thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Plume bị đau ngón tay
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

Henri Michaux (1899, Namur, Bỉ - 1984, Paris, Pháp) là một con người cô đơn và có chỗ đứng thật sự riêng lẻ trong văn học Pháp. Khai phá nội tâm mình và nỗi đau của con người qua những giấc mộng, những truyện huyền tưởng và cả những thể nghiệm tác động ma túy, Michaux nghiêng về phía các nhà thơ siêu thực, nhưng không hề gia nhập phong trào này. Có thể nói toàn bộ những cái ông viết đều thể nghiệm sự tương quan giữa thực tại và chính bản thân ông, sự tương quan mang những kích thước gần như ám ảnh – ám ảnh về chính lý lịch của mình. Nhiều sáng tác của ông xuất phát từ những giấc mơ và ác mộng, phác vẽ một thứ địa lý nội tâm, nhận thức về chính mình soi từ thực tại, và từ cả cái tưởng tượng và vô thức... Tác phẩm Michaux, kể cả tác phẩm tạo hình, luôn đứng bên ngoài mọi kiểu phân loại.
        Nhân vật Plume, như trong mẩu truyện dưới đây cho thấy, dường như bị ám ảnh, bị truy nã, bị theo dõi bởi những thế lực khắt khe vừa từ bên ngoài vừa từ bên trong chính mình. Dường như cuộc chiến thật sự của Plume không là cuộc chiến với người khác, với một thực tại vật chất, mà là với chính mình và trong nội tâm mình. Cái tên Ông Plume (theo Michaux, tên này được lấy từ truyện ngắn "The System of Doctor Tarr and Professor Feather" của Edgar Allan Poe) thôi, như một cái tôi khác, cũng mang nhiều ý nghĩa: một sợi lông nhẹ và dễ bị gió cuốn quả là tượng trưng cho sự bị bỏ rơi, sự bất lực.
        Tác phẩm chính: Qui je fus, 1927; Un barbare en Asie, 1932; Voyage en Grande Garabagne, 1936; Plume 1938; L’Espace du dedans, 1944; Par la voie des rythmes, 1974; Idéogrammes en Chine, 1975; Chemins cherchés, chemins perdus, transgressions, 1982.

 

_________________________

 

Plume bị đau ngón tay

 

Plume thấy một ngón tay hơi đau.

– Có lẽ anh nên đi khám bác sĩ, vợ anh bảo. Thường khi chỉ cần thoa chút dầu thơm là ổn...

Plume đi khám bác sĩ.

– Cần cắt hẳn một ngón, bác sĩ giải phẩu nói, là mọi thứ đâu đó hoàn hảo. Dùng thuốc gây tê, toàn bộ công việc chỉ mất nhiều nhất là sáu phút. Và bởi ông là người có tiền, thật ra ông cũng không cần phải có nhiều ngón đến thế. Tôi sẽ vui sướng được làm công việc giải phẫu nhỏ này. Sau đó tôi sẽ cho ông xem nhiều mẫu ngón tay giả khác nhau. Có một số thật sự là vô cùng đẹp mắt. Có lẽ hơi đắt tiền một chút. Nhưng quả thật phí tổn không phải là cái đáng ngại ở đây. Chúng tôi sẽ cung cấp cho ông cái tốt nhất.

Plume bấy giờ bâng khuâng nhìn ngón tay của mình và xin lỗi.

– Thưa bác sĩ, đấy là ngón tay trỏ, bác sĩ biết chứ, một ngón tay rất hữu ích. Thật ra, tôi còn phải viết thư cho mẹ tôi. Tôi lúc nào cũng dùng ngón tay trỏ để viết. Mẹ tôi sẽ lo lắng nếu tôi còn để chậm viết thư cho bà, vài ngày nữa tôi sẽ trở lại. Mẹ tôi là người đàn bà rất nhạy cảm, bà rất dễ xúc động.

– Không có gì trở ngại, bác sĩ giải phẫu bảo ông, có giấy đây, giấy trắng tinh, tất nhiên không đề tên gì ở trên cả. Chỉ cần gửi cho mẹ ông mấy chữ trấn an là bà sẽ vui sướng như thường thôi.

Trong khi ấy tôi sẽ gọi cho bệnh viện để chắc chắn mọi việc sẵn sàng đâu đó, họ chỉ cần đem bày ra một số dụng cụ đã khử trùng. Tôi sẽ trở lại ngay đây...

Và ông ta trở lại liền đó.

– Mọi việc thu xếp tốt cả, họ đang đợi chúng ta đấy.

– Xin lỗi, thưa bác sĩ, Plume nói, bác sĩ chắc có thể nhìn thấy bàn tay tôi run như thế nào chứ, mọi thứ thứ quá sức chịu đựng của tôi... này...

– À vâng, bác sĩ giải phẫu trả lời, ông nói đúng, tốt hơn ông không nên viết cho mẹ ông. Đàn bà họ dễ động lòng lắm, và nhất là các bà mẹ. Ở đâu họ cũng thấy toàn những chuyện nghi ngại khi đụng đến con trai mình, việc bé họ xé ra to. Đối với họ, ông và tôi đây, chúng ta đều bị coi là những cục cưng. Cái gậy của ông đây và cái nón của ông đây. Có sẵn xe đang chờ chúng ta đấy.

Và thế là họ có mặt ở phòng mổ.

–Thưa bác sĩ, xin bác sĩ nghe đây. Quả thật...

– Ồ! bác sĩ giải phẫu nói, ông đừng có lo nữa, ông cứ ngại ngùng quá đáng. Chúng ta sẽ cùng viết cái thư kia. Tôi sẽ nghĩ về việc này trong khi tôi tiến hành ca mổ”.

Đưa cái mặt nạ đến gần, ông đánh thuốc cho Plume ngủ.

– Lẽ ra dù sao anh phải hỏi ý kiến của em chứ, bà vợ Plume bảo chồng.

Đừng có nghĩ rằng một ngón tay bị mất đi ta có thể dễ dàng tìm lại được một ngón khác.

Người đàn ông cụt ngón tay, em chẳng thấy có cái gì thích thú cả. Một khi bàn tay anh bị cắt mất một ngón rồi, đừng có mong đợi gì ở em nữa.

Những kẻ què quặt biến thành quỉ quái, rồi thành ác dâm. Mà em thì em không được nuôi lớn như đã được nuôi lớn để sống với những kẻ ác dâm. Chắc hẳn anh tưởng em sẽ sẵn lòng từ bi giúp anh mọi thứ chứ gì. Nghĩa là, anh đã nhầm, lẽ ra anh phải nghĩ ra hết những điều đó từ trước kia...

– Em nghe đây, Plume nói, em đừng có làm ầm lên về những chuyện tương lai sau này. Anh hãy còn tới chín ngón tay và tính tình em dù sao cũng có thể còn thay đổi.

 

Trong tập Plume précédé de lointain intérieur (Paris: Éditions Gallimard, 1963).

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021