thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thánh Ca chiều huỷ diệt

 

Nhận tin dữ lúc 19 giờ, tôi tới liền nhà Nguyễn Tôn Nhan ở đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh. Bằng hữu thân quen biết tin đã đứng đầy trước nhà; vợ con ông đang ở bệnh viện An Bình để nhận xác ông. Thi thể ông được đưa vào đây để làm thủ tục chứng tử, khâu vá khuôn mặt vỡ nát. Gần 12 giờ khuya, gia đình đưa thi thể ông về nhà.

 

Tôi ngó sững khuôn mặt Nhan trong áo quan, xám xịt, im vắng bằn bặt. Cách đây hai ngày, cùng ngồi uống bia với nhau ở quán Đất Phương Nam, vùng Tân Định - Sài Gòn, sao tôi không nghe, không nhìn cho thật kỹ, nuốt vào mình vẻ mặt, giọng nói, điệu cười của Nhan, người bạn thân thiết từ thuở thanh niên? Sao cái hung hãn của những bánh xe cứ tiếp diễn bất tận trên đường? Đáng phẫn nộ về tình trạng bán khai, tàn bạo trong giao thông của đất nước Việt Nam, hiểm hoạ diễn ra hằng ngày trên từng cây số, đã cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng, nhiều hơn gấp bội thời chiến tranh ác liệt thuở trước.

Nhan và tôi thân thiết với nhau từ lúc tập thơ mỏng mảnh Thánh Ca của Nhan ra đời, năm 1967, lúc Nhan 19 tuổi. Thi tập Thánh Ca chỉ gồm 15 bài thơ, số lượng in lại ít ỏi, không nhiều người biết đến. Nhưng Thánh Ca, tôi không cho rằng mình chủ quan, là một trong vài thi tập đáng chú ý nhất không riêng thuở đó, mà tới tận bây giờ. Một thi tập độc đáo, của một nhà thơ đích thực. Một thời gian không lâu, sau khi thi tập Thánh Ca ra đời, Nhan và các bạn của Nhan chẳng ai lưu giữ được cuốn nào. Rất may sau này, nhà thơ Nguyễn Đăng Thường sưu tập và giới thiệu trên báo mạng Tiền Vệ gần đủ số bài thơ trong Thánh Ca. Nguyễn Đăng Thường viết trong lời giới thiệu:

“Một chiều năm xưa bát phố Sài Gòn tôi ghé vào nhà sách Khai Trí trước khi tiệm đóng cửa và ngạc nhiên phát hiện một cuốn thơ mỏng với nhan đề Thánh ca, thi tập đầu tay của Nguyễn Tôn Nhan. Đọc thử vài câu tôi thấy chúng khá táo bạo, thậm chí có tí hương vị Rimbaud, một Rimbaud không vô thần, nên tôi vội vã mua ngay. Đây là một trong hai thi tập mỏng dính tôi đã mang theo mình khi... bước chân ra đi. Tập kia là Ngày sanh của Rắn của Phạm Công Thiện.
 
Cái ngạc nhiên thích thú lúc ấy tất nhiên đến từ ngôn ngữ, vần điệu, hình ảnh, vừa giản dị, tươi mát, hồn nhiên như thể tác giả đã ứng khẩu thành thi vừa tân kỳ, siêu thực. Nhiều câu thơ được lặp đi lặp lại nhưng không gây nhàm chán. Thiên nhiên vẫn được nhân cách hoá nhưng không để phụ hoạ cho tình cảm con người, mà gần như ngược lại. Trời, sao, mây, nắng, mưa, chim... đều có cá tính và hầu như chống chọi thi nhân: trời ngập đầu trong nước xanh - sao đi lang thang - mây cắn nát cả hồn - nắng nằm trên nóc nhà ga - mưa dửng dưng - chim có kinh... Thi nhân chỉ ‘nhận định tình thế’, không than van kể lể về số phận hay tình yêu, chàng (thi nhân) và nàng như những kẻ hoàn toàn xa lạ nhau...

Nhà thơ Nguyễn Đăng Thường thấy thơ Nhan trong Thánh Ca “có tí hương vị Rimbaud, một Rimbaud không vô thần”, thì tôi cho rằng, trong bản chất thi sĩ của hai người, Nhan và Rimbaud, ít nhiều có chỗ giống nhau. Tôi biết rõ, Nhan không đọc một dòng thơ nào của Rimbaud, không một dòng thơ dòng văn nào của bất cứ nhà thơ nhà văn nhà triết học nào của phương Tây. Và tôi lại thấy Nhan, trong Thánh Ca, có nhiều hương vị Phạm Công Thiện. Và tôi hiểu, cả hai, Nhan và Phạm Công Thiện: ngôn ngữ của thi sĩ, sản sinh từ cùng một ly nước, một ly nước có chất cà phê hay men rượu mà cả hai đã uống.

Từ lúc thân thiết nhau, chúng tôi thường xuyên gửi thơ đăng ở báo Khởi HànhThời Tập, từ những năm của nửa cuối thập kỷ 1960 tới khi xảy ra biến cố 30-4-1975. Khi điểm lại các tác giả thơ thời kỳ đó, nhà thơ Viên Linh, chủ trương hai tờ báo kể trên ở Sài Gòn, sau này tục bản Khởi Hành ở Mỹ, đã ghi nhận Nguyễn Tôn Nhan là một trong vài nhà thơ đáng kể nhất. Cũng từ thời gian này, Nhan miệt mài nghiên cứu Hán học, và sau 30-4, Nhan biên soạn nhiều công trình về triết học, văn học cổ điển Trung quốc, trong đó có: Từ điển văn học cổ điển Trung quốc; Nho giáo Trung quốc; Hoài Nam Tử... Lúc này Nhan lại ưa thích làm thơ lục bát ba câu, như một loại “hài cú Việt”, Nguyễn Đăng Thường gọi như vậy. Thư Ấn Quán của nhà văn Trần Hoài Thư ở Mỹ từng in thi tập “Lục bát ba câu” của Nhan. Trong dịp sang Mỹ thăm bằng hữu, năm 2008, Nhan ra mắt độc giả hải ngoại tác phẩm biên soạn Nho giáo Trung quốc, buổi ra mắt do nhà thơ Viên Linh tổ chức. Thư Ấn Quán cũng tái bản thi tập Lục bát ba câu của Nhan trong dịp này.

“Xác khô mà máu còn tươi” (trong Lục bát ba câu của Nguyễn Tôn Nhan), người bạn cố tri thâm giao của tôi, thân thể còm nhom vì chứng bệnh đái-tháo-đường lâu ngày, vẫn say sưa với thơ, với nghiên cứu Hán học. Nhan đã dịch nhiều bài thơ Đường chưa ai dịch, và chuẩn bị biên soạn cuốn Từ điển Đường thi. Thế-rồi-một-buổi-chiều, chiều 28 Tết, trước thềm mùa xuân Tân Mão - 2011, một ngày trước ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 63, thân thể Nhan đột ngột thành thi thể, và bây giờ chỉ còn là một nhúm tro than. Hũ đựng nhúm tro than đó, gia đình Nhan đặt ở một chỗ trên cao, để thờ, trong ngôi nhà của Nhan, có “Thích Ca tượng nọ rụng đầu Giê Su” (Thơ Nguyễn Tôn Nhan - Thánh Ca).

Tôi ghi lại dưới đây, bài thơ “Chiều chiều” trong thi tập Thánh Ca, thay nén nhang thắp chiêu niệm nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan:

            Sáng hôm nay mặt trời xanh

            Nàng giữ trên môi bông tuyết nhỏ

            Lá trong vườn từng lưỡi dao găm

            Nàng giữ trên tay bông tuyết đỏ

            Chim không bay đến mái hồn tôi

            Nơi cô đơn rêu ngàn năm đã phủ

            Nơi vinh diệu của những kẻ u buồn

            Nơi sáng hôm nay của tôi của nàng

            Của hai kẻ đem phơi hồn ủ rũ

            Chiều tôi trở về trên đồi cây

            Dưới cành khô có bóng nàng treo cổ.

 

 

 

------------------

Bài liên quan:

[TƯỞNG NIỆM NGUYỄN TÔN NHAN (1948-2011)] ... Chân dung phác thảo, chì than trên giấy...
 
[TƯỞNG NIỆM NGUYỄN TÔN NHAN (1948-2011)] ... Cành nhánh lạnh căm khuya lập đông. / Trăng sao trầm tích cốc men nồng. / Chân trời đã gãy trong nghiên mực, / Góc bể còn chờ nét bút lông!...
 
[TƯỞNG NIỆM NGUYỄN TÔN NHAN (1948-2011)] ... Thế là Nguyễn Tôn Nhan đã mất. Một tai nạn giao thông tối 28 Tết (31.1.2011) đã cướp đi một người bạn, người anh lớn... Tính tình anh hí lộng, coi nhẹ mọi chuyện đời, từ tên tuổi, tiền bạc, khen chê thị phi, cho đến cả sức khoẻ của mình (cách nay ít lâu, hai anh Cung Tích Biền và Nguyễn Lương Vỵ phải ép buộc mới đưa anh đi khám bệnh được). Nếu có điều gì trên đời này khiến anh quan tâm, thì chắc đó là thơ, như nhiều lần anh vẫn nói... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM NGUYỄN TÔN NHAN (1948-2011)] ... “Xuân ban đầu” là bài thơ cuối cùng của nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, viết vào tháng Giêng năm 2011... bài thơ xuân nào run lẩy bẩy / bến tầm dương say vấy hồn trinh / em ơi khờ dại một mình / và xa dội một tiếng kình gõ mau // bài thơ xuân quên mất nhau / khờ em đâu nhớ những màu tơ xưa / ồ thơ đưa đẩy đã bưa / sóng xô đời đã kịp vừa biệt tăm...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021