thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Số phận của ý niệm

 

Trong bài viết Về bài “Về một sự thiếu nhạy cảm” Nguyễn Hưng Quốc, tác giả đã cho rằng “giễu nhại là một ý niệm”. Điều này khiến tôi thấy không yên, và tự đối thoại với mình, xem mình đang băn khoăn về cái gì, và cái băn khoăn ấy có đáng băn khoăn không.

Băn khoăn đầu tiên, ấy là giữa thủ pháp nghệ thuật và ý niệm về thủ pháp ấy, là hai, hay là hai trong một? “Đâu là khách thể đâu là chủ thể?”

Vấn đề này quả thực không đơn giản.

 

Tôi bắt đầu với những thí dụ của tác giả Nguyễn Hưng Quốc, điều này có lẽ sẽ cho tôi câu trả lời nào đó gần với cách hiểu của tác giả nhất chăng?

[S]au khi Marcel Duchamp vẽ râu vào bức tranh Mona Lisa, không ai có thể được khen ngợi với cái trò thêm râu, thêm tóc vào bất cứ một bức tranh cổ điển nào khác: với tư cách là một ý niệm, đó là một sáng tạo không cho phép được lặp lại. — Nguyễn Hưng Quốc

Câu này thực ra không dễ hiểu như tôi nghĩ. Bởi rất khó tìm ra một thông lệ nào đó khẳng định rằng “với tư cách một ý niệm” thì người khác không được phép lặp lại. Và ngay cả khi nó với tư cách là “một sáng tạo” thì không được lặp lại?

Không dễ hiểu, bởi nó liên quan đến vấn đề “thế nào là lặp lại”, thế nào là “sáng tạo không cho phép được lặp lại”. Dường như sáng tạo gồm nhiều cấp độ, và không phải trong mọi cấp độ đều nghiêm cấm sự sao lặp.

Không vẽ râu vào một phiên bản khác của bức Mona Lisa, tất nhiên, rất ít khi xảy ra trường hợp này, nhưng nếu vẽ thêm mắt vào bức tranh này thì có phải là lặp không? Hoặc thay vì chỉ vẽ một con mắt người ta sẽ vẽ vào đấy nửa con hoặc một nghìn con mắt thì được phép không?

Một ý niệm, tất nhiên, sự khởi đầu thường là một ý niệm. Nhưng ý niệm đó vận động như thế nào, trong và ngoài ý muốn của tác giả? Chúng ta có khống chế được quá trình này không?

Sự kiện vẽ râu vào nàng Mona Lisa rất có thể ban đầu là một ý niệm, hay như cách các văn nghệ sĩ bây giờ thường nói, là một phản ứng, hơn là một sự sáng tạo. Phản ứng như vậy, những ý niệm như vậy, là chuyện không phải không thể xảy ra. Vấn đề ở chỗ, điều đó không thể ngăn được sự tha hoá (hay là thăng hoa?) của ý niệm này, trong công chúng và giới sáng tác, để trở thành một thủ pháp, một cảm hứng thuộc về sáng tạo.

Như đã nói ở trên, sẽ không có bức tranh tương tự, nhưng sẽ có những phản ứng tương tự, và những cách “râu ông nọ cắm cằm bà kia” tương tự, ở những cấp độ khác nhau rất tinh vi. Chẳng hạn như khả năng đan chéo các tác phẩm, khả năng dùng tác phẩm này công phá tác phẩm khác, hay đơn giản hơn là cắt dán, kết nối chúng lại với nhau, vân vân... Như vậy, ý niệm của một người nghệ sĩ có thể không còn thuộc sở hữu trí tuệ của người đó nữa, thậm chí không thể thuộc về người đó nữa.

Ý niệm xuất sắc thường được tiếp nhận, được ứng dụng, và có cuộc đời dài hơn cuộc đời người sinh ra nó.

Đây rất có thể không phải là sự vi phạm bản quyền mà là niềm tự hào hay là sứ mệnh của những người săn bắt các ý niệm. Ranh giới giữa bản quyền và chức năng mở đường là rất mong manh. Nhưng tôi tin rằng không có gì vui hơn một ý niệm đã vượt qua sự thống trị của người nào đó để đến với cuộc sống rộng lớn hơn.

Như vậy, việc được phép lặp lại hay không được phép lặp lại một ý niệm, một sáng tạo còn phụ thuộc vào cái cách hiểu thế nào là lặp lại và mục đích cũng như hiệu quả của sự lặp lại đó nữa. (Có cái gọi là sứ mệnh “lặp lại” không? Nguyễn Du có sứ mệnh lịch sử lặp lại thể thơ lục bát không?).

Thế giới của những ý niệm thường là thế giới khá tự do, nơi chúng ta có thể dùng khá nhiều sản phẩm của người khác, và trong thực tế là thường dùng các sản phẩm của người khác, không chỉ trong tác phẩm mà quan trọng không kém là dùng cho cuộc sống thực của chúng ta. Cứ dùng như thế, mà chẳng mấy ai cấm.

Trở lại với giễu nhại. Khi tác giả Nguyễn Hưng Quốc viết “hình thức giễu nhại, trong bối cảnh Việt Nam, được nhóm Mở Miệng sử dụng đầu tiên” thì dường như giễu nhại đã không còn là “một ý niệm” nữa. Có thể chữ “hình thức giễu nhại” mà ông dùng chưa phải là lựa chọn tối ưu trong diễn đạt, thậm chí đi ngược lại ý đồ biểu đạt, nhưng đã xuất hiện thì nó không phải là hoàn toàn ngẫu nhiên. Phải chăng sự kiện vẽ râu vào nàng Mona Lisa là sự kiện đơn lẻ có thể cho nó nằm gọn trong “một ý niệm” của một cá nhân thì giễu nhại lại khác hẳn, nó được một nhóm các tác giả sử dụng nhiều lần, trong thời gian không phải là ngắn, không chỉ trong một tập thơ, không phải trong khuôn khổ một đề tài, thậm chí không chỉ giễu nhại bằng thơ. Lúc này, với thực tế như vậy, giễu nhại còn đơn thuần là “một ý niệm” nữa hay không? Chữ “hình thức” đồng nghĩa với một trong những phạm trù hết sức cơ bản được tranh luận muôn đời có lẽ đã không bật ra do tùy tiện.

Bản thân giễu nhại, khi đã được những người khác ngoài nhóm Mở Miệng ứng dụng, hẳn cũng nói lên một điều gì đó nếu như chúng ta không chỉ quan tâm tới vấn đề bản quyền giễu nhại. Chẳng hạn như, khác với nhóm Mở Miệng, những người khác đã không còn coi giễu nhại là một ý niệm, mà họ cho đó là một thủ pháp nghệ thuật đáng được ứng dụng. Họ đánh giá nó vượt lên một ý niệm mang tính phản ứng ngoài nghệ thuật của nhóm này, hoặc là không quan tâm tới mục đích của họ. Điều này, có thể là trái với dự tính của nhóm Mở Miệng nhưng không có nghĩa là một hiệu ứng xã hội không đáng được quan tâm.

Mặt khác, nếu ai đó có khả năng giễu nhại tốt hơn, hiệu quả hơn, thì điều này theo tôi sẽ là sự tôn vinh nhóm Mở Miệng hơn là hạ thấp họ. Bởi vì sự tồn tại lâu dài của giễu nhại, của một ý niệm, của sáng tạo nói chung, chính là một trong những thước đo giá trị của nó. (Tất nhiên quá trình tiếp thu và phát triển những ý niệm cũng không đơn giản tí nào, nó không phải là con đường thẳng). Điều đáng lo ngại hơn cả chính là một ý niệm, một sáng tạo, một thủ pháp sớm bị tuyệt diệt, không có người kế thừa dưới mọi hình thức. Cái chết của nó nói được nhiều điều hơn sự tồn tại của nó.

 

Theo Nguyễn Hưng Quốc, những điều ông vừa viết ở trên, chỉ là ý kiến email, được người khác trích lại. Tôi không đặt nặng chuyện ý kiến chính quy và ý kiến không chính quy. Thậm chí, với tôi, ngay cả một bài nghiên cứu công phu cũng không thể đại diện cho một quan niệm dứt khoát chứ chưa nói đến việc đại diện một con người. Chúng ta rất ít khi đi đến cùng và tận tâm tận ý với một “công trình” nào, trong cuộc sống bề bộn ngày nay. Một số người thậm chỉ ước ao là viết lại hoặc đốt đi những gì đã viết và công bố. Đây là một sự thật chứ không phải là một sự bao biện.

Trong bối cảnh như vậy, sự trao đổi hay đối thoại, chẳng có một mục đích nào hay ho hơn, là nhằm đối thoại với chính mình, thậm chí tốt đẹp hơn, là cùng nhau gỡ những rắc rối vốn là chuyện hết sức bình thường, trong công việc đối với các ý niệm vốn có số phận lắm khi oái oăm trong thời đại bây giờ. Đôi khi ta cảm tưởng như lúc này là thời điểm cái chết của các ý niệm. Nó hiện ra như những thứ xa hoa, thậm chí rồ dại, chẳng đem lại lợi lộc gì thiết thực cho đám đông đang từng ngày chờ lương và nhuật bút.

Nên vớ được một câu viết bàn về ý niệm, thì không khỏi băn khoăn.

Trở lại với chủ đề bài viết này, một lần nữa, chúng tôi nghĩ rằng, đời sống của một ý niệm cũng như thân phận hay sứ mệnh của nó, vẫn thế, chắc chắn là phức tạp.

Nghĩa là chúng xứng đáng để trao qua đổi lại, chứ không phải là thứ “vô bổ” chỉ nên để ngoài tai.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021