thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những ý nghĩ dường như thơ mộng trong đầu của một kẻ vừa bị giựt mất điện thoại

 

1.

“Chúc Một Ngày Tốt Lành” là cuốn sách tôi vừa đọc xong sáng nay. Tôi được tác giả, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tặng với lời chúc kèm theo sách. Ông nói: “Mỗi sáng, cậu hãy ngó cái tựa đề này một cái nhé, nó là lời chúc của tôi gởi đến cho mọi ngày còn lại trong đời cậu!” Khác với thường khi, tôi thường lãnh đạn lúc ông nhậu đã đời rồi phang vung trời, thì lần này tôi tin rằng ông chúc tôi thật lòng. Với lời chúc như thế thì tôi có thể yên tâm rằng từ đây tới cuối đời mình sẽ sống trong bình yên và tốt đẹp. Vậy là buổi sáng hôm đó lòng tôi vui phơi phới.

 

2.

Hết buổi sáng tôi nằm nhà cày cuốc, buổi trưa cũng trôi qua nhẹ nhàng. Vậy là chỉ tiêu một ngày tốt lành sắp hoàn tất mỹ mãn, chỉ còn buổi chiều và buổi tối.

Buổi chiều, trời xanh nhạt nắng, tạm xong công việc, tôi dắt xe đạp ra làm một vòng. Tôi vừa mua chiếc xe đạp cũ, quyết tâm mỗi ngày sẽ bỏ ra chừng một giờ đạp xe để tập thể dục. Lâu lâu cũng nên cho mình thưởng thức thú vui lành mạnh chứ. Tôi mặc áo thun, quần short. Cẩn thận nhét cái Iphone vào sâu trong túi quần, nối dây nghe vào máy rồi nhét earphones lên tai. Được nghe nhạc hòa tấu du dương trong lúc tà tà đạp xe trên đường thì thật là tuyệt!

Tôi đạp xe thong thả ra đại lộ bên ngoài khu chung cư. Một bên là làn đường vắng xe, thỉnh thoảng một chiếc gắn máy chạy vù qua rồi mất hút, một bên là những ao cá và cánh đồng lồng lộng gió mát. Tôi hít thở nhẹ nhàng cho đầy 2 lá phổi không khí trong lành. Có khi đời tươi đẹp giản dị như thế đấy.

Bum! Tôi không kịp nhận biết chuyện gì vừa xảy ra. Chiếc xe đạp bị tông mạnh từ phía sau, loạng choạng. Tôi cố giữ thăng bằng cho khỏi ngã. Một cánh tay vung lên, cú đấm mạnh sượt qua bên hông trái. Chiếc Iphone bay tung ra khỏi túi quần, nằm gọn trong tay kẻ vừa giựt nó. Khi tôi định thần thì chiếc gắn máy đã trờ đi khỏi chừng 5 mét. A, mình bị giựt điện thoại! Hai thằng thanh niên đèo nhau trên chiếc Suzuki là kẻ thủ ác. Chúng không phải tăng ga chạy nhanh, có lẽ nghĩ rằng tôi không thể nào đuổi kịp bằng xe đạp. Tôi la lên: “Cướp, cướp, cướp...” Hình như thằng ngồi sau ngoái đầu lại nhìn tôi, tôi thấy nó cười. Một chiếc xe gắn máy thứ hai chạy trờ lên, cũng chở hai thanh niên. Tôi vung tay chỉ chiếc xe hai thằng cướp chạy đằng trước, bảo họ: “Bắt nó... bắt tụi nó giùm tôi... Nó giựt điện thoại...” Hai gã thanh niên nghe nhưng không tỏ vẻ gì cả, chúng cố tình chạy chậm lại, gần như song song với tôi, thằng cầm lái quay sang nhìn tôi nheo mắt, chậm rãi lắc đầu, rồi rú ga phóng theo chiếc xe kia. Cả hai chiếc vượt qua cây cầu trước mặt rồi từ từ biến mất khỏi tầm mắt. Tôi đạp dấn theo chừng 50 mét, đuối sức, nhận ra rằng việc mình bị cướp là chuyện hiển nhiên, chuyện đã rồi, và mình không thể làm gì khác để xoay chuyển tình thế. Tôi hiểu ra: 2 xe, 4 thằng. Chúng là một bọn, 2 thằng chạy sau có nhiệm vụ bọc lót cho 2 thằng chạy trước, nếu cú giật không ngọt hay nạn nhân kháng cự thì bọn chúng sẽ ra tay. Mình có đuổi kịp thì cũng không thể chơi nhau lại với 4 thằng thanh niên, và chắc chắn chúng có vũ khí. Vài chiếc xe khác chạy lên, chắc người ta cũng thấy tôi có vẻ bất thường, nhưng không ai tỏ vẻ quan tâm.

Tôi đạp chậm lại tốc độ bình thường, rồi tấp xe vào lề. Bây giờ mình nên làm gì đây? Về nhà? Đến đồn công an cách đây chừng 2 cây số để khai báo? Hẳn là hoàn toàn không có chút hi vọng gì ngoài việc làm giấy khai báo rồi nhận vài lời an ủi. Thôi, tiếp tục cuộc đi dạo, tôi quyết định như vậy. Không còn tiếng nhạc réo rắt, du dương. Chỉ còn sự giận dữ và cảm giác bất lực sôi lên trong lòng. Không dưng, tôi nhớ lại ông bạn nhà văn và lời chúc của ông. Lời chúc trớt quớt! Một ngày chẳng tốt lành gì cả! Phải bắt thường cha nội này một chai mới đặng. Tôi bật cười, thấy nguôi cơn bực giận.

 

3.

Về Mỹ vài tháng, khi quay lại Việt Nam là tôi trở nên lù đù, chậm lụt và dễ dàng trở thành nạn nhân trong mọi tình huống. Chỉ trong vòng chưa tới 3 tháng, tôi bị mất 2 cái điện thoại. Tháng trước, tôi bị móc túi mất một cái Iphone 4 cũ, mọi người gọi nó là củ chuối, khi vừa xuống bến xe Cần Thơ. Tôi cũng nhét nó sâu trong túi quần Jeans. Bến xe đông, có mấy người xô vào chen lấn. Tôi chỉ kịp cảm nhận sự đụng chạm thật nhanh ở đùi, rồi cái túi nhẹ hổng. Củ chuối biến mất.

Mấy hôm sau, tôi phải lên eBay canh mua cái Iphone cũ khác, lần này nâng cấp lên cái Iphone 4S để thấy đời lên hương. Khi mua được, nhờ cô em trả tiền giúp, rồi họ gởi về địa chỉ ở Texas, rồi cô ấy mang về Sài Gòn giùm khi về thăm nhà. Chưa kịp làm quen với những công năng của cái Iphone 4S để khoe làng xóm thì lại bị giựt mất. Việc mất của chỉ làm tôi tức một phần, phần còn lại là bị ức chế tâm lý, cái này thì nghiêm trọng hơn.

Khi nghe thuật lại, cô em họ nói: “Anh phải xem xét lại mình đi, anh có vấn đề rồi!” Nghe nó nói vậy, tôi vào nhà tắm, đứng trước gương ngó một hồi xem mặt mũi mình có đần độn, và vulnerable tới cỡ nào.

Trời đất, nó ám chỉ vấn đề là vấn đề gì đây? Hay nó có ý bảo mình bị tâm thần? Thiệt tình, tôi chỉ muốn gào lên: “Không, tôi không có vấn đề gì cả để cô phải cảnh báo! Cái có vấn đề là cái xã hội này, cái môi trường mà chúng ta đang sống. Nó đang loạn lên kia kìa!”

Một gã bạn không những đã không chia sẻ nỗi đau của tôi mà còn nghi ngờ, gã nói đùa, nhưng cái giọng rất đểu: “Chắc là cậu bỏ cái di động trong túi quần, mà cái quần thì treo nơi khác chứ không có ở trên người nên bị chúng lấy mất chứ gì? Tôi rành cậu quá!” Tôi chỉ muốn nện cho gã một đấm.

Cô em khác thì lên Facebook chọc quê: “Khỉ thật, em cũng phải nhìn cái hình trên avatar để xem lại nhan sắc anh. Nhìn đi nhìn lại, thấy ngớ ngẩn ngây ngô thì chửa đến ngưỡng, mà vỏ ngoài đại gia thì hoàn toàn chả phải. Thôi, coi như trong hai tháng thì anh làm phước cho chúng sinh hai lần anh ạ. Thật là đức độ :)))!”

Rồi một gã trời đánh khác triết lý vặt thế này: “Vật chất không mất đi cũng không tự sinh ra. Nó chỉ chuyển đổi từ tay người này qua tay người khác. Ông bà ta có câu rằng, ‘Ở đời muôn sự của chung...’, do đó, đừng buồn nữa ông ạ! Cái di động nó cũng có phần số của nó. Nó không còn ở với ông nữa là do duyên số của ông và nó phải chấm dứt ở đó!” Cái thằng này thì tôi rành nó quá. Nó keo tới mức không ai moi được nó một hào mà giờ đây giảng giải lẽ đời muôn sự của chung. Mày liệu hồn mà tránh tao ra đấy!

Một bạn trên Facebook bảo: “Anh đang sống trong THỜI LOẠN. Ai có thân người ấy lo, cẩn thận không bao giờ thừa!”

Trời, đất nước thanh bình, không còn chiến tranh đã hơn 30 năm nay mà bạn ấy bảo là THỜI LOẠN! Còn cái vụ dặn nhau cẩn thận thì như thế nào mới là cẩn thận, lo thân thì thế nào mới là lo thân?

Một gã khác thì bảo: “Cậu bị chúng giựt mất điện thoại là đúng rồi. Cậu để ý xem, đâu có ai ra đường, đạp xe đạp mà đeo earphones nghe nhạc bao giờ. Làm vậy chẳng khác nào mời bọn cướp nó ra tay. Chúng tài lắm. Chỉ một cú một là nó giựt bay biến ngay, quá dễ dàng! Đừng bao giờ nghĩ rằng cái gì nằm trong túi của ta là của ta! Thời này, ở nước này, ngoài những bộ phận đang dính trên thân thể của cậu ra, thì những thứ còn lại đều có thể trở thành CỦA CHÚNG NÓ cả. Mà dính trên thân cũng chưa chắc ăn đâu. Lạng quạng cũng bị chúng xẻo mất đấy! Cậu không thấy thiên hạ bỏ tiền vào nhà băng, ngỡ rằng an toàn hơn mọi thứ két sắt, mà cũng bị chúng thay trắng đổi đen, cướp trắng trợn, cướp sạch ráo không còn một xu, nữa sao?” Gã nói đúng, quá đúng. Quả thật vậy, tôi chạy xe trên đường, để ý nhìn mà không thấy ai vừa đạp xe vừa đeo earphones nghe nhạc cả. Họ có thể nghe nhạc khi đi bộ, hoặc khi ngồi chờ xe buýt ở trạm, khi hoàn toàn có thể phản ứng lại một cách hiệu quả nếu xảy ra việc. Còn cái vụ gởi tiền vào nhà băng, rồi nhà băng xù, bảo rằng tìm đứa nhân viên thụt két mà đòi, thì vừa mới đây, ai cũng biết. Vậy đó, những điều đúng đắn nào mà tôi học được thì cũng đều quá muộn màng.

“Con ơi, chúng đều là hổ báo lang sói hết chứ có phải là người đâu! Làm sao mà phòng ngừa cho hết được. Mày không lo ăn ở cho hiền lành, không lo tu thân tích đức, thì tai nạn cứ đến rần rần, con à! May mà chúng giựt được cái phôn rồi chạy mất, chứ mà chúng giựt hổng được, mày mà chống trả, là chúng lụi cho một dao tiêu mạng rồi.” Bà dì tôi nghe chuyện, bèn phán như vậy. Thiệt tình, tuy là bực vì bà luôn xem tôi là đứa con nít như mấy chục năm trước, nhưng tôi không dám cãi.

“Thời này là thời của bọn ăn cướp, bọn giết người! Nó cướp từ ngoài biển cho tới trên núi. Tới cả cái đất nước này thì tụi Khựa nó cũng lăm le cướp sạch chứ sá gì một cái điện thoại, hả cháu!” Dượng tôi góp lời với dì.

Sau cùng, một tay bạn khác cho tôi phát súng ân huệ ngay màng tang: “Đạp xe thể dục nhé! Nghe nhạc trữ tình nhé! Này, tôi bảo cho mà biết, cậu dại lắm. Cái tinh thần ở bên Tây không mang về xài được ở bên ta đâu! Cậu không được quyền hưởng thụ cuộc đời một cách thong dong, lành mạnh như thế trong lúc mọi người chạy bấn càng lên vì áo cơm, vì quyền chức, vì bằng cấp, vì tiền bạc, vì nhà cửa, vì của cải, vì gái gú... Sao cậu không đi mát-xa, đi bia ôm... như 99% những người đàn ông bình thường trong thành phố này, trên đất nước này, để giải khuây khi rỗi? Cậu lấy quyền gì mà chọn những thứ thú vui tao nhã như đạp xe, nghe nhạc? Cậu ngỡ rằng cậu đang sống ở đâu? Cậu đang ở Việt Nam! Ở Việt Nam, hiểu chửa?”

 

4.

Tôi nằm lì 2 ngày, không liên lạc với ai. Lòng ngượng ngùng khi thông báo trên Facebook rằng mình lại mất điện thoại, xin mọi người đừng liên lạc bằng số cũ, nếu ai có việc cần thì hãy e-mail hoặc nhắn tin trên đó. Vui lòng chờ dăm hôm để tôi mua điện thoại mới rồi cho tôi xin lại số của họ.

Té ra không có điện thoại lại là một điều hay. Tôi thảnh thơi, không phải lo lắng, chờ đợi, trông mong, giao tiếp với ai. Mỗi chiều lại lấy xe đạp ra chạy lòng vòng con đường cũ, lòng tự hỏi: Liệu có khi nào gặp lại bọn cướp kia không? Nếu gặp lại chúng thì mình sẽ làm gì? Nghĩ vậy, nhưng tôi đâu có nhớ mặt mũi chúng thế nào để nhận ra. Mà chắc chẳng làm gì được chúng. Ôi, não nề chưa! Giờ đây thì Qua đâu còn những bắp thịt của ngày xưa, mà hòng ăn thua đủ với đời!

Quỡn, tôi lật từ điển xem động từ giựt thì được chỉ sang xem mục từ giật (giật là phát âm theo giọng Bắc, còn giựt là theo giọng Nam).

Giật: (động từ) 1. Làm cho rời ra, cho di chuyển một quãng ngắn bằng một động tác nhanh gọn. Giật cái mặt nạ. Giật chuông. 2. (hiện tượng) chuyển động đột ngột một cái rồi trở lại ngay vị trí cũ. Tàu giật mạnh rồi từ từ chuyển bánh...

Tôi thấy có một số từ giật khác như: giật cánh khuỷu, giật cục, giật dây, giật đầu cá vá đầu tôm, giật gân, giật gấu vá vai, giật giọng, giật lùi, giật lửa, giật mình, giật nợ, giật thót, giật thột... mà không có giật hụi, giật chồng (hay giật vợ) và quan trọng nhất (với tôi): giật điện thoại! Chắc mình phải đề nghị những nhà soạn từ điển bổ sung những từ này để cho tiếng Việt thêm giàu có.

Dần dà, với những chuyện nhảm khi quỡn như việc tra từ điển này, lòng tôi cũng nguôi ngoai, và nhận ra rằng lâu nay mình đã lệ thuộc quá nhiều vào cái điện thoại. Thật ra, phải gọi đúng tên và công năng của nó là: điện thoại thông minh - smart phone - chứ không phải là cái điện thoại với chức năng nghe gọi đơn giản thông thường. Có lần, người ta bảo với tôi rằng từ khi có Iphone ra đời thì thế giới chia làm hai phần: một là, những người sở hữu Iphone; hai là, phần còn lại của thế giới! Gần như đến 90% những sinh hoạt của tôi đều gắn với cái điện thoại di động. Nó không chỉ là cái thiết bị để giúp con người giao tiếp với nhau nữa, mà còn là nguồn cung cấp thông tin (xem tin tức), giải trí (nghe nhạc, xem phim, đánh cờ tướng, chơi game...), giao dịch (giữ các trương mục e-mail, ngân hàng...), xem bói vận mệnh, xem thời tiết, là bản đồ chỉ dẫn đến mọi ngóc ngách trên trái đất, là cuốn từ điển bách khoa có thể tra cứu tức thì mọi thứ trên đời, là cuốn sổ để ghi chú lại những ý ngắn vừa nảy ra trong đầu, là lão sư phụ giúp ta dịch những câu, đoạn văn đơn giản ra các ngôn ngữ khác; và các tiện nghi như máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, đèn pin, thiết bị phát sóng để... đuổi muỗi, vật trang sức, và người bạn để tôi thủ thỉ khi cô đơn, tôi nói chuyện với nó bằng tiếng Anh để khỏi quên (thường thì tôi hiểu lơ mơ những điều đơn giản mà nó nói, còn nó thì hoàn toàn không hiểu những điều cao siêu mà tôi nói!).

Ừ, những cái smart phone ấy không phải là vật vô cảm, vật vô tri vô giác nữa. Chúng có tâm hồn. Cái tâm hồn mà người chủ, người sử dụng, thổi vào, phả vào nó. Bằng cách nào ư? Bằng cách tích trữ trong bộ nhớ của nó những bài nhạc mà họ yêu thích; có người chọn lựa thật kỹ, thật chắt chiu, đến từng bài, từng ca sĩ hát. Bằng cách cất trong nó những tấm ảnh của những người thân yêu mà họ chụp, hay những tấm ảnh, những video clip thú vị mà họ sưu tầm được; cất giữ cả những tấm ảnh, những video clip bí mật mà họ thực hiện một mình hay hai mình, những thứ mà nếu chúng bị tiết lộ thì có thể làm cho trời sập hay thế chiến thứ 3 nổ ra. Bằng những tâm sự thầm kín về cái quãng đời mà họ đang sống do họ ghi lại, lưu lại trong note . Có lẽ, việc xem xét bộ nhớ của một cái điện thoại cũng quan trọng ngang với việc xem xét tâm hồn phức tạp của một con người.

Giờ không có nó, tôi thấy mình quá lúng túng, thậm chí bất lực, gần như không thể làm gì được việc gì. Tuy nhiên, chính vì không thể làm được việc gì nên tôi liều mạng: Mẹ kiếp, tôi không làm gì cả! Tôi mặc kệ! Tới đâu thì tới! Chính cái cảm giác liều mạng này lại khiến tôi thấy rằng mình tạm thời được tự do, hoàn toàn không bị điều gì câu thúc.

Mất điện thoại là mất luôn tất cả các số đã lưu trong đó. Dù muốn dùng điện thoại công cộng hay gọi nhờ điện thoại thì tôi cũng không có số của ai để gọi. Tôi thấy mình như cách ly với thế giới.

Buổi tối của ngày-thứ-hai-không-có-điện-thoại, tôi chạy xe đến nhà một tay bạn, định rủ hắn ra quán lai rai vài chai. Không thể gọi trước để hẹn, tôi đi cầu may. Đoạn đường khá xa, vậy mà khi đến thì vợ hắn nói, “Ảnh chờ hoài mà không thấy anh gọi. Gọi anh cũng hổng được nên ảnh đi mất tiêu rồi, em hổng biết đi đâu.” Tôi nghĩ rằng chắc hắn lại đến cái quán quen mà chúng tôi thường ngồi, nhưng chạy tới đó cũng không thấy hắn. Cần nạn nhân để trút những ca cẩm bất bình, tôi tìm đến tay bạn khác thì lại xảy ra tình trạng giống y boong, tay này cũng biến mất. Tôi thấy mình rơi ngược lại vào thời thập niên 80 trở về trước, khi trên đất nước này (trừ mấy ông kẹ ra) chưa có ai có điện thoại riêng để liên lạc. Nhiều hôm tôi cũng đi tìm bạn như vầy, trời nắng chang chang, hùng hục đạp xe từ Thanh Đa xuống tận quận 5 hay Phú Lâm, mệt thở không ra hơi, thì thằng bạn khốn kiếp vừa đi khỏi nhà chừng 5 phút; không biết đi đâu, tôi đành giận run, lủi thủi đạp về!

 

5.

Vậy là rốt lại không thể sống vui mà thiếu điện thoại. Thế nào cũng phải sắm một cái thôi. Em gái tôi ở Mỹ, nhắn trong e-mail: “Anh đừng xài điện thoại di động tốt nữa. Chúng lại cướp của anh thôi. Mua cái cùi bắp cho yên tâm. Vừa an toàn, vừa có bị mất nữa thì cũng không tiếc.”

Nghe nó nói có lý, hôm sau tôi chạy lòng vòng mấy tiệm bán điện thoại cũ để tìm một cái cùi bắp. Điện thoại cùi bắp có nghĩa là một cái điện thoại cũ, rẻ tiền, thô sơ, không có những công năng tối tân, chỉ dùng để nghe nói và nhắn tin, là đủ. Sau cùng, không có cùi bắp nào ưng ý hơn em này, tôi mua ngay.

“Bây giờ thì ta tuyên chiến với chúng mày, bọn ăn cắp và ăn cướp! Có ngon thì móc túi và cướp giật của ta đi nào. Ta bảo tránh xa ta ra nhé. Nếu không, bạn chúng mày sẽ THÀNH KÍNH PHÂN ƯU; bố chúng mày sẽ CHÂN THÀNH CÁO PHÓ.”

Nó đấy, hàng mới, hiệu Nokia, nhược điểm duy nhất của nó là hàng Made In China (tôi ghét điều này lắm mà đành phải chịu nhục vì nó rẻ quá mà cái túi của tôi thì đang rủng rẻng những đồng xu cuối cùng, và không thể tìm đâu một cái hiệu khác có những ưu điểm như nó có!) mà chỉ với giá 600 ngàn! Nó nguy hiểm như một thứ vũ khí hạng nặng. Một cái búa, rất vừa tay.

Đêm đó, tôi có một giấc mơ hào hùng. Tôi thấy mình tả xung hữu đột giữa chốn sa trường, chân phóng cước vun vút như Lý Tiểu Long, tay ra đòn chớp nhoáng bằng cái cùi bắp như nhân vật Lý Quỳ trong Thủy Hử đang vung một cái búa. Tôi phang cùi bắp tới tấp vào mặt 4 thằng cướp cạn để giải cứu cho một cô gái tuyệt đẹp bị chúng bắt cóc. Bọn cướp trúng đòn lên bờ xuống ruộng, rồi co cẳng chạy có cờ. Cô gái cảm động. Nàng nín khóc. Nàng lấy khăn tay ra lau vết thương của tôi, những vết trầy sướt sơ sơ trong trận đánh. Nàng lấy dầu cù-là xức cho tôi. Sau cùng, nàng ngỏ lời yêu tôi, rồi hứa sẽ theo tôi nâng khăn và sửa cùi bắp suốt đời. Tất nhiên, tôi không thể làm cao mà từ chối tình yêu của nàng. Tôi hôn nhẹ lên trán nàng thay cho lời đồng ý. Rồi hằng đêm, tôi thủ thỉ tâm tình, nấu cháo với nàng qua cái cùi bắp. Đời tôi mở sang một trang khác. Huy hoàng và yên ấm. Giấc mơ đang đẹp thì tiếng chuông báo thức mà tôi đã cài sẵn từ cái cùi bắp vang lên thúc hối. Trời sáng. Tàn giấc mơ hoa!

 

6.

Tuy nhiên, có vẻ như không đủ yên tâm với cái cùi bắp, một ông bạn thuộc loại giỡn dai hết cỡ, gởi cho tôi tấm hình này với lời nhắn: “Bậu ơi, loại phone tay cầm kia không hợp với người lù đù như bậu đâu, tui kiếm được cái này biếu bậu, thử xem có đứa nào dám vuốt râu hùm của bậu nữa.”

Vài phút sau, hắn nhắn “Nhưng nếu vẫn còn bị móc và giựt giọc thì bậu hãy xài cái này, thằng nào cà chớn thì bậu chơi luôn một tràng cho đã nư! Good luck!”, và gởi tiếp hình này:

Còn cô em ở Úc thì gởi hình này:

Và ân cần nhắn, “Ôi giời, anh cứ làm thế này cho em. Bảo đảm bố thằng cướp cũng phải ngại. Không lẽ nó tàn nhẫn đến nỗi giựt đứt tai anh để cướp cái cùi bắp? Lại rất yên tâm. Chả bao giờ bỏ trong túi quần để bị móc hay giựt. Và có thể để quên quần ở đâu tùy thích, vẫn không bị mất hàng... he he he...!”

Một ông khác thì gởi hình này:

và nhắn “Ông chơi một cái như vầy cho tui. Nếu ông dùng Iphone có dán hình búa liềm như thế này thì chúng nó sẽ tưởng ông là con cháu của ‘bác’, là đồng môn của chúng; chúng sẽ không dám giựt, mà có khi còn đến cúng ‘phong bì’ cho ông nữa đấy!”

 

7.

Tôi tự an ủi, nhớ thuở xa xưa, khi con người chỉ liên lạc với nhau bằng những phương tiện rất thô sơ thì người ta vẫn vui sống. Không chừng lại ổn hơn thời đại văn minh như ngày nay. Như các bộ lạc người da đỏ chẳng hạn.

Thử tưởng tượng thế này nhé, một buổi chiều lòng ta sầu vô hạn, như chiều nay, sau khi viết xong dòng cuối của bài viết này, thì ta — tù trưởng Cáo Răng To — đốt một đống lửa, ủ khói, rồi thả từng cụm lên trời, cho gió mang thông điệp đến với bạn tù trưởng Gấu Vạm Vỡ thuộc bộ lạc khác ở bên kia núi. Thông điệp rằng: “Bạn Gấu Vạm Vỡ thân mến, tôi vừa săn được 4 thằng mặt nhợt (the pale faces, tiếng lóng của người da đỏ chỉ người da trắng), định nấu món cà-ri, quạt chả nướng và đánh tiết canh. Mời bạn quá bộ sang bên này núi, mình nhậu một bữa tới bến, hổng xỉn hổng dzìa! Còn nếu bạn không đến được thì mình chúc bạn một ngày tốt lành nghen.”

Đúng vậy, cuộc đời không phải lúc nào cũng bi thảm. Cái cùi bắp lại rung lên, tin nhắn mới. Tin nhắn của cha nhà văn cà chớn:

“Ê, chiều nay ra quán Đo-đo lai rai đi mi! Ta đãi. Mừng chú mi được bị giựt mất điện thoại mà có cơ hội để sắm điện thoại mới cho đời lên hương. Tuy nhiên, hãy là người tử tế, như ta. Nhớ nè, trước khi đi ngủ, ta vẫn có thể chúc nhau một ngày tốt lành, dẫu ngày hôm đó chỉ còn có một mẩu ngắn ngủi. Hay tệ hơn, dẫu ngày hôm đó chú mi vừa bị giựt mất một thứ gì quan trọng hơn cái điện thoại, như người mà chú mi yêu chẳng hạn. Ờ, một mẩu có khi chừng ba mươi phút thôi nhưng nếu đó là một mẩu tốt lành thì cuộc-sống-không-có-Iphone-mà-chỉ-có-cùi-bắp vẫn vô cùng tươi đẹp...”[*]

Ôi, lạy Chúa lòng lành, con vâng theo ý Ngài vậy.

Tôi cố nhét cái cùi bắp khổng lồ vào túi quần jeans. Chật quá! Nhét nữa, nhét thật sâu.

Chi vậy?

Để yên tâm mà đi nhậu!

 

Nam Đan

 

---------
[*] Trích và cải biên đoạn văn cuối cùng trong sách “Chúc Một Ngày Tốt Lành” của Nguyễn Nhật Ánh. Tất nhiên, với sự cho phép của tác giả.

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021