thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thi pháp White House

 

May mà có đệ nhất phu nhân Laura Bush, nếu bà không chịu tiết lộ thì chẳng ai biết đến tài thơ của ông Tổng thống George Bush.

Đến dự và nói chuyện trong National Book Festival ngày 3.10.2003 ở thủ đô Washington, bà tiết lộ điều mà cử tri nước Mỹ, đồng minh hay kẻ thù của nước Mỹ, hết thảy đều không thể nào ngờ được: Tổng thống cũng biết làm thơ!

Ai đời cái ông võ biền không ra võ biền, trí thức không ra trí thức ấy mà cũng biết làm thơ, mà lại là làm thơ tình.

Thì Bush cũng có đi lính, nhưng nhờ thế lực gia đình nên chỉ làm lính kiểng, tà tà trong đội Vệ binh Cộng hoà trên nước Mỹ chẳng bao giờ bị xâm lăng nên chẳng lo chuyện đổ máu hay trở thành... anh hùng tử sĩ.

Thì Bush cũng tốt nghiệp trường Yale, cái trường lớn thuộc Ivy League, thế nhưng đấy cũng là nhờ thế thần tổ tiên nên chữ nghĩa hay trình độ văn hoá, nghe ra, cũng tiếng... Bush tiếng gì chen nhau thế nào.

Hồi nước Mỹ chưa bị khủng bố giới ký giả thiếu đề tài chực rình Bush “xuất khẩu là sai”, nói tiếng Anh tầm bậy là xông vào bắt lỗi. Tỷ như khi Bush nói “analyzation”, chẳng hạn: tiếng Anh chỉ có “analysis” mà thôi chứ không có chữ ấy. Đó, có lẽ, chính là tiếng... Bush!

Đến khi chống khủng bố, Bush tha thiết kêu gọi thế giới Ả Rập mở rộng vòng tay ủng hộ thế nhưng lại cao hứng gọi đó là... Crusade, và chính chữ này đã làm thế giới Hồi giáo đùng đùng nổi giận. Nếu Crusade, cuộc chiến do Âu châu Thiên chuá giáo khởi xướng, đã tàn phá vùng Cận Đông từ 8 tới 7 thế kỷ trước thì bây giờ Mỹ cũng muốn gây hấn để tàn phá thế giới Hồi giáo ư?

Nói chung vì trình độ văn hóa không được cao và nhã cho lắm nên hễ Bush nói một câu thì Bộ ngoại giao Mỹ phải chạy vạy với nỗ lực "damage control" bằng mấy mươi ngàn câu, và giới trí thức Mỹ xem Bush như một người phi... văn hóa: va sử dụng tiếng mẹ đẻ vẫn không nên hình, va đương đầu với một kẻ thù mà chẳng biết gì về kẻ thù ấy, va sách động chiến tranh mà thời trẻ thì lại trốn lính trá hình v.v... Một người như thế thì chẳng nên có mảy may hy vọng nào về thơ văn.

Thế nhưng bây giờ thì họ biết thêm rằng Bush còn là nhà thơ, bà Bush kể: "President Bush is a great leader and a husband, but I bet you didn't know he is also quite the poet...Upon returning home last night from my long trip I found a lovely poem waiting there for me." Thế rồi, trong khi Bush dưới ngước mặt nhìn lên, bà từ trên nhìn xuống chậm rãi đọc bài thơ chồng tặng:

 

Roses are red
Violets are blue
Oh my lump in the bed
How I've missed you."
Roses are redder
Bluer am I
Seeing you kissed by that charming French guy
The dogs and the cat, they missed you too
Barney's still mad you dropped him, he ate your shoe
The distance, my dear, has been such a barrier
Next time you want an adventure, just land on a carrier.

 

Chuyện là thế này: bà Laura đi Nga và Pháp để Bush ở nhà cô đơn trơ trọi, ngồi nhìn ra cái vườn đầy hoa buồn buồn nhớ nhớ, nên hồn thơ mới dào dạt trong lòng. Nhưng, khoan, cũng phải tạm có vài lời chú giải đã:

- Rose là hoa hồng, violet là hoa... violet, ông Nguyễn Văn Khôn gọi là hoa đồng thảo nhưng được mấy người biết? Thôi thì giữ nguyên tên hoa violet.

- Chữ “lump in bed” thì mới là chuyện khó. Nó khiến không ít người đang chuẩn bị nghỉ hưu hay những kẻ bị đụng xe sắp được bồi thường sáng mắt lên vì nhắc tới chữ “lump sum”, tức lĩnh trọn gói, lĩnh gộp một lần. Với Bush thì chữ này lại nhắc tới Laura: thay vì gọi vợ là “cục cưng của anh”, "con mèo ngái ngủ trên tay anh", Bush gọi Laura là “Lump in the bed”, tức “đống trên giường”. "Đống trên giường của anh", nghe cũng... lãng mạn chán!

- “French guy” thì chẳng ai khác ngoài Tổng thống Pháp Jacques Chirac, người đã hôn tay Laura khi bà tới Paris dự hội nghị UNESCO.

- Barney là con chó cưng của hai người.

- “Carrier” là hàng không mẫu hạm, tức cái tàu thuỷ có nhiều máy bay. Mấy tháng trước Bush đã cưỡi máy bay ra đáp trên cái tàu nhiều máy bay này đón đoàn quân chiến thắng trở về.

 

Xong phần tạm chú giải, hãy tạm diễn nôm:

 

Hồng đỏ, violet xanh, em yêu
Trên giường một đống, yêu kiều, nhớ sao
Hồng càng thắm, anh càng xanh mét, dàu dàu
Thấy em cho thằng khứa Pháp hôn đầu ngón tay
Chó mèo cũng nhớ em ngất ngây
Hài xưa, Barney gặm, lòng đầy trách, than
Ơi em yêu dấu xa xăm
Trùng khơi cách trở, là ngăn là rào
Lần sau du viễn hội nào
Hãy về trên cái tàu nhiều máy bay

 

Xong phần... tạm dịch, ta mới tạm phân tích.

Về thơ, có lẽ Bush đã đi xa hơn... Bùi Giáng. Bà Thụy Khuê nhận định Bùi Giáng làm thơ thường sử dụng điệp vận, điệp khúc nhưng nhiều chỗ chưa... tới lắm. Thí dụ:

 

Thưa em rượu uống bây giờ
Là trăm năm gục hai bờ tử sinh...

 

Thưa em rượu uống bây giờ
Là thiên cổ lụy còn trơ bên mình…

 

Thưa em rượu uống bây giờ
Là trong lát nữa lên bờ đuổi ma...

 

Bà Khuê luận, đại ý, muốn “điệp” thì khúc sau phải mạnh và sắc hơn khúc trước thì thơ mới... tới. Tỷ như 2 lên 2.5, rồi 2.5 lên 3, rồi 3.5 lên 4; đằng này nếu cứ 2, 2, 2 mãi như thể tân binh đi đều bước thì chán bỏ mẹ, và nói như vậy thì Bush đã vượt qua khiếm khuyết này:

 

Roses are red
Violet are blue
Oh, my lump in the bed
How I’ve missed you
Roses are redder
Bluer am I

 

Thoạt đầu những đóa hồng chỉ mới “red”, sau đó nó “redder”. Thoạt đầu Bush thấy những đóa violet màu “blue”, sau đó Bush thấy mình “bluer”, thế nhưng cái sự nâng cấp của Bush mới càng cao cờ, đi từ số nhiều sang số ít "Violets are blue –> Bluer am I", và chỉ nâng lên sau khi nhà thơ nhắc tới Laura yêu kiều, như là một "đống trên giường".

Tuy nhiên nói như Bùi Giáng, dịch thơ là điều “khảm kha”: dịch theo lối "trực dịch" mà người ta bàn cãi ầm ĩ trên talawas dạo nọ, biến chữ "bluer" -- bi ai hơn -- thành “xanh hơn” thì dễ gây hiểu nhầm, nhất là khi trước đó hình ảnh của Laura lại lù lù “một đống trên giường”.

Là vì chữ “xanh” trong ngôn ngữ ta có nhiều ý nghĩa khác nhau. Tỷ như chữ “xanh” trong bài ca “Dựng lại màu xanh” của Việt Dzũng:

 

Rừng xanh, xanh ngắt con sông dài
Trời xanh, xanh cánh chim ngàn khơi
Biển xanh, xanh sáng chân trời mới
Xanh lên niềm ước mơ
Xanh thơ dại mái đầu...

 

Trong mấy câu thôi, hát chưa kịp mỏi miệng mà chữ “xanh” đã chuyển từ “green” sang “blue”, từ “blue” rang “green”, chưa nói là “blue” và “green” còn biến hình ở nghĩa đen và nghĩa bóng.

Phong phú vậy mà ở đây chữ “xanh” của nhạc sĩ Dzũng chưa đá động gì tới cái sự xanh xao gọi là “pale”, là điều rất dễ khiến Bush ta bị hiểu lầm. Dễ làm người ta nghĩ rằng bà vợ Laura thì lù lù “một đống trên giường” còn Bush thì "xanh quá là xanh", xanh hơn cả violet thì hơi oan: lúc đó Laura đi Pháp dự hội nghị UNESCO, được Chirac ôm tay hôn, có ở nhà đâu để Bush xanh theo hướng này?

Hồng đỏ, rồi đỏ hơn – redder – ấy là chuyện thường. Còn Bush mà... bluer, “xanh hơn”, thì đích là tâm hồn ông ta đang gặm nhấm một nỗi buồn ngày càng bành trướng, cái nỗi buồn xa vợ. Và vì thế chúng ta có thể tạm phân tích như sau: thoạt đầu tác giả rất lãng mạn, vợ mình đi dự mấy hội nghị quốc tế xa xôi, mình mình ở lại trong dinh tổng thống cô đơn quạnh quẽ, tức tình sinh cảm hứng, thế là thơ nở đầy hoa, hoa đỏ, hoa xanh.

Nhưng rồi Bush cũng trở về với con người thực của mình, con người võ biền, con người từng minh định với cả thế giới: “Hoặc theo ta. Hoặc chống lại ta”. Xem ti vi thấy “thằng khứa Pháp” Chirac cầm tay vợ mình hôn thật say đắm thì thơ của Bush tự nhiên đổi giọng: bông hồng đỏ, bông violet xanh biến đi đâu mất tiêu, chỉ thấy Bush buồn thảm hơn để rồi, tự dưng, trong thơ lại xuất hiện toàn... chó với mèo.

Đầu tiên chó mèo chỉ “nhớ”, sau đó nó còn “giận” và cắn nát đôi hài của Laura. Nhớ thì chó mèo chung chung, mà cắn giày thì là con chó Barney cụ thể, Bush ta ghen với Chirac hay chăng?

Với Bush thì Chirac là kẻ thù không chung một.... vùng Vịnh đầy dầu lửa. Hết kiếp này thì Bush khó mà tha thứ cho tay đạo đức giả ấy được. Chirac phản đối nghị quyết đánh Iraq này. Chirac phản đối nghị quyết tái thiết Iraq này. Chirac đòi Mỹ chia quyền cai trị ở Iraq này. Mấy tuần trước đó Bush đã ra trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc xỏ lá Chirac dăm ba câu rửa hờn, bởi vậy khi làm thơ, vừa dứt xong chữ “that charming French guy” lại thấy chó và mèo nối đuôi đi vào:

 

... that charming French guy
The dogs and the cat...

 

Nhưng như vậy cũng chưa... tới. Nói như Hồ Chí Minh:

 

Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong

 

thì ở đây, để phải cảnh cáo và dằn mặt Chirac , Bush lại chủ trương “nay ở trong thơ nên có hàng không mẫu hạm”.

Bởi vậy, dù gọi Chirac là “thằng Pháp quyến rũ”, Bush vẫu cáu sườn nhắn gửi rằng ta đây bao giờ vẫn mạnh, vẫn có hàng hàng lớp hàng không mẫu hạm chưa sử dụng đến nên không hề ngán:

 

Kỳ sau du viễn hội nào
Hãy về trên cái tàu nhiều máy bay

 

Đó là tổng thống, một kẻ “nhớ vợ thành thơ”, và nhớ tới cỗ máy chiến tranh khổng lồ mà mình, trên danh nghĩa, là tổng tư lệnh tối cao. Trong khi đó, kẻ thực sự cai quản sự vụ “tàu nhiều máy bay” này lại là Rumsfeld, thì lại, thường xuyên hơn, ban nhật lệnh hay họp báo... thành thơ.

Không rõ hai con người đầy quyền lực, làm chấn động cả thế giới bằng hai cuộc đại chiến mở đầu cho thế kỷ 21, có quan trọng hoá cái sự làm thơ của mình hay không?

Hình như Mỹ khác ta nên chẳng thấy ai “phê bình” ai, trừ mấy nhà báo tán chuyện, muốn giúp người Mỹ thảnh thơi đầu óc sau những bản tin căng thẳng về cuộc chiến chống khủng bố. Chẳng trách với ta, vốn thường xưng là một “nước thơ”: nếu in được tập thơ thì tác giả nào cũng nằng nặc gởi tặng và nằng nặc yêu cầu người ta viết bài tán dương, gọi là “phê bình”, và có được lời tán dương kia rồi thì nằng nặc đòi chỗ này phải đăng, chỗ kia phải trích chỉ để quảng cáo tài thơ.

Người Mỹ khác nên chẳng thấy hai nhà lãnh đạo làm thơ thể hiện tinh thần bác-chú. Họ mà quan trọng hoá cái sự làm thơ -- khư khư rằng lãnh tụ phải là người chu toàn, vừa biết làm kinh tế, biết làm ngoại giao, biết đánh giặc và cũng biết làm thơ -- hẳn kẻ ở Ngũ giác đài đã mang tập thơ hay đĩa nhạc CD đi biếu tặng, rồi ở Toà bạch ốc, sau khi nhận được, lại đáp trả theo đúng truyền thống bậc lãnh đạo của “nước thơ”, đại loại:

 

Cám ơn chú tặng bác quyển thơ
Bác đọc quyển thơ suốt mấy giờ
Muốn bác phê bình, khó nói nhỉ
Bài hay xen lẫn với bài vừa...

 

Hẳn nhiên, trong cái quan hệ đó thì kẻ làm thơ bề trên phải là nhà thơ số một, chỉ làm toàn thơ hay, thơ “soi đường” và thơ “mở lối”. Còn kẻ làm thơ bề dưới, vì chưa chu toàn như là chủ tịch nên ngoài mấy bài hay cũng có chen lẫn dăm ba bài “vừa”.

Dĩ nhiên, đó là thơ ta, của một chủ tịch xưng bác, tặng cho một thứ trưởng xưng chú. Người Mỹ thì chú hay bác gì cũng là “uncle” tất tật, thật là trung tính, chả biết nếu nhiễm cái máu “lãnh tụ làm thơ” đó, họ sẽ biếu tặng và phê bình lẫn nhau như thế nào đây?


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021