thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Làm nhà thơ, ôi sao buồn thế!

 

Bạn hiền,

Có lần bạn thắc mắc tại sao ông thi sĩ ở gần nhà bạn lúc nào cũng vừa có vẻ kiêu ngạo, lại vừa u sầu. Tại sao thế? Mà chẳng phải chỉ riêng có ông thi sĩ gần nhà bạn. Thỉnh thoảng đến dựa cột mà nghe ở những nơi có đình đám văn nghệ, bạn luôn luôn thấy các ông, các bà nhà thơ và nhà văn, ai cũng toát ra một vẻ gì vừa cao sang mà vừa cô đơn. Vâng, thì họ cũng nói nói, cười cười, nhưng trong ánh mắt của họ bao giờ cũng toả ra một tia nhìn xa xăm nào đó, và giọng nói họ lúc nào cũng nghe có chút gì chua chát, khinh bạc. Phải chăng các nhà thơ, nhà văn đều có tâm sự buồn? Bạn tự hỏi như thế. Mà tâm sự buồn gì vậy? Tâm sự buồn gì mà dằng dặc man mác hiện trên nét mặt, nhưng không làm mờ đi vẻ cao sang, kiêu ngạo? Phải chăng họ cảm nghiệm một nỗi buồn cao cả, triết lý nào đó, chứ chẳng phải những nỗi buồn vặt vãnh như người đời tầm thường? Tại sao cũng là người làm văn nghệ, mà các ca sĩ, nhạc sĩ lúc nào cũng có vẻ nhởn nhơ, hí hửng, mà các nhà thơ, nhà văn lại nghiêm và buồn đến thế?

Lúc trước, tôi cũng thắc mắc như bạn, nhưng dạo này tôi không thắc mắc nữa, vì tôi được nghe dăm ba điều thú vị mà tôi sẽ lần lượt kể cho bạn hiền nghe ngay bây giờ.

Có lần đi dự một đám cưới, tôi vô tình ngồi gần một đám nhà thơ, nhà văn. Trong khi các ca sĩ đang thay nhau lên sân khấu để õng ẹo, hát ca, và khán giả thì đú đởn kéo nhau ra chen chúc trên sàn nhảy, thì đám nhà thơ, nhà văn ngồi quanh một cái bàn có vỏ lon bia lổn ngổn, vừa uống, vừa chuyện trò với nhau. Tôi nghe lén được mẩu đối thoại sau đây:

 

- Bọn làm ca nhạc sướng thật. Nhí nhô nhí nhách năm phút đồng hồ, chẳng ra gì, mà được thiên hạ vỗ tay ào ào ngay lập tức. Dễ ăn quá nhỉ? [nhìn cô ca sĩ, uống một hớp bia, trầm ngâm]

- Đời là thế! Thiên hạ bỏ năm chục đô mua cái vé đại nhạc hội, rồi chui vào rạp nghe chúng gào vài tiếng đồng hồ, là xong. Mà họ chẳng tiếc tiền cho cái đám ca hát thương mại vớ vẩn này. Còn thơ mình in ra có mấy trăm bản, mỗi bản có mười lăm đô, mà có ai chịu bỏ tiền ra mua đâu... [nhìn ông bạn nhà thơ, uống một hớp bia, trầm ngâm]

- Cậu nghĩ vậy là xoàng. Làm thơ chứ phải bán phở hay sao mà mong có nhiều khách? [nhìn đám nhảy đầm, uống một hớp bia, trầm ngâm]

- Không. Tớ nói chơi vậy thôi. Thơ tớ làm sao chúng hiểu nổi mà nói chuyện mua bán! [nhìn vào hư không, uống một hớp bia, trầm ngâm]

- Thơ của tớ còn khó hiểu hơn thơ của cậu. Tớ in thơ ra chỉ để gửi khách tri âm... [cũng nhìn vào hư không, uống một hớp bia, trầm ngâm]

- Thơ ai ra hồn mà chẳng khó... Nghe văn giới nói thơ của ông X. còn khó hơn thơ của cậu đấy. [liếc ông bạn nhà thơ, uống một hớp bia, trầm ngâm]

- A, thơ của thằng X. là thơ hũ nút thì có ai mà thèm đọc. Nhà sách nói thơ của tớ bán chạy hơn thơ của nó đấy. [liếc nhìn mọi người quanh bàn, uống một hớp bia, trầm ngâm]

- Nhưng thơ của cậu đâu bán chạy bằng thơ của bà Y.? [nhìn thẳng vào mặt ông bạn thơ, uống một hớp bia, trầm ngâm]

- Ối, thơ của bà Y. là đồ hàng chợ mà nói làm gì? Bà ấy bán thơ như bán cá, không thấy sao? [nhìn mọi người quanh bàn, uống cạn ly bia, trầm ngâm]

 

Mẩu đối thoại thật thú vị, phải không bạn hiền? Đêm ấy, trên đường về, tôi kể cho các bạn tôi nghe. Họ nói: "Tâm lý các nhà thơ của ta thật khó hiểu". Mà khó hiểu thật. Nghe họ nói chuyện với nhau, tôi thấy thú vị quá, nhưng nếu bạn bảo tôi đưa ra một nhận xét ngắn gọn về cái tâm lý ấy, thì tôi chịu thua. Bởi thế, tôi vẫn còn thắc mắc lan man về các nhà thơ của ta mãi cho đến gần đây, khi tình cờ đọc được một truyện ngắn của Trần Tất Đạt. Đọc xong, tôi mới hết thắc mắc. Tôi kể lại nguyên văn cho bạn nghe nhé. Chắc là nghe xong bạn cũng hết thắc mắc về tâm sự nhà thơ. Truyện có nhan đề đơn giản là "Nhà Thơ", đã đăng trên Tiền Vệ:

 

Hắn là nhà thơ, và cũng giống như nhiều nhà thơ khác chung quanh hắn, hắn bị dày vò bởi một nghịch lý: vừa muốn được xem như một khuôn mặt tiền phong hàng đầu, lại vừa muốn được đại chúng yêu thích. Ước muốn thứ nhất lộ ra rất rõ: hắn luôn luôn trình diễn vẻ sang cả và cô đơn ở những nơi có đàn đúm văn nghệ. Ước muốn thứ hai lại ẩn kín: đêm nào hắn cũng chiêm bao thấy thơ mình được viết trên tường ở các nhà ga, bến xe, và được các bà bán hàng rong vừa đọc vừa bắt chấy cho nhau trong giờ nghỉ trưa.

Tháng trước, hắn lạnh cả người khi phát hiện một câu thơ của mình được ai viết lên tường cầu tiêu của một tiệm phở bình dân, chen vào giữa những dòng chữ rất phổ thông như: "Xa quê hương, nhớ mẹ hiền", "Hận đời đen bạc", "Hận kẻ bạc tình", "Đ.M. cuộc đời", "Đ.M. thằng nào viết bậy lên tường", "Vui lòng dội cầu sau khi dùng", vân vân... Hắn vội vã chạy về lấy máy chụp ảnh, trở lại tiệm phở, kêu một tô khác, trả tiền, nhưng không ăn phở mà lẻn vào cầu tiêu, chụp câu thơ của mình qua 36 góc độ khác nhau, rồi vội vã chạy đi rửa phim. Sau đó, hắn chọn một bức đắc ý nhất, cho phóng lớn, lộng vào khung kiếng, treo trên tường ngay cạnh bàn viết, rồi ngồi bất động hàng giờ một mình để ngắm. Hắn rất hài lòng, nhưng vẫn thấy dường như câu thơ trong khung ảnh lộng kiếng không bằng câu thơ trên tường cầu tiêu tiệm phở bình dân: nó hay hơn, đẹp hơn, và ngồn ngộn hơi hướm của đời sống.

Suốt cả tháng qua, giới văn nghệ thấy hắn có vẻ sang cả hơn, cô đơn hơn, nhưng tươi tắn hơn trước nhiều lắm. Suốt cả tháng qua, chủ tiệm phở lấy làm lạ vì sáng nào cũng thấy một người đàn ông đến gọi một tô phở, trả tiền, nhưng chẳng ăn mà đi thẳng vào cầu tiêu, ở trong ấy rất lâu, rồi trở ra và rời quán, bỏ lại tô phở nguội.

 

Ha...ha... "đã" quá phải không? Mọi sự rõ như ban ngày rồi phải không, bạn hiền? Thôi, ngồi dậy vứt giùm cái tàn thuốc trên tay bạn đi, rồi ngủ ngon nhé. Đêm nay ta chuyện trò thế là vui quá rồi.

 

[còn nhiều kỳ]

Đã đăng:

Chưa "cởi mở", mà đã sướng!

Đã được tự do, sao còn thích đánh trổng?


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021