thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đọc NHÂN TRƯỜNG HỢP CHỊ THỎ BÔNG của Thảo Hảo

 

Thảo Hảo chọn nhan đề truyện "Nhân trường hợp chị thỏ bông" đặt tên chung cho tập sách gồm 34 truyện, viết từ 3/2002 đến 1/2004. Thật ra "Nhân trường hợp chị thỏ bông" và những truyện khác vốn là những bài viết đã đăng thường kỳ trên báo Văn Hóa Thể Thao. Việc nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp giấy phép, in 1000 cuốn, khổ 12x18, giá: 18.000$, chỉ là việc tập hợp cho có không khí tản văn.

Có một anh chàng (mà tác giả gọi là bạn) tranh thủ đi mát-xa nhân trường hợp vợ về quê, thăm mẹ vợ. Trong tiệm, cô gái làm mát-xa kể cho anh nghe truyện ngụ ngôn về một chị thỏ bông, truyện có đại ý là: Chị thỏ bông nọ đi lạc, ba lần, gặp ba anh thỏ khác màu lông, trong ba đêm. Khi về đến nhà, anh chồng thỏ vẫn vô tư thức dậy đánh răng. Và sẽ tiếp tục hồn nhiên vui sống với chị thỏ bông cùng cái bào thai chắc chắn khi sinh ra sẽ có bông giống như chó đốm. Qua truyện này, Thảo Hảo không chỉ muốn mách với chị em: “…Nếu các chị bật đèn xanh, sẽ có vài người đàn ông mong được các chị cười với họ một cái, hay ăn một bữa cơm của các chị nấu, hay được các chị xoa đầu.” Thảo Hảo còn muốn khuyến cáo các phương tiện truyền thông đang viết về đề tài "bình đẳng giới tính" rằng:

“… Kiểu gì, như báo đã nói, cũng là lỗi của các chị thôi.”

“Và báo (có lẽ đã ăn hối lộ của đàn ông) mà đề cao quá sức cái công dung ngôn hạnh, gần như đặt hẳn các chị lên bàn thờ, khiến các chị không leo xuống được để đấu tranh bình đẳng với đàn ông”.

Thảo Hảo tiếp tục muốn dang tay, dạng chân sử dụng vũ khí nữ quyền, không để phòng thủ mà rất sẵn sàng tấn công:

“Thường bao giờ họ (đàn ông) cũng bắt các chị lựa chọn: hoặc là hoa dại và không có anh ấy; hoặc là thành hoa nhựa và có anh ấy; các chị chọn ngay con đường hoa nhựa.”

“Các chị không biết rằng nếu các chị cứng đầu làm hoa dại, thì các chị sẽ không mất gì cả, mà còn kích thích người ta giữ các chị lại hơn.”

“Bình đẳng với phụ nữ là cho họ biết vũ khí mà họ có, và để họ tùy nghi sử dụng sau khi đã cân nhắc được mất.”

So với phụ nữ phương Tây, cách nhìn của tác giả về nữ quyền, nói chung không mới. Nhưng trong bối cảnh “đạo đức đậm đà bản sắc dân tộc” của phụ nữ Việt Nam, quan điểm trên của Thảo Hảo là táo bạo, là khẳng định và cổ động mạnh mẽ hành vi phiêu lưu đậm chất cách mạng giới tính. Đáng phục!

Và đúng ra truyện "Nhân trường hợp chị thỏ bông" đã kết lại ở lập trường này., hưng đáng tiếc là Thảo Hảo lại khư khư giữ quyền sợ mất “đạo đức”. Có thể hiểu là tác giả sẽ yên thân và yên tâm hơn khi hạ bút kết rạch ròi theo một mệnh đề luôn là một thứ bệnh quen thuộc với những người viết ở xứ ta: nghĩ một đằng làm một nẻo. Sống dấn thân ư? Cho em xin: “Tôi nghĩ kỹ rồi, tôi chỉ hung hăng thế thôi. Để không mất anh ấy, tôi sẽ làm hoa nhựa.”

Mời các bạn tìm đọc những câu truyện khác của Thảo Hảo (một bút danh của nhà văn Phan Thị Vàng Anh) để lại yêu thích bút pháp sắc gọn, lại bị quyến rũ rất quái bởi những góc cạnh nơi tác giả đặt vấn đề. Và còn tự thấy chính mình trở nên thú vị hơn khi bị tác giả tước mất cái thói quen rề rà lôi thôi. Thảo Hảo xô thẳng người đọc vào những đề tài mà người đọc và người viết quan tâm. Đó cũng là thành công của tác giả tập sách này.

Song nghĩ cũng lạ, trong sách này sao mà Thảo Hảo lại tốn hơi với “vua bãi rác” ngần ấy. Chi vậy?

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021