thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Muốn yêu anh vác cày trên đồi

 

... Muốn yêu anh vác cày trên đồi...
Hoa Xuân, Phạm Duy

 

Bạn có biết cái cày nó như thế nào không? Nó như thế này:

 

 

Theo Từ điển mở (wiktionary) thì:

Cày: Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất.

Còn theo Từ điển Tiếng Việt thì:

Cày: Nông cụ có lưỡi bằng gang, sắt, dùng sức kéo để lật đất và làm vỡ lớp đất trồng trọt.

Bạn có bao giờ thấy nông dân dùng cày trên ruộng không? Lần cuối cùng bạn tận mắt thấy người nông dân Việt Nam cày bừa là lúc nào? Đây là hình ảnh một người đang điều khiển con trâu cày trên cánh đồng.

 

 

Có khi tới lúc này bạn vẫn chưa từng thấy cảnh nông dân cày bừa, nhất là nếu bạn đang sống ở nước ngoài.

Ở Mỹ, người Việt dùng động từ “cày” với một ý nghĩa khác với nó từng là. Động từ “cày” gần như đồng nghĩa với động từ “làm”. Thay vì nói “đi làm” thì người ta hay nói “đi cày”. Hay, như một cách cường điệu, người ta nói “cày 2 job” thay vì nói “làm 2 công việc”.

 

Tôi đã thấy cảnh người cày ruộng chưa ư?

Tôi đã thấy, khi đi xe lửa trên đường ra Trung, nhưng lâu lắm rồi. Sau này thì thỉnh thoảng tôi thấy cảnh người ta cày ruộng với những con trâu, nhưng chỉ trên hình ảnh chứ không còn thấy tận mắt như đã thấy trong những thập niên trước. Ngày nay, ở miền Nam, nhiều phần người ta sử dụng máy cày để kéo thay cho con trâu. Con trâu, cái cày đang dần dần biến mất, và bị quên lãng, khi công việc của nông dân đã được hiện đại hóa, cơ giới hóa.

Khi còn nhỏ, tôi nghe ca sĩ Thái Thanh hát bài Quê Nghèo của nhạc sĩ Phạm Duy, có những câu như “... Làng tôi /có những ông già rách vai / cuốc đất bên đàn trẻ gầy / có người bừa thay trâu cày...” thì thấy buồn vô hạn cho cảnh nghèo của quê mình. Có lẽ khó tìm ra hình ảnh nào mô tả cái nghèo và sự lạc hậu thê thảm như hình ảnh này: ông lão thì rách rưới, lũ trẻ con thì gầy gò vì đói ăn. Với hình ảnh “có người bừa thay trâu cày”, Phạm Duy tả con người phải làm công việc của con vật, làm thay cho con vật, thay cho con trâu. Tệ hơn nữa, người làm việc đó không phải là những trai tráng khoẻ mạnh, mà là những ông già. Phạm Duy sáng tác ca khúc này trong thời kháng chiến chống Pháp, đây là hình ảnh của miền Trung trong những thập niên 50, 40 trở về trước, khi nước mình còn đang dưới ách thực dân.

Ờ, chuyện lâu rồi. Chuyện quá khứ! Chuyện một thời đã qua, qua lâu rồi! Hơn nửa thế kỷ rồi...

Lịch sử đã sang trang mới rồi!

Vậy mà...

Sáng nay, mồng Một tết, không muốn đi đâu vội, tôi nằm nhà mở máy nghe nhạc xuân. Trong số các ca khúc trong đĩa, tình cờ tôi nghe ca khúc Hoa Xuân cũng của nhạc sĩ Phạm Duy. Hẳn là bạn đã từng nghe ca khúc này. Cùng với những ca khúc tiêu biểu về Xuân, về Tết như: Ly Rượu Mừng, Tuổi Trẻ và Hy Vọng, Xuân Ca... thì Hoa Xuân rất quen thuộc với người Việt trong những ngày tết, nhất là với người sống ở miền Nam.

Hoa Xuân hay tuyệt. Ca từ dung dị nhưng thân thiết, chân thành; nó làm người nghe rạo rực lòng yêu nước, lòng yêu đời. Hoa Xuân có đoạn mở đầu như sau:

“Xuân vừa về trên bãi cỏ non / Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn / Hoa cười cùng tia nắng vàng son / Lũ ong lên đường cánh tung tròn / Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi / Muốn yêu anh vác cày trên đồi / Hay là yêu chiến sĩ ngàn nơi / Thấy hoa tươi cười bỗng thương đời / Xuân! Hoa còn tươi mã i/ Hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui / Xuân! Hoa nở vì ai / Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai...”

Nhiều người cho rằng ca sĩ Hà Thanh hát bài này hay nhất. Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi bồi hồi thú vị với hình ảnh trong câu “Muốn yêu anh vác cày trên đồi...”. Tôi bấm nút nghe đi nghe lại vài lần, rồi tắt máy, nằm yên lặng cho ý nghĩa của câu hát thấm vào.

Cái cày phải là khá nặng, bạn xem hình trên thì biết, chắc cũng xấp xỉ chừng 20 ký. Trong bài hát, anh nông dân vác cày đi trên đồi, không phải đi trên đường bằng phẳng, thì phải nặng nhọc lắm. Có khi anh vừa đi vừa thở hồng hộc, mồ hôi mồ kê ra ướt đẫm áo.

Nhắm mắt lại, tôi tập trung hình dung ra khung cảnh này, như một đoạn phim quay chậm: Bóng chiều đang xuống, màu nắng cuối ngày. Cánh đồng với những ụ rơm. Làn khói bếp từ những mái nhà thấp thoáng xa xa. Vài con trâu nhẩn nhơ nhai cỏ. Mấy đứa trẻ thả diều trên đê. Triền đồi thoai thoải dốc. Bóng người vác cày nghiêng nghiêng, bước chậm từng bước...

Đứt phim. Tôi không thể hình dung được gì thêm dù cố gắng tập trung hơn nữa. Thôi, thử cách khác vậy. Tôi lên internet, vào google, gõ từ khóa “vác cày”.

Trời ạ, bạn tin nổi không, cái tôi nhận được là những chỉ dẫn thực hành một tư thế khi làm tình, được phổ biến với cái tên “vác cày qua núi”. Rồi khi tôi bấm chuột qua phần hình ảnh (images) thì thấy có tấm hình này.

 

 

Một tấm hình duy nhất tả cảnh nông dân vác cày trong trùng trùng vô số những tấm hình khác mô tả tư thế ái ân.

Thật lạ! Lạ, là vì trong một nước chuyên về nông nghiệp lúa nước mà hình ảnh cái cày - một hình ảnh lẽ ra là quen thuộc - mà lại hiếm hoi đến vậy sao!

Ngẫm, tôi thấy nhạc sĩ Phạm Duy viết đoạn ca từ này rất thú vị. Thú vị ở bông hoa xuân được nhân cách hóa với những tâm tình của con người, một cô gái trẻ - nhân vật trong ca khúc. Cái cô này thiệt là ngộ!

Cô Hoa Xuân không yêu thương gia, chính trị gia, triết gia, văn gia, bác sĩ, kỹ sư... nghĩa là những người có vị trí, có thế giá, có tiền bạc, có danh vọng cao trong xã hội, mà cô lại muốn, lại đi yêu cái “anh vác cày trên đồi”“chiến sĩ ngàn nơi”. Hình ảnh anh chiến sĩ oai hùng, xông pha trận mạc ngàn nơi thì còn hiểu được đi, nhưng còn anh vác cày trên đồi thì có gì hay ho mà làm cô xao xuyến, làm cô phải lòng, làm cô yêu cơ chứ?

Cái anh vác cày trên đồi đích thị là anh nông dân. Chẳng những anh không có thế giá gì, vì là nông dân - tầng lớp lao động cực nhọc, thường bị xem thường trong xã hội Việt Nam - thì anh còn nghèo. Nghèo, vì anh chưa có máy cày, anh phải vác cái cày nặng trình trịch cơ mà! Chẳng những nghèo, mà anh còn lạc hậu, còn chưa... cơ giới hóa. Vậy mà cô Hoa Xuân lại muốn yêu anh!

Tôi tin là nhạc sĩ Phạm Duy muốn cô gái này yêu anh vác cày thật lòng. Yêu thật lòng. Yêu trong xương chứ không chỉ yêu phơn phớt ngoài da. Không chỉ yêu lấy có, yêu như người Cộng Sản yêu! Người Cộng Sản từng giả bộ yêu nông dân để chiêu dụ họ làm “cách mạng”. Người Cộng Sản gọi hành động này là “cướp”, cướp chính quyền. “Cách mạng thành công”, hay nói cách khác là “cướp xong”, thì đời sống các bác nông dân lại tệ hại hơn cả trước. Ngày nay, nhiều nông dân trở thành một dạng thức con người chưa từng có trước đây, họ trở thành “dân oan”.

Cái anh nông dân cày bừa với con trâu này đã hiện diện trong xã hội Việt Nam dễ chừng đã hàng chục thế kỷ rồi. Ngày nay, dần dà anh vác cày dắt trâu đi khuất dần khỏi chính diện của đời sống xã hội Việt Nam. Khuất dần, nhưng anh chưa biến mất hẳn. Như bóng người trong trí tưởng tượng của tôi: anh nặng nhọc bước trên triền đồi, càng lúc càng xa dần xa dần, càng lúc càng nhỏ dần nhỏ dần, trong bóng chiều chập choạng.

Có lần, anh bạn nhà thơ Đỗ Trung Quân đọc cho tôi nghe bốn câu lục bát dưới đây. Anh bảo rằng nhiều lần, khi ra Bắc chơi, khi đi du ngoạn ở những vùng núi đồi Tây Bắc, anh thấy cảnh các cụ già đi cày bên đường. Mấy câu thơ có vẻ hài hước nhưng ngẫm kỹ thì thật là đúng, thật chính xác. Quân à, chẳng những đúng, mà còn đau! Bốn câu ấy như thế này:

“bên đường ông lão đi cày

là con ông lão ngày xưa đi bừa

bên đường ông lão đi bừa

là cháu ông lão ngày xưa đi cày”

Ba ông lão cày bừa trên mảnh đất ấy. Ba thế hệ nối tiếp nhau cày bừa mà cuộc đời không có gì thay đổi. Từ đời ông dắt díu đến đời cháu, vẫn y nguyên cái thân phận cày bừa.

Chuyện tới đây, liệu bạn và tôi có yêu anh vác cày trên đồi như cô gái Hoa Xuân kia yêu không?

Tôi không trả lời nổi câu hỏi oái oăm như một thách đố này.

Vậy đó, mùa Xuân không chỉ có hoa!

 

Nam Đan
Sài Gòn, Mồng Một Tết Giáp Ngọ

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021