thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Jean Tardieu: Những ngày Việt Nam

 

Jean Tardieu sinh năm 1903 ở Saint-Germaine-de-Joux trong một ngôi làng nhỏ ở Jura, xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ — cha là hoạ sĩ (Victor Tardieu), mẹ là một nhạc sĩ đàn harpe. môn đệ của Saint-Saëns. Ông học trung học ở trường Condorcet, Paris, sau đó tốt nghiệp cử nhân văn khoa ở đại học Sorbonne. Từ 1923, ông tham gia “Những buổi nói chuyện mùa hè” ở Pontigny, nơi ông bắt đầu quen với Unanumo, Schlumberger, Chestov, Strachey, Tatyana Tolstoi, và những bài thơ đầu tiên của ông được nhiều nhà văn chú ý, trong số đó có Paul Desjardins, André Gide, Roger Martin du Gard. Người đầu tiên cho xuất bản thơ ông là Jean Paulhan, trên tạp chí nổi tiếng La Nouvelle Revue Française (1927). Sau thời gian quân dịch ở Việt Nam trở về Paris (1932), ông từng tham gia in ấn và xuất bản sách báo Kháng chiến, bắt đầu làm quen với các nhà văn Kháng chiến như Aragon, Éluard, Queneau, Seghers, và Frénaud, và tiếp tục làm thơ, viết kịch, rồi làm biên tập cho Viện bảo tàng quốc gia, cho nhà xuất bản Hachette (đến 1939), trước khi bị động viên (1939-40), và hoạt động lâu năm trong ngành phát thanh (sau Giải phóng, 1944): phụ trách ban kịch phát thanh, rồi chuyển qua làm giám đốc “Câu lạc bộ thử nghiệm”, “Câu lạc bộ nghiên cứu”, giám đốc chương trình “France-Musique”, và sau cùng là cố vấn điều hành của đài cho đến ngày hưu trí. Ông mất ngày 27 tháng giêng năm 1995 ở Créteil, để lại cho hậu thế một gia tài thơ ca và sân khấu đồ sộ, không những trên quê hương ông mà còn khắp thế giới.

Tác phẩm đa dạng và phong phú của Jean Tardieu, mà tất nhiên những trang này không có cách nào ghi lại đầy đủ, với những vở kịch nổi tiếng như le Professeur Froeppel (1978), l’Archipel sans nom (1991), những bài văn xuôi đầy chất thơ trong la Part de l’ombre (1972), những công trình tìm kiếm hình thức thơ ca tập hợp trong Formeries (1976), tự truyện có tên nghe như tên một vở hài kịch On vient chercher Monsieur Jean (1990), những bài thơ chưa hề đăng in trong tập Margeries (1986), và nhiều sách viết cho thiếu nhi như Je m’amuse à rimer (1991)... kể cả những bài tuyệt đẹp về hội hoạ ông khởi sự viết từ những ngày ở Hà Nội và Thư Hà Nội (một số đã được xuất bản sau khi ông mất) — đã chấm phá tuyệt vời một sự nghiệp văn học đặc biệt phong phú — cho thấy ông đúng là một trường hợp riêng lẻ trong văn học Pháp.

Những giải thưởng ông từng đoạt: Grand Prix de Poésie de l’Académie Française 1972, Prix de la Critique 1976, Grand Prix de Théâtre de la Société des auteurs et compositeurs dramatiques 1979, Grand Prix de Poésie de la Ville de Paris 1981, hai giải Grand Prix de la Société des gens de Lettres dành cho các tác phẩm kịch truyền thanh (1983) và cho toàn bộ tác phẩm của ông (1986), Giải Voltaire 1991, và sau cùng là Prix National des Lettres 1993.

Thời gian mười tám tháng sống ở Hà Nội (1927-1928) — mà Laurent Flieder (Jean Tardieu ou la présence absente) gọi là “cái dấu ngoặc Đông dương” của đời ông — tuy không dài nhưng đã đánh dấu một bước ngoặt rất đáng lưu tâm trong toàn bộ quá trình hình thành con người nghệ thuật nơi Jean Tardieu. Không ai có thể ngờ anh thanh niên Paris, giữa lúc được dành nhiều hứa hẹn ở tạp chí N.R.F., có thể bỏ hết lại đàng sau để hớn hở xuống tàu “Le Sphinx” (cùng với mẹ, bà Caroline Tardieu, bởi vì cha ông bấy giờ đang làm giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội) 4 giờ chiều ngày thứ Sáu 28 tháng 9, 1927 trực chỉ Yokohama để đi làm nghĩa vụ quân dịch ở Việt Nam.

Thể tạng không cho phép tham dự thật sự những buổi tập dự bị như những học viên sĩ quan khác ở trại lính nằm trong một vùng nắng gió ngoại ô Hà Nội, Jean Tardieu được giữ làm “thư ký Bộ tham mưu”, ngày đi tối về, và là về với gia đình, với đầy đủ cha mẹ, trong một biệt thự lớn trên phố Reinach. Nói văn hoa, thì Hà Nội đúng là chốn đày ải lý tưởng: không kể ba tuần nằm trong nhà tù trại binh vì những ngày Chủ nhật thường thăm viếng các nhà thơ cách mạng Việt Nam, những ngày còn lại ông có cảm tưởng sống trong căn phòng trang hoàng bằng tủ bàn mà năm tháng đã đánh bóng loáng, sống đúng như “giấc mơ từ 70 năm nay Baudelaire vẫn thì thầm vào tai dân Paris” — như ông viết ngày 14.11.1927 khi vừa đặt chân đến Bắc kỳ. Ngay trong đơn vị của mình, ngoài những giờ đánh máy các tờ trình, là công việc chính của người “thư ký”, ông có thể “tiếp xúc với những sĩ quan dễ thương, ai nấy ít nhiều đều say mê Gide, Proust hay Valéry”, và hơn thế, đã được đặt dưới quyền “một người cực kỳ thông minh, có văn hoá, tế nhị, có người em là Marcel Aymé vừa cho ra một cuốn sách nhỏ, Aller Retour ở nhà Nrf”.

Cũng trong cuốn Jean Tardieu ou la présence absente, tác giả Laurent Flieder có trích một đoạn liên hệ đến quang cảnh đường phố thời ấy, và trích đoạn tất nhiên cho thấy như thế nào nhà văn trẻ Paris đã ngạc nhiên và thích thú trước những khám phá Bắc kỳ của mình:

Những con đường nhỏ ấy quyến rũ cả tai lẫn mắt ta, bằng tiếng xôn xao nhẹ nhàng mà lạc điệu, om sòm mà vui tai vỡ ra khắp phố. Tất cả mọi tiếng động đều ở giới hạn của bài ca chạy trên vài nốt thuộc thang âm của chúng ta, nghĩa là trên ba mươi hay bốn mươi nốt của cái mà người ta còn lưỡng lự chưa gọi hẳn là thang âm An nam. Cuối cùng là cái ngọt ngào nhất trong mọi thứ: tiếng vang của những chiếc guốc mộc gõ trên mặt đường.

Những chiếc guốc phủ một lớp dầu quang rực rỡ mày đỏ hay vàng hay xanh hay có cái dáng như thế này, gót guốc khi chạm mặt đất thì vang lên một nốt đàn xylophone và miếng ván nhỏ nằm trên gót làm mặt vang âm cộng hưởng khi bàn chân (chỉ mũi bàn chân là được giữ bởi một giải dây da) buông lơi trên gót guốc mỗi bước đi tới. Tôi nghĩ nhạc điệu ấy của những chiếc guốc đối với người dân ở đây hẳn phải là một kiểu làm dáng cố tình, kiểu cách. (...) Một ngày nọ tôi dừng một lúc lâu trước chỗ bày hàng của một người thợ giày An nam, lần lượt đem hết gót bốn mươi đôi guốc gõ lên lề đường. Thế là có những trận cười rũ bên trong sạp: cha, mẹ, anh chị em, ai nấy cười vui vì trông thấy tôi bận rộn làm việc ấy, cười để hở cả những chiếc răng sơn đen bóng.

Thế nhưng tất nhiên không phải chỉ có những ngày vui. Kinh nghiệm Hà Nội không phải chỉ có tiếng guốc mộc vui tai khua trên đường phố, với cái thang âm đếm được tới trên ba bốn mươi nốt. Thế giới này dù sao cũng là mới quá, lạ quá, và chàng thanh niên bước chân tới Đông dương, như một tân binh, thì hoàn toàn chưa nghĩ đến cái hoàn cảnh mới mình phải đối đầu, như một kiều dân, và hơn thế, như một thực dân. Trong bầu không khí quyến rũ nhưng thiếu tự nhiên của chỗ đất mới, bên cạnh nhiều, vô số những điều lạ và thích thú kích thích sự tò mò, con người bản chất u buồn vẫn cảm thấy một cái gì “bất ổn, không nói ra được...”, và cái cảm giác hụt hẫng ấy khiến cho “những giá trị quen thân cũ không còn là cái hàng rào chắn để ta được yên tâm đọc mọi thứ, mà là một cái lồng cách biệt ta với bên ngoài...”

Con người Jean Tardieu bấy giờ dù sao vẫn là con người ngổn ngang của hai phía: một bên là khí hậu thái quá của đất Bắc kỳ (không phải cho riêng bản thân mình, mà hơn cả, với cha mẹ là những người rõ ràng đang phải chịu đựng một cách khắc nghiệt), là những quan hệ xã hội không phải lúc nào cũng dễ chịu đối với một ông Tây mắt xanh mũi lõ, là nỗi nhớ quê hương (Paris?) có khi lấn lướt cả những cái lạ lý thú ở chỗ đất mới; một bên là sự “lên đường” của tuổi trẻ hăm hở xông vào những vùng trời tưởng như chưa có ai đặt chân tới, những khám phá... Khoảng một tháng trước khi bắt đầu Thư Hà Nội gửi cho Roger Martin du Gard, ngày 23 tháng mười hai 1927, Tardieu viết:

... Không nơi đâu như nơi này tôi có thể nhâm nhi trọn hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần lễ “cái niềm vui sống” kia. Chính trong trạng thái như vậy, hầu như liên tục, tôi đã sống qua tháng đầu tiên thời gian ở đây, tháng tự do của tôi. Vả chăng có lẽ cái tự do ấy rất đáng kể trong hạnh phúc của tôi ở đây...

Ta hãy không nên nhìn mọi sự một cách chủ quan và dưới một lăng kính tích cực thuần về phía ta: “niềm vui sống” ấy của Tardieu không kéo dài lâu, đúng như ông thấy, bởi vì giọng điệu hớn hở của tháng đầu tiên (có thể đã dần dà nhạt dần khi bắt đầu Thư Hà Nội, một tháng sau đó?) mấy tháng sau đã chao đảo, màu hồng tươi đã ngả qua một màu tuyệt vọng: Đêm nay cái mệt mỏi và khốn quẫn tinh thần nơi tôi không sao đếm được...

... Đến khi nào tôi mới tìm thấy lại cái cảm giác vui tươi? Từ một năm nay tôi không một lần được cảm thấy nó: tôi sống một đời sống thứ hai, tôi không chịu được cuộc sống tôi đang sống, mỗi phút là một vấn đề nan giải, một cố gắng, một chiến thắng phải giành được trên trăm ngàn thù địch. Tất cả những gì là tôi, đều phải rút xuống tận đáy lòng mình, mọi cơ vận đều ngưng, đều nằm lơ lửng, đều đang chờ tìm thấy lại cái không khí quen thuộc của nó để bắt đầu vận hành trở lại. Trong tôi chỉ còn lại những gì cần có để sống bình thường, để cử động, nói, cư xử gần như đâu đó đàng hoàng, nhưng y như tôi là kẻ điếc mù và câm. Như vậy làm sao tôi có thể nghĩ đến chuyện thơ ca? Tốt hay xấu không kể, nhưng để trong tôi có thể nảy sinh niềm vui và nhiệt tình ấy, cái yêu cầu hành động theo cách của tôi ấy, tôi cần phải gặp được nhiều điều kiện thuận lợi: sức khỏe tốt, tự do tinh thần, niềm hưng phấn vui tươi v.v... không điều kiện nào được thoả mãn ở đây...

Đúng là không nên nhìn mọi sự một cách chủ quan: sáu mươi năm sau, trong Causeries devant la fenêtre (ghi lại bốn cuộc chuyện trò với J.P. Valloton, 1985-1987), Tardieu không úp mở nói về sự xen kẽ giữa bi quan và lạc quan trong ông, hai thứ biểu hiện

một cái gì đó rất sâu đậm trong tôi, bởi lẽ tôi cảm thấy vừa sung sướng vừa đau khổ, vừa lo âu vừa tươi cười. Xưa nay tôi vẫn quen với hai ý niệm đối nghịch cùng sống chung ấy. Đó chính là một phần cách nhìn của tôi đối với thế giới, là nơi sự mâu thuẫn đã là chuyện muôn thuở.

Những tháng Hà Nội của Tardieu thật sự là rất ngắn so với chiều dài cuộc sống và sáng tác phong phú của ông. Tuy vậy, khi đi tìm những dấu vết ông để lại trong ngổn ngang những bài viết, thư từ đã công bố hoặc chưa công bố hết dưới dạng sách, và tập trung những ghi nhận của ông về cái “dấu ngoặc Đông dương” nói trên, chúng ta không khỏi nhận ra, và nhận ra khá chính xác, cái phần không nhỏ gây ra sự thất vọng của ông: đám đông những người Pháp sống trên đất thuộc địa.

... tôi có thể nào tận hưởng theo ý thích của mình những buổi dạo chơi khám phá trên những phố tàu? Tôi sợ gặp ở đây đám thực dân mà tôi ghét. Họ có sẽ làm hỏng thú vui của tôi chăng, những con người chỉ chuyên chở những tư tưởng sai lạc, sự tầm thường, những điều sáo rỗng, tất cả những gì làm ngộp và giết chết tinh thần của ta? Tôi trở lại chuyện này bởi lẽ đây là một đề tài tôi mang đậm trong lòng. Không bao giờ tôi sẽ khuây khoả được khi nghĩ rằng cha tôi đã từng sống gần mười năm trong bầu không khí những giá trị bị làm sai lạc, sự thiếu thành thực, sự áp bức tinh thần ấy. Một con người bản chất vốn rất ít cách mạng như tôi, mà nếu như phải ở lại đây lâu, hẳn tôi phải biến thành một người bôn sê vich (sic), một kẻ vô chính phủ hư vô, không phải do lòng tin mà là để làm cho nổ bùng, để chống đối, để trút bỏ cái đời sống gian xảo trong đó người nào cũng dối trá với người khác và dối trá với chính mình, là nơi những chuyển động đẹp đẽ nhất, những tình cảm và suy nghĩ thanh cao nhất đều lập tức suy sụp và sẽ chết gí trong sự đình trệ chung.

Cái giọng điệu thoải mái đùa cợt nghe qua cứ tưởng là vui trong một đoạn thư ông gửi cho người bạn thời còn đi học là Jacques Heurgon (cũng là người ngày xưa từng giới thiệu ông với Paul Desjardins và đưa ông đến những cuộc hội thảo mùa hè ở Burgundy) đề ngày 14 tháng mười hai 1928 dưới đây, khi mô tả những buổi tiếp khách ở Hà Nội, với những thói tục tiếp tân, những câu chuyện trao đổi sáo rỗng của những ông này bà nọ, hẳn đã là khuôn mẫu cho kiểu hài Tardieu sử dụng để giễu các phòng khách của giới trưởng giả ở ngay trên đất Pháp của mình trong những vở Sân khấu Thính phòng của ông.

... không gì làm tôi thích bằng quan sát đời sống của cái nhóm nhỏ những người Pháp ở Hà Nội vừa đại diện cho chính phủ, vừa đại diện cho giới quý tộc, giới trưởng giả và dân chúng. Trong thư bạn viết về cuốn “Les Faux-Monnayeurs”, bạn có nói về một “Triều đình Parme lý tưởng” trong đó Gide và Stendhal thích thú sống trong tưởng tượng. Khám phá kết hợp tài tình ấy khiến tôi cứ mơ mộng mãi và tôi không ngớt tìm cách minh chứng sự chính xác của nó. (...) Chuyển hướng và chuyển đối tượng cái ý nghĩ kia của bạn, tôi tìm ra ở đấy một sự ám chỉ rất chính xác về cái thế giới nhỏ những người châu Âu chung quanh tôi tại đây: đó là một “Triều đình Parme”, là cái thủ đô thu nhỏ, là bộ đồ chơi những con búp bê bắt chước những vai trò và cử động thu nhỏ của một quốc gia lớn. Và mặc dù tôi nhìn thấy họ và chạm vào người họ, tôi vẫn không sao khỏi xem họ như những nhân vật vừ hài vừa bi trong trí tưởng tượng của một tiểu thuyết gia: Bà Giám đốc của cái này, Bà Giám đốc của cái nọ, tất cả những bà vợ của những công chức cao cấp nhất tiếp nhau mỗi ngày: lúc nào cũng đầy đủ bộ sậu ấy, chỉ có phòng khách là thay đổi, và cũng thay đổi chút ít thôi: chắc chắn người ta sẽ bắt gặp ở đấy vẫn những bàn ghế sơn mài màu đỏ, vẫn những tượng Phật mạ vàng được coi là đồ xưa, vẫn những bánh nướng nhỏ và vẫn những khách mời ấy; giai cấp tôn ti được tuân thủ cẩn thận: Bà Đại tá không cười cùng một kiểu với Bà Phó giám đốc công chánh và với Bà Thiếu tá. Còn với phu nhân của ngài thống đốc, thì cả mấy chiếc ghế bành đảo lộn cùng lúc, tiếp theo đó ai nấy im phăng phắc, khi phu nhân bước vào, nhã nhặn nhưng vẫn giữ khoảng cách. Về phía góc tủ buffet, Ô. Nọ đang tác động Ô. X để xin tăng lương cho Y hay cho chính mình; nhưng cái khó là ở chỗ X, bạn thân của ông nọ, lại ghét Y do mấy trò chơi bẩn đã làm hại Z cái thời mà B.. và M.. đang được hưởng những ân huệ của hoàng thân.. vân vân.. Nhưng rắc rối mọi thứ chính là ở chỗ cái xã hội đang tưởng hoặc muốn tưởng là mình độc lập kia, và đang tự thu kín bên trong những lối đi quanh co rắc rối của chính mình, thực ra là đang sống giữa một dân tộc lạ lùng, xa lạ, có thể hiểu họ đấy, nhưng vẫn im lặng, vẫn chăm chú, bí ẩn, trong khi cái xã hội kia thì cô lập bởi cái ồn ào của chính mình, chắc chắn là không hiểu một chút nào về dân tộc ấy. Người ta nghi ngờ liếc mắt theo dõi nhau, nhưng người ta hoàn toàn không biết gì nhau...

Nhưng dù sao những ngày Hà Nội của Jean Tardieu — mặc dù thực tế là phải đương đầu với những tình huống không phải lúc nào cũng dễ chịu như vậy, như người đọc có thể nhận ra từ bản văn Thư Hà Nội — cũng đã đem đến cho ông không ít những điều hay, cả cho đời sống riêng tư lẫn trong tác phẩm văn học.

Trước tiên, đây là nơi ông đã gặp Marie-Laure Blot, người phụ nữ về sau là vợ ông, người đã cùng ông đi một đoạn đường dài suốt trong cuộc đời vợ chồng và trong những hoạt động tuy khác nhau nhưng bổ sung cho nhau: bà là người đi rất xa, rất thành công trong lĩnh vực khoa học (bác sĩ y khoa, tiến sĩ dược khoa và khoa học) và khi trở về Pháp đã thành danh ở Viện bảo tàng Vạn vật học, sau cùng trở thành một nhà thực vật học nổi tiếng. Cuộc hôn nhân của hai người vào mùa hè 1932 không những đem lại cho nhà thơ một cuộc sống tốt hơn cho việc viết lách (từ những hy sinh tận tụy của người vợ), mà, nào nói ngay, còn là một chỗ dựa có tính “thực tế” cần thiết cho việc triển nở sự nghiệp sáng tạo thơ văn của ông.

Sau đó, và có thể là chỗ quan trọng hơn cả, những ngày Hà Nội của Tardieu đã đánh dấu những bước đầu của nhà thơ trong hai thể loại văn học rất đặc biệt mà thời gian sau đó ông đã tiếp tục phát huy: dịch thơ và viết về nghệ thuật. Mang theo qua Hà Nội, hành trang của Tardieu không chỉ có tiểu thuyết Conrad, thơ Cocteau, tiểu luận đồ sộ Gundolf viết về Goethe và những số tạp chí văn học mới nhất, mà còn có những trang chính nhà phê bình người Đức viết về Hölderlin và về bài thơ “Archipelagus” nổi tiếng của nhà thơ này, mà khi trở về Pháp ông đã cất công chuyển qua tiếng Pháp. Nhiều người Pháp khi đọc những trang dịch đã tự hỏi phải chăng “Archipelagus”, trong một chừng mức nào đó, đã “soi sáng” và gây cảm hứng cho cái nhìn của người dịch về vai trò và phương cách của nhà thơ, để sau đó đi đến chỗ tạo ra một thứ “nghệ thuật thơ ca” kiểu Tardieu.

Về chuyện dịch thơ, và có lẽ đây là điều không xa lắm với những băn khoăn của nhà văn Võ Phiến của chúng ta về vấn đề thơ dịch, tưởng rất nên ghi một đoạn Tardieu viết trong bài “Về việc phiên dịch một nhịp điệu”, coi như một thu hoạch từ ít nhiều công việc chuyển ngữ thơ ông đã làm thời bấy giờ (ngoài nghĩa vụ quân dịch) ở Hà Nội:

Sẽ thật là phi lý, thật là vô ích khi ta muốn chuyển qua ngôn ngữ Pháp một bài thơ trong đó âm nhạc đóng vai trò một yếu tố không thể thiếu, một yếu tố hàng đầu, nếu như chúng ta tự hạn chế chỉ dịch những gì chúng ta thường chỉ đồng ý gọi là “ý nghĩa”, nếu như chúng ta không thử đồng thời tìm ra một cái tương đương về nhịp điệu và nhạc điệu trong tiếng Pháp, — nếu trong khi dịch “nghĩa” của bài thơ ta không tìm cách phiên dịch âm nhạc của nó. Âm nhạc của những câu thơ tự nó đã chiếm gần hết phân nửa cái ý nghĩa của chúng, trong khi ý nghĩa cũng nhập vào hơn phân nửa cái kỳ diệu âm nhạc trong sáng tác của các nhà thơ.
(Accents. 1939)

Cái “tương đương” Tardieu tìm thấy ở Hà Nội trong công việc chuyển ngữ một bài thơ, hay trong thơ ca nói chung, giữa những vai trò của âm thanh và ý nghĩa, phải chăng đã là một khởi đầu đưa nhà thơ đến chỗ tìm ra một cái viết “tương đương” với nghệ thuật của người hoạ sĩ? Kinh nghiệm của Jean Tardieu bên cạnh những tìm kiếm của Victor Tardieu, trong thời gian này, là một dịp để ông suy nghĩ về tầm quan trọng của “ý nghĩa” mà người vẽ tranh tập trung trên khung vải của mình, cụ thể là cái “thu hoạch” của hội hoạ từ chính bước đi sáng tạo của người cha: tận mắt ông đã được chứng kiến cái nhìn sắc bén và những sự chính xác của một người làm hội hoạ khi người này “tiến công” vào tác phẩm của mình.

... Cuối căn phòng lúc nhúc toàn thể những con người của đám đông An nam cha tôi vẽ trên bức tranh lớn của người. Về chuyện này bạn không thể tưởng tượng cái tiếc rẻ của tôi khi nghĩ rằng bức tranh sẽ nằm lại đây (tranh trang hoàng cho giảng đường Đại học). Vậy thì ai sẽ hiểu tranh ấy, sẽ nhìn được tranh ấy? Đa số những người châu Âu ở hẳn nơi này chỉ gồm những người tầm thường, phải nói rõ là thế, những con người không có thẩm thức, không có văn hoá. Còn về những người An nam, đây là một thứ nghệ thuật có cái sức mạnh mà họ có thể quí trọng, nhưng lại quá xa họ nên không thể nào bổ ích cho họ được. Vậy nên đây đúng là “chôn sống” một tác phẩm mà cha tôi đã để hết cái chính yếu của tài năng mình, tác phẩm trẻ nhất đồng thời cũng là nhã nhất của người. Một tác phẩm lẽ ra người phải để sáu năm mới thực hiện được. Hẳn nhiên trong thời gian này ở Pháp tranh ấy cũng không phải là đã có thể có người thưởng thức được — tôi muốn nói là những người thưởng thức có đầu óc trẻ trung và táo bạo. Với lối bài trí cổ điển, khá giống tranh Véronèse,[1] một chút “tráng lệ” trong bố cục, dưới mắt công chúng thời bây giờ tranh sẽ đúng là cái mà người ta đang đấu tranh chống lại. Bận tâm về những tìm kiếm mới, sôi sục những táo bạo và ước mơ, tất nhiên là kéo theo những định kiến và bất công, đúng là bấy nhiêu ấy đưa đến chỗ người ta sẽ lên án bức tranh về một mặt, và người ta sẽ bất công đối với những mảng “sơn dầu thuần tuý” rải ra vô số trên tranh. Tranh lớn, đậm nét, vây phủ, rất nhiều mạnh dạn về chi tiết trong tranh biến mất trong một toàn thể 77 mét vuông.

Hình ảnh một chú bé người An nam, tay cầm một quả cam nổi rõ trên nền một nhóm người mà sự hài hoà hơi gay gắt được “sắp xếp” một cách cẩn thận: hai vị quan An nam, một phụ nữ cho con bú, một phụ nữ khác bồng con một bên hông, một khung cảnh luộm thuộm giả — giống như kiểu luộm thuộm của “xưởng vẽ” của Coubert — toát ra một sự hăng hái tươi mát trong màu sắc, và cái màu ấy

chuyển động trong những sắc tím tối sẫm lạ lùng, chấm phá đó đây những vệt mặt trời, và đột nhiên một màu xanh lá cây hơi chua — và tuy nhiên toàn bộ nhạt dần trong một bầu không khí nóng, bất ngờ, thú vị — nhưng tất cả những cái ấy sẽ không ai được biết.

Sẽ không ai được biết... Đây chính là cái băn khoăn của nhà thơ bắt đầu rung động trước những màu sắc không phải là màu sắc Paris, cái tâm sự nuối tiếc trước một vẻ đẹp có thể bị chìm mất trong đời sống, và sau cùng, một nỗi ân hận, cho đến cuối đời, đã không làm gì được trước những bất công...

Điều ấy làm tôi buồn vô cùng. Nhưng cha tôi bất cần. Đối với người, không gì có thể thay thế niềm vui được vẽ và được tìm tòi. Ông không bao giờ băn khoăn chuyện đưa bức tranh của mình cho người khác xem. Mỗi khi có ai nhìn bức tranh, ông cảm thấy một cảm giác gần như sự não lòng... Nếu có ai đặt ông vẽ một bức lớn tới 100 mét vuông chỉ để ném xuống biển ngay vào cái ngày ông hoàn tất, hẳn ông sẽ vui vẻ bắt đầu cầm cọ lên...

Cho đến cuối đời, Jean Tardieu vẫn chưa làm được gì trong mơ ước “phục hồi” những tác phẩm Hà Nội của cha là hoạ sĩ Victor Tardieu, nhưng lấp lánh sau mấy đoạn thư ông viết gửi về Pháp trích trên đây, hơn là những băn khoăn của một người con trước cái khoảng không mênh mông của công việc sáng tác của cha mình ở một miền đất xa xôi có thể trôi vào quên lãng — rõ ràng chúng ta thấy một chuyển động mới nơi cái viết của nhà thơ: từ một bức tranh, gợi lại một thế giới, bước đi, vũ trụ của một hoạ sĩ...

 

*

 

Người viết bài này sẽ rất thiếu thành thật nếu để sót một ý nghĩ rất đậm sau khi chuyển ngữ Thư Hà Nội của Jean Tardieu. Chuyến đi Việt Nam của nhà văn rất dễ làm ta nghĩ đến một trong nhiều cách “lên đường” của những người trẻ tuổi. Thế nhưng Tardieu, mà bản chất rất ít cách mạng, như ông từng thú nhận trong thư gửi Jacques Heurgon nói trên, và rất không dễ dàng “bốn phương đều là anh em” như nhiều người trong chúng ta từng mơ ước, vẫn là một “người ngoài”. Có điều, cái chút ít “người ngoài” ấy viết về những chiều dạo chơi trên sông Hồng, buổi sáng Chủ nhật cùng hoạ sĩ Lê Phổ ngồi chuyện trò về nghệ thuật trong sân một ngôi chùa cổ ở đồng quê, hay buổi hoàng hôn đứng trên cầu Doumer nhìn ra chân trời xa (dưới ấy, dưới ngòi bút của nhà thơ nước Pháp xa xôi, thật không phải chỉ Hà Nội, mà là cả một công trình nghệ thuật của thiên nhiên), cái chút ít ấy sẽ còn lại trong ký ức của ta như một ngụm trà uống vào một buổi chiều mưa trở về nhà, trong nhiều kỷ niệm — và trong thời gian.

 

_________________________

[1]Paulo Caliari Véronèse, hoạ sĩ Ý (1528-1588) chuyên về tranh hoành tráng, từng là nguồn cảm hứng đáng kể cho các hoạ sĩ sau ông, như Rubens, Vélasquez, Delacroix...

 

--------
Nguồn: Bài giới thiệu về Jean Tardieu, in trong phần phụ lục cuốn Thư Hà Nội của Jean Tardieu, dịch giả Nguyễn Thu Hồng & Hoàng Ngọc Biên (Tủ sách Nhân & Dân, nxb Trình Bầy, 2003).

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021