thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về bài “Về một sự thiếu nhạy cảm”

 

Tôi rất thích bài “Về một sự thiếu nhạy cảm” của Xanh Melan. Thích, chủ yếu, ở hai điểm: một, nó đặt ra một vấn đề quan trọng trong sinh hoạt văn học: tình trạng “thiếu nhạy cảm mênh mông hiện nay”; và hai, không những lý thuyết suông, nó còn cung cấp cho độc giả một bằng chứng rõ rệt về sự thiếu nhạy cảm: chính bản thân bài viết ấy.

 

1.

Xanh Melan khen bài viết của Nguyễn Trần Khuyên là “mới” và “hay” và chê hai bài viết của Nguyễn Quốc ChánhÐỗ Kh. là “cũ” và “chán”, nhưng anh lại không thấy ở bài viết của Nguyễn Trần Khuyên cái điều mà Nguyễn Quốc Chánh và Ðỗ Kh. đã thấy rất sớm: cái hiểm hoạ nhân danh một điều có vẻ như chính nghĩa để trấn áp những người không cùng quan điểm với mình. Sự thiếu nhạy cảm trầm trọng đến mức đáng kinh ngạc: anh vẫn không thấy được điều này ngay cả sau khi nhóm Nguyễn Trần Khuyên đã từ khước biện pháp đối thoại và tranh luận để sử dụng một biện pháp đầy vẻ “chính trị” thô bạo là ra ‘tuyên cáo’ và cả ‘mệnh lệnh’ đối với tạp chí Thơ, biến việc vận động cho nữ quyền thành một trò chơi quyền lực khá nhố nhăng.

 

2.

Xanh Melan cho ‘toà soạn’ một tờ báo văn học là một “guồng máy” chứ không phải là một “con người” nhưng anh lại không thấy một điều: cái gọi là “guồng máy” ấy chỉ thích hợp với báo chí trong nước, nơi người biên tập chỉ là một cán bộ và nơi tinh thần phục tùng là yêu cầu đầu tiên của cán-bộ-biên-tập; ở hải ngoại, toà soạn một tạp chí văn học đích thực và tự do, ngược lại, khác hẳn mọi thứ “guồng máy”: ở đó, người ta tiếp cận tác phẩm văn học với tư cách một con người cụ thể với tất cả năng lực, kinh nghiệm, kiến thức, thế giới quan cũng như thẩm mỹ quan của họ. Cái đọc của họ, do đó, bao giờ cũng mang tính cá nhân. Toàn bộ ưu điểm trong cái đọc của họ nằm ở đó: tính cá nhân. Khi “guồng máy” đè lên cá nhân: văn học chết.

 

3.

Xanh Melan có vẻ hí hửng trước chữ “rất bình thường” mà Hoàng Ngọc-Tuấn dùng mà anh lại không thấy “rất bình thường” không phải là dở: cái “bình thường” hay “rất bình thường” nào cũng có tính văn cảnh: nó “bình thường” hay “rất bình thường” so với một chuẩn mực nào đó, và một chuẩn mực ở nơi này có thể cao hơn hẳn một chuẩn mực ở nơi khác, do đó, một bài thơ bị xem là “bình thường” hay “rất bình thường” ở đây có thể là xuất sắc ở những nơi khác. Trong khi một người biên tập phải tìm mọi cách để hạn chế những tác phẩm dở, không ai có thể loại trừ những tác phẩm bình thường, thậm chí, “rất bình thường” vốn là cái nền của mọi chuẩn mực.

 

4.

Xanh Melan phản đối ý kiến của tôi (trong một email được Hoàng Ngọc-Tuấn trích lại), cho hình thức giễu nhại, trong bối cảnh Việt Nam, được nhóm Mở Miệng sử dụng đầu tiên, do đó, những bài thơ giễu nhại của người khác không còn tính sáng tạo nữa, với lý do: còn thơ Tân hình thức thì sao? Tuy nhiên, ở đây Xanh Melan lại không thấy một điều: giễu nhại là một ý niệm, trong khi Tân hình thức chủ yếu là một “thể thơ”, ít nhiều giống các thể thơ khác, những cái khung hình thức, có thể được dùng để “rót” vô số từ ngữ với những mức độ tư tưởng và thẩm mỹ khác hẳn nhau. Người ta có thể lặp đi lặp lại các lối vẽ như hiện thực, siêu thực, lập thể, v.v... ở vô số những tác phẩm khác nhau, nhưng sau khi Marcel Duchamp vẽ râu vào bức tranh Mona Lisa, không ai có thể được khen ngợi với cái trò thêm râu, thêm tóc vào bất cứ một bức tranh cổ điển nào khác: với tư cách là một ý niệm, đó là một sáng tạo không cho phép được lặp lại.

 

5.

Xanh Melan kể việc mình lấy một bài tâm sự của bạn đọc, thay đổi cách trình bày, rồi gửi cho tạp chí Thơ và được tạp chí Thơ đăng tải như một bằng chứng cho thấy sự “thiếu nhạy cảm” của ban biên tập tạp chí Thơ mà anh lại không thấy hai điều: một, một bài văn xuôi khi được ngắt dòng như thơ và, như một hệ quả tất yếu của việc đó, được đọc như một bài thơ sẽ có hiệu quả khác hẳn so với hình thức nguyên thuỷ và cách đọc nguyên thuỷ của nó (điều này, trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, đã được nhiều người, từ Roman Jakobson đến các lý thuyết gia thuộc Mỹ học tiếp nhận và thuyết hồi ứng của người đọc, chứng minh); hai, một bài “thơ” được chế biến từ một bài văn xuôi, thậm chí, một bài văn xuôi không hay, vẫn gần với thơ đương đại hơn một bài văn vần truyền thống: nó có cái chất đời thường, thô tháp, phù hợp với những nỗ lực phát hiện chất thơ ngay từ những cái được xem là “văn xuôi” nhất. Do đó, “thí nghiệm” của anh hoàn toàn vô hiệu và không hề chứng minh cho bất cứ điều gì cả trừ cái cách hiểu cứng nhắc và ngây thơ của anh về thơ.

 

6.

Xanh Melan khen bài viết “Văn hoá tục” của tôi là “uyên bác” nhưng chê nó “hơi bị vô cảm”; có điều, anh vẫn không thấy những điều tôi muốn gửi gắm trong bài viết vỏn vẹn chỉ có hai trang ấy: cách đọc cái tục như một văn bản; từ đó, một đề nghị: nên đọc các bài văn/thơ tục hiện nay như đọc một văn bản văn hoá.

 

7.

Ngoài ra, trong suốt bài viết, Xanh Melan luôn luôn chứng tỏ là anh thấy những cái hay mà các đồng nghiệp của anh không thấy, nhưng tiếc thay, anh lại không thấy một điều, lại là cái điều rất ư cơ bản: cái hay và cái dở gắn liền với những quan điểm mỹ học nhất định, và điều nhà phê bình nghiêm túc cần làm đầu tiên là tìm hiểu cái quan điểm mỹ học ấy trước khi đánh giá từng sự đánh giá cụ thể. Bỏ qua việc tìm hiểu ấy, chỉ “phán” khơi khơi như “thánh phán”, kiểu: “Ðối với tôi, bài ấy là... đỉnh cao” hoặc “Ðối với tôi, bài ấy dở”: Nhảm.

 

8.

Tuy nhiên, điều thiếu nhạy cảm nhất của Xanh Melan là ở chỗ này: trong giới văn nghệ, hầu như ai cũng biết anh đang phụ trách một tờ báo mạng ở trong nước; với tư cách ấy, anh nên chứng tỏ sự nhạy cảm của mình bằng chính diện mạo của tờ báo ấy hơn là cố gắng chứng minh các tờ báo khác là thiếu nhạy cảm.

Mà lại chứng minh sai. Ý nào cũng sai.

 

Bài viết này, không giống các bài viết khác của tôi, được đánh số từng đoạn là vì thế: để anh (và cả bạn đọc nữa) dễ kiểm tra, và phản bác lại, nếu cần.

 

Nguyễn Hưng Quốc
18.4.2005

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021