thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bí quyết của Hà Ô Lôi

 

Khác với Trương Chi người có giọng hát rất hay nhưng lận đận về đường tình duyên, nếu không bị giã bằng chày thì chẳng biết hậu duệ của Hà Ô Lôi hiện nay lên đến con số bao nhiêu.

Chàng ta là mẫu nghệ sĩ thật lạ đời. Không chỉ là người tình của các vị công nương quyền quý mà còn là bạn bè thù tạc của nhà vua. Một trong số những nghệ sĩ vô cùng hiếm hoi trong lịch sử được sự nuông chiều của nhà chức trách, và bởi vì sự xuất chúng của chàng ta trong chuyện “chim gái” mà y đã trở thành một điển tích văn chương có một không hai.

Tuy nhiên, điều làm người đọc hôm nay cảm kích đấy chính là tấm lòng cởi mở vô tư đầy chất nghệ thuật của các vị công nương các hoa hậu đương thời. Dường như nó gợi ra một đời sống rất đỗi quý tộc, sự ngây thơ và thiếu từng trải của người đẹp rõ ràng chỉ có thể tồn tại ở nơi cao quý. Nhưng sự si tình đến mức ôm cả một đứa hái cỏ băm bèo xấu xí vô cùng thì lại là một cấp độ của đời sống thi ca. Sức thưởng ngoạn nghệ thuật và khả năng thấu hiểu con người của họ thật đáng cho các nữ biên tập viên ngày nay nghiêm túc học hỏi.

Thông thường, sự si mê một con người, trong quan niệm xã hội truyền thống, và trong những câu chuyện truyền thống, chỉ diễn ra trong phạm vi rất hẹp, thường là giữa hai người với nhau. Chử Đồng Tử và Tiên Dung là chuyện tình ái như vậy. Thật là buồn cười khi moi lên từ dưới cát một gã đàn ông trần truồng trong kinh hãi với một vẻ đẹp hoang sơ trong sáng tuyệt vời. Và nàng đã sở hữu chàng hết sức nghiêm ngặt. Còn với Hà Ô Lôi, quả thực là chẳng ai biết y đã trải qua “chuyện ấy” với tổng cộng bao nhiêu con nhà quyền quý đương thời. Y là “thần tượng” đầu tiên trong lịch sử và là ông tổ của các thần tượng ngày nay. Chuyện tình ái với y thật tệ hại, nó không nhằm dẫn đến hôn nhân, và tệ hại hơn, thậm chí những công nương các người tình của chàng cũng chẳng ngó ngàng gì đến tiết hạnh và tương lai nữa. Với họ, chỉ còn lại một Hà Ô Lôi.

Quả thực, chàng đã làm náo loạn cả một chặng lịch sử đương thời, và có lẽ tình trạng bức xúc này nếu không có cái cối để giải quyết thì còn làm điên đầu những nhà phê bình văn học đáng kính của chúng ta cùng với các nhà hành pháp cho đến tận ngày nay.

Thời đại đáng yêu của người nghệ sĩ và công chúng của anh ta phải chăng đã chấm dứt?

Phải chăng người tình vĩ đại nhất của mọi thời đại đã qua đời trong một cái cối đá?

Không hẳn.

Với quan niệm khoa học về sự biện chứng và dựa trên sự phát triển định luật bảo toàn chúng ta biết rõ rằng người tình vĩ đại nhất của cuộc sống không bao giờ chết mà y chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác (dưới kiểu cách lý giải của đạo Phật thì định luật này nghĩa là công nhận sự luân hồi của người nghệ sĩ).

Nguyễn Du là một thí dụ tiêu biểu. Anh ta chính là một kiếp luân hồi, và đã thực sự trở thành người tình vĩ đại. Không chỉ bởi “người tình” của anh ta – nàng Kiều – là xuyên lục địa, bất chấp biên giới và quốc tịch, coi thường đẳng cấp cũng như mọi hoàn cảnh lịch sử, mà còn bởi vì anh ta cũng rất thành thạo chuyện gối chăn ít nhất là trên phương diện lý thuyết. Và câu chuyện lớn nhất mà anh ta viết ra đấy là một câu chuyện tình làm say mê mọi thời đại. Nó mãnh liệt và phong phú hơn cả những câu chuyện tình từng được biết đến. Các nhân vật của truyện Kiều, phần lớn các nhân vật, bất chấp phe phái, đều là những tay si tình thượng thặng, nhưng đẳng cấp thì khác hẳn nhau. Và để có thể làm người tình của ngần ấy người quả không phải chuyện ai cũng làm được.

Nguyễn Du với bài hát luyến ái mê hoặc của mình chẳng phải ai khác mà là một kẻ đã tái sinh từ trong cối đá và dưới một cái chày.

Điều đặc biệt là sự chuyển hóa trong định luật bảo toàn không quy định sự hóa kiếp nhân sinh phải nằm trong một giống.

Bởi vì vậy nếu Hà Ô Lôi hóa kiếp thành một nữ sĩ có nước da đen nhánh thì điều này không làm ai ngạc nhiên, điều quan trọng là giọng hát của cô ta phải mê hoặc và “Fan hâm mộ” của cô ta phải là vô số.

Trong thực tế thì Hồ Xuân Hương cũng là một người tình vĩ đại nhất. Và, đi thẳng vào đề tài sinh tử của con người, đề tài đầu tiên và đề tài cuối cùng, nghĩa là đề tài vĩnh cửu, đấy là hai vật linh.

Với một đôi mắt tinh đời, dường như nhìn đâu nàng cũng thấy hình bóng của vật linh. Thậm chí một cái hang đá ở chùa Thầy nơi Từ Đạo Hạnh hóa thân linh thiêng như vậy với những ông sư được tạc tượng để thờ thì nàng cũng vẫn cứ liên tưởng đến những cái vật ấy.

Ai đã từng đến hang Cắc Cớ cũng ở chùa Thầy đều biết rằng nơi này còn táng lượng hài cốt đáng kể tương truyền là di hài của nghĩa quân bị giặc vây hãm chết đói. Cảnh vật nơi này u tịch và nhiều tử khí. Thế nhưng ngay cả trong trường hợp này thì đối tượng vịnh thơ của nhà thơ vẫn chẳng phải cái gì khác ngoài những vật linh hết sức sinh động và cuốn hút con người.

Lật ngược lại hồ sơ của những vật linh, đề tài vịnh thơ gần như duy nhất của Hồ Xuân Hương, ta thấy hiện trên đền thượng của đền Hùng nơi linh thiêng nhất còn thờ hòn đá mà có người gọi là đá thề nhưng có người bảo đó chính là linh vật. Cách đấy chừng dăm cây số đường chim bay là quê hương Tổng Cóc nơi hiện nay hằng năm vẫn diễn ra lễ hội Lệ Mật, tên nôm gọi là trò trám, nghĩa là đem hai vật linh của nam và nữ được thờ trong đình ra cho chạm vào nhau (chi tiết được nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn mô tả kỹ và được truyền hình dựng thành phim truyện mới đây).

Nếu nhìn rộng ra nền văn học truyền thống Việt Nam với đặc trưng cơ bản là si tình là “sex” (hiểu theo nghĩa văn minh nhất), chúng ta thừa nhận rằng những người tình vĩ đại của cuộc sống vẫn thường xuất hiện rất kịp thời và để lại những bài ca lớn.

Tượng người Việt cổ

Đấy là trường hợp của Cung oán ngâm khúc, một trường tình dằng dặc tưởng chừng không bao giờ dứt. Nơi người đàn bà không có một việc gì làm ngoài việc tơ tưởng đến một người đàn ông. Người này không phải để làm bạn bè tâm giao, không phải đệ tử chẳng phải người thầy khả kính. Anh ta cần phải đến để làm cái việc mà anh ta cần phải làm. Anh ta cần phải nhớ đến sứ mệnh lịch sử của một người đàn ông, đó là gì?

Câu truyện này loại trừ những suy nghiệm tư tưởng triết học giữa mối quan hệ giữa vương triều và quần chúng giữa chính trị và nòi giống, nó nổi bật lên không khí của một truyện tình oan trái giữa nơi tưởng như mọi vật chất đều dư thừa.

Đấy là Chinh phụ ngâm, mối tình cảm động đại diện cho vô số những cuộc tình đã phải hy sinh vì nghĩa vụ quốc gia cũng như hi sinh vì những chuyến đi công tác, đi buôn, đi tù, đi xem cúp C1, vv và vv.

Sự tương phản giữa những huân chương, huy chương, những miếu thờ thành hoàng (phần lớn các vị nhân thần ở Việt Nam đều trưởng thành qua chiến trận) đấy là một mối tình khắc khoải bồn chồn, sự nhớ nhung gay gắt và tê điếng. Thế đấy, chiến tranh không thể giết chết được tình yêu, nó chỉ làm cho tình yêu như ủ trong tro, không bao giờ nguội và không thể lạnh tàn.

Trong “Hịch tướng sĩ”, Hưng Đạo đại vương cũng có nói nhiều đến chuyện ăn chơi ví dụ như thú chọi gà. Tuy nhiên, để khẳng định trách nhiệm với quốc gia ông cũng không quên nhắc nhở tướng sĩ về những chuyện vợ con thê thiếp vốn rất thịnh hành thủa bấy giờ.

Trong thơ nôm Nguyễn Trãi người ta thấy ông dường như tránh viết về đề tài cấm kỵ, có lẽ bởi vì dù sao ông cũng là đại quan, chức tước cũng chẳng kém gì ông Nguyễn Khoa Điềm ngày nay. Nhưng ngôi sao khuê sáng vằng vặc của dân tộc này lại có người thiếp yêu là Nguyễn Thị Lộ tương truyền trẻ tuổi hơn ông đến mức phải kinh ngạc và đáng để suy ngẫm. Người đàn bà này thậm chí còn bị vua vời theo hầu, và qua đó mà xảy ra vụ án vườn vải khiến cho Nguyễn Trải cuối cùng đã thiệt mạng vì một chuyện ái tình dại dột đáng tiếc biết bao. Ví dụ ông cứ an phận với một người vợ già đã đầu bạc răng long thì làm sao xảy ra vụ án vườn vải được.

Bấy giờ nói sang thời cận đại thì một trong những người làm thơ hay về gái điếm là cụ Nguyễn Khuyến nhưng hư hỏng thực sự phải là Tú Xương. So với những vị như Nguyễn Công Trứ thì ông không có điều kiện bằng vì vợ phải đi buôn ở mom sông lỗ lãi phập phù, nhưng phong cách của ông so với Nguyễn Du thì cũng không thua là mấy.

Hậu sinh là một thế hệ đa tình như Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, mỗi kẻ khổ vì tình một kiểu khác nhau. Đều có thể khẳng định là hậu duệ của Hà Ô Lôi. Những năm sau này vì hoàn cảnh chiến tranh vô cùng khắc nghiệt nên tình ái có phần sa sút, những người tình thuộc diện cự phách như Trịnh Công Sơn hay Hoàng Cầm cũng vì cuộc chiến mà bị phân tâm đáng trách. Kẻ thì thừa dấm kẻ thì thiếu thuốc, tuy cũng đã kịp thời có được lượng công chúng riêng hâm mộ nhưng thiên hạ chưa phải dùng đến cối đến chày để xử lý.

Về sau nước ta xuất hiện Phạm Thị Hoài cũng viết nhiều về tình ái và phòng the cảm động được nhiều người Hà Nội tán thưởng. Nhưng so với Hồ Xuân Hương thì văn của Phạm Thị Hoài chủ đề phân tán quá, đã vịnh nhiều thứ khác nhau thậm chí cả súng lục, nên cũng không thể gọi là toàn tâm toàn ý vào cổ vật thuần khiết của dân tộc.

Còn phần lớn các nhà khác mải mê vào chuyện chính trị hư danh ở đời, xem chủ đề tình ái chỉ là cái cớ để nói xấu chính trị, như người lính đã ra ngoài biên ải để người vợ mòn mỏi chờ trông, chủ yếu tập trung vào trận địa (Hội (cựu) Nhà Văn), ôm súng hỏa mai đầu đội nón lá, lâu lâu mới nhận được thư nhà thì chữ nghĩa như rau muống diễn đạt không thành văn chẳng biết nói gì.

Vì thế mà hình ảnh người nghệ sĩ cũng không còn được người đời si mê như trước nữa. Tiếng hát cất lên, hoặc như kèn xung trận hoặc như lời ca thán u sầu, không được chị em mến mộ đến phát ốm chữa mãi không khỏi. Điều này có phải là dấu hiệu của sự suy đồi thoái giống nòi nghệ sĩ Hà Ô Lôi hay không?

Tôi hy vọng là không, nhưng tôi nghi là có.

Để mà toàn tâm toàn ý vào đề tài ái tình và vào vật linh như Hồ Xuân Hương ngày xưa là chuyện chẳng phải dễ dàng, thậm chí với nhiều người, đã tự coi mình “trái tim hóa đá” chỉ sống bằng đầu óc và mưu mẹo, số khác thì sống đói khổ vật vờ cô độc như Nam Cao nhưng khác Nam Cao ở chỗ là không thể viết được câu chuyện tình kiểu Thị Nở và Chí Phèo. Những người con gái đẹp, theo Nguyễn Huy Thiệp, lại thường rơi vào tay những kẻ chẳng ra gì, đại loại là cỡ Sở Khanh hoặc Hồ Tôn Hiến thôi.

Chị Vi Thùy Linh có những vần thơ tình khiến nhiều người phải sửng sốt tự vấn xem tình cảm của mình đáng gọi là loại tình gì, thì thật đáng thất vọng khi trong lá thư gửi cho Bùi Chát đã được anh công bố, chị lại cho rằng chị không mấy mặn mà với cái đề tài ấy và cho rằng sứ mệnh của chị là xyz gì đó.

Hai tập thơ của Bùi Chát chủ đề tập trung vào vấn đề nòi giống và sự báo động xung quanh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Đề tài thiết thực, cập nhật. Nhưng quả thực là nghĩ đến cái sự “buồn thiu” của nhà thơ trẻ này đưa ra thì thấy tình lực của anh so với những bậc tiền bối đã suy giảm nghiêm trọng. Tình ái nói chung đã không còn là tình ái nữa mà là chỗ để trút bầu tâm sự, như mái nhà che nắng che mưa, trách nhiệm hết sức nặng nề, trái với bản chất của nó là cất cao tiếng hát si mê và hóa kiếp ở dưới chày. Nhà thơ đi karaoke thường xuyên hơn, nhưng mối tình với kỹ nữ như Nguyễn Du thì chẳng mấy người nẩy nở được. Xem chuyện ấy giống như tập thể dục hay là một dịp đánh giá lại mình.

Một tài liệu trên báo mạng cho biết nhiều nơi nhiều nước người ta làm “chuyện ấy” với tần suất ít đi đến mức đáng báo động mỗi tháng. Phải chăng đấy là tình trạng chung của loài người?

Dù sao, một dân tộc kém si tình dần đi là đáng buồn bã.

 

05/05/05

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021