thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mặt trời vẫn mọc

 

Mặt trời vẫn mọc dẫu Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bị cướp sổ thông hành, Phạm Minh Đáp phải đóng cửa lớp học miễn phí “Stand by you”,[1] vợ chồng - cha con Trương Duy Nhất bị ly gián thêm hai hay ba mươi phút nữa, vì anh bị công an ném ra lề đường, cách trại 4km.[2]

Từ lâu, mặt trời vẫn mọc bất chấp những đòn thù nhỏ nhen và hèn hạ như thế: những bô cứt ném vào nhà cụ Hoàng Minh Chính, những lọ mắm tôm thối ném vào người biểu tình, những vụ đụng xe, những trận đòn hội chợ, những lá cờ đỏ quấy nhiễu trước mặt tượng vua Lý Thái Tổ, trong vầng khói ngát mùi trầm gởi tới những tử sĩ Gạc Ma v.v...

mặt trời vẫn mọc dẫu đại tướng “giao lưu” trên đất Việt với cái danh thiếp để bàn in tên tiếng Tàu,[3] dẫu Bộ Quốc phòng chỉ còn là một ban tiếp tân, thù tạc; dẫu Bộ Ngoại giao chỉ còn là một ban bật tắt máy ghi âm với duy nhất một cuộn băng nhão nhoẹt; dẫu Quốc hội chỉ là một gánh xiếc rong, và bất cứ lúc nào mở mồm, ông chủ tịch của nó đều bông phèng: “Điểm nhấn nào trong luật đòi hỏi chất lượng tốt lên hay cứ tằng tằng?”[4]

Mặt trời vẫn mọc như mặt trời của Ernest Hemingway, trong The Sun Also Rises: nó vẫn mọc dẫu cả một thế hệ bị lạc loài với một tương lai mù mịt và nỗi niềm tuyệt vọng sâu thẳm qua số phận bi thảm của Jake Barnes. Nhưng cái bắt chúng ta nghĩ đến Hemingway là đoạn đối thoại khô khốc giữa hai nhân vật:

‘How did you go bankrupt?’ Bill asked.

‘Two ways,’ Mike said. ‘Gradually and then suddenly.’

Không nhất thiết phải đọc The Sun Also Rises, chúng ta cũng có thể liên tưởng đến nó khi đoạn đối thoại khô khốc như bức điện tín của Hemingway được nhiều tác giả vay mượn như một minh hoạ đắc địa. Nhiều, rất nhiều, từ giới tâm lý học đến giới xã hội học, hình phạm học hay quản trị học, ai cũng muốn mượn đoạn văn chấm phá ấy để khắc hoạ những tiến trình phá sản của từng đối tượng mà họ quan tâm, tinh thần hay vật chất.

Nhân cách của chúng ta cũng bị huỷ hoại như thế. Cái xấu, cái ác hay tâm địa nhỏ nhen vẫn đến, vẫn cám dỗ chúng ta ngày ngày và, đôi khi, có thể chúng ta sẽ vấp ngã, sẽ mê muội, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tỉnh táo, phải bật lên, mạnh mẽ và quyết liệt, với chính mình.

Nhưng đó chỉ là sức đề kháng cá nhân, còn vấn đề ở đây lại là năng lực và phẩm giá của một cả hệ thống, một hệ thống toàn trị, một bộ máy quản trị công quyền.

Để tồn tại thì hệ thống nào cũng vậy, chính trị hay tội ác, cũng phải hoàn thiện một cơ chế phản vệ để chặn đứng tiến trình tự huỷ hoại hay ấn định những giới hạn thấp nhất mà nó không thể hạ mình thấp hơn. Mafia cũng có phẩm giá của mafia với các quy tắc bất thành văn là không cắm sừng anh em, không sát hại đối thủ truớc mặt vợ con và, đặc biệt, là luật im lặng omerta.

Nguyên tắc omerta này đã hình thành nên thứ “phẩm tiết” đặc biệt của thế giới tội ác: không khai báo, dù là khai báo để triệt hạ kẻ thù bởi, công lý phải nằm trong tay của mình, phải do chính mình thực hiện, thà phải đổ máu với kẻ thù chứ không thể để kẻ thù khinh mình. Triết lý căn bản của thứ “phẩm giá” này là sự tôn trọng của cả đối thủ lẫn đồng minh: đã ngửng mặt trong thế giới mafia mà để cho cả thế giới ấy coi khinh thì sẽ không còn đường nào để tồn tại như là một mafia.

Nếu chính trị được xem là gắn liền với những thủ đoạn, những trò chơi dơ dáy thì vấn đề là mức độ cho phép ở các thủ đoạn và sự dơ dáy ấy. Toán học là một khoa học chính xác nhưng, để phát triển, người làm toán phải chấp nhận việc tính toán với những sai số và vấn đề là mức độ chấp nhận được của sai số bởi, nếu vượt qua lằn ranh ấy, toán học sẽ không còn là khoa học của sự chính xác nữa. Khi những trò đá cá lăn dưa với những lọ mắm tôm thối hay những đòn thù hàng thịt lập đi lập lại như một đường lối nhất quán thì hệ thống chính trị đã hạ thấp mình xuống tầng bậc thấp nhất của sự điếm nhục.

Bên ngoài thì kẻ thù, mới hay cũ, càng khinh nó.

Bên trong thì nhân dân càng tởm nó.

Sự tởm lợm ấy đang bành trướng từng ngày, dần dà, từ từ, và rồi, sẽ có một lúc nào đó, bất thình lình...

Có một ngày bất thình lình của sự tởm lợm như thế ở Mai Dịch, nơi những công thần chế độ đã lo lắng xí phần giành làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng cho mình: dần dà, từng ngày, từng phẩm vật xú uế tung toé tại nơi đặt tấm bia khắc tên Lê Đức Thọ, và rồi, một ngày, bất thình lình, phần mộ ấy biến mất.[5]

Một “đại đại công thần” mà chết rồi cũng phải đào ngũ, chạy trốn khỏi đội hình xương cốt của những công thần: cả tấm bia đá khắc tên cũng phải giấu nhẹm như một thứ của gian.

Thì mặt trời vẫn mọc và, tách rời những ý nghĩa tâm linh, trên phương diện xã hội học, đời sống này vẫn ứng nghiệm với luật nhân quả, nghĩa đen hay nghĩa bóng. Đã phóng uế vào lịch sử thì phải nhận lãnh thứ uế khí mà mình đã thải. Đã sống bám vào sự che đậy của bóng tối bí mật, đã chà đạp lên những quy luật của tự nhiên và giềng mối nhân tình, thì khó mà yên nghỉ với luật của tự nhiên, luật của ánh sáng, và luật của nhân tình.

Ai có thể yên nghỉ nếu đã đến thế giới bên kia rồi mà cũng phải thấp thỏm như kẻ ăn vụng, cả nhúm xương cốt còn lại cũng phải chôn giấu như một thứ hàng ăn trộm? Ai có thể yên nghỉ khi hình hài còn lại phải trông cậy sự bảo vệ của những họng súng đã lên nòng, thậm chí sự bảo vệ của thuốc sát trùng, của một môi trường phi dưỡng khí lạnh lẽo như thời Băng Hà bên trong một cái hộp thuỷ tinh?

Mặt trời vẫn mọc trong thời đại Băng Hà nhưng mặt đất lạnh lẽo bởi ánh sáng mặt trời không thể xuyên thủng đám mây bụi dày đặc hình thành sau khi những siêu hoả diệm sơn nổ tung. Nhưng nó, như một chính quyền, đã suy kiệt, không đủ bản lĩnh để nổ tung như một núi lửa mà chỉ có thể vụng trộm vốc từng nắm bụi nhỏ vung vẩy với ảo vọng ngông cuồng là sẽ che được ánh mặt trời và duy trì được thứ đồng minh bóng tối.

Mặt trời vẫn mọc và rồi, sẽ có một ngày nào đó, bất thình lình...

 

Sydney 8.6.2015

 

____________

Tham khảo:

[1]Nguyễn Thiện Nhân, “Chính quyền sách nhiễu khiến một lớp học tiếng Anh miễn phí nổi tiếng đã đóng cửa”.

[2]Huy Đức, “Trương Duy Nhất bị ném ra lề đường Hồ Chí Minh, cách trại 4km”.

[3]Dân Làm Báo, “Đại tướng Phùng Quang Thanh có sẵn tên tiếng Tàu?”.

[4]Ngọc Quang, “Nắng mưa là bệnh của trời, còn tôi dự báo tạm thời thế thôi”.

[5]Nghĩa trang Mai Dịch nằm tại Quận Cầu Giấy, Hà Nội, dành cho các uỷ viên Trung ương Đảng trở lên. Theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 thì các “cán bộ, trí thức, anh hùng” muốn an táng tại đây phải “thuộc diện được quốc tang, tang lễ cấp nhà nước hay tang lễ cấp cao đủ tiêu chuẩn.”

Trong lá thư ký ngày 9.2.2006 gọi là “phát biểu những suy nghĩ cá nhân, góp phần trách nhiệm của mình” vào bản Dự thảo báo cáo chính trị trước Đại hội 10, một cựu đảng viên tên Đặng Văn Việt đã nhắc nhở trung ương đảng rằng “bài học nhỡn tiền về ‘cách làm người’ của Lê Đức Thọ viết chưa ráo mực”: “Thương cho ông Lê Đức Thọ đã có cuộc đời hiến dâng cho cách mạng, nhưng phạm vào tội ác: Dìm người này, ép người kia, bè cánh, nhiều mưu đồ thủ đoạn, gây khổ cực, oan ức cho bao đảng viên, cán bộ vô tội. Nên sau khi chết được Đảng và Nhà nước cho chôn cất tử tế vào nơi khô ráo, sang trọng, tưởng là mồ yên mả đẹp, thế mà những gia đình bị oan ức hàng ngày cứ vứt những gói quà xú uế đến ngập cả mồ. Con cháu phải vội bốc ông đi, để hài cốt của ông khỏi bị thối rữa.”

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021