thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một năm lại qua! Mặc kệ...

 

Bạn hiền,

Hôm qua tôi ghé chơi nhà bạn. Vừa bước vào, tôi thấy ngay bạn đang ngồi một mình trầm tư bên chiếc ấm trà. "Chuyện gì mà bạn có vẻ lao tâm khổ tứ như triết gia gặp nạn thế?" Tôi oang oang hỏi, và chỉ nghe bạn lầu bầu: "Một năm lại qua..." Thế rồi bạn lại vui vẻ đứng lên đi pha ấm trà mới. Suốt hàng giờ sau đó, câu chuyện giữa chúng mình cứ nổ ran như pháo Tết. Toàn chuyện vui. Toàn chuyện văn chương thi phú. Hết bàn bạc câu lục bát của cụ Nguyễn Du: "Ngày Xuân con én đưa thoi / Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi", chúng mình lại tán nhảm quanh hai câu thơ của Hồ Xuân Hương: "Chơi Xuân ai biết Xuân chăng tá! Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không..." Rồi tuần trà qua nhanh, tiếp đến là tuần rượu, đêm đến hồi nào chẳng rõ. Lúc cả hai chúng mình đã ngà ngà và thấm mệt, thì đêm đã khuya, vậy là tôi phải chào từ giã.

Chuyện trò như thế thật vui, nhưng trên đường lái xe về, tôi lại bất giác nhớ vẻ mặt dàu dàu cùng câu nói vu vơ của bạn: "Một năm lại qua". Vâng, một năm nữa lại qua. Sao mà nhanh thế nhỉ? Một năm, rồi lại một năm. Mới hôm nào chúng mình cùng hồi hộp xuống thuyền tìm đường ra xứ người -- ký ức tôi về ngày ấy còn tươi rói -- mà hôm nay nghĩ lại, thấy giật mình. Gần ba mươi năm rồi! Ta đã làm được những gì trong gần ba mươi năm qua nhỉ? Một nháy mắt đã gần ba mươi năm. Một nháy mắt nữa... Nhưng liệu ta có sống hết một cái nháy mắt nữa chăng!

Nghĩ như thế, tôi mới hiểu tại sao bạn lại ngồi một mình trầm tư bên chiếc ấm trà trong một chiều cuối năm.

Bạn nói sao? Bạn cho rằng chỉ có người Á Đông như ta thì mới hay nghĩ về cái chóng vánh của đời người? Không phải thế, bạn hiền ơi. Đến một tuổi nào đó, hay ở một tâm trạng nào đó, con người khắp nơi trên trái đất đều nghĩ như nhau về cái chóng vánh ấy. Ngày xưa, các nghệ sĩ sáng tạo ở châu Âu đã thấy đời người quá ngắn, chẳng kịp có thì giờ cho nghệ thuật. Họ than: "Ars longa, vita brevis". Nghệ thuật thì dài lâu, mà đời người ngắn ngủi! Bạn không nhớ sao?

Gần đây, tình cờ đọc được một truyện ngắn của Franz Kafka, tôi giật mình thấy đời người ngắn đến mức tưởng nói ngoa chơi. Này nhé, truyện ấy rất ngắn, có nhan đề là "Das nachste Dorf" (Làng bên):

 

Ông nội tôi thường nói: "Đời người ngắn đến sửng sốt. Nhìn lại, tôi thấy đời người dường như bị rút ngắn đến mức khó hiểu nổi, thử lấy ví dụ, làm thế nào một chàng trai trẻ có thể quyết định cưỡi ngựa qua làng bên mà không sợ rằng -- chưa kể đến những tai nạn -- ngay cả một đời người may mắn bình thường có lẽ cũng quá thiếu thời gian cho cuộc đi đó."

 

Không biết ông nội của Kafka đã thật có nói như thế, hay đó chỉ là hư cấu của Kafka, nhưng ý tưởng rằng đời người ngắn đến mức không đủ thời gian để cưỡi ngựa qua làng bên là một ý tưởng hết sức độc đáo. Tất nhiên người nói lên ý tưởng đó đã cố tình nói quá trớn để ghi khắc vào người nghe một ý nghĩ tưởng như đã quá nhàm: "đời người rất ngắn". Sự độc đáo nằm ở chỗ chính lối nói quá trớn như thế làm cho cái ý nghĩ quá nhàm kia không còn nhàm nữa. Nghe xong, hình ảnh con ngựa phóng nhanh qua làng bên không kịp cho thời gian một đời người làm ta giật mình thảng thốt. Ta nghĩ đi, nghĩ lại, để thấy rõ hơn cái sự thật đàng sau một câu nói nhàm tai: "đời người ngắn ngủi".

Vâng, đời người ngắn ngủi, nhưng ngồi thừ ra như thế trong một chiều cuối năm có làm đời người bớt ngắn hơn chăng? Tôi không trêu chọc bạn đâu. Tôi nói thật đấy. Và tôi khen bạn đấy. Bạn ứng xử y như Lý Bạch. Thay vì cứ ngồi thừ ra như thế, khi thấy tôi bước vào nhà, bạn đã chỉ lẩm bẩm một câu vu vơ, rồi đứng dậy đi pha trà, rót rượu, vồn vã nói cười ngay. Chắc bạn còn nhớ bài "Xuân nhật túy khởi ngôn chí" của Lý Bạch chứ?

 

Xử thế nhược đại mộng

Hồ vi lao kỳ sinh?

Sở dĩ chung nhật túy,

Đồi nhiên ngoạ tiền doanh.

Giác lai miện đình tiền

Nhất điểu gian hoa minh

Tá vấn thử hà nhật

Xuân phong ngữ lưu oanh

Cảm chi dục thán tức

Đối tửu hoàn tự khuynh

Hạo ca đãi minh nguyệt

Khúc tận dĩ vong tình.

 

Xin tạm dịch nghĩa:

"Ngày Xuân say rượu, tỉnh dậy nói chí mình"

Đời người chẳng qua là giấc mộng lớn, vậy thì sao phải sống nhọc nhằn khổ sở? Suốt ngày cứ say sưa, ngã nghiêng ngã ngửa ngoài hiên. Khi tỉnh dậy thấy trước nhà có một con chim đang hót trong hoa. Hỏi thử ngày này là ngày gì mà chim oanh líu lo chào gió Xuân? Trong lòng có cảm xúc muốn thốt lời thở than, bèn cùng uống rượu say chếnh choáng, rồi hát nghêu ngao chờ trăng sáng. Hát hết khúc ca, khối u tình cũng đã nguôi ngoai.

Bạn hiền ơi, bạn thấy thế nào? Lý Bạch nói hay đấy chứ?

Một năm nữa lại trôi qua thật nhanh, hay ba mươi năm nữa trôi qua thật nhanh, thì cũng thế thôi. Đã biết đời người ngắn ngủi, thì đừng tần ngần ủ rũ làm gì cho phí thì giờ. Trong lúc bạn ngồi thừ ra bên chén trà trong buổi chiều Xuân, một trăm người đã phóng ngựa qua làng bên và đã trở về. Khoảng thì giờ ấy dài bằng biết bao nhiêu đời người đấy chứ! Thôi, ta hãy mở chai rượu này và cụng ly.

Thêm một năm nữa đã trôi qua. Mặc kệ...

 

[còn nhiều kỳ]

Đã đăng:

Chưa "cởi mở", mà đã sướng!

Đã được tự do, sao còn thích đánh trổng?

Làm nhà thơ, ôi sao buồn thế!

Làm lính thì trẻ mãi sao?

Nếu mọi người đều là kẻ trộm, bạn sẽ làm gì?

Khi chết, tôi muốn bị đày xuống địa ngục của ruồi

Khi loài khỉ sợ thoái hoá thành người

Một kiểu bắt chước rất "người"

"Tự do": một ẩn ngữ ly kỳ

Than ôi, nhạc thính phòng!

Con khỉ có thể dạy ta được điều gì chăng?

Bạn muốn viết cho "đúng đường lối" không?

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021