thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một chút về Khái Hưng

 

Đêm Noel vừa qua, tôi có dịp ngồi với các nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Nam Dao và Trần Thị Ngh. Trong những câu chuyện rất “trà dư tửu hậu”, chúng tôi có đề cập đến cái chết và văn nghiệp của Khái Hưng, một nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn.

Trước hết, tôi đặt câu hỏi về một khoảng lõm rất sâu (không hiểu được) nằm giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du và Tự Lực Văn Đoàn. Ở trong khoảng lõm ấy, văn chương Việt Nam gần như mất hút, không phải vì sự vắng mặt của tác giả mà ở cái chính là ngôn ngữ.

Không có một giải thích nào, ngoài sự nhìn nhận một hiện tượng hiển nhiên.

Về Khái Hưng, một nhận định chung là chúng tôi cùng coi nhà văn này là đại biểu xuất sắc nhất của Tự Lực Văn Đoàn, nhưng có điều gì đó không công bằng khi Khái Hưng dường như rất ít được nhắc tới.

Có một tình cờ thú vị, cả anh Dương Nghiễm Mậu và tôi đều rất quan tâm đến tác phẩm Băn Khoăn của Khái Hưng. Tôi còn nhớ, khi còn bé, tôi may mắn được đọc tác phẩm này và nó đã gây cho tôi một ngạc nhiên rất lớn bởi tính “hiện đại” của nó. Còn anh Dương Nghiễm Mậu thì bảo: có thể nói đây là tác phẩm thuộc trường phái “tiểu thuyết mới” đầu tiên ở Việt Nam.

Anh Mậu cho biết thêm, ban đầu Băn Khoăn có tên là Thanh Đức và được viết vào năm 1936, nhưng sau đã được sửa lại như ta biết .

Một số chi tiết anh Mậu kể về cái chết của Khái Hưng có thể tham khảo: Có một người ở Nam Định cho biết sau 1945, khi bị cách mạng bắt, Khái Hưng còn ôm theo một cái chăn dạ của Tây màu da ngựa. Cái chăn này đã trở thành quan tài quấn xác Khái Hưng và ông bị dìm xuống bến đò Cựa Gà. Cũng có một nguồn tin khác là Khái Hưng bị giam ở trại tù Đại Từ.

Cuộc đời, văn nghiệp và cái chết của Khái Hưng dường như vẫn là một ẩn số. Nhà văn Nam Dao thổ lộ ước muốn: Làm thế nào có thể đặt lại vấn đề Khái Hưng với toàn bộ sự nghiệp của ông trong văn học sử Việt Nam?

 

26.12.2012

 

 

 

---------------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021