thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghệ thuật đồng hiện

 

Đối với một người sáng tạo thì không có gì sáng sủa và dễ hiểu hơn là công việc của anh ta.

Sáng tạo, đấy là làm tiếp công việc của người đi trước.

Thế thôi.

Có cái gọi là quá khứ không?

Chắc chắn là không. Chẳng có cái gì là quá khứ đơn thuần, tĩnh tại, và biệt lập.

Nếu như anh đào thấy một món đồ cổ dưới đất mà anh không có chút hiểu biết gì về nó, chẳng biết nó là đồ gì, dùng vào việc gì, có giá trị ra sao, thậm chí ngay cả tên gọi và niên đại cũng mù tịt, thì chắc chắn món đồ vô giá ấy với anh sẽ không bao giờ có được vị trí tồn tại trong ý thức của anh, anh sẽ đập vụn nó hoặc vứt nó vào xó bếp. Thứ quá khứ ấy không có “môi trường” để tồn tại trong hoàn cảnh như vậy.

Tất cả những gì được gọi là lịch sử, quá khứ, di sản, truyền thống, đều là những gì hiện tại có thể hiểu được nó, đánh giá được nó, thậm chí còn khả năng sử dụng nó.

Cho dù cuộc tranh cãi lý thuyết về vấn đề tương tự như vậy sẽ chẳng bao giờ kết thúc nhưng trong sự thực lại khá hiển nhiên. Cái món đồ cổ kia lập tức được vào bảo tàng sang trọng nhất và được xem như phát kiến khảo cổ vĩ đại nhất, nếu nó rơi vào tay một chuyên gia có tầm vóc.

Không phải hoàn toàn phụ thuộc vào sự định giá cũng chẳng lấy làm chắc chắn gì của hiện tại, nhưng rõ ràng quá khứ không thể có môi trường tồn tại nào ngoài hiện tại, cái hiện tại là hôm nay, cái hiện tại là ngày mai, thì cũng thế cả thôi.

Thế giới sẽ làm gì nếu phát hiện ra một văn bản cổ hết sức vĩ đại mà thứ chữ viết ấy đã hoàn toàn mai một, không ai đọc được. Văn bản ấy, có hơn gì một đống giấy vụn? Nó có thể đem lại nhận định nào đó về sự tồn tại của một thứ chữ viết ngày nay không còn nữa, có thể đánh giá vị trí đáng kính của dân tộc X nào đó, nhưng những điều ấy chẳng liên quan gì đến giá trị đích thực mà văn bản kia chuyển tải, nay là con số 0. Nó không thể giải quyết được vấn đề đó. Trong trường hợp như thế, quá khứ không tồn tại, bởi hiện tại không có khả năng nhận diện cái quá khứ đó. Và không ai có thể chỉ đống giấy vụn muôn đời kia mà gọi đấy là quá khứ được. Nó chỉ là một bí ẩn mà thôi.

Nhưng quá khứ tồn tại cũng hết sức “thông thoáng” trong hiện tại, và chẳng có cái quá khứ nào có thể “đứng im” nổi.

Hãy nhìn cuộc chiến tranh 1954 – 1975. Với tất cả các phía, cuộc chiến ấy được hiểu và được nhìn nhận trong thời hiện tại rất khác trước, nó không chỉ là sự thay đổi về cảm quan cảm xúc mà cả những tri thức lý tính. Như vậy, cuộc chiến 1954- 1975, với tư cách là một đối tượng của nhận thức thì đối tượng này trước sau không phải là một. Ngay cả với ông Nguyễn Khoa Điềm, nếu bây giờ viết về chiến tranh ông cũng không thể viết như Phạm Tiến Duật trước kia được. Dù ông có muốn thì lực cũng bất tòng tâm. Và tình hình với Du Tử Lê cũng tương tự như vậy mà thôi.

Sẽ không ngạc nhiên nếu như cuộc chiến tranh ấy đã được viết ra, chỉ với khoảng cách vài chục năm, hiện lên như hai cuộc chiến khác hẳn nhau. Có gì giống đây, giữa cuộc chiến trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và cuộc chiến trong “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu? Hiển ngôn, chúng không phải là một.

Những cái gọi là “quá khứ”, vì vậy, trong thực thế là một thứ hiện tại được nối dài. Thậm chí qua đó người ta có thể hiểu được hiện tại nhiều hơn là cái quá khứ mà họ tâm đắc say mê.

Ví thử trong trường hợp sơ suất nguyên tử, loài người bị diệt vong thì những kiệt tác kia có thể vẫn còn lại phần nào, nhưng nó sẽ là “quá khứ” được nữa không, và “quá khứ” với ai? một loài sinh vật nào sống sót sau thảm họa sẽ sở hữu cái quá khứ ấy giống chúng ta hay không? Chúng sẽ công nhận những cái gì là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể nhỉ? Ví dụ loài sâu chẳng hạn.

Một tác phẩm tồn tại được với thời gian hoàn toàn không phải là toàn bộ các giá trị của nó trường cửu mà là vì thời hiện tại người ta vẫn tìm thấy ở nó một số những giá trị. Những giá trị này, có thể lúc trước chỉ là những thứ dớ dẩn, chẳng ai thèm nhắc đến làm gì.

Đấy là trường hợp không ít giám đốc ứng dụng Khổng giáo vào quản lý doanh nghiệp. Trong khi vài trăm năm trước việc ứng dụng Khổng giáo chủ yếu là để phục vụ nền chính trị quân chủ. Về bản chất thì những giá trị ấy đã trở thành vô giá trị, bởi sự đánh giá của hiện tại, hiện tại không coi chúng là truyền thống hay di sản nữa.

Nhưng hiện tại là gì?

Có cái gì gọi là hiện tại không?

Cái vi tính có thể xuất hiện được không nếu thiếu những kiến thức “cổ điển” đã làm ra nó. Cái vũ trụ bay vèo vèo kia sẽ là gì nếu thiếu toàn bộ nền khoa học trước nó?

Hiện tại sẽ không tồn tại được, với tư cách tĩnh tại và biệt lập. Nó là quá khứ nối dài.

Người ta sẽ không làm tòa tháp đôi nếu không có các nhà tranh và hang động. Biết đâu thiếu tất cả các dạng nhà cửa đã từng xuất hiện người ta sẽ làm trung tâm thương mại theo kiểu tổ chim? ( rất khó xảy ra tình trạng này, bởi con người từ xa xưa đã thường cư trú trong hang động với cấu trúc gần như một ngôi nhà).

Người ta thường ít quan tâm đến cách nói.

Không ít người sáng tạo khẳng định rằng mình chỉ thuộc về hiện tại, hoặc tương lai, không quan tâm đến quá khứ, phản bội quá khứ, chống lại quá khứ.

Tất cả những điều đó, chỉ là cách nói. Một cách nói mà thôi.

Thực chất thì không ai có thể không quan tâm, phản bội, chống lại quá khứ được. Người ta có thể chống lại một giá trị đã lỗi thời của quá khứ bởi vì người ta tìm thấy một giá trị mới, người ta không thể chống lại toàn bộ các giá trị được.

Anh có thể chống lại thiết chế quân chủ và tư tưởng quân chủ điển hình trong Khổng Giáo nhưng anh không thể chống toàn bộ Khổng Giáo càng không thể chống lại mọi tư tưởng cùng thời với Khổng Giáo được.

Không ai có khả năng tạo dựng một thứ hiện tại đơn lập và siêu hình. Ngoại trừ những yếu tố thuộc di truyền còn bí ẩn, chúng ta đã sinh ra khi có những cánh đồng, những đô thị, những làng bản, các tục lệ, thói quen, những màu sơn, những hàng rào. Quá khứ lúc này không chỉ đơn giản là một cuốn sách hay một trào lưu. Quá khứ là tồn tại khắp nơi, từ việc cắt móng chân, gội đầu, đi vệ sinh thế nào, ăn bằng đũa hay là bốc, ngủ trên giường hay trong ổ rơm. Không ai có thể chối bỏ thứ quá khứ như vậy. Đấy là thứ quá khứ được gọi là hiện tại, nhưng đích thực là thứ quá khứ kết tinh đến một thời điểm cụ thể, mà thôi.

Một nhà thơ trước khi thành nhà thơ đã học trọn vẹn một quá khứ ngôn ngữ khổng lồ. Và ngay cả khi anh ta có một hay nhiều tập thơ hiện đại nhất thì điều đó không có nghĩa rằng anh ta đã có thể hoàn toàn vứt bỏ vốn liếng từ vựng không biết có tự lúc nào !

Mất toàn bộ vốn liếng từ vựng ấy, anh ta mất khả năng giao tiếp với toàn bộ cộng đồng. Và đương nhiên anh ta sẽ nghĩ về thơ như thế nào thì không ai biết được.

Nhưng làm sao có thể quên một kho tàng từ vựng đã thu nạp từng giờ từng giây và trở thành một thứ “bản năng” ngôn ngữ đến độ nói và viết không cần quy tắc ngữ pháp?

Cũng có người mất khả năng tiếp thu vốn từ vựng, nhưng điều đó không có nghĩa họ hoàn toàn không tiếp thu quá khứ ( trong cái gọi là hiện tại - một thứ quá khứ nối dài) tràn ngập trong sinh hoạt thường ngày.

Như vậy, sợi dây nối quá khứ với hiện tại, hiện tại với quá khứ là một sợi dây bất tử. Chúng tồn tại trong sự đồng hiện.

Cuộc sống là một sự đồng hiện kỳ vĩ, tinh vi, nghiệt ngã và cũng là hạnh phúc.

Đồng hiện không theo kiểu soi gương. Nó giao hoà theo luật âm dương. Cái mới có thể là âm, có thể là dương. Để theo trò vui ứng muôn hình.

Vì chúng không có trật tự trước sau nên thực chất là không thể chặt đứt, chia đoạn cuộc sống được, không bao giờ đập vỡ được hiện tại cũng không thể bắn trúng quá khứ.

Tựa như các bộ phận của cơ thể người, chúng có thể được giải phẫu để nghiên cứu, nhưng các bộ phận này không bao giờ có thể tồn tại như nó vẫn tồn tại mà không cần đến cơ thể. Cơ thể có thể thiếu các bộ phận như sự bất đắc dĩ, nhưng các bộ phận không thể thiếu cơ thể để duy trì sự tồn tại thực.

Tình trùng có thể được bảo quản trong ngân hàng, nhưng để duy trì sự sống thực thì nó phải được cấy vào cơ thể, phải tuân thủ các nguyên tắc sống vốn dĩ của nó.

Không ai ngăn cản người sáng tạo đưa ra những sáng tạo đột khởi, chưa từng có một tiền đề nào.

Nhưng lịch sử thường ít khi ủng hộ các dự án như vậy. Các giá trị đều được xây dựng trên nền tảng sẵn có và biết thừa nhận sự thực đó. Nó có đủ dũng cảm để thừa nhận điều ấy.

Ngay cả khi không tiếp nhận trực tiếp từ cái gọi là quá khứ xa xưa thì toàn bộ cái quá khứ nối dài mang tên gọi là hiện tại cũng chi phối mạnh mẽ bản thân con người. Anh ta mãi mãi thuộc về thời đại của mình một cách trọng vẹn nhất, đích thực nhất.

Và điều ấy cho thấy sáng tạo không phải là một biến cố bất thường không lý giải được hay một nỗ lực cá nhân vô thời đại, mà đó chỉ là công việc hết sức bình thường, diễn ra hàng ngày, và diễn ra mãi mãi, đối với người sáng tạo.

Và niềm hạnh phúc lớn nhất của người sáng tạo không phải bởi công việc độc đáo của mình mà bởi vì công việc ấy trở nên bình thường, được xem là bình thường, tất nhiên.

Và hạnh phúc của người sáng tạo không phải là chẳng cần tôn ai làm thầy mà sung sướng vì lúc sinh ra mình đã không còn là loài vượn nữa. Và ngay cả cụ rùa dưới hồ Gươm cũng chẳng giống hệt tổ tiên của cụ hàng triệu năm trước. Cụ cũng hậu hiện đại đấy chứ. Cụ thực ra biết nhiều điều mà tổ tiên của cụ không thể biết được.

Họa chăng chỉ có các cơn mưa là vẫn thế.

Nhưng nghĩ cho cùng thì thời sơ sử cũng chẳng có mưa, hoặc biết đâu chỉ là mưa hóa chất. Nên mưa này tạm gọi là mưa hậu hiện đại, tức là mưa vào đầu những kẻ hậu hiện đại.

Cho dù đôi khi người ta cho rằng sáng tạo là nghề phản trắc, phản đồ, bất lương bất nhân, nhưng đó chỉ là hiện tượng, bản chất thì nhiệm vụ đích thực của những người học trò bao giờ cũng là đi tiếp con đường của những bậc tiền bối. Họ làm cho các bậc tiền bối có cơ hội dự những bữa tiệc long trọng trong thời hiện tại chứ không phải với tư cách một món đồ cổ bị nhầm là cục đất thó.

Đôi khi đám hậu sinh phát hiện ra con đường gặp phải vực thẳm và chủ động chuyển hướng khác, bỏ lại con đường cũ, chẳng thèm màng đến ý kiến của các bậc cựu lão tiền bối nơi suối vàng.

Nhưng đấy mới đích thực là đi tiếp con đường của thầy anh ta.

Bởi nếu đến được cái vực sâu vô đáy ấy thì thầy của anh ta cũng sẽ rẽ, hoặc là quay lại trở về nhà, như anh ta mà thôi, chàng ngốc ạ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021