thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bạn muốn viết cho "đúng đường lối" không?

 

Bạn hiền,

Nhiều tuần lễ không gặp nhau, nay lại được dịp nằm khểnh ở đây vừa uống trà vừa nói chuyện với nhau, thật là thú. Đêm hôm qua, lúc chúng mình đang trao đổi lai rai qua điện thoại, bạn tình cờ hỏi tôi có bao giờ tôi gửi bài cho báo mà bị ban biên tập sửa đổi cắt xén lung tung không. Tôi có nói con đường viết lách của tôi may mắn, nên hoạ hoằn lắm bài chỉ bị vất đi, vì toà soạn không dám đăng. Chứ bài của tôi chưa từng bị sửa đổi cắt xén lung tung lần nào cả. Bạn lại than thở bạn kém may mắn nên đã có lần bài viết của bạn bị sửa đổi cắt xén lung tung. Khi bạn hỏi lại ban biên tập, thì họ nói phải làm thế để bài viết được đúng đường lối. Chà, đường lối! Tôi bảo bạn rằng thà chúng mình bỏ bút, uống rượu chơi, còn sướng hơn viết cho đúng cái đường lối nào đó. Văn chương, tư tưởng, thì mỗi người được tự do có một đường của mình, chứ ai cũng hùa nhau viết cho đúng chỉ một đường chung nào đó, thì còn sáng tạo cái quái gì nữa!

Đêm hôm qua, chúng mình nói chuyện lai rai thế thôi, mà đến khuya tôi vẫn chưa ngủ được, chỉ vì tôi chợt nhớ đến một vở hài kịch ngắn rất thú vị của Vladimir Polyakov về đề tài "viết đúng đường lối", và tôi cứ loay hoay lục lạo mãi cái tủ sách bừa bộn của tôi để tìm lại vở kịch ấy gửi cho bạn đọc chơi. Thật khuya tôi mới tìm ra. Mừng quá. Polyakov viết nó năm 1953 tại Mạc Tư Khoa, nhưng vừa xuất bản thì bị nhà nước thu hồi. May mà tôi sưu tập được một bản dịch Anh ngữ. Tôi có nhờ một anh bạn dịch ra tiếng Việt.[1] Sẵn đây, tôi xin đọc lại để bạn thưởng thức. Vở kịch có nhan đề "Người lính cứu hoả". Mời bạn theo dõi.

*

(Chuyện xảy ra trong văn phòng tổng biên tập của một tạp chí. Một nhà văn nữ -- loại mới vào nghề -- rụt rè bước vào).

NHÀ VĂN NỮ: Xin phép... cho hỏi thăm... Có phải đồng chí là tổng biên tập không ạ?

TỔNG BIÊN TẬP: Phải.

NHÀ VĂN NỮ: Tôi tên là Krapivina. Tôi có viết một truyện ngắn, muốn được đăng trên báo của đồng chí.

TỔNG BIÊN TẬP: Được rồi, cứ để lại đó.

NHÀ VĂN NỮ: Giá mà đồng chí có thể góp ý ngay cho ạ. Tôi xin phép được đọc đồng chí nghe. Chỉ mất khoảng vài phút thôi, chắc là được chứ?

TỔNG BIÊN TẬP: Cũng được. Đọc đi.

NHÀ VĂN NỮ: Chuyện có nhan đề "Một Hành Động Cao Đẹp".

(Cô ta bắt đầu đọc)

Đêm đã khuya -- ba giờ sáng. Mọi người trong vùng đều đang say ngủ. Không một ánh điện. Đêm đen và tĩnh mịch. Bỗng nhiên, một ngọn lửa đỏ bùng lên từ cửa sổ một căn phòng trên tầng lầu thứ tư của toà nhà xám đồ sộ. "Cứu tôi với!", có tiếng người la. "Cháy nhà, cháy nhà!" Đó là tiếng kêu cứu của một người thuê nhà bất cẩn, anh ta đã quên tắt lò điện trước khi đi ngủ và gây nên hoả hoạn. Anh ta chạy quanh trong căn phòng cuồn cuộn lửa. Tiếng còi xe cứu hoả rú lên inh ỏi. Đám lính cứu hoả nhảy xuống xe, phóng vào toà nhà. Căn phòng bây giờ đã trở thành một biển lửa. Prokhorchuk, người lính cứu hoả trung niên gốc Ukraine với bộ ria đen rậm rạp, dừng lại trước cửa phòng. Ông đứng đó suy nghĩ. Bất thần, ông xông vào phòng, kéo anh chàng bốc khói ra và hướng vòi nước vào ngọn lửa. Đám cháy được dập tắt nhờ lòng can đảm của Prokhorchuk. Đội trường Gorbushin bước đến, nói: "Khá lắm, Prokhorchuk, việc làm của đồng chí rất đạt yêu cầu". Rồi đồng chí đội trưởng mỉm cười nói tiếp: "Đồng chí không để ý bộ ria của đồng chí đang ngún cháy phía bên phải kìa". Prokhorchuk cười và xịt một tia nước vào bộ ria. Trời đang rạng sáng.

TỔNG BIÊN TẬP: Truyện không tệ lắm. Nhan đề cũng thích hợp nữa, "Một Hành Động Cao Đẹp". Tuy nhiên, có vài đoạn trong đó phải được chỉnh lại. Cô thấy không, một câu chuyện hay mà lại có những điều trái với ý muốn của mình thì đáng tiếc lắm. Coi nào, câu chuyện bắt đầu ra sao nhỉ?

NHÀ VĂN NỮ: Đêm đã khuya -- ba giờ sáng. Mọi người trong vùng đều đang say ngủ...

TỔNG BIÊN TẬP: Hỏng rồi. Nói thế thì lực lượng công an và các đồng chí có nhiệm vụ canh phòng đều say ngủ cả à? Vả lại... không được, không thích nghi. Như vậy có nghĩa là chúng ta thiếu cảnh giác ư! Đoạn đó phải sửa lại. Nên viết như thế này: Đêm đã khuya -- ba giờ sáng. Không một ai trong vùng say ngủ cả.

NHÀ VĂN NỮ: Nếu thế thì vô lý quá. Ban đêm mọi người phải ngủ chứ?

TỔNG BIÊN TẬP: Ừ nhỉ, có lẽ cô nói đúng. Thế thì sửa như thế này: Đêm đã khuya -- ba giờ sáng. Mọi người trong vùng đều đang say ngủ nhưng ở vị trí canh phòng.

NHÀ VĂN NỮ: Hoá ra mọi người đều ngủ ở trạm gác à?

TỔNG BIÊN TẬP: Không được. Thế thì vô lý thật nhỉ. Nên viết là: Đêm đã khuya -- ba giờ sáng. Một số người đang ngủ trong khi những người khác vẫn canh phòng cẩn thận. Rồi gì nữa?

NHÀ VĂN NỮ: Không một ánh điện. Đêm đen và tĩnh mịch.

TỔNG BIÊN TẬP: Cái gì thế? Nghe cứ như nước ta sản xuất bóng đèn không xài được.

NHÀ VĂN NỮ: Nhưng ban đêm người ta tắt đèn cả đi rồi...

TỔNG BIÊN TẬP: Câu này vẫn có thể đụng đến chất lượng bóng đèn của ta. Bỏ đi. Đèn không thắp thì việc quái gì phải nhắc đến?

NHÀ VĂN NỮ: (đọc tiếp) Bỗng nhiên, một ngọn lửa đỏ bùng lên từ cửa sổ một căn phòng trên tầng lầu thứ tư của toà nhà xám đồ sộ. "Cứu tôi với!", có tiếng người la. "Cháy nhà, cháy nhà!"

TỔNG BIÊN TẬP: Cái gì thế? Hốt hoảng à?

NHÀ VĂN NỮ: Vâng.

TỔNG BIÊN TẬP: Như thế cô cho rằng phải quảng bá sự hốt hoảng trên những trang báo của ta à?

NHÀ VĂN NỮ: Không ạ. Dĩ nhiên là không. Nhưng... đây là truyện... đây là một sáng tạo nghệ thuật. Tôi đang mô tả một đám cháy cơ mà.

TỔNG BIÊN TẬP: Thế thì cô mô tả một thằng cha gây rối loạn thay vì một công dân có ý thức sao? Tôi mà là cô ấy à, tôi sẽ thay thế tiếng kêu cứu ấy bằng tiếng người vận động hào hứng hơn.

NHÀ VĂN NỮ: Như thế nào ạ?

TỔNG BIÊN TẬP: Chẳng hạn... "Chẳng có cái quái gì cả. Chúng tôi sẽ dập tắt lửa ngay!", có tiếng ai hô lên. "Đừng lo, chẳng có đám cháy nào cả!"

NHÀ VĂN NỮ: Tại sao lại "chẳng có đám cháy nào cả" trong khi có lửa cháy thật?

TỔNG BIÊN TẬP: Không phải thế. "Chẳng có đám cháy nào cả" ngụ ý là "chúng tôi sẽ dập tắt lửa ngay, đừng lo".

NHÀ VĂN NỮ: Không được đâu.

TỔNG BIÊN TẬP: Được lắm chứ. Rồi thì cô lại bỏ được tiếng kêu la nữa. Đọc tiếp.

NHÀ VĂN NỮ: (đọc tiếp) Đó là tiếng kêu cứu của một người thuê nhà bất cẩn, anh ta đã quên tắt lò điện trước khi đi ngủ và gây nên hoả hoạn.

TỔNG BIÊN TẬP: Người thuê nhà... gì?

NHÀ VĂN NỮ: Bất cẩn.

TỔNG BIÊN TẬP: Như thế cô cho rằng tính bất cẩn cần được quảng bá trên những trang báo của ta à? Tôi không nghĩ thế đâu. Tại sao cô lại để thằng cha này quên tắt lò? Đó có phải là một ví dụ tốt cho quần chúng học tập không?

NHÀ VĂN NỮ: Tôi không định viết bài này với tính cách giáo dục. Vả lại, nếu lò tắt thì làm sao có đám cháy ạ?

TỔNG BIÊN TẬP: Thế không có đám cháy, chúng ta có mạt đi không?

NHÀ VĂN NỮ: Không ạ. Dĩ nhiên là khá hơn chứ ạ. Nhưng...

TỔNG BIÊN TẬP: Ấy... đấy... lẽ ra cô không nên viết như thế. Dẹp cái lò điện đi rồi thì cô sẽ chẳng cần đề cập đến đám cháy nữa. Đọc tiếp đi. Sau đó rồi thế nào nữa? Đi ngay đến phần tả người lính cứu hoả.

NHÀ VĂN NỮ: ...Prokhorchuk, người lính cứu hoả trung niên gốc Ukraine...

TỔNG BIÊN TẬP: Được. Khá lắm.

NHÀ VĂN NỮ: ...với bộ ria đen rậm rạp, dừng lại trước cửa phòng. Ông đứng đó suy nghĩ...

TỔNG BIÊN TẬP: Tệ quá. Hỏng. Một người lính cứu hoả không được suy nghĩ. Anh ta phải dập tắt lửa, không cần suy nghĩ.

NHÀ VĂN NỮ: Nhưng đó là một điểm khá của câu chuyện đấy chứ?

TỔNG BIÊN TẬP: Đó có thể là điểm khá của một câu chuyện nào đó, nhưng không thể khá đối với người lính cứu hoả. Vả lại, không có hoả hoạn thì việc gì phải lôi người lính cứu hoả vào nhà người ta?

NHÀ VĂN NỮ: Thế nhưng còn phần đối thoại giữa ông ta và ông đội trưởng thì sao ạ?

TỔNG BIÊN TẬP: Cứ để cho họ nói chuyện trong trạm cứu hoả vậy. Cái đoạn ấy như thế nào nhỉ?

NHÀ VĂN NỮ: ... Đội trường Gorbushin bước đến, nói: "Khá lắm, Prokhorchuk, việc làm của đồng chí rất đạt yêu cầu". Rồi đồng chí đội trưởng mỉm cười nói tiếp: "Đồng chí không để ý bộ riu của đồng chí đang ngún cháy phía bên phải kìa". Prokhorchuk cười và xịt một tia nước vào bộ ria. Trời đang rạng sáng.

TỔNG BIÊN TẬP: Tại sao cô phải viết như thế?

NHÀ VĂN NỮ: Như thế nào ạ?

TỔNG BIÊN TẬP: Về bộ ria ngún cháy đấy.

NHÀ VĂN NỮ: Tôi muốn cho câu chuyện thêm phần dí dỏm ạ. Người lính cứu hoả quá hăng say trong công việc đến nỗi không để ý bộ ria mình bị ngún cháy.

TỔNG BIÊN TẬP: Tin tôi đi. Cô nên bỏ đoạn đó. Vì chẳng có hoả hoạn, căn nhà không cháy, nên chẳng cần phải có chuyện cháy ria gì nữa cả.

NHÀ VĂN NỮ: Thế còn cái khía cạnh dí dỏm thì sao ạ?

TỔNG BIÊN TẬP: Độc giả sẽ cười chứ. Người ta cười khi nào? Khi mọi chuyện đều tốt đẹp. Không có đám cháy thì không phải là chuyện hay à? Tuyệt hay chứ! Vậy thì mọi người sẽ vui vẻ cả. Gạch bỏ hết những đoạn vớ vẩn vô ích ấy đi. Nào, đọc lại xem sao.

NHÀ VĂN NỮ: (đọc) "Một Hành Động Cao Đẹp". Đêm đã khuya -- ba giờ sáng. Một số người đang ngủ trong khi những người khác vẫn canh phòng cẩn thận. Từ cửa sổ một căn phòng trên tầng lầu thứ tư của toà nhà xám đồ sộ, có tiếng ai hô lên: "Đừng lo, chẳng có đám cháy nào cả!" Đội trường Gorbushin bước đến, nói với Prokhorchuk, người lính cứu hoả trung niên gốc Ukraine với bộ ria đen rậm rạp: "Khá lắm, Prokhorchuk, việc làm của đồng chí rất đạt yêu cầu". Prokhorchuk cười và xịt một tia nước vào bộ ria. Trời đang rạng sáng.

TỔNG BIÊN TẬP: Một tác phẩm xuất sắc đấy, thấy chưa! Bây giờ ta có thể đăng nó được rồi.

*

Bạn hiền,

Nếu bạn là nhà văn ấy, bạn để họ đăng bài của bạn đã bị sửa cho "đúng đường lối", hay bạn đòi lại để đem về vất vào sọt rác cho xong? Tôi hỏi đùa đấy. Tất nhiên bạn sẽ vất nó vào sọt rác. Thế nhưng, biết bao nhà văn, nhà báo dưới mọi thứ chế độ khác nhau, mọi hoàn cảnh xã hội khác nhau đã suốt đời chăm chăm viết cho "đúng đường lối", đúng đến độ chẳng còn ai sửa chữa gì được nữa. Làm thế, họ vừa được sống an vui, được lợi nhuận, lại còn được chút tên tuổi vinh hiển lưu tồn trong chữ nghĩa cho con cháu sau này. Chúng mình dại dột quá, phải không?

 

[còn nhiều kỳ]

Đã đăng:

Chưa "cởi mở", mà đã sướng!

Đã được tự do, sao còn thích đánh trổng?

Làm nhà thơ, ôi sao buồn thế!

Làm lính thì trẻ mãi sao?

Nếu mọi người đều là kẻ trộm, bạn sẽ làm gì?

Khi chết, tôi muốn bị đày xuống địa ngục của ruồi

Khi loài khỉ sợ thoái hoá thành người

Một kiểu bắt chước rất "người"

"Tự do": một ẩn ngữ ly kỳ

Than ôi, nhạc thính phòng!

Con khỉ có thể dạy ta được điều gì chăng?

 

_________________________

[1]Bản dịch Việt ngữ của Mai Tự.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021