thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những buổi sáng không tồn tại

 

Buổi sáng, tỉnh dậy, thấy mình nhẹ bẫng. Nước mắt chảy ra từ lỗ tai.

Sờ vào chỗ kín. Cái ấy không còn nữa. Nó đã biến mất. Và từ nơi ấy, đã mọc lên, một tấm bia, có đề dòng chữ: “Thơ. Quê quán: không rõ. Thành tích: không rõ. Sinh ngày... tạ thế ngày...”.

 

Ước gì những cái chết, của thơ, đều được một tấm bia.

Những nầm mồ thơ trong mỗi con người đều vô danh.

Một nghĩa địa khổng lồ. Trong đó ta có thể thấy những đền đài lăng tẩm lẫn những nắm đất lụi tàn. Tất cả tự chôn vùi và chồng đống lên nhau ào ào như vũ bão. Chúng được giải toả rất nhanh, để xây nên những biệt thự nhà lầu, xe hơi, những công ty, những trường học. Nơi ấy sinh sống và thành công với mọi hạng người, và cuộc sống rất yên ổn, nơi ấy, sinh con đẻ cái, kiện tụng tranh chấp và cùng nhau hưởng thọ, những xác các nhà thơ.

Nếu ta không đi mua sắt vụn, giấy loại và những đôi dép hỏng, nếu ta chỉ đi mua những tâm hồn thơ, mỗi ngày trở về ta có thể chở khoảng bốn bì tạ. Những tâm hồn suy dinh dưỡng và đầy bệnh tật.

Việc đầu tiên là cho hết vào nồi hấp.

Thật khủng khiếp. Số lượng vi sinh vật bị tiêu diệt là không thể thống kê được chủng loại.

Trong đó chiếm vị trí thống soái vẫn là loài vi rút có tên “sung sướng”. Dường như chúng là nguyên nhân trực tiếp gây ra chứng bệnh “gút” của tâm hồn. Và để tránh những hậu quả khôn lường người ta đã dùng quá nhiều hoá chất và tia la de để khoanh vùng thơ lại, tán nó đi, như tán sỏi thận vậy.

Hấp xong thu được bốn bì tâm hồn đầy sẹo. Không có mùi vị.

Những tâm hồn này như các tấm da rái cá. Chúng mắc quá nhiều lưỡi câu.

 

Một buổi sáng có trong sự thật của trí tưởng tượng. Tỉnh dậy và thấy cái ấy vẫn còn. Nó như một tấm bia lãng quên trong bụi rậm, có ghi dòng chữ: “Nơi đây từng sinh ra những con người”.

 

Tại bệnh viện 108 có nhiều ca ghép của quý mà “thân chủ” là người đã bị chó cắn mất lúc còn thơ, đã nhờ có một cái chết bất ngờ của đồng loài mà được sở hữu vật linh.

Quá trình cấy ghép này có liên tưởng được với sự cấy ghép thơ lên cơ thể hay không ?

Không.

Các bác sĩ đã nhận được rất nhiều thư cám ơn của “thân chủ” họ, rằng cái của lạ kia, hoạt động rất tốt, và thật kỳ diệu làm sao, nó đã cho người ta hiểu cái giá của một người bình thường.

Nhưng thơ thì không.

Mặc dù đã uống rất nhiều thuốc chống sự đào thải của cơ thể, phần thơ cấy ghép cứ teo tóp và rút cục chỉ còn lại là một túm da.

 

“Bay đi, những cánh chim biển”.

Những cuộc phóng sinh vĩ đại, những trước tác khổng lồ, đó là thời đại của thi ca.

 

Đã từ lâu lắm rồi, không gặp một người nào đó, đợi mình ở quán nước chè chén năm trăm đồng, đôi mắt như một vũ trụ còn cơ thể như một vết thương vĩnh cửu, tự giới thiệu: “Tao là nhà thơ”.

 

Sau cái chết của Văn Cao và Trịnh Công Sơn, người ta nghĩ rằng cái chết cũng chính thức chấm dứt.

Cái chết đã biến mất khỏi cuộc đời, chỉ còn lại những sự ra đi, lặng lẽ hoặc là vội vã, như đi chợ. Mặc dù, vẫn còn một số cái chết khác nữa, cũng hết sức xứng đáng được gọi là cái chết nhưng cũng không thể cứu vãn nổi sự ra đi của thời đại.

 

Hình như chính trị cũng thế.

Nhân hôm nay là ngày 19 tháng 5 chăng, anh bạn tôi đang đi học tại Học viện Hồ Chí Minh về, bảo: “Thật khủng khiếp”.

Anh được dạy, và được biết rằng, anh nói: “Trong Hồ Chí Minh tuyển tập độ dày tới mấy trăm , được in thành đĩa, duy nhất chỉ có hai lần ông Hồ nhắc đến chủ nghĩa xã hội. Mỗi lần như thế đều kèm theo những lời giải thích rất rõ ràng.”

Tại sao lại thế nhỉ? Hỡi một cây bút chuyên cần?

Một kẻ hoàn toàn mù tịt về chính trị như tôi đương nhiên không thể hiểu nổi. Nhưng anh bạn tôi không biết hoặc là biết mà chẳng nói gì. Chỉ còn lại những con số.

Anh bạn tôi rất khâm phục Hồ Chí Minh. Và dường như đối với những người như anh thì thời đại của cái chết chính trị cũng đã chấm dứt từ năm 1969.

Hai chúng tôi, một người chỉ quan tâm đến văn học một người chỉ đam mê chính trị, cùng ngồi với nhau trong quán cà phê. Đám cưới của tôi anh mừng một triệu đồng còn đám cưới của anh ta thì tôi mừng một trăm.

 

Mỗi người một thời đại. Mỗi người một buổi sáng.

Những buổi sáng không có và có, trong sự thật lẫn không trong sự thật.

Những buổi sáng tự tìm kiếm cái ấy của mình.

Và chợt nhận ra rằng, nó vẫn còn ở đó, như một thứ lịch sử, đã bị thời đại vượt qua.

Nó đã vượt ra ngoài vòng sự sống và cái chết. Nghĩa là nó quả thực đã từ lâu không còn tồn tại nữa.

 

19/05/05

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021