thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chưa "cởi mở", mà đã sướng!

 

Bạn hiền,

Tôi muốn trò chuyện với bạn hiền về mấy điều bạn và tôi vẫn thắc mắc, mà bất ngờ tôi lại hiểu ra.

Này nhé, có một đêm nọ bạn hiền than phiền với tôi rằng "người Việt mình sao khó hiểu quá". Tôi hỏi chứ điều gì mà khó hiểu. Bạn nói có hai điều.

Điều thứ nhất là: tại sao người Việt trong nước có vẻ dễ dàng hồ hởi trước những cú "cởi mở" lặt vặt của nhà nước? Nhà nước thỉnh thoảng "cởi mở" he hé một chút nhỏ xíu như cái lỗ kim, mà thiên hạ trong nước cũng lấy làm sung sướng, như thể được tự do ngập ngụa rồi vậy! Thậm chí, nhiều khi nhà nước chưa "cởi mở" gì cả, mà người dân đã thấy sướng rồi!

Điều thứ hai là: tại sao người Việt ở ngoài này, liều mạng ra đi để tìm tự do, mà khi được tự do rồi, thì lại không chịu sử dụng nó, mà vẫn ăn nói, suy nghĩ như lúc chưa có tự do? Nghĩa là vẫn thậm thò thậm thụt, e dè trong lời nói, trong suy nghĩ, và trong hành động, như thể ở trên đầu mình còn có cái vòng kim cô của một ông nhà nước quyền lực vô hạn nào đó vậy!

Tôi cứ nghĩ mãi về hai điều này. Thế rồi một hôm bất ngờ tôi lại hiểu ra. Xin thú thật với bạn hiền rằng tôi hiểu hai điều này vì tôi nhớ lại hai câu chuyện, một chuyện do một người Nga kể, chuyện kia lại do một người Ý kể. Nghe họ kể xong, tôi chợt hiểu ngay về người Việt mình, mà chẳng cần phải tư duy trừu tượng dài dòng thêm nữa. Vậy bây giờ bạn hiền hãy thư thả nằm đấy, mồi một điếu thuốc, mà nghe tôi kể lại hai câu chuyện ấy nhé.

Chuyện thứ nhất do một anh bạn người Nga tên là Grigory Ivanich, kể cho tôi nghe tại quán cà-phê Forest Lodge vào năm 1985, lúc anh ấy mới đến Úc. Lúc ấy quán Forest Lodge còn ở Glebe, chứ bây giờ thì không còn nữa, vì đã đóng cửa năm 1989. Grigory kể như thế này:

Có một gia đình nghèo khó và đông con. Hai vợ chồng và sáu đứa con cùng sống trong một cái nhà chỉ vỏn vẹn có một phòng ngủ nhỏ bé. Những đứa trẻ ngày mỗi lớn, và căn phòng càng chật hẹp hơn. Bởi thế, người cha mới tìm đến ông pháp sư nhiều quyền năng nhất xứ để kể lể sự tình và cầu xin được cứu giúp.

Ông pháp sư nói: "Với quyền năng của ta, không có gì là bất khả. Có điều là để nhận được một phép lạ không phải dễ dàng như nhận một món quà rẻ tiền. Tuy nhiên, ta không đòi hỏi nhiều ở những kẻ nghèo nàn như các ngươi. Ta chỉ muốn các ngươi biết cái giá phải trả để được nhận phép lạ chính là sự kiên nhẫn của các ngươi."

Người cha khốn khó trả lời: "Thưa ngài, nhà ở, thức ăn và tiền bạc thì chúng tôi không có, nhưng kiên nhẫn thì chúng tôi có thừa, bởi chúng tôi đã được rèn luyện trong khổ đau."

Ông pháp sư nói: "Vậy thì tốt lắm. Để làm căn nhà của các ngươi rộng thêm, có ba bước cần phải được kiên trì thực hiện. Trước hết, ngươi ra chợ mua gấp hai chục con gà đem về nuôi ngay trong phòng ngủ. Nhớ rằng phải cho chúng ăn uống đầy đủ, và đừng nhốt chúng trong lồng hay cột chúng lại, mà phải để chúng tùy ý đi đứng ăn ngủ bất cứ chỗ nào chúng muốn. Các ngươi phải ngủ chung với chúng, và tuyệt đối đừng bao giờ dọn phân của chúng. Cứ để nguyên như thế thì phép mới linh ứng. Hãy kiên nhẫn chịu đựng trong ba tháng, rồi trở lại đây, ta sẽ hướng dẫn để thực hiện bước thứ hai."

Người cha về nhà và làm đúng như lời ông pháp sư căn dặn, dù số tiền mua hai chục con gà và thực phẩm cho chúng lớn bằng chính sinh mạng của ông. Ba tháng sau, người cha trở lại yết kiến ông pháp sư, và nói: "Thưa ngài quyền năng vô biên, chúng tôi đã thực hiện y như lời ngài dạy và chúng tôi sắp chết. Xin ngài hướng dẫn ngay bước thứ hai cho."

Ông pháp sư nói: "Tốt lắm, thật xứng đáng. Vậy ngươi hãy ra chợ mua gấp bốn con dê nữa rồi đem về nuôi ngay trong phòng ngủ của các ngươi, cùng với hai chục con gà trước kia. Đừng trói cột chúng. Đừng dọn phân chúng. Nhớ cho chúng ăn uống thật đầy đủ, và các ngươi phải ngủ chung với chúng cùng hai chục con gà. Hãy biết rằng nếu một con vật chết đi, hoặc một người ra ngoài ngủ riêng một lần nào đó, thì cũng đủ làm phép lạ thành vô hiệu. Hãy kiên trì chịu đựng thêm ba tháng nữa, rồi trở lại đây, ta sẽ hướng dẫn cho bước cuối cùng."

Người cha về nhà, làm đúng như lời ông pháp sư căn dặn, dù số tiền mua bốn con dê cùng ba tháng thực phẩm cho chúng lớn bằng chính sinh mạng của toàn thể gia đình. Ba tháng nữa trôi qua, người cha dắt người mẹ cùng cả bầy con đến yết kiến ông pháp sư, và nói: Thưa ngài quyền năng vô lượng, chúng tôi đã thực hiện y lời ngài dạy và chúng tôi không thể sống thêm một giờ nào nữa trong căn phòng thối tha, chật chội, nóng bức như địa ngục đó. Lòng kiên nhẫn của chúng tôi đã thực sự kiệt quệ vì đói ăn và mất ngủ suốt sáu tháng qua. Xin ngài đoái thương những bộ xương tàn tạ này và ban ngay phép lạ cho."

Ông pháp sư vui vẻ nói: "Tốt lắm, thật xứng đáng. Và đây là bước cuối cùng để phép lạ xảy ra. Hãy đem ngay đến đây cho ta hai chục con gà và bốn con dê ghê tởm đó, rồi về nhà dọn dẹp từ trong chí ngoài cho thật sạch sẽ. Sau đó, hãy ăn một bữa đơn sơ những thức dễ tiêu hoá, rồi đi ngủ ngay đừng chần chờ gì cả. Sáng ngày mai, hãy đến đây cho ta biết kết quả."

Những kẻ khốn khổ vội vã dắt nhau về nhà và làm đúng như lời ông pháp sư căn dặn. Sáng hôm sau, người cha hớn hở chạy đến báo cho ông pháp sư: "Thưa ngài công đức bất khả sánh, phép lạ đã xảy ra và quả là tuyệt diệu. Vợ con tôi giờ này vẫn còn ngủ say. Chưa bao giờ họ ngủ ngon như vậy. Tôi cũng thế, đêm qua tôi ngủ say một giấc không mộng mị. Căn nhà rộng rãi, mát mẻ, thơm tho, dễ chịu làm sao! Xin đội ơn ngài..."

Và như thế, ai cũng được vui vẻ. Gia đình đông con nghèo khó kia đã có được căn nhà rộng rãi thơm tho, và ông pháp sư có được hai chục con gà và bốn con dê mập mạp.

Đấy, bạn hiền thấy chưa? Chuyện "cởi mở" ở Liên-Xô thời ấy có khác gì chuyện "cởi mở" ở Việt Nam thời bây giờ. Người Việt mình cũng giống như người Nga, chứ đâu có gì lạ mà bạn cho là khó hiểu.

À, còn cái chuyện người Việt ngoài này đã được tự do mà vẫn sống như lúc chưa có tự do! Thật thú vị. Người Việt mình cũng giống người Ý lắm đấy. Nhưng chuyện đó hãy để lần tới nhé. Bây giờ đã quá khuya rồi. Hút cho hết điếu thuốc, rồi ngủ ngon nhé, bạn hiền.

 

[còn nhiều kỳ]

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021