thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cuối năm nghĩ về đời sống và kĩ thuật

 

Bài và ảnh: Bùi Văn Phú

 

Những ngày này tôi thường cùng nhà tôi và các cháu theo dòng người đổ về các trung tâm thương mại: Union Square, Westfield, Sun Valley Mall. Ở những nơi đó gia đình biến nhanh vào các cửa tiệm, còn tôi loanh quanh một vòng nhìn ngắm thiên hạ, ngó qua những cửa hàng lóng lánh ánh đèn mầu, thấy sinh hoạt nào lạ đẹp tôi đưa máy lên chụp vài tấm hình. Sau đó tìm một tiệm sách, quán cà-phê hay một quán ăn nhanh vào ngồi đọc, viết. Cuối năm, dòng người qua lại đông đúc, tay xách nách mang những gói hàng Macy’s, GAP, Toys “R” Us hay 21 Forever là quà tặng cho người thân, bạn bè trong ngày lễ sắp đến.

Hai tuần nghỉ Giáng sinh cho tôi cơ hội được rong chơi, thư giãn nhiều hơn. Bạn thắc mắc tôi không bận rộn mua sắm gì sao? Có chứ. Đơn giản thôi. Việc này tôi bàn với bà xã rồi để cô ấy lo. Theo gia đình ra phố, đến các trung tâm thương mại nhưng tôi ít mua sắm và thường mang theo sách, bút, giấy, máy ảnh để nếu không biết phải làm gì thì những dụng cụ thân yêu đó giúp tôi bớt ngóng trông trong lúc chờ đợi gia đình.

Nhà tôi hay nói nếu ai cũng như tôi thì kinh tế Mỹ và kinh tế hoàn cầu sẽ không phát triển được, vì tính tôi không thích chạy theo mốt thời thượng. Đến giờ tôi vẫn không có iPod, iPhone hay iPad. Điện thoại cầm tay cũng không thường dùng. Trong nhà không màn hình mỏng, không karaoke hay Blue Ray.

Tôi chỉ thích chụp ảnh, vậy mà năm năm trước vẫn còn dùng máy Canon AE-1 chụp phim, chiếc máy đã theo tôi đi khắp năm châu bốn biển gần 30 năm. Những hình ảnh cũ trên Blog mà bạn đọc có dịp xem qua là sản phẩm của chiếc máy ảnh xưa và kĩ thuật số ngày nay. Tôi cho AE-1 nghỉ hưu sau khi dùng thử máy Sony Digital của cô con gái, loại bỏ túi, nhắm và chụp nhanh. Máy nhỏ gọn, tiện dụng lại có thể quay hình được. Người thân và bạn bè biết tôi thích chụp hình nên thường khuyên mua máy lớn để có ảnh đẹp, nghệ thuật. Tôi chần chừ, thứ nhất về giá, hai là về nhu cầu. Thật sự tôi có cần một máy ảnh hiện đại hơn không? Máy hình là để tôi ghi lại các sinh hoạt, biến cố làm tài liệu nhiều hơn là nghĩ đến nghệ thuật. Máy Sony nhỏ của cô con gái đạt đủ những điều tôi cần. Theo tôi, cách chụp quan trọng hơn là chiếc máy. Ngày nay kĩ thuật tân tiến nên chuyện gì cũng nhanh như chớp mắt. Không như AE-1 cổ, chụp xong phải vài ngày, rồi theo đà phát triển kĩ thuật của máy rửa ảnh, nếu muốn thì nhanh lắm cũng phải một giờ mới được xem tác phẩm của mình trên mặt giấy. Bây giờ tích tắc đã thấy hình đẹp xấu trên máy, không ưng ý, chụp lại được ngay.

Cuối năm ngoái, tôi có máy Nikon D-3000 với hai ống kính và nó đã trở thành bạn đồng hành trong năm qua. Máy mới nên tôi còn đang học cách dùng và hi vọng sẽ bền, tốt như chiếc AE-1 để đi theo tôi cho đến cuối đời.

Dù tôi đã có máy mới, bạn bè biết tôi hay viết báo lại đề nghị nên mua iPhone vì trong đó có cả máy hình, Internet rất tiện cho việc đưa tin nóng theo kiểu “Chiến sĩ Thông tin” đang được Blog danlambao.com (Dân làm báo) trong nước cổ vũ như một lựa chọn khác về cách làm truyền thông ngoài lề với luồng chính thống. Nhưng tôi sẽ không chạy theo tiến bộ kĩ thuật vì viết báo không phải là nghề của tôi, đó chỉ là cái duyên và là một niềm vui. Viết là cách để tôi biểu hiện tự do mình đang có, tự do lựa chọn, tự do phát biểu. Viết để tôi bênh vực cho những người không được quyền chọn lựa hay không được nói lên điều họ muốn nói.

Thỉnh thoảng tôi có bàn luận với người thân và bạn bè về tiến bộ của nước Mỹ, nhất là về kĩ thuật đã khiến nhiều người mất việc. Thí dụ như ở cây xăng. Ngày mới đến Mỹ đi đổ xăng cứ ngồi trong xe, có người đến mở nắp, bơm xăng, rửa kính trước sau rồi mình trả tiền cho họ. Bây giờ cái gì cũng self-service, tự làm lấy, khiến bao người không có việc làm. Các dịch vụ khác còn dùng máy thay cho người, từ ngân hàng, viễn thông, cơ quan bảo hiểm y tế đến định chế tài chánh. Gọi điện vào bạn sẽ nói chuyện với máy nhiều hơn với một người thật. Máy còn có thể nhận giọng, cách phát âm của bạn. Nhiều lần tôi đã bật cười cùng bực mình vì nói số, nói tên thành phố, nói những từ đơn giản không đúng giọng tiêu chuẩn nên máy nhận không ra. Nếu đầu giây bên kia có giọng thật thì người đó có khi đang ở Ghana, Ấn Độ hay Philippines. Bây giờ ngồi nhà bạn có thể trả nợ, trả tiền các dịch vụ tiêu dùng, mua nhiều mặt hàng. Con người thực dường như đang dần biến mất để chúng ta phải nói chuyện với máy, làm bạn qua không gian ảo. Tôi cho đó là một sự thụt lùi về đời sống xã hội so với tiến bộ kĩ thuật.

Trong hai thập niên qua các công ti Mỹ ồ ạt đưa sản xuất qua nước khác vì giá công nhân rẻ, ít bị luật lệ ràng buộc hơn. Gần thì xuống Nam Mỹ, xa hơn là Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Rồi dịch vụ cũng chuyển ra nước ngoài. Như thế dân Mỹ còn việc gì mà làm để tránh khỏi tình trạng kinh tế xuống, mức thất nghiệp cao trong những năm rồi.

Ba năm u ám của kinh tế Mỹ liệu có sắp qua? Tình hình có vẻ sáng sủa hơn cho năm mới. Số liệu thống kê cho biết hàng bán ra từ sau Lễ Tạ ơn tăng so với năm trước. Đây có phải là dấu hiệu báo trước kinh tế đang phục hồi hay chỉ là biểu hiện tâm lí lạc quan của người dân khi biết kết quả bầu cử ngày 2.11 với thắng lợi cho Đảng Cộng hoà sẽ đem lại những thay đổi chính sách? Nếu đúng thế thì bạn nghĩ sao: kinh tế dẫn đến thay đổi chính trị, hay ngược lại? Bạn có hi vọng gì cho năm mới không?

Theo báo chí và truyền hình, năm nay quần áo và hàng điện tử là những món quà phổ thông nhất. Mấy hôm trước ghé tiệm Fry’s, rảo qua nơi bày khung hình kĩ thuật số tôi nhận ra mặt hàng này bán chạy như tôm tươi. Tùy loại, tùy hiệu với giá từ 40 đến gần 200 đô-la một khung. Cả trăm hộp hàng giờ chỉ còn dăm ba cái lẻ loi trên kệ. Thời nay ai cũng có thể chụp ảnh với máy không phim, không cần rửa, nên khung hình điện tử có lẽ được ưa thích. Nếu thích chụp hình, bạn có thể đã kinh nghiệm về một chuyến nghỉ hè hay đi chơi xa, chụp mấy trăm tấm ảnh nhưng về nhà cứ để trong máy, không có dịp xem lại hay chia sẻ với người thân, bạn bè. Với khung điện tử, lâu lâu họp mặt gia đình bạn sẽ dễ dàng bật lên cho mọi người cùng xem.

Cuối năm lan man chuyện hình ảnh cũng là để tôi chia sẻ với bạn đọc vài sinh hoạt lễ hội ghi nhận qua ống kính trong những ngày qua.

 

*

 

Trên đường phố, trong các thương xá giờ đang vang vang những điệu nhạc Giáng sinh quen thuộc. Không khí nhộn nhịp, người người tất bật mua sắm mừng lễ.

Với đa số dân theo Thiên Chúa giáo nên Giáng sinh là lễ hội lớn nhất năm ở Hoa Kỳ. So sánh với văn hoá Việt thì Lễ Giáng sinh vào ngày 25.12 chính là ngày Tết của người Mỹ và người châu Âu, không phải ngày 1 tháng Giêng dương lịch mà người Việt gọi là “Tết Tây”. Theo tôi gọi thế là không đúng với tinh thần và văn hoá Mỹ. Trong nếp sống Mỹ, ngày đầu năm Tây không phải là tết vì người ta đã tặng quà, gửi thiệp chúc đến nhau quanh ngày Giáng sinh, một tuần trước ngày đầu năm. Kì nghỉ lễ cũng kéo dài từ trước Giáng sinh để dân chúng có thời giờ mua sắm, tổ chức tiệc trong gia đình. Qua Giáng Sinh không khí lễ hội bắt đầu phai nhạt và sau Tết Tây thì mọi người, mọi việc trở lại bình thường ngay, dù mới là mồng 2 hay mồng 3 tháng Giêng của năm mới. Ngay cả bưu điện Hoa Kỳ mỗi năm đều phát hành tem mừng Giáng sinh, không có tem mừng năm mới.

Nếu bạn đọc là người Thiên Chúa giáo thì biết rằng các thánh đường đều có lễ nửa đêm mừng Chúa sinh ra đời vào tối 24 rạng 25.12. Đó chính là nghi thức đón giao thừa, vì theo niên lịch phụng vụ Thiên Chúa giáo Lễ Giáng sinh chính là ngày đầu của một năm mới.

Thân chúc bạn đọc những ngày nghỉ vui, một năm mới an bình, hạnh phúc và nhiều may mắn.

 

 
Một cửa hàng đông khách mùa lễ hội trong khu thương mại Sun Valley Mall

 

Tác phẩm nghệ thuật mừng lễ hội trưng bày tại Đại học Nghệ thuật ở San Francisco

 

Santa Claus trong một lúc nghỉ giải lao

 

Phướn đón mừng Giáng sinh dọc trên phố Đại học Berkeley

 

Toà Thị chính San Francisco về đêm

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021