thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Từ Duy Xuyên, một góc của Quảng Nam

 

Nơi chúng tôi đến là ngã ba Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trời tờ mờ sáng, từ hướng "kinh đô Chiêm Thành" Trà Kiệu từng nhóm thanh niên với hành trang nhẹ tênh đổ về hướng quốc lộ 1, họ chờ xe đò chất lượng thấp đến “hốt” vào Nam. Trên gương mặt những người trẻ tuổi này có sẵn sự dạn dầy, không vương vấn cảnh quê nhà, không bâng khuâng tình thân thuộc, không… Từng chiếc xe đò thắng gấp tấp vào, nhấn ga đâm ra càn quấy như bầy quái vật, tiếng kèn xe inh ỏi, tiếng phụ xe chửi thề, tiếng trả giá, khói xe, bụi đường, sương mù… những tốp người cứ vậy lầm lũi ra đi như những người lính hành quân ra trận. Phía trước là “thủ đô SàiGòn”, mặt trận cơm áo gạo tiền vô cùng khốc liệt đang chờ họ. Trong mỗi gia đình đất Quảng nói chung từ những ngày hết Tết ra giêng cho đến cuối năm chỉ còn trẻ em tuổi đi học và người già. Anh N đưa thằng con trai 17 tuổi vào Sài Gòn học thợ sắt có lương, cái thằng có thân xác chỉ bằng đứa trẻ học lớp 6. Sau khi dặn con coi chừng đi lạc, anh nói: “Mỗi tháng mi nhớ gởi ta 100,000 ngàn tiêu”. Anh N làm nghề kéo xe bò, ngày nào có việc kiếm chừng 10.000 ngàn bạc. Nhà 6 miệng ăn, một ký cá tạp 2.000, rau cỏ ăn cả ngày 1.000, không tính tiền gạo, tất cả các nhu cầu của gia đình đủ hay thiếu cũng gói gọn trong chừng đó tiền. Tuy anh nói với con là gởi tiền cho anh tiêu nhưng chính thực số tiền đó là để phòng lúc ngặt. Anh ở lại vì mẹ già, 2 sào ruộng, mồ mả ông bà và giềng mối họ tộc xứ Quảng Nam. Hết tháng giêng vợ anh cũng sẽ vào Sài Gòn đẩy xe mua ve chai giấy vụn, sang năm tới lượt đứa con gái đủ tuổi phải đi, cứ định hướng giống như mọi gia đình đã xuôi trước vào Nam, chỉ khi giống họ anh mới hy vọng một ngày không xa (!) gia đình anh sẽ khá. Còn những gia đình không phải chịu cảnh xẻ nát, ly tán thì sao? Tất nhiên họ là người giàu mà những gia đình có cơ sở làm ăn bề thế ở xứ này, đa phần họ, dĩ nhiên là cán bộ. Cứ trông vào những ngôi nhà to, với vật liệu mới, mọc lên sáng rực bất chấp ngày có gió mùa đông bắc ẩm thấp đến nhức từng khớp xương. Chủ một cây xăng trên đường quốc lô 1 thuộc địa phận Tam Kỳ, ông T, một quan chức tự xin hưu non, nói giọng Bắc, than thở: “Thế mà khổ! Từ trước Tết đên giờ nào đã ngủ trọn giấc.” Ông khoẻ thật, dân quanh vùng lúc nào cũng thấy ông thức suốt, bất chấp thời tiết, cứ áo thun ba lỗ, quần kaki bộ đội ông tất bật thu tiền, sắc diện ông lúc nào cũng chín đỏ thời vận. Ông nói vô tư: “Học ở Sài Gòn hay Hà Nội cũng chẳng là cái gì, mai kia tôi cho hai đứa con du học nước ngoài tất”. Ở xứ mà tờ giấy bạc 500 mỗi sáng cha mẹ cầm cho con đi học thấy xót và nhói ở ngực, 500 bạc có thể mua 1 bó rau tần ô của một bà già neo đơn quằn vai tưới rau ngày hai buổi, 500 uống một ly sữa đậu nành của một người đàn bà chồng con vắng nhà, xay bằng cối đá lúc nửa đêm... Ông T chưa đến tuổi 50 mà ông đã có hơn 10 năm là chủ cây xăng. Đúng thật! Tiền nướng bất cứ gì mà chẳng chín?

Anh xe ôm chở tôi đi về hướng trung tâm huyện Duy Xuyên nói: “Phóng xe Honda ở đây sướng hơn Sài Gòn anh hỉ?” Con đường ngang qua trung tâm hành chính huyện luôn rộng vì ít xe, những toà nhà công sở thoáng rộng bề thế nhưng ít thấy dân đến xin giải quyết việc công. Anh xe ôm tuỳ tiện giải thích “Dân còn chi mô!”. Ba giờ chiều, vẫn còn trong giờ hành chánh, các quán nhậu quanh thị trấn đã có khách, các quán gọi là sang đều dựng tấm mành lớn trước cửa quán, các cô tiếp thị cứ tự nhiên “phục vụ” cố tật ưng sờ mó của quí ông bên trong các tấm mành ngăn cách các bàn nhậu. Dân nhậu ở đây quen uống bia trong ly thuỷ tinh nhỏ, chủ quán thường có khuynh hướng tiếc kiệm nước đá. Bia Larue hoặc bia Lager đều có giá dưới 5000/chai. Tại quán T, cô tiếp thị bia Lager người huyện Quế Sơn nói với khách: “Khi thằng chồng em về quê sủa giọng Sài Gòn là em biết hắn người không ra chi. Cần ni, lương em tháng 800.000 đủ nuôi con.” Ngoài tiền lương, trong tháng sau khi hoàn thành chỉ tiêu 30 thùng bia, mỗi thùng vượt chỉ tiêu các cô tiếp thị được thưởng 10.000. Một ông khách già mồm: “Sao không vào Sài Gòn cho họ sờ sâu, mỗi cái 100.000 đó em.” Cô tiếp thị đáo để: “Tiền mô! Em cần ni!” Cô đổ trút số bọt bia còn sót trong chai vào đùi ông khách. Có người mắng: “Mi làm ta kinh đầu, răng có ngày mất việc”.

Về đêm, nhịp sống của thị trấn huyện Duy Xuyên rút vào những ngõ hẻm, nép trong những khoảng sân lờ mờ ánh đèn là những quán nhậu chông chênh bàn ghế. Đàn ông trung niên và người già đến đây ngồi ôm chai rượu gạo và những cái cốc sành sứt mẻ, rượu gạo 1000 đồng một xị, vài cái bánh tráng, nồi cá lóc hấp chuối là đủ để họ say, say để lộ hết ra sự kiêu hãnh trống trơn, tình trạng say chính là sự bám níu, có lẽ chưa có miền đất nào mà cư dân cùng một lúc vừa đẩy cuộc sống của mình đi tha hương lại vừa tha thiết kéo tương lai nhích gần đến như vậy. Và họ hát trong cơn say:

 

(Í đ m)
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Chứ rượu hồng đào chưa nhấm đà say…

 

Trong không gian buổi tối của thị trấn vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông mà lại vắng tiếng côn trùng. Tiếng đàn oọc, tiếng hát của bữa tiệc nhậu theo lệ họp thôn đầu năm vẫn rôm rả nhưng không át nổi tiếng trống nhạc đám ma.Và khi đêm về khuya, đa phần người dân lam lũ ở Duy Xuyên và xứ Quảng hôm nay không ai bảo ai cùng bừng thức nỗi lo, không hề xa vời, lo sao sống cho đúng với đạo tình, để lỡ khi cái chết gọi bất ngờ có người chu toàn hậu sự . L.Đ., một thi sĩ đi cùng chúng tôi nói: “Ở thôn tôi có lệ, đàn ông trên 40 tuổi và đàn bà không khiêng quan tài. Đời ni, lúc ngặt, trai tráng đi cả, tìm mô?” . Đêm rằm Nguyên Tiêu mà trăng đục trong mây. Có lẽ chưa có miền đất nào mà ngay từ thuở mở xứ có nhiều người con đi xa đến mức đủ dệt thành đôi cánh cho những hy vọng lớn lao.

 

Tháng 3-2005

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021