thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tự ăn chính mình rồi thải ra thúi hoắc

 

Trên núi Chư Mang xa xôi, có những hầm mộ được xây bằng đá ong. Không biết những hầm mộ ấy được xây tự bao giờ, chắc là lâu lắm rồi, ngày xưa, xưa như trong truyền thuyết. Thuở ấy, núi Chư Mang còn màu xanh, chưa ngả màu đỏ sẫm hoang liêu như bây giờ. Những hầm mộ cũng màu xanh, mơ màng trong sương núi. Trong những hầm mộ màu xanh, có những xác người ướp bằng màu xanh lá cây và được những con rắn màu xanh nằm canh giữ.

Lũ trẻ hiếu động dưới chân núi chưa bao giờ dám bén mảng đến gần. Chúng sợ. Chỉ có lũ khỉ đột vẫn hồn nhiên chuyền cành hái quả, rồi ngồi lên những ngôi mộ, miệng chí choé gọi nhau và kiêu hãnh cất lên những câu hát hoang dã của loài người tiền sử.

Trong những đêm trăng xanh như cổ tích, lũ trẻ dưới chân núi, bị cha mẹ bắt lên giường nằm ngủ. Nhưng chúng không ngủ được, chúng thích chơi dưới trăng hơn. Mỗi bà mẹ phải cất sẵn một cái roi trên vách, chúng mới chịu nằm im. Giả vờ ngủ thôi, kỳ thực, chúng đang thức. Chúng nằm lắng nghe ánh trăng tan trên vòm lá cây ướt sương đêm, nghe tiếng sào sạo xôn xao vọng về từ trong những huyệt mộ màu xanh. Trong ấy, lũ rắn xanh đang tự tử bằng cách nuốt lấy đuôi mình, và những xác ướp màu xanh cũng vừa thức dậy, đang từ từ gặm nhấm cơ thể mình.

"Đêm nay chúng nó lại ăn,” một đứa thì thào. Ở vách nhà bên kia, cũng có tiếng phản gỗ cọt kẹt, chắc đứa nào đó trở mình. Mỗi đứa có một trí tưởng tượng khác nhau, đang hình dung câu chuyện xảy ra trong hầm mộ.

Những cái miệng không răng, trống hoác, đen ngòm đang cố nuốt lấy từng đốt ngón tay ngón chân và các khớp xương ố vàng. Lũ rắn màu xanh vừa nuốt vừa trợn mắt phùng mang, phát ra những âm thanh rin rít, không khác gì tiếng tù và xung trận từ thuở nảo thuở nào vọng tới. Âm thanh vỡ vụn ra ngay khi vừa thoát khỏi hầm mộ, tự tin bay vút lên, như một làn khói biếc.

Cuối cùng thì lũ rắn cũng tự ăn hết mình, không biết là bằng cách nào. Chỉ còn lại những cái xương đầu hình tam giác và những đôi mắt trắng dã nhìn vào bóng đêm. Nhìn lại bộ xương của chính mình, những đôi mắt chết chóc ấy ánh lên niềm tự hào hoan lạc. Lũ trẻ mãi mãi không biết được bí mật này. Chúng nghe thấy tiếng cười lăn dài trong đêm vắng không khác gì tiếng đá lăn trong hang. Mùi xú uế toả lên ngạt mũi. Cả mấy chục đứa trẻ đồng loạt hắt xì hơi trên tấm phản nhà mình. Những bà mẹ nghiêm khắc đồng loạt ngồi bật dậy. “Thối quá, thối như là xác chết, không biết có chuyện gì!”

Núi Chư Mang đứng như một gã khổng lồ bất lực.

Những xác ướp trong hầm mộ ăn chậm hơn loài rắn. Chúng gặm từ từ, vừa mút từng mẩu xương của chính mình vừa rì rầm chuyện trò với nhau: “Chẳng ai bắt ta ngừng hi vọng. Chớ bi quan, sợ hãi, chán chường. Chỉ đốt hồn ta bằng lửa nóng. Mới làm nên những chuyện khác thường...” Chúng cười khùng khục, miệng nhả ra những sợi khói xanh đầy tử khí: “... khác thường, khác thường...”

Mùa nắng, núi ngả sang màu đỏ. Những thân cây bắt đầu héo úa, tàn tạ, khô từ dưới rễ khô lên. Những đứa trẻ dưới chân núi bây giờ đã trở thành những cụ già lọm khọm. Thời gian đi như nước qua cầu. Họ không còn thức giấc và trằn trọc trên phản mỗi đêm nữa. Họ nhẫn nhục và cam chịu. Mùi thịt thối xương hoai từ các hầm mộ toả xuống từ lâu đã khiến họ mất cảm giác. Lời cầu nguyện của họ bị tử khí đẩy bạt đi xa hàng vạn dặm, không ai nghe thấy.

Ở núi Chư Mang bây giờ, “một ngày dài tựa trăm năm”, nói như cụ gì đó nói. Tiếng nhai tiếng nuốt tiếng nghiến răng và tiếng cười tự hào kéo dài hết ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác, nặng nề, u ám. Những tia khói ánh lên trong nắng chiều màu đỏ, như là máu của nghìn năm trước bốc lên chóng mặt, buồn nôn.

Rồi vào một buổi chiều nào đó, từng cửa hầm mộ bật tung lên sau mỗi tiếng nổ khô khốc. Hình như là tiếng sét. Từ hố sâu huyệt mộ, sau quá trình nhai nuốt và bài tiết, cặn bã của lịch sử tung lên, không khác gì bãi chiến trường đầy xác chết đang phân huỷ, rữa ra, nhầy nhụa, hôi hám.

Rồi những ngày dài nối tiếp, rồi những đêm dài nối tiếp, những đứa trẻ vừa mới sinh ra đã phải lao động cật lực. Chúng dùng chổi lá và xẻng sắt để quét và xúc đống cặn bã ấy đổ đi, vừa làm vừa không ngớt nguyền rủa, miệt mài, vò võ, như dã tràng xe cát biển Đông.

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021