giữ đàn thú», Pessoa viết:

«... Tôi đã xây dựng nơi tôi nhiều nhân vật khác nhau, phân biệt với nhau và với chính tôi, những nhân vật mà tôi đã gán cho những bài thơ khác nhau, những bài thơ chiếu theo cảm nghĩ của tôi, không phải là những bài tôi sẽ viết.

«Phải coi những bài thơ này của Caeiro, của Ricardo Reis, và của Álvaro de Campos như thế. Không nên tìm nơi bất cứ bài nào trong các bài đó những ý kiến hay những tình cảm của tôi, là vì có nhiều bài trong các bài đó diễn tả những ý kiến mà tôi không chấp nhận, những tình cảm mà tôi không bao giờ cảm thấy. Những bài ấy thế nào chỉ cần đọc chúng như thế, vả lại, ấy là cách đọc đúng đắn.

«Một thí dụ: tôi đã viết với một cái nhún vai ghê tởm bài thơ thứ tám (VIII) trong Người chăn giữ đàn thú, với sự phạm thượng thật trẻ con và sự chống đối duy linh tuyệt đối của nó. Trong con người riêng của tôi, và rõ rệt là con người thật sự, con người mà tôi sống với xã hội và khách quan, tôi không bao giờ sử dụng tới sự phạm thượng, và tôi không phải là một người chống duy linh. Alberto Caeiro tuy vậy, theo tôi quan niệm, là như thế; vậy thời Caeiro phải viết như thế, dù tôi có muốn thế hay không. Chối bỏ của tôi cái quyền xử sự như thế có khác nào chối bỏ cái quyền của Shakespeare được biểu hiện tâm hồn Macbeth Phu nhân, viện cớ là ông, người thi sĩ, không phải là một phụ nữ, cũng chẳng phải là, theo chỗ người ta được biết, một kẻ mắc chứng kinh phong-loạn thần kinh...»

Toàn bộ tác phẩm của Alberto Caeiro, gồm Người chăn giữ đàn thú (49 bài), Người mục tử si tình, Những bài thơ rời, đã được dịch sang tiếng Việt dựa trên các bản dịch Pháp, Anh và đối chiếu với nguyên tác.

 

--------------------------------

Ghi chú:

* Xin xem thêm Antonio Tabucchi, Une malle pleine de gens, Christian Bourgois, Paris, 1992.

Bài viết trên đã được dùng làm bài dẫn nhập cho tác phẩm của Alberto Caeiro. Mời độc giả vào điểm nối sau đây để đọc bài thơ VIII của Alberto Caeiro trong tập "Người chăn giữ đàn thú" và những bài thơ khác , bản dịch Diễm Châu.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021