thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đã được tự do, sao còn thích đánh trổng?

 

Bạn hiền,

Đêm hôm trước vì quá khuya nên tôi không còn thì giờ kể cho bạn nghe một câu chuyện rất thú vị để qua đó bạn hết còn thắc mắc tại sao có những người Việt ngoài này đã được tự do mà vẫn còn chơi những trò như lúc chưa có tự do! Từ đó đến nay bạn cứ ấm ức về câu chuyện ấy, phải không? Thì bây giờ tôi kể. Nhưng trước khi kể, tôi muốn hỏi bạn có biết đánh trổng không. Không biết à? Bạn đúng là con nhà quan nên đâu có biết trò chơi dân dã đó! Biết mà quên rồi à? Có thế chứ!

Trò chơi đánh trổng có mặt nhiều nơi trên thế giới chứ chẳng riêng gì ở Việt Nam. Ở các xứ nói tiếng Anh, như xứ Úc này, người ta gọi nó là "tip-cat". Luật chơi ở mỗi địa phương có thể khác nhau chút ít, nhưng căn bản là như thế này: để chơi đánh trổng, ta phải có hai thanh gỗ tròn, một ngắn hơn (gọi là cái trổng), một dài hơn (gọi là cái dùi). Ta đào một cái lỗ nhỏ dưới đất, xiên 45 độ, vừa sâu để cắm một nửa cái trổng xuống. Rồi ta dùng cái dùi trổng đập vào phần trồi lên của cái trổng cho nó văng lên, rồi đánh tiếp cho nó bay đến chỗ khác. Người chơi trổng giỏi còn có khả năng dùng dùi gò cái trổng lên cao nhiều lần trước khi đánh cho nó bay xa. Khi cái trổng đang bay đi, người đánh trổng cắm dùi trổng xuống lỗ. Những người khác phải nhanh tay để chộp cái trổng trong không gian. Sau khi chộp được, bạn ném ngược nó về lỗ, nếu ném trúng cái dùi, thì người đánh trổng phải chịu thua. Nếu không chộp được, người đánh trổng được quyền dùng cái dùi để đo khoảng cách từ chỗ cái trổng rơi xuống đất cho đến chỗ cắm trổng. Số đo càng cao, thì càng thắng lớn. Số đo ấy còn được nhân với số lần người đánh trổng dùng dùi gò cái trổng trước khi đánh nó văng xa. Đại khái là thế. Trò chơi này cũng thú vị, nhưng cũng nguy hiểm vì cái trổng có thể va vào đầu người khác và gây thương tích. Nhưng trò chơi phải có chút gì nguy hiểm thì mới thú, phải không? Nếu bạn là người đánh trổng, hẳn bạn phải thấy sướng khi gò cái trổng được nhiều lần và tạt một cú thần tốc cho nó văng xa khiến cả bầy người ta phải vừa né, vừa chạy thục mạng để chộp nó cho được. Nếu bạn có ác ý với đứa nào, bạn còn có thể nhè vào đầu nó mà tạt cái trổng, để nó phải bị u đầu, chảy máu một cách... rủi ro! Không sướng sao?

Ấy, vậy cho nên có nhiều người ghiền chơi trổng lắm. Họ ghiền đến độ không còn thích chơi trò gì khác. Thuở nhỏ, các cậu bé ghiền chơi trổng bằng gỗ là thường. Đến già, có cậu vẫn còn ghiền, mà không còn muốn chơi với mấy khúc gỗ, nên cải biến nó thành trò đánh trổng trừu tượng. Ở những nước độc tài, các chính phủ luôn luôn khuyến khích người dân chơi trổng trừu tượng, làm sao để cái trổng nện trúng vào màng tang những kẻ cứng đầu thì chính phủ hài lòng lắm. Và tất nhiên người đánh trổng được bằng khen! Bạn có nhớ hồi còn ở trong nước, ngày nào bạn cũng nơm nớp sợ cái trổng vô hình từ đâu nện vào màng tang của mình, phải không? Nói cho cùng, bạn xuống thuyền ra đi, chẳng qua là để tránh cái tai nạn đó. Chứ không đúng sao? Cho nên khi ra đến ngoài này, bạn mới thắc mắc tại sao có kẻ vẫn còn thích chơi đánh trổng. Ở xứ tự do này, có lúc bạn vẫn thấy không an tâm, vì nhìn quanh, bạn vẫn thấy có người đồng hương thỉnh thoảng bị cái trổng trừu tượng nện vào màng tang muốn tá hoả tam tinh. Những người đánh trổng thì khó nhận diện, vì bản thân họ cũng vô hình như cái trổng của họ; ngoại trừ những tay đánh trổng chuyên nghiệp đến độ công khai lập câu lạc bộ đánh trổng, hoặc công khai vác dùi vác trổng lên báo chí mà phang vào đầu những người yếu bóng vía. Bạn thắc mắc: tại sao người ta không dẹp đi cái trò đánh trổng, để sống an bình, tự do, không sướng hơn sao? Khó dẹp đi lắm bạn ơi. Vì như tôi đã nói, thấy người khác chạy thục mạng hay u đầu chảy máu là một thứ lạc thú của những tay già đầu mà còn ghiền đánh trổng.

À, mà quên. Tôi đã hứa kể lại cho bạn nghe một truyện thú vị của một ông người Ý về vụ này. Hôm trước tôi đọc được bản dịch Việt ngữ truyện ấy trên Tiền Vệ, bây giờ tôi kể cho bạn nghe nhé. Ông người Ý là văn hào Italo Calvino (1923-1985). Ông viết truyện này vào năm 1943, lúc chế độ độc tài phát xít của Mussolini đã chấm dứt. Truyện cho thấy chế độ Mussolini đã sụp rồi, mà dân Ý vẫn còn khoái chơi đánh trổng. Truyện có nhan đề "Tiện túc":

 

Ở một trị trấn nọ, mọi thứ đều bị cấm đoán.

Bởi chỉ có một thứ không bị cấm là trò chơi đánh trổng, dân chúng của thị trấn ấy thường tụ tập trên những bãi cỏ phía sau thị trấn và suốt ngày chơi đánh trổng.

Và vì những điều luật cấm đoán đã được ban hành dần dần, mỗi lần về một thứ, và luôn luôn có lý do chính đáng, nên không ai tìm thấy cớ gì để phàn nàn hay thấy phiền hà gì trong việc thích ứng với tình hình mới.

Nhiều năm trôi qua. Rồi một ngày kia quý viên chức công an thấy rằng chẳng còn lý do gì để mọi thứ phải bị cấm đoán nữa, và các ngài bèn sai những thằng mõ đi báo cho dân chúng biết rằng họ muốn làm gì thì cứ làm.

Những thằng mõ đi đến những nơi dân chúng thường tụ tập.

"Nghe đây, nghe đây," chúng rao, "không còn thứ gì bị cấm đoán nữa."

Dân chúng vẫn tiếp tục chơi đánh trổng.

"Có hiểu không?" những thằng mõ khăng khăng nhắc lại. "Quý vị được tự do làm bất cứ thứ gì quý vị muốn."

"Tốt lắm," dân chúng trả lời. "Chúng tôi đang chơi đánh trổng."

Những thằng mõ bỏ thì giờ lải nhải nhắc cho họ về vô số những công việc hay ho và hữu ích mà thời trước họ đã theo đuổi và bây giờ họ lại có thể tiếp tục theo đuổi. Nhưng dân chúng chẳng buồn nghe, mà cứ mải chơi đánh trổng, hết cú này đến cú khác, thậm chí không dừng lại để xả hơi.

Thấy mọi nỗ lực của mình đều vô ích, những thằng mõ về tâu với quý viên chức công an.

"Quá dễ," quý viên chức công an nói. "Ta hãy cấm trò chơi đánh trổng."

Đó là lúc dân chúng nổi dậy và giết hết cả lũ công an..

Rồi không bỏ phí một chút thì giờ, họ lập tức trở lại với trò chơi đánh trổng.

 

Đấy, thấy chưa? Sau thời Mussolini mà những người Ý còn ghiền đánh trổng thì có gì khác so với những tay người Việt ghiền đánh trổng ở xứ tự do này! Nói thế chứ bạn đừng lo sợ. Nếu không muốn bị u đầu, thì bạn đừng lảng vảng gần những câu lạc bộ đánh trổng. Thế thôi. Và nếu rủi ro bị cái trổng từ đâu phang vào màng tang, thì phải tri hô lên cho người ta đến giúp, chứ đừng câm mồm quằn quại, cái trổng khác sẽ nện bạn tiếp cho mà xem. Nói đùa thế, mà bạn sợ ra mặt. Sợ thật à? Tội nghiệp bạn hiền.

Bạn muốn nói chuyện văn nghệ hả? Vâng, thì ta nói chuyện văn nghệ chơi vui vậy. Có lần bạn thắc mắc tại sao ông nhà thơ ở gần nhà bạn lúc nào cũng vừa có vẻ kiêu ngạo, lại vừa u sầu. Tại sao thế? Phải chăng các nhà thơ đều có tâm sự buồn?

Bạn hiền ơi, tôi có đọc được một câu chuyện về tâm sự buồn của các nhà thơ. Tôi sẽ kể cho bạn nghe, và tôi cam đoan sau khi nghe xong bạn sẽ cười đến vỡ bụng vì cái tâm sự ấy. Nhưng thôi, bây giờ đã quá khuya. Hẹn bạn vào một đêm khác nhé.

 

[còn nhiều kỳ]

Đã đăng:

Chưa "cởi mở", mà đã sướng!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021