thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giễu nhại như một ý niệm

 

Trong bài “Số phận của ý niệm”, Tam Lệ nêu một số thắc mắc về quan niệm “giễu nhại là một ý niệm” trong bài “Về bài ‘Về một sự thiếu nhạy cảm’” của tôi. Xin thưa ngay: những thắc mắc ấy hoàn toàn chính đáng. Lỗi, chủ yếu là do tôi: khởi đầu từ một ý định viết thật ngắn, thật gọn để không trầm trọng hoá vấn đề liên quan đến bài viết của Xanh Melan, tôi đã không quan tâm đủ đến độ sáng rõ trong cách diễn đạt, từ đó, có thể làm người đọc hoặc bối rối hoặc ngộ nhận. Tôi thành thực cám ơn Tam Lệ đã nêu vấn đề.

Xin trả lời vắn tắt: Khi viết “giễu nhại là một ý niệm”, tôi không muốn nói đến ý niệm về sự giễu nhại (concept of parody) mà chỉ muốn nói giễu-nhại-như-là-ý-niệm, hay, như tôi viết ở cuối đoạn văn số 4, với tư-cách-là-ý-niệm (parody as a concept).

Nhưng trả lời vắn tắt như vậy thì coi như chưa trả lời gì cả. Vậy, xin khai triển thêm một ít: Chúng ta biết, giễu nhại, với tư-cách-là-một-thủ-pháp bắt chước một cách quá lố một văn bản khác đã xuất hiện từ lâu, ngay trong văn học cổ đại Hy Lạp, sau đó, vẫn thường xuyên được sử dụng trong vô số loại hình nghệ thuật khác nhau, từ kịch nghệ đến âm nhạc, hội hoạ, phim ảnh, và dĩ nhiên, cả văn học nữa. Là một thủ pháp được sử dụng lâu đời và rộng rãi, giễu nhại được xem như-là-một-phong-cách, hơn nữa, còn tồn tại như-một-chủ-đề-phụ (sub-theme) trong một tác phẩm cụ thể, và như-một-thể-loại-phụ (sub-genre) trong văn học (chủ yếu là văn học trào phúng). Tính chất đa-tư-cách này làm cho bất cứ nỗ lực định nghĩa nào cũng đều gặp khó khăn. Có điều, theo hầu hết giới nghiên cứu, dù nhìn từ góc cạnh nào thì giễu nhại cũng có hai đặc điểm chính: nhại và giễu, tức bắt chước và châm biếm. Nhại có nhiều phạm vi khác nhau: văn bản hay khung hình thức của thể loại; trong văn bản, có nhiều cấp độ khác nhau: từ, câu, đoạn, hay toàn văn. Châm biếm cũng có nhiều đối tượng khác nhau. Trong văn học dân gian, sự châm biếm trong hình thức nhại thường mang tính chính trị. Ví dụ, hầu hết các lời sửa các bản nhạc hiện hành tại Việt Nam lâu nay đều nhằm chế giễu hay đả kích một hiện tượng xã hội hay một chính sách, một giới lãnh đạo nào đó. Các bài thơ được nhại đăng trong các mục thơ trào phúng trên các báo cũng đều có ý nghĩa phê phán. Trong phạm vi thuần tuý văn học, nhại có thể nhằm giễu một tác giả hay một tác phẩm (thường là tác giả hay tác phẩm được/bị nhại), một thể loại (như trường hợp Mikhail Bakhtin, trong bài “From the Prehistory of Novelistic Discourse”, đã phân tích bài thơ sonnet mở đầu cuốn Don Quixote của Cervantes), một phong cách (ví dụ bài thơ “Nắng chia nửa buổi chiều rồi” của Nguyễn Hoàng Nam nhằm giễu phong cách lãng mạn chủ nghĩa tôi đã phân tích trên tạp chí Việt trước đây [vào link này], một phương pháp sáng tác, một quan điểm thẩm mỹ, hay, rộng và sâu hơn, những điển phạm và những quy phạm làm nền tảng cho cái được xem là văn chương nói chung. Ở điểm cuối cùng này, giễu nhại mang tính bản thể luận: nó đặt nghi vấn không phải với một hiện tượng mà chủ yếu với bản chất của hiện tượng. Trong trường hợp này, hình thức giễu nhại trở thành một ý niệm, theo nghĩa nghệ thuật ý niệm (conceptual art) mà chúng ta thường dùng, ở đó, nghệ thuật trở thành một nghi vấn về chính bản chất của nghệ thuật. Trong khi nghi vấn về bản chất của nghệ thuật, giễu nhại trở thành phản quy phạm (anti-normative), và quan trọng hơn, còn gắn liền với cái nhìn phản yếu tính luận (anti-essentialism): nghệ thuật, hay, trong trường hợp chúng ta đang bàn, văn học, cụ thể là thơ, không còn là một cái gì nhất thành bất biến, ngược lại, nó được kiến tạo từ một số điều kiện xã hội và văn hoá nhất định. Khi được nhìn như một ý niệm như vậy, các tác phẩm giễu nhại được đánh giá chủ yếu ở tầm nhìn: không ai hơi đâu đánh giá bộ râu Marcel Duchamp vẽ trên miệng Mon Lisa là đẹp hay xấu; vấn đề chính và cũng là điều có giá trị sáng tạo ở đây là hành động đưa cọ lên vẽ cái bộ râu ấy.

Từ mấy chục năm nay, hình thức giễu nhại càng ngày càng phổ biến trong văn học, trở thành một trong những đặc trưng nổi bật nhất của phong cách sáng tác hậu hiện đại, trung tâm điểm của cái gọi là “thi pháp của sự mâu thuẫn” (poetics of contradiction), và một biến thái của siêu-hư cấu (meta-fiction), cũng là một đặc điểm khác của chủ nghĩa hậu hiện đại.

Trong văn học Việt Nam, có lẽ dưới áp lực của tính quy phạm, hình thức giễu nhại hiếm khi có cơ hội phát triển. Hình thức tập cổ hay tập Kiều chỉ là nhại (pastiche), chứ không phải giễu nhại: chúng thiếu hẳn tinh thần châm biếm. Hình thức giễu nhại thường chỉ thịnh hành trong văn hoá dân gian, trong việc cải biên các câu khẩu hiệu, các bài thơ hay bản nhạc phổ thông mà thôi. Riêng trong văn học viết, nhóm Mở Miệng nếu không phải là những kẻ có công sáng tạo thì ít nhất cũng có công làm cho hình thức giễu nhại thành một phong trào, thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả, từ đó, góp phần giải hoặc một số định kiến về thơ. Tuy nhiên, về nhóm này, một mặt, tôi không hề giấu giếm sự ủng hộ của mình, mặt khác, tôi lại cho là quá sớm để đưa ra một nhận định có tính chất phê bình về họ: theo tôi, hiện nay họ chỉ mới ở giai đoạn vỡ đất chứ chưa phải là trồng trọt, đừng nói gì đến giai đoạn kết trái và trổ hoa; con đường tìm tòi và thử nghiệm của họ, do đó, còn dài, và có lẽ, nếu họ kiên nhẫn, chịu khó và đủ tài năng, còn lắm chuyện bất ngờ và thú vị (bên cạnh, chắc chắn, không thiếu những lúc quá đà, thành nhảm nhí, như có lúc đã từng). Dù sao, trước một cuộc hành trình còn dài và khá vô định như vậy, tôi nghĩ, tốt hơn hết là... chờ.

Việc khai triển ý niệm về giễu-nhại-như-một-ý-niệm đến đây có thể được xem là sáng rõ chưa? Tôi biết là chưa. Nhưng để khắc phục cái “chưa” này, có lẽ tôi phải viết một bài khác, dài hơn và công phu hơn, khi có thì giờ. Và, nhất là, có hứng.

 

21.4.2005

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021