thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện bên lề #2 [Nhà phê bình chuyên-nghiệp-dư"]

 

Bài viết cần được xem như phần chú thích của
bài thơ Nỗi niềm phê bình, tienve.org, 31.05.2004.

 

1. Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo, để phản bác ý kiển của các nhà thơ tụng ca Vi Thùy Linh, đã ung dung dẫn cô sinh viên năm cuối (Đinh Bích Ngọc, Suy nghĩ khi đọc tập thơ của người viết trẻ …, Tiền Phong, 21.03.2001) ra bảo chứng cho lí lẽ của mình:

“Đọc đến đây chúng tôi cảm thấy rùng mình. Một bạn gái mới chỉ 20 tuổi, bằng tuổi chúng tôi (đang là sinh viên năm cuối) cái tuổi còn như một tờ giấy trắng, vậy mà đã có những cảm xúc khiến người ta phải thảng thốt: Người đàn bà…những bạn gái trong lớp chúng tôi phải đỏ mặt, nhưng không phải vì xấu hổ mà vì giận dữ. Có bạn còn không dám đọc hết tập thơ” (Trần Mạnh Hảo, Từ ‘thơ vọt trào’ đến hội chứng khen trào vọt, Talawas.2002).

Ừ, Trần Mạnh Hảo là vậy, và ông cứ vậy, chả ai khiêng ông bỏ đâu: chơi cú điện thoại đánh chặn từ xa cũng xong, hứng lên ông còn dẫn cả việc ngài bộ trưởng tặng quà tết ra bảo kê cho lập luận của mình nữa là, có ai chém chặt ông!! Đó là lối phê bình “tùy hứng” mà Phạm Xuân Nguyên mệnh danh là “phê bình nghệ sĩ”.

Nhưng thử xem một nhà tự xem là chuyên nghiệp đang ngồi đọc một bài phê bình chuyên nghiệp tại một Hội thảo chuyên nghiệp ở một viện chuyên nghiệp đã hành xử như thế nào?

Phạm Xuân Nguyên trong: Phê bình văn học hiện nay: cái thiếu và cái yếu (Tham luận tại Toạ đàm "Phê bình văn học - Bản chất và đối tượng" do Viện Văn Học tổ chức tại Hà Nội ngày 27.5.2004), sau khi than phiền phê bình Việt Nam thiếu chuyên nghiệp đã đời, anh viết:

“Và chứng kiến một thơ Linh ở Pháp như vậy, một sinh viên cùng tuổi đang học ở École Normal Supérieux đã viết bài phê bình nhan đề "La merveille" choquante so sánh Vi Thùy Linh với Arthur Rimbaud ở hai điểm: cả hai cùng từ "tỉnh lẻ" xông vào chiếm lĩnh thủ đô thơ ca và "cả hai đều thực lòng bẻ gãy các thi luật truyền thống cho đến lúc này vẫn rất thân thiết với lớp người đi trước, và - than ôi - những câu thơ của họ đẹp đẽ kỳ lạ, nhưng để được hậu thế thừa nhận thì còn phải chờ". Nghe "sốc" quá, phải không!”

Ô là là! Lại một sinh viên bá vơ nổi hứng phát ra ý kiến vu vơ được dắt ra bảo vệ lập luận của nhà chuyên nghiệp. Nhưng hai cô sinh viên này là ai? Phát biểu từ thù tạc hay ghen ghét nào? Xuất phát điểm từ hệ thẩm mĩ mô, với những lí lẽ, lập luận chắc chắn như thế nào, trúng phóc tới đâu để các nhà chúng ta nhọc công trưng dẫn?

Tôi không bảo phải là nhận định của tên tuổi lớn uy tín đầy mình mới đáng giá, mà chính sự vụ trên đã tố giác cái thao tác thiếu chuyên nghiệp nghiêm trọng của các nhà ta. Tính thiếu chuyên nghiệp này còn lạc hậu hơn cả kiểu bình phẩm khen chê “chữ này đã làm sáng lên, cụm từ kia đã làm tối đi câu thơ" của Thụy Khuê, lối phê bình đã được nhập kho lưu trữ trong các viện bảo tàng trên thế giới, hiện chỉ còn tìm thấy đâu tận …Việt Nam, rõ nhất ở cụ Trịnh Thanh Sơn dạ thưa em có dày đặc trên … Văn nghệ trẻ!!! Mời quý ông quý bà dừng chân ít phút tham quan gian hàng này:

 

...Vi Thùy Linh có những chữ rất đẹp như chữ đoá trong đoá hôn say đắm, chữtrong :ngày chia ly sắp xé vào em, hay chữ hát, chữ lạc trong Những câu thơ hát lạc gió bấc. Rồi ngay cả đến một hình ảnh rất tầm thường như : tiếng chim vili xuyên không gian, cũng trở thành độc đáo nhờ chữ tiếng, bởi người ta thường viết Cánh chim xuyên không gian, nhưng Vi Thuỳ Linh viết Tiếng chim xuyên không gian, tức là Linh chỉ thay cánh chim bằng tiếng chim, mà đã thay đổi hẳn bối cảnh lẫn tâm cảnh của câu thơ, nói rõ hơn, nếu mọi người quen đi từ cái cánh, bộ phận vô tri của chim, chịu sự điều khiển của trí não thì Linh đi từ tiếng; tiếng chim cũng là lời chim, là tiếng hát, là âm thanh, là phát biểu của tâm linh, của tư tưởng ViLi. Như thế, chỉ một chữ tiếng mà Linh đã biến đổi hẳn vũ trụ im lặng thành vũ trụ âm thanh và tư tưởng. (Thụy Khuê, RFI, 22-11-2003)

 

Trách gì Trịnh Thanh Sơn, đáng thương chăng là các ông/bà cụ non biên tập đang ngồi chễm chệ ghế nệm tại tòa báo Văn nghệ trẻ. Nhưng tại sao Thụy Khuê? Đi đứng nằm ngồi ngay tại thủ đô ánh sáng Balê, chị đã đọc cái gì kia chứ! Vậy mà cũng dạy dỗ thiên hạ: “đừng bận tâm với vấn đề mới hay cũ, chỉ cần viết 'văn chương' là được; muốn viết 'văn chương' thì nên theo gót các bậc cha anh thời trước; còn nếu muốn đổi mới thì đừng theo các trào lưu mới quá (vì... khó hiểu lắm!), mà chỉ nên theo các trào lưu cách đây khoảng… nửa thế kỷ hay hơn một chút cũng được, miễn là chúng đã được giới thiệu bằng... tiếng Việt, lại giới thiệu một cách thật đơn sơ theo kiểu sách giáo khoa trung học thì càng... tốt” (Nguyễn Hưng Quốc, Đổi mới như một phiêu lưu).

Lại, ô là là!

Ừ thì cứ cho Thụy Khuê thuộc bậc đàn chị rồi, có cũ cũng chả chết ai, hoặc Wũ tôi ở Núi Xám mù thông tin có thể ngẫu hứng chủ quan; đằng này: Phạm Xuân Nguyên cánh trẻ cách tân chịu chơi sống và làm việc ngay thủ đô ngàn năm văn hiến đang cổ súy cho phê bình chuyên nghiệp, hà cớ phải làm thứ thao tác vu vơ ấy?

 

2. Ba nhà phê bình cư trú ba nơi chốn khác nhau, ở một vị thế khá khác nhau,…nhưng hành xử với một “hiện tượng”văn chương (chỉ tạm nêu Vi Thùy Linh) một giuộc không sai phân tấc! Phần này, tôi thử tách anh Phạm Xuân Nguyên ra để dễ “đánh” (tạm mượn từ ưa được mang ra xài tại phố đỏ Việt Nam).

Có thể so sánh hiện tượng Vi Thùy Linh với hiện tượng A. Rimbaud, dù anh chỉ nêu hai điểm giống, được chăng?

Rimbaud xuất hiện như tiếng sấm chẻ đôi vũ trụ thi ca nhân loại, tiếng sấm kia tiếp tục dội xuyên thế kỉ rưỡi thi ca thế giới. Nguyên bài thơ Mouvement (Chuyển động) trong tập thơ-văn xuôi Illuminations được xem là bài thơ tiếng Pháp đầu tiên có những câu ngắn dài không đồng đều và không vần, ảnh hưởng trực tiếp đến G. Apollinaire, nhà thơ tự do hàng đầu của Pháp, đã mở màn một cách mạng long trời rồi, chứ chưa nói tư tưởng nổi loạn trong thi ca ông, thái độ thơ có một không hai của ông.

Ở Việt Nam, so với hiện tượng Phạm Công Thiện, Linh cũng chưa đáng đi theo xách dép! (xin lỗi em nhé). Ý thức mới trong văn nghệ và triết học ra đời khi anh mới ở ngưỡng tuổi 19, đã làm đảo điên cả một thế hệ thanh niên Miền Nam. Tôi đồng ý với bạn thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh rằng thơ Phạm Công Thiện không hay (eVan, 2004), ngoài ba bài rất sáng giá; qua năm tháng tôi cũng bớt mặn mà với các trang triết học của anh (thà đọc thẳng Nietzsche hay Heidegger,…thì hơn); nhưng với các bài tùy bút, “không chừng Phạm Công Thiện là một trong những nhà tùy bút xuất sắc của Việt Nam” (Nguyễn Ngọc Tuấn, "Mỗi kỳ một tác giả", Tạp chí Việt, số 01). Có thế thôi đâu, “ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả”. Đó là cảm nhận của người cùng thời Phạm Công Thiện, cho đến lứa đàn em của anh như Wũ tôi (U50), cho tận đến thế hệ con cháu anh (Vương Huy – 30 tuổi[?] – eVan, 2004). Hơn 30 năm thử thách, hiện tượng Phạm Công Thiện vẫn chưa đổ. Lạ! Ta thử đọc qua một đoạn văn của anh, đoạn văn tôi thuộc nằm lòng khi đang ngồi lớp cuối cấp hai bị anh làm cho chết mê chết mệt:

… Nhìn tới nhìn lui, thấy toàn một vườn hồ đào trải dài suốt một đời người. Cụm tòng khuấy động những bóng thân mật của tuổi thơ; tuổi trẻ lóe lên như một nhát búa đập vào đá, như tiếng sấm chẻ đôi.

Trời tháng tư Việt Nam thổi nhẹ những luồng gió kín đáo, đã gần hai mươi chín tuổi. Vào tuổi này, Novalis đã chết rồi; Keats đã chết vào lúc hai mươi sáu tuổi. Và Sandor Petofi, và Raymond Radiguet và cả James Dean, thần tượng một thời, nạn nhân của thời trang nhưng chủ nhân của vĩnh cửu với cái chết vừa hai mươi bốn tuổi: ai còn nhớ điếu thuốc của James Dean một buổi chiều cháy ướt dưới mưa?

Khói thuốc kia đã bay vào phòng buổi sáng này. Nhìn tới nhìn lui, chỉ đầy chiêm bao mộng mị.

[Đây chưa phải là đoạn tiêu biểu. Sau đợt truy quét “văn hoá phẩm đồi truỵ và phản động”, trong tay tôi đã không còn mảnh nào của anh, tôi nhớ ngẫu hứng, không chắc nó nằm trong cuốn nào nhưng đảm bảo nó đúng y chang. Rất nhiều bạn trong lứa chúng tôi thuộc nguyên tác phẩm của Thiện nữa, tôi không dám dẫn ra đây, e lại rơi tõm chung rọ với các anh. Mãi hôm nay vẫn không ít người tuyên bố nếu tất cả tác phẩm của anh được in lại và phát hành rộng rãi tại Việt Nam, chắc chắn văn chương trong nước sẽ có chuyển biển lớn. Tôi không tin vậy, nhưng sự vụ đó cho chúng ta thấy sức ám ảnh của các trang văn anh vẫn còn mãnh liệt. Với tôi, khi đọc Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc được in mươi năm trước, tôi nghĩ thần tượng tuổi thanh niên của tôi đã thực sự đổ rồi].

Đấy là chưa nói đến một Phạm Công Thiên-hiện tượng xã hội. Không ít vị trưởng giả sợ hãi đến phải tố cáo Phạm Công Thiện phun nộc độc giết chết thanh niên; hay như linh mục Nguyễn Ngọc Lan: “Trong khi người-hùng Mỹ quốc-Henry Miller của người-hùng giáo sư-Phạm Công Thiện biểu dương cái sex mà cười trên đất nước này. Bình an cho Lê Văn Siêu! Bình an cho quốc sư Vạn Hạnh!” (dẫn lại theo Phạm Công Thiện, Henry Miller, Phạm Hoàng xuất bản, Sài Gòn, 1969)

 

Còn Vi Thùy Linh? Làm gì Linh “đã khuấy đảo dư luận văn học” như Phạm Xuân Nguyên cho là thế. Có chăng một nhạc sĩ “chập cheng” “say đòn thơ” Linh hát xẩm bậy bạ sáu câu vọng cổ lạc thời. Nhưng nhạc sĩ này mất tăm đâu rồi?! Ca khúc ông có thổi nổi nửa làn gió hiu hắt vào mảnh đất tân nhạc Việt hôm nay!? Thêm vài ba nhà thơ sử dụng Linh để oánh nhau cho nát bấy văn đàn, chứ cái nỗi gì mà đảo với khuấy (Linh ơi, em có thấu chăng nỗi lòng anh khi ấy, trên Núi Xám, nó tơi bời đau đớn lắm em ơi! Em đừng nghe Nguyên xúi dại nhé, em “bay” như chơi. Thấy hình em chụp ốm yếu quá anh thương, anh không nỡ nhờ em đẩy cỗ xe làm gì, em cứ vịn vào áo các anh chị là được: [Cái hay của thơ Vi Thùy Linh tôi sẽ tán ở kì tới: Đối thoại với cái mới])

Thơ Vi Thùy Linh có đậm “tinh thần nữ quyền” (feminism) [Phạm Xuân Nguyên, bài đã dẫn], hay là “biểu tượng giải phóng phụ nữ trong văn học” [Dương Tường, Mười năm trên giá sách văn chương, Talawas, 2004] như các vị đặt định? Những “Về đi anh! / Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh”, “Bị đánh mất khỏi anh / Em sẽ mất em / Khi thuộc về người đàn ông khác”, rồi thì: “Khi em tựa cửa / Là khi em cần anh” và “Em có thể chết vì anh”, ..Ôi là cải lương, ôi là marie-sến rỉ rên, van xin, bao nhiêu là giọt nước mắt phim bộ, hiền hậu hoa cười ngọc thốt ôi là lệ thuộc, lệ thuộc đến độ nô lệ mày râu anh nhẵn nhụi bảnh bao rất mực! Không biết các vị hiểu khái niệm nữ quyền thế nào để ngó ra tăm hơi giải phóng phụ nữ đâu ở đây cơ chứ!? Hở ông cậu Dương Tường qua cầu ngẫu hứng hay ông anh Phạm Xuân Nguyên trịnh trọng chuyên-nghiệp-dư?

Mời hai vị đọc thử bài Căn phòng 2.2 - âm thanh sóng của Lê Thị Thấm Vân mà xem (đăng lần đầu trên tạp chí Thơ, số mùa Đông 1999). Nó mới mẻ hơn trong cách viết, dữ dội mấy lần trong diễn tả, đồng thời nó sòng phẳng trong quan hệ hai giới: tinh nghịch, lành mạnh và sạch sẽ! Còn “khỏa mình trong chăn”, “thèm chồng”, nhớ anh khóc đến hết nước mắt,... Tất cả không gì hơn phơi bày cái thê thảm của một hiện tượng bị “choáng ngợp trước nghệ thuật, tự do bùng mở để đi lùi hay bị rơi vào…lãng mạn, trữ tình, hơi lỗi thời” (Nguyễn Vy Khanh, Thơ hôm nay, demthu.lonestar.org, 10.2003)

Thứ nữa: Thơ Vi Thùy Linh có “bẻ gãy các thi luật truyền thống cho đến lúc này vẫn rất thân thiết với lớp người đi trước, và - than ôi - những câu thơ của họ đẹp đẽ kỳ lạ” hạt thóc nào không? Điểm này, nếu cô sinh viên Pháp cẩu thả một thì phải nói nhà phê bình chuyên-nghiệp-dư chúng ta cẩu thả mười. Vừa cẩu thả vừa liều mạng! Chưa nói chuyện thi luật truyền thống (anh Nguyên nghiên cứu thơ ra sao kia chứ), ngay cô Tây này giỏi tiếng Việt đến đâu để có thể cho chúng là những câu thơ “đẹp kì lạ” cũng đã quá cha cẩu thả rồi. Vậy mà nhà chuyên của xứ An Nam cứ vô tư tin!

Còn triết lí của Linh thì sao? Vi Thùy Linh-tùy bút hời hợt, mùi mẫn ba xu (Song Thu, "Triết lý" trong bài TUỲ BÚT của Vi Thùy Linh, Tienve, 2004) thế nào ai cũng hiểu, mà Vi Thùy Linh-thơ-triết lí như: “Đời người là kiếp phù sinh”, “Con người – thực chất chỉ là – những sinh vật đáng thương”, cũng không hơn gì. Một nhà thơ có nghề có thể không làm nên câu thơ hay nhưng không thể nào cho phép mình sản xuất những câu tệ như vậy.

Rồi thì các tuyên bố của Linh nữa: "Tôi luôn sống và viết tự do, như mình muốn, dám nghĩ dám nói dám làm như chính mình ấp ủ và muốn được làm sứ mệnh của các nhà thơ, không chỉ nói lên những vấn đề to lớn của đất nước hay thời đại (tôi – TWK nhấn mạnh), mà còn là sự khám phá những bí ẩn vô tận về con người, những nỗi buồn đau trăn trở và tâm tư của con người. Sự quả quyết dấn thân bằng trọn vẹn mình, trong trạng thái tôn vinh vẻ đẹp thân thể, tâm hồn, tình yêu, sự sống là lý tưởng suốt đời tôi theo đuổi” (Vi Thùy Linh, Sức sống và tín hiệu Việt Nam trong thơ tôi).

Sao mà mạnh mẽ và hồn nhiên đến thảm thương, thảm thương trong chạy lên chạy xuống gặp ông kia bà nọ xin giấy phép xuất bản. Tôi đã nói rồi: không đáng gờ-ram cho anh em thơ trẻ Sài Gòn hôm nay cười vào mũi chứ đừng nói tới Phạm Công Thiện với chả Rimbaud (Phạm [không phải Công Thiện] ơi, đọc giùm Wũ tôi tiểu sử hai ông này kĩ nhé) .

 

 

Nhân đây tôi cần có lời đính chính với nhà thơ Phan Nhiên Hạo, khi ráo riết đặt câu hỏi ra với anh trong Cái lồn, vô tận (II) (Tienve, 2004):

Anh bảo rất “đáng chán” cho lớp nhà văn trẻ “tự phủ dụ, tự hài lòng” với vụ: “viết gì thì viết, nhưng không được đụng đến chính trị”. Anh chán, anh la làng, anh kêu họ “nên chấm dứt những trò ca ngợi dối trá” ấy. Anh làm như thể có mỗi anh đủ trình độ chán. Xin hỏi anh: ai, vị trẻ nào đã “tự phủ dụ”, “tự hài lòng”, và tự làm như rứa tại mô? Anh chưa chỉ cho chúng tôi thấy rõ sự vụ đó đấy nhé.

Hôm nay, chúng ta đã bắt được quả tang nhà thơ trẻ đã “tự phủ dụ, tự hài lòng” rồi. Hôm nào về Sài Gòn, anh đánh dây thép lên Núi Xám, Wũ tôi xin hạ sơn chiụ tội đãi anh chầu nhậu ra trò!

 

(Vì là chú thích nên không có kết luận)

 

Núi Xám, 01.06.2004.

---------------------------

Kì trước:

Chuyện bên lề #1 [Thuật ngữ mới: "nhà văn bù nhìn"]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021