thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái nhìn hôm nay

 

Có thời, cách đây không lâu, người ta nhìn nhau len lén. Người lạ, để phòng thân. Người quen, để kẻ khác đừng chú ý. Bây giờ thì quan sát từ xa, đến gần không nhìn nữa. Chỉ nhìn khi quen, chứ biết thôi thì không nhìn khỏe hơn. Ấy, xã hội ta hiện đại là như thế.

Nhà sát cạnh nhau dĩ nhiên phải biết nhau, nhưng mà không chắc quen nhau. Sáng sớm định ra trước nhà tưới mấy chậu hoa lá, nhác thấy nhà bên đang tưới cây của họ, thì thôi khoan đã. Lúc chào hỏi nhau lúc không, thêm phiền.

Ngày Tết cũng chẳng khác, thậm chí càng thấy rõ thêm nghĩa tình xa lạ xóm giềng. Người thân quen của nhà nào cũng là từ đâu đâu đến. Anh mà lân la chào hỏi chúc mừng năm mới trước cửa nhà người ta, chưa nói là bước vào hẳn trong nhà, là hiện tượng bất ngờ gây choáng ngay. Có thể người ta nghĩ anh sắp được chỉ định chức vụ gì đó trong tổ hay khu phố, hoặc anh là Công an mật muốn tìm hiểu gì chăng.

Lại có khi bên nhà chị có gia đình mới dọn đến, thấy nhau trước cửa hỏi nhau đối đáp đôi câu. Hai ba lần tình cờ gặp nhau lúc ra vào ngõ, cùng nhìn nhau tươi cười gật đầu chào nhau vui vẻ lắm. Đùng một cái qua tháng sau, chị đang chuẩn bị tươi cười gật đầu chào thì đối tượng đẩy ánh mắt đi hướng khác và không thấy chị nữa. Sau mới biết bà ta làm cán bộ hội phụ nữ ở phường nào đó, chứ không được chuyển công tác về đây. Nhà bà luôn luôn kín cửa, có hai cô con gái đi học, ra vào âm thầm như lúc nào cũng sợ có ai hỏi đến. Chẳng hiểu tại sao đến nỗi ấy. Mỗi căn nhà hay căn hộ là một vũ trụ khép kín, một thành quách bí mật.

Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Đúng, nhưng mà thời nay tin ít thôi, vì tâm hồn là của hiếm. Mắt gian nhiều hơn mắt thật. Mắt cú vọ đông hơn mắt bồ câu. Một thời “những đôi mắt hình viên đạn” đã qua lâu rồi ngờ đâu bây giờ lại có những đôi mắt mèo đêm, thậm chí những đôi mắt dao găm. Nhiều nhất là mắt bi ve, sau những bàn giấy và những ô cửa thư lại.

Nhìn mặt bọn khủng bố trong các bản tin thời sự ta thấyy nét ác độc lồ lộ, nhưng chúng chỉ là bọn lục súc tay sai, chứ mấy tên cao cấp của chúng chẳng phải vậy. Mặt mũi và mắt nhìn Bin Laden như của một vị thánh, một giáo chủ, trông hiền từ nhân ái lắm đấy. Cùng hung cực ác mà ngu dân dốt nát thấy được ngay thì chẳng có gì đáng sợ. Thời nay khắp nơi bọn khẩu phật tâm xà thương thương mến mến xoen xoét cái lỗ mồm, mặt mũi từ bi hỷ xả, ban phát cái nhìn thân thiện nhân ái, thật khiến ta kinh hãi hơn cả ma quỷ. Thế kỷ này quả là sự gian ác lừa mị đã đạt tới đỉnh cao thành đạt của khoa học và triết học và nghệ thuật nữa, chẳng thể nghi ngờ.

Vừa mới thân quen bỗng thành xa lạ, ánh mắt theo lòng người cũng tráo trở vô lường. Bây giờ ai cũng biết thế và đều biết phòng xa. Quen là quen ở đâu, biết là biết ở đâu, thân là thân chỗ nào, chứ chỗ công việc quan quyền, anh giở hơi coi chừng bẽ mặt. Công việc là công việc, business is business, khẩu hiệu liêm chính vô tư đừng mù mà không thấy khi người ta muốn anh đọc, tuy rằng thật sự ngày nay cũng khó thấy nó treo hay dán ở đâu. Vả chăng sự vụ dễ hay khó, thành hay bại đều có tính thời đại ở trong cái phong bì lấp ló kẹp giữa hồ sơ. Nhìn nhau hãy canh chừng ánh mắt.

Nghe nói dân Do Thái có cái nhìn đặc biệt dò xét từ xa, nhìn đối phương từ đầu xuống chân rồi từ chân lên đỉnh đầu, đánh giá phán xét rất nhanh, khi còn cách khoảng năm thước thì ánh mắt trở lại bình thường. Người ta cho rằng tinh thần cảnh giác cao độ trước người lạ này không khó hiểu đối với một dân tộc phải giành giật từng mảnh đất lập quốc ngay giữa thế giới những người khác chủng. Dân ta lại khác, thấy người lạ về một phương diện nào đó là nhìn chòng chọc từ xa, đến gần, qua rồi còn ngoái nhìn theo nữa, đặc biệt là nhìn dân mũi lõ mắt xanh. Chúng ta giải thích thế nào nhỉ? Cái nhìn dò xét và nghi ngại cao độ đến nỗi ám ảnh của một dân tộc từng tang thương vì nô lệ và vì nội thù không dứt chăng? Làm sao phân biệt với cái nhìn hám lợi, cầu cạnh? Hay cái nhìn chỉ là biểu hiện thói tò mò của một dân trí thấp kém?

Hãi nhất là cái nhìn mật thám. Dĩ nhiên mật thám cũng là một nghề trọng dụng. Nhưng mật thám, chó săn, tình báo, đặc tình, gián điệp mà được phát triển đại trà mọi lúc mọi nơi mọi đối tượng thì phim ảnh tiểu thuyết cũng không tưởng tượng nổi. Mà thời nay, hình như ai cũng có thể là mật thám cả. Có thể là đôi trai gái chụm đầu rù rì ở bàn bên cạnh trong quán ăn, có thể trong đám người học ngoan ngoãn lễ độ trong lớp học, có thể là người quen hoặc đồng nghiệp tươi cười nơi công sở, có thể là cô gái che nón sùm sụp bán vé số hay cậu bé đen đủi đánh giầy,… Cái từ mật thám này có từ thời Tây, bây giờ nghe vẫn thấy nổi gai ốc. Giá trị khủng bố của từ này vẫn hay bị lợi dụng, tuy rằng ngày nay có nhiều từ khác nghe có vẻ hiện đại hoặc ‘siêu thực’ hơn, thí dụ ăng-ten, nhưng ý nghĩa lại càng đáng sợ.

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ / Ta với nhà ngươi cả tiếng cười… Nguyễn Bính ngày trước ngông nghênh lắm. Có phải ý ông nhắc lại tích Trương Tịch ngày xưa bên Tầu trợn trắng hai con mắt mà nhìn thách đố khinh bỉ kẻ tiểu nhân, dành đôi mắt xanh chỉ để nhìn ngắm người quân tử? Nên hiểu rằng ông nhìn thế nhân bằng hai con mắt trắng dã lạnh lẽo như ngân nhũ, xem thiên hạ đều là bọn tiểu nhân hèn kém, cùng bạn tâm giao cười to lên cay đắng, và đành vơ vất nơi phương nam: Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ / Uống say mà gọi thế nhân ơi! ("Hành phương nam")? Hay phải hiểu ngược lại, thế nhân phương nam đem con mắt trắng lạnh nhạt mà nhìn ông, xem ông là phường hèn kém, khiến ông đau lòng chỉ còn biết cười khan nốc chén rượu cay giữa chợ đời tạp nhạp? Có lẽ là thế, vì trong cơn say, ông vẫn tha thiết kêu gọi thế nhân một cách thảm não, muốn nhìn nhận, muốn kết tình thân và ước hẹn cơ đồ. Bàn nhảm vậy thôi, chứ ngày nay Nguyễn Bính có sống lại, hành phương nam, chắc chẳng có cơ hội ngạo nghễ, hào sảng, ăn nói vung vít nơi chốn chợ búa như thế. Cái kiểu cá nhân chủ nghĩa vô chính phủ, dương mắt trắng mà nhìn người ta, hay rủa người ta đều mắt trắng cả, coi chừng không còn mắt mà nhìn!

Chuyện xưa hơn, lại nhớ đến Tôn Ngộ Không với phép thiên lý nhãn nhìn xa tới ngàn dặm. Thời nay có mắt thần radar rồi mắt quét lazer tinh diệu hơn nhiều. Trên vũ trụ xa thẳm, những vệ tinh ghi nhận những hình ảnh nhỏ xíu trên trái đất rồi phóng đại ra, chẳng chi tiết nào mà không nhìn thấy được. Và nhờ kỹ thuật lazer kết hợp với công nghệ computer, từng bộ phận li ti ngóc ngách ở sâu kín trong thân thể ta đều hiện rõ trên màn hình monitor, và một bà mẹ có thể nhìn thấy bào thai con mình mới mấy tháng tuổi đang tượng hình trái tim mỏng manh, quơ quơ hai bàn tay bé xíu đang mọc ngón, mới thật kỳ diệu đáng yêu sao! Nhưng mặt khác, chúng ta chợt nhớ đến George Orwell. Trong tác phẩm 1984, con người gọi là “công dân” làm gì trong nhà mình cũng bị theo dõi hết trên màn hình ở một đài trực quan sát 24/24 mới thật là ám ảnh hãi hùng. Làm sao từ trước năm 1948, sống ẩn mật như là một nhà sư trong một ngôi chùa ở Miến Điện, George Orwell có thể phóng trí tưởng tượng đến mức đó về ý nghĩa của một chế độ toàn trị kinh hoàng?

Hỡi ơi, ánh mắt thương yêu, cái nhìn thân mến chỉ còn trong đám thâm giao chí cốt mà thôi. Và nữa, chẳng nghi ngờ gì được, ánh mắt nào thật hơn ánh mắt những người trong một gia đình? Những cặp mắt trung thực chăm sóc, ân cần, trìu mến, thân thương thắm đẫm tình máu mủ ruột rà là tất cả ý nghĩa linh thiêng dưới mái ấm, nơi trú ẩn cuối cùng của đời những con người vất vả nguy nan trong một đời sống xã hội suy sụp nhân văn tồi tệ. Phước cho những ai còn gìn giữ được một gia đình lương thiện với những trái tim trong lành, tình nghĩa! Xin chúc tất cả các bạn thân yêu của tôi trong đời sống hiện đại thế này! Dù thực lòng tôi không mấy tin tưởng ý nghĩa lý tưởng của gia đình ngày nay còn được bao nhiêu. Xin hãy cho tôi một niềm tin, dù nhỏ bé, ở quê hương mình...

 

01/5/05

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021