thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vĩnh biệt Phạm Công Thiện – một đấng tài hoa

 

Đôi dòng tưởng niệm của một người Đà Lạt

 

I

 

THƯ NGẮN GỬI ANH PHẠM CÔNG THIỆN

 

Đà lạt, ngày mồng 6 tháng 3 năm 2010

Anh Phạm Công Thiện thân quý,

Những dòng chữ này, là của một người đã đọc sách của Anh suốt mấy chục năm nay, và vẫn luôn yêu mến Anh.

Và cũng là người hiện đang sống tại Đà lạt – nơi mà Anh đã từng sống những năm tháng “đen tối nhất và đẹp nhất.[1]

Thật lòng, tôi không đủ điều kiện để hiểu thấu đáo những điều Anh muốn nói, và để nhận định về sự nghiệp văn chương, triết học của Anh.

Tôi chỉ nhân cơ hội này, để gửi đến Anh một đôi lời tri ân:

Đối với riêng tôi [và chắc là với không ít người trong thế hệ của tôi], thì những tác phẩm của Anh đã mở ra một chân trời bát ngát của văn chương và triết học.

Thêm một điều quan trọng nữa, là tôi muốn... nhắc Anh về một lời... “tự hứa” – chắc Anh vẫn chưa quên?

Nơi trang 72, cuốn Henry Miller [2] của Anh, có mấy dòng này:

“Trước khi chết, tôi sẽ viết một quyển sách dày thơ mộng nhan đề là Đà lạt, Đà lạt... Quyển sách ấy sẽ nói hết tình yêu vĩ đại lồng lộng của tôi đối với thành phố này.”

Nếu tình cờ Anh đọc thấy mấy dòng này, thì xin Anh chỉ cần biết một điều: có nhiều người vẫn thường nhắc đến tên Anh với niềm đồng cảm, và họ vẫn chưa quên lời “tự hứa” đó của Anh !

Chúc Anh luôn dồi dào sức khoẻ, và vẫn mãi... “stay on the Path”!

Thân quý

Đỗ Tư Nghĩa

 

------------
GHI CHÚ:
 
+ Chữ “đấng tài hoa”, trong bài viết này, tôi lấy ý của Nguyễn Du:
Kiều rằng, “Những đấng tài hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh
 
+ Lá thư ngắn trên đây đã đăng trên văn tập Hương Thiền số 1 – phát hành vào Phật Đản năm 2010. Nó nằm ngay sau bài “Luận về Ý thức mới trong văn nghệ và triết học sau mười năm lang bạt” của Phạm Công Thiện.
 
+ Thư viết vào ngày 6.3. 2010. Phạm Công Thiện ra đi vào 8.3. 2011. Như vậy, nó được viết ra gần đúng 1 năm trước ngày Phạm Công Thiện qua đời. 8.3 là ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Phạm Công Thiện ra đi vào đúng vào ngày của... PHỤ NỮ, một tình cờ thú vị, phải không?

 

 

II

 

VỀ TIỂU SỬ PHẠM CÔNG THIỆN TRÊN WIKIPEDIA

 

Sau khi Hương Thiền phát hành, tôi đã liên lạc qua email với nữ nhạc sỹ Lê Khắc Thanh Hoài – người đã cùng đi một chặng đường 13 năm với Phạm Công Thiện – nhờ chị chuyển lá thư đó cho Anh đọc.

Nhân dịp đó, tôi cũng gửi cho chị đọc tài liệu về Phạm Công Thiện trên Từ Điển Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia, để xin ý kiến của chị.

Không ngờ, đọc xong, chị cho biết: Wikipedia có khá nhiều sai sót.

Xin phép chị cho trích dẫn một số đoạn trong các email mà chị đã gửi cho tôi:

+ “... Tôi không chắc lấy tài liệu từ Wikipedia là đúng và đầy đủ đâu anh ạ! Có lần tôi đọc, thì thấy có nhiều chi tiết sai đấy.” [Thư 22/2/2011].
 
+ “Anh Đỗ Tư Nghĩa, tôi đã gửi mail cho con trai để nó gặp cha thì đưa lại, gồm những câu hỏi về những chi tiết chưa được chính xác về phần tiểu sử của ông Phạm Công Thiện, nhờ ông chỉnh sửa hay bổ sung. Có điều là không dám chắc khi nào Phạm Công Thiện sẽ trả lời! ! Đôi với ông ấy bây giờ thì mình chỉ còn biết kiên nhẫn và... chờ! Điện thoại cũng khó lòng lắm...” [Thư 25/2/2011]

[Rồi chị nêu ra những điểm sai sót của Wikipedia, mà sai sót “ấn tượng” nhất, là chi tiết: “... Tại đây (Pháp), ông trút áo cà sa để lấy một cô vợ Pháp theo đạo Cơ Đố...” – bởi vì, “cô vợ Pháp” đó, không ai khác hơn là chị Lê Khắc Thanh Hoài!].

 

* Sau đó, tôi và chị Lê Khắc Thanh Hoài đã trao đổi với nhau qua dăm bảy email. Tôi đề nghị Chị chủ động đảm trách việc viết lại một bản tiểu sử chính xác về Phạm Công Thiện, và Chị đã đồng ý. Tôi cũng đề nghị Chị nên cho tập hợp những bài viết về Phạm Công Thiện – trên sách báo, trên mạng ... – để in thành một tập. Như vậy, sẽ giúp người đọc dễ tiếp cận với Phạm Công Thiện nhiều hơn.

* Cuộc trao đổi tiếp tục cho đến ngày 3/3/2011, thì đột ngột dừng lại. Chỉ 5 ngày trước khi Phạm Công Thiện qua đời!

[May mắn thay, trước lúc Phạm Công Thiện ra đi 2 ngày, chị Lê Khắc Thanh Hoài đã kịp gọi điện cho Phạm Công Thiện, nói chuyện khá lâu với Anh, và Anh đã đích thân chỉnh sửa những chỗ sai sót trong tiểu sử của mình. Phần chỉnh sửa ấy, tôi dự định đưa vào ngay trong bài viết này, nhưng, một phần, do chị Lê Khắc Thanh Hoài đang quá bận, chưa gửi kịp; phần khác, Chị góp ý rằng, vào thời điểm này, thì chưa nên đưa vào, vì nó sẽ khiến cho bài viết nặng nề. Do vậy, xin hẹn một dịp khác].

 

 

III

 

PHẠM CÔNG THIỆN QUA ĐỜI

 

* Sáng 9/3/2011, Đỗ Tư Nghĩa nhận một cuộc gọi từ Kiên Giang của Tâm Nhiên (nhà thơ), báo tin Phạm Công Thiện đã qua đời. Đỗ Tư Nghĩa gọi điện cho Thận Nhiên (nhà thơ), nhờ kiểm chứng lại nguồn tin đó. Thận Nhiên vào mạng, rồi gửi cho Đỗ Tư Nghĩa một bản cáo bạch của Sa Môn Thích Trí Chơn về lễ tưởng niệm và cầu siêu cho Phạm Công Thiện tại chùa Viên Thông, California. Thế là đã rõ: Phạm Công Thiện đã qua đời!

* Sáng 11/3/2011, Đỗ Tư Nghĩa nhận được email của chị Lê Khắc Thanh Hoài, báo tin buồn về Phạm Công Thiện.

Xin phép Chị được ghi lại nguyên văn như sau:

 
[EMAIL CỦA CHỊ LÊ KHẮC THANH HOÀI, 11/3/2011]
 
Anh Đỗ Tư Nghĩa, xin báo tin buồn cho anh là Phạm Công Thiện đã qua đời ngày 08 tháng 03 năm 2011.
 
Qua đời vì bịnh, vì già yếu... (vì lý do này mà con trai tôi đã qua thăm ông, như một thư trước tôi cho anh hay).
 
Ông ra đi vì cũng đã làm xong phận sự phải làm trên cõi đời này. Và những điều đã làm này sẽ tồn tại mãi mãi, thân xác chỉ là cát bụi vô thường... Sinh lão bệnh tử, có ai lấy làm lạ với điều này, không phải như tin đồn vô căn cứ mà có lần anh nhờ tôi đính chánh.
 
May mắn là trước đó hai ngày, tôi đã nói chuyện lâu qua điện thoại, và ông đã chỉnh sửa những điểm sai của phần tiểu sử!!!
 
Và phận sự còn lại của tôi là phải viết lại tiểu sử của ông cho được chính xác như thế. Bắt buộc!
 
Chủ Nhật này ở chùa Già Lam sẽ làm buổi tưởng niệm cho ông, nếu anh ở Saigon có thể tham dự... Hoặc tin cho bạn bè, người quen biết...
Như vậy nhé, hẹn anh một thư sau.
 
Lê Khắc Thanh Hoài

 

[EMAIL CỦA ĐỖ TƯ NGHĨA HỒI ÂM CHỊ LÊ KHẮC THANH HOÀI]
 
Đà lạt, ngày 11 tháng 3, năm 2011
 
CHỊ LK THANH HOÀI THÂN MẾN,
 
Cám ơn Chị đã báo tin buồn.
 
Tin này, tôi cũng đã được bạn bè cho biết ngay từ hôm 9/3 - một ngày sau khi Phạm Công Thiện qua đời.
 
Trước đó không lâu [hẳn Chị còn nhớ], tôi có đề nghị, Chị nên đảm trách việc “lưu lại cho... hậu thế” một tiểu sử chính xác về Phạm Công Thiện. Chỉ dự tính thế thôi, ai ngờ Phạm Công Thiện ra đi sớm thế!
 
Sự ra đi của Phạm Công Thiện không chỉ là một mất mát to lớn cho gia đình, cho những ai vẫn hằng yêu mến Phạm Công Thiện, mà còn là một mất mát chung cho Việt Nam, cho Phật giáo Việt Nam. Tôi đã thông báo ngay cho các bạn về lễ truy điệu Phạm Công Thiện tại chùa Già Lam [SG] vào sáng Chủ Nhật 13/3/2011. Tôi đã nói với các bạn: "Cố sắp xếp để đi dự, vì đây là sẽ là một kỷ niệm rất đáng nhớ. Một thế kỷ nữa, Việt Nam chưa dễ có một người như Phạm Công Thiện..."
 
Riêng tôi, vì lý do sức khoẻ, nên tôi hiếm khi đi xa khỏi Đà lạt 20km! Nhưng tôi sẽ làm những gì có thể được, theo sức của mình.
 
+ Tôi đã đề nghị thầy Nhựt Chiếu, sẽ tưởng niệm Phạm Công Thiện trong Hương Thiền số 3 – sẽ phát hành vào lễ Phật Đản [năm 2011].
 
+ Dù có muộn màng, nhưng cũng phải làm, gọi là thắp một nén nhang để tưởng niệm một đấng tài hoa!
 
Cuối thư, xin thành thật chia buồn với Chị và tang quyến.
 
Đúng như Chị nói: “Ông ra đi vì cũng đã làm xong phận sự phải làm trên cõi đời này. Và những điều đã làm này sẽ tồn tại mãi, thân xác chỉ là cát bụi vô thường.”
 
Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ mãi mãi nhớ đến Phạm Công Thiện như một loài chim quý hiếm, chỉ đôi khi ghé thăm trần gian – một thế kỷ, may ra mới có một đôi lần!
 
Thân mến,
Đỗ Tư Nghĩa

 

 

IV

 

ĐÔI LỜI VĨNH BIỆT

(Thư gửi Phạm Công Thiện)

 

Đà lạt, ngày 12 tháng 3, năm 2011

Anh Phạm Công Thiện thân quý,

Đây là lần thứ hai tôi viết thư cho Anh. Lá thư (ngắn) thứ nhất, chắc là chưa đến tay Anh được. Trong thư đó, tôi chỉ muốn nói hai điều: một là, bày tỏ niềm tri ân đối với Anh, hai là, “nhắc” Anh về một lời... “tự hứa”.

Chị Lê Khắc Thanh Hoài cho biết, đã nhờ con trai chuyển đến Anh, nhưng chắc rằng, cháu cũng chưa dám làm việc đó. Tuy nhiên, chị Lê Khắc Thanh Hoài nói, chị đã chuyển lời “yêu cầu” của tôi – “nhắc” Anh viết một cuốn sách về Đà lạt .

[Cách đây khá lâu, trong email gửi cho tôi, chị Lê Khắc Thanh Hoài đã viết: “Tôi vừa nhận được cú điện thoại của Phạm Công Thiện cho hay là ông ok về việc trích đăng bài viết của ông... Tôi có nói ông Phạm Công Thiện viết một bài về Đà lạt theo lời yêu cầu của anh lúc trước, ông hứa” sẽ viết nhưng cũng ... chờ hứng!...” [Thư ngày 15/11/ 2009)].

Tôi nhớ, có lần đã nói với một người bạn của tôi là Nguyễn Đạt – khi ngồi ở café 31, gần Palace: “Nếu Phạm Công Thiện viết về Đà lạt, thì sẽ rất hay. Khó ai viết hay hơn được.” Tôi không nhớ nguyên văn, nhưng đại loại là thế.

Tôi tin rằng, Anh là người “lý tưởng” nhất để viết về Đà lạt – vì đó là nơi mà Anh đã từng sống “những năm tháng đen tối nhất và đẹp nhất.”, như lời Anh đã nói năm xưa.

Tôi đang sống tại Đà lạt, và tôi cũng yêu thành phố này. Càng yêu hơn, khi nhớ rằng, đã có một quãng đời Anh sống tại đây. Một ngày nào đó, tôi sẽ men theo những dòng chữ của Anh, để “hành hương” về những nơi đã từng in dấu gót chân Anh: những con đường Phạm Phú Thứ, Yagut, Hoàng Diệu, dốc Hải Thượng...; nhà thờ Con Gà; địa điểm xưa kia là trường Việt Anh – nơi Anh đã từng dạy học... Và nhiều nơi khác nữa ...

[Xin nhắc để Anh nhớ lại một đôi dòng Anh đã viết về Đà lạt, và hồi tưởng lại một quãng đời xưa]:

* Đà lạt sáng tinh mơ lạnh lắm... Đường Yagut còn ngủ trong tĩnh mịch thần tiên của buổi sáng tinh mơ, sương mai còn loáng thoáng đâu đây, gió thổi mạnh mơ hồ... Chim bay la đà khắp nơi, chim từ đâu bay nhiều quá; những con chim lí nhí như những cô gái hồn nhiên bước ra trường luc tan học... (Ý Thức Mới trong văn nghệ và triết học, Phạm Công Thiện. NXB Lá Bối, Saigon, 1964), trang 210).
 
* Tôi ca khẽ những bài hát ngày xưa và ngước nhìn những con chim bay đi, rồi bay về dưới mấy mái nhà rêu bám ở đường Hoàng Diệu... (trang 211).
 
* Tôi dừng lại bên cầu Hải Thượng. Hơi sáng bay thoảng vào người tôi. Tôi hít nồng nàn vào phổi... (trang 213).
 
* Đường này là đường Phạm Phú Thứ? Nhiều cây lá lắm. Lá thông khô đưa ra một hương vị ngày xưa... Chim én tung bay đầy trời. Mây trắng, chim én, lá rơi, ôi cuộc đời! Đà lạt đẹp. Trần gian đẹp, ôi cuộc đời! (trang 228)
 
* Bước đến nhà thờ Đà lạt tôi đứng lại nhìn mấy cây thông rồi bước vào nhà thờ, quì xuống, làm dấu thánh giá rồi thầm thì: Xin Chúa và đức Mẹ làm thế nào cho con tin rằng có Chúa và đức Mẹ, không hiểu tại sao con không bao giờ chịu tin có Chúa và đức Mẹ”. ... Rồi bỗng nhiên đôi mắt tôi hướng nhìn về những luồng nắng từ ngoài đưa vào mấy khung cửa sổ nhà thờ. Tôi sung sướng nhìn nắng vàng và quên cả Chúa...” (trang 238- 239).
 
* Anh sao khó tính quá, anh hãy cho tôi nhìn Đà lạt chứ, sao Đà lạt đẹp quá vậy anh? Anh trông tôi đứng lại, nhìn đằng trước cũng đẹp, nhìn bên trái cũng đẹp,đằng sau hay đằng trước gì cũng đẹp, nhìn lên trời cũng đẹp mà nhìn dưới đất cũng đẹp, anh hãy nhìn xem: mấy con bướm trắng bay thơ mộng quá, tôi thương mấy càn kiến kia quá, anh ơi...(trang 214).

 

Và còn biết bao dòng chữ khác mà Anh đã nói về Đà lạt, thật chẳng thể nào kể hết!

[À, tôi cũng cũng yêu hoa quỳ vàng, và mỗi mùa hoa quỳ Đà lạt, là cả một mùa “lên đồng”, phải thế không Anh?]

Về lời “tự hứa, thì chắc Anh đã ... quên rồi, đúng không? Đã hơn 40 năm rồi còn chi!

Nhưng, buồn và tiếc thay, lời tôi nhắc, tuy Anh đã nghe, song chị Lê Khắc Thanh Hoài cho biết, Anh vẫn còn chờ... hứng!

Thế rồi, nửa chừng, Anh đã bỏ ra đi!

Như vậy, cuốn sách về Đà lạt mà Anh hứa sẽ viết, vĩnh viễn vẫn chỉ là một lời “tự hứa” !

Anh Phạm Công Thiện thân quý!

Tuy đã đọc sách của Anh từ thuở còn cắp sách ở trường Trung học, cho đến nay, cũng đã hơn 45 năm – nhưng chưa bao giờ tôi dám nghĩ là đã hiểu Anh. Tôi đọc Anh bằng bằng trái tim nhiều hơn khối óc. Và tin rằng, tôi có thể cảm nhận nhiều điều mà mình chưa kịp hiểu!

Việc thẩm định cuộc đời và tác phẩm của Anh, xin dành cho lịch sử.

Riêng phần mình, tôi chỉ muốn bày tỏ đôi điều với Anh – với tư cách một người đọc vẫn luôn yêu mến Anh từ những ngày thơ dại.

Anh đã ra đi, nhưng tôi biết rằng Anh không chết. Hay nói như Nietzsche – người mà Anh đã từng yêu quý :

On peut mourir d’ être immortel.

Xin vĩnh biệt Anh

Vĩnh biệt Anh

Một đấng tài hoa

Kẻ đã đi hết triệu triệu đêm hoang vu trên mặt đất!

Thân quý,

Đỗ Tư Nghĩa

 

 

_________________________

[1]Phạm Công Thiện, Henry Miller, NXB Phạm Hoàng, 1969. Saigon, Việt Nam, trang 72.

[2]Sách đã dẫn, trang 72.

 

 

-----------------

Bài liên quan:

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Nó ngồi viết, không cố gắng, không mục đích, không ý nghĩa. Nó không đi tìm hạnh phúc. Nó đang ngồi thở thanh bình, thở im lặng, thở gió, thở trái đất. Hơi thở không thuộc về ai cả. Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ... (...)
 
Tro  (truyện / tuỳ bút) - Thận Nhiên
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Cuốn sách nhỏ ấy là một người thầy, với riêng tôi. Nó dạy tuổi trẻ tôi những bài học làm sao sống đến cạn cùng sự chán chường, sự thơ mộng, sự rồ dại, sự khao khát, sự giận dữ, sự phóng thả, và quan trọng nhất là nó làm tôi “cháy”... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Chưa bao giờ thương những con chim như chiều nay / tràn đầy mặt đất / những con chim thêu niềm tuyệt vọng / lao về phía tàn tro / cháy bừng / Mộng mị...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... tới đây ai cũng thấy câu chuyện của tôi ngày hôm ấy quả tẻ nhạt, đúng không? // thế thì đây, điểm nhấn / ... tôi lặp lại: chẳng ai gạt được cái chết hết, cho dẫu cái chết cũng một thứ bịp bợm nốt “... rạng đông tôi xin thề thức dậy ba giờ sáng” ...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... em đừng nói với tôi về rừng / buổi chiều hình như đã mưa / cơn mưa phùn mãi mãi ở lại chứ không bay đi như cơn mưa phùn của Thiện / em cũng đừng nói với tôi về mặt trời / vốn không bao giờ có thực...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Ông còn tiên đoán cho thế giới đến khi ông trăm tuổi. Nhưng tôi dừng trích ở đây vì ông đã vừa “đi hết một đêm hoang vu trên mặt đất”, ở tuổi 71. Từ giờ khắc này, ông sẽ nhìn Hy mã lạp sơn bằng con mắt của “loài” khác. Từ bây giờ, tôi cũng đang cảm thấy có một Hy mã lạp sơn đã bắt đầu sụp đổ và tan chẩy. Cho một đại dương cuộc sống mới hình thành... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Thiện ơi, tôi vẫn thỉnh thoảng đọc câu thần chú “Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté, Bodhi Svaha” mà bạn đã dạy cho anh em cầu nguyện tai qua nạn khỏi mỗi lần đi qua những nơi đèo heo hiểm trở. Và đôi khi tôi tự hỏi có nên tiếp tục khấn câu thần chú này nữa hay thôi, khi mà được trở về Vương Quốc Hư Vô là một ước nguyện giải thoát. Bây giờ bạn đã giải thoát... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn về thành phố Mỹ Tho, dạo quanh vườn hoa Lạc Hồng, có dãy nhà xây kiểu Pháp, một thời Phạm Công Thiện và gia đình sống ở đây, cố hình dung gương mặt ông lúc hai mươi tuổi... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... gió thổi mưa chiều thứ bảy đã về sớm / cây khế đồi cao không kịp trổ / gió thổi gió thổi gió thổi / hiện tượng cơn bão // Thiện nói Henry Miller chết tôi không buồn / con ong chết tôi buồn lắm / tôi nói trời đất chết tôi không bất ngờ / Phạm Công Thiện chết tôi ngờ ngợ lắm...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... tôi nhớ lại xa lắm những ngày áo sinh viên văn khoa / tuổi đôi mươi tôi tóc dài huyền hoặc / con mắt trần gian đen tròn mê hoặc / sách vở trên tay vụng về chạy theo Sartre / thao thức bức rức nức nở tìm trong Thiện / giọt nắng sân văn khoa thấu qua tôi đau điếng / giọt mưa đường cường để thấm lạnh da con gái / cơn miên man dậy men tự bao giờ...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Tôi tin tưởng vào thiên tài. Với tôi, Phạm Công Thiện là thiên tài. Thiên tài không ở trí tuệ anh, không ở các sáng tác của anh, càng không phải thiên tài ở tư tưởng anh, mà chính là ở sức hút kinh hoàng của hơi thở ngôn ngữ Phạm Công Thiện. Dù hiểu hay không hiểu, ngôn ngữ kia vẫn ẩn chứa sức lôi cuốn ma quái khó cưỡng. Như chớp lửa thiêng sẵn sàng thiêu trụi mọi lưỡng lự, e dè, triển hạn ngáng đường những tâm hồn đồng thanh đồng khí ý hướng tìm đến nhau trong chân trời hủy phá và sáng tạo... (...)
 
Buổi sáng Jakarta  (truyện / tuỳ bút) - Phan Nhiên Hạo
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Thiên tài của Phạm Công Thiện là điên được trong văn chương, một cách chân thành, rực rỡ. Ngoài đời ông có điên hay không tôi không biết, không chắc, không quan trọng. Phạm Công Thiện điên được cũng vì ông sống ở miền Nam, nơi có tự do. Những con chim trong lồng không hiểu được điều này, chúng sẽ nói tự do không làm nên tác phẩm lớn. Chúng không biết rằng điều quan trọng đối với phần lớn thi sĩ không phải tác phẩm lớn hay bé, mà là quyền được điên. Điên mà không sợ bị kiểm điểm, bị phê bình, bị trừng phạt bởi lợn... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Giờ thì tôi nhận ra khu phố mình ở khá nhiều quạ / Nhiều đến nỗi trời mới hừng sáng tiếng chúng kêu dậy trời / Cái tiếng quạ / Thật không lẫn vào đâu được / Hễ nghe thấy nó là liền nghĩ tới những giấc chiêm bao mà chả hiểu vì lí do gì (!) bao lâu nay mình đã không còn nhớ nữa? // Hiện thời lại nghĩ tới bầy quạ đen / cây cam sai trái của phạm công thiện trong “đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... hơi thở Rắn / trườn đại dương / qua xác thối mặt trời / những đám đông mù loà hò hét / bủa lưới vây lòng hồ thối ngạt / qua rừng đạn, dùi cui / chết chết chết // vành tang cạn...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... tờ giấy hẹn nhiều năm quay trớ / những con ong bay trong phòng / nắng mật lên sớm ngày gối xếp bằng đảnh lễ / sự nhớ cổ tóc con người giữa trang bát nhã / bối rối tiếng kim thanh / bậc đá cuối nhảy lên mười hai ngày chữ xếp cất / cuộc đi ngang trâu xanh gà tía gọi mời / xao xác trưa nhà chân đèo bỏ phế...
 
Phạm Công Thiện và đỉnh lặng  (tiểu luận / nhận định) - Trịnh Thanh Thủy
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... . Ông đã đi trong thế giới hàng ngàn tiếng động, để tâm chao theo từng sát na nhiễu nhương cuộc đời. Ông đã ngồi thiền nghe chim hót quanh mình, nghe thân động, tâm động, tình yêu động. Nhưng phút cuối trên tất cả đỉnh cao là lặng yên, ông đã yên lặng đời đời... (...)
 
Cái rực rỡ của tuyệt vọng  (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn Quốc Chánh
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Tôi đọc ông là đọc cái ngữ điệu của thơ mộng trong phẫn nộ và tuyệt vọng. Ông rất giàu những loại ngữ điệu đó, dù ông viết về bất cứ cái gì. Đối với tôi những ngữ điệu đó là cơ sở của nhân tính và thi tính. Cái nhân tính và thi tính nếu không giáp mặt với tuyệt vọng, nó không có khả năng thu hút. Và nếu cái tuyệt vọng bị cái phẫn nộ nung chảy thì nhân tính và thi tính sẽ rực rỡ. Chữ của Phạm Công Thiện là chữ của cái tuyệt vọng rực rỡ... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Phổ từ bài thơ “Buồn” trong thi tập Trên tất cả đỉnh cao là lặng im của Phạm Công Thiện (California: Viên Thông, 2000), Jazzy Dạ Lam viết xong ca khúc “Thôi hết còn gặp nhau” vào năm 2001, cách đây đúng 10 năm, nhưng chưa bao giờ công bố. Phạm Công Thiện vừa ra đi, và hôm nay Jazzy Dạ Lam thu âm ca khúc này lần đầu để tưởng niệm nhà thơ đã khuất...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Một cụm mây lang thang vô sở trú / Đã tìm về Nguyên Tánh / Đai bi đại bi cõi ta bà / Bay về đâu bay về đâu Những cơn mưa phùn...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Khi Nguyễn Xuân Hoàng từ San José / điện thoại báo tin Phạm Công Thiện đã chết / tôi đang ăn múi cam mà nghẹn / buổi chiều mưa mù trởi, lại tiếng còi tàu ứa nước mắt...
 
Chuông ngọ  (thơ) - Trúc-Ty
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Từng khắc thời gian nhỏ giọt, bên dòng sông trôi / dòng cát chảy ùn lên / thành bờ cát trắng, tích luỹ sau / hàng thập niên ánh sáng, sau khi lọc bỏ tất / cả những mảnh vụn bám vào đó, là mỗi chúng ta? / Có phải chúng ta là những bóng ma lếch thếch / rụng lả tả dưới hồi chuông chói loà...
 
Trên tất cả các đỉnh cao...  (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn T. Long
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Viết đôi dòng tưởng niệm ông, như một triết gia, một nhà văn, một nhà thơ, như thể một thế giới ở ngoài tôi? – Có lẽ là không. Chỉ còn lại những gì mà Phạm Công Thiện đã hé mở, đã kêu gọi, đã khơi dậy, đã thách thức... trong lòng một thế hệ, một thời đại mà ông cùng chia sẻ. Phạm Công Thiện đã qua đi, không chỉ là một con người, mà là của một thời đại đã qua... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Mình vẫn ước mình gặp Thiện sớm hơn, ở tuổi 16 chẳng hạn, khi còn quên ăn quên ngủ chỉ để thao thức trò chuyện cùng các nhân vật trong tiểu thuyết về tuổi trẻ, tình yêu, ý nghĩ cuộc đời, về văn chương, về tội ác, về sự cao cả, về lòng thương, về lý tưởng, về tất cả... Mình thèm cái cô đơn cái rồ dại cái say sưa của những tình bạn tình yêu ở cái thời thèm sống lẫn thèm chết ấy... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để vặn cổ hết những đứa phạm công cúc hoa gọi ta là thần đồng / Không, ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để kéo cẳng những đứa phạm công cúc hoa gọi ta là thiên tài / Ừ, ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để thọt lét những đứa phạm công cúc hoa gọi ta là bồ tát...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Đi qua buổi chiều / những phân tử mùa thu tan, rã / mặc dầu giấc mơ chín, non / gió ngất từng chùm, cụt đầu / con nai chạy tìm bóng mình / truông cũ // đi qua tiếng hát / thôi hết còn gặp nhau...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... và thi sĩ của lòng tôi / cũng đã bay rồi phải không / nỗi ám ảnh thơ mộng dị kỳ của những tiếng nổ mặt trời / cũng đã thành địa chấn của bao thế hệ / tôi đang sống / mà cũng đang dở chết / ông cũng đã chết lên chết xuống / trong những lưu đày của một hành giả / đi qua đời / và dùng hết tàn hơi / thổi lên vầng mặt trời thứ ánh sáng nguy nga...

 

 

------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021