thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mưu sinh... “trên lưng” người khác!

 

Lời giới thiệu:
Bài viết này, chúng tôi nhận được qua email, đã được đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ tại Hà Nội số ra ngày 9 tháng 10, 2005. Chúng tôi xin phép đăng lại trên Tiền Vệ vì ít nhiều nó liên quan đến một bài viết ngắn khác của tôi, Lý-luận-phi-lịch-sử , vốn đã đăng trên Tiền Vệ trước đây. Với những độc giả đã đọc bài viết ngắn của tôi, bài viết của nhà phê bình Nguyễn Hoà sẽ giải toả một số ngộ nhận, nếu có, đồng thời, nó cũng cung cấp cho bạn đọc một tư liệu thú vị về cách thức “biên tập” bài vở trên một số diễn đàn liên mạng trong nước.
Nguyễn Hưng Quốc

 

_____

 

Hôm mới rồi thấy nhà văn Phong Điệp kể: “Một năm trở lại đây tôi được phân công phụ trách chuyên mục Văn nghệ Trẻ giới thiệu của báo Văn nghệ Trẻ. Một hôm nhà văn Thuận gửi thư than phiền rằng bài trò chuyện của tôi với chị đã bị sửa đổi làm thay đổi nội dung và đăng lại trên eVan.com.vn thuộc Vnexpress.net, làm độc giả có thể hiểu sai một số vấn đề. Hơi bị bất ngờ và nhận thấy cần có trách nhiệm với nhà văn Thuận, tôi đã kiểm tra trên eVan và phát hiện ra đó không phải là bài duy nhất mà eVan đã “xào” lại của tôi. Điều đáng nói là các bài viết ấy bị thay đổi một cách cẩu thả và thiếu hiểu biết đến mức làm sai cả nội dung song lại không hề được chú thích là do eVan tiến hành. Như trong bài phỏng vấn nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, nhan đề Sống cháy mình như lửa bị người ta “mông má” biến thành Sống hết mình và cháy như ngọn lửa, những đoạn trò chuyện thể hiện cá tính, phong cách của người viết thì đã bị “gọt đẽo” để có thể “gắn vào miệng” của ai cũng được, lời của người đi phỏng vấn (Phong Điệp) ngang nhiên bị sửa thành “lời tâm sự của nhà văn trẻ Đỗ Doãn Hoàng”. Không những thế, đoạn tâm sự này còn được “kéo” lên phần đầu bài viết như một sự nhấn mạnh!

Tôi lập tức gửi email tới eVan và thật “choáng” khi nhận được phản hồi từ một đại diện của eVan coi đó là “nguyên tắc biên tập” của eVan. Quá bất ngờ và thực sự không hiểu “nguyên tắc biên tập” đó là gì, bởi lẽ tôi có gửi bài vở cho eVan đâu mà eVan có quyền biên tập bài vở của tôi. Tôi tiếp tục gửi email cho ban biên tập eVan và Vnexpress để xác nhận câu trả lời nói trên có thật sự là quan điểm của eVan và nguyên tắc đó liệu có phải là: “thuổng” và mông má các bài viết một cách bừa bãi, cầu thả; làm sai lệch bài viết mà không cần xin phép tác giả; cố tình vi phạm pháp luật khi đăng bài và sửa bài... hay không?

Thực sự lúc đó trong thâm tâm tôi chưa tin Vnexpress có thể chấp nhận, thực hành, dung túng cho một phong cách làm việc cầu thả, thiếu hiểu biết về đạo đức nghề nghiệp, vi phạm luật pháp đến như vậy. Sau một số lần email qua lại, với yêu cầu khá cứng rắn, tôi đã nhận được phản hồi chính thức từ Thư ký toà soạn Vnexpress và qua thư phản hồi, người ta như muốn tôi phải chấp nhận một thực tế: Vâng, đó chính là các nguyên tắc làm việc của eVan và Vnexpress. Tuy nhiên ngay sau đó, các bài báo được tôi nhắc đến đã lập tức bị người ta lập tức xóa ngay khỏi eVan, “không kèn không trống”, không cần quan tâm tới việc tôn trọng tác giả và độc giả. Hẳn là “sân nhà mình, muốn làm gì thì làm”! Trao đổi với bạn bè, nhiều người chẳng chút ngạc nhiên, nhiều người còn tỏ ra bức xúc. Họ bảo ngay với chuyên đề văn hoá chẳng hạn, nhưng hình như eVan cũng chẳng cần phân biệt, hay nói đúng hơn là chẳng thèm phân biệt thế nào là tin tức, thế nào là bài viết; bởi lẽ các bài viết là sản phẩm sáng tạo của một hoặc một số tác giả nên việc tôn trọng bản quyền hẳn là lẽ đương nhiên. Lướt qua eVan người đọc có thể thấy rất nhiều bài viết có nguồn gốc từ báo chí trong nước, và đặc biệt là phần lớn các bài này đều không ghi họ tên tác giả, chỉ có mấy từ rất mơ hồ, tỷ như : “Nguồn: Văn nghệ Trẻ”, “Nguồn: Tiền phong”, “Nguồn: SGGP”... bé xíu ở phía dưới, muốn biết bài ấy đăng số báo nào, ra ngày nào thì chỉ có eVan và... ông Trời may ra mới tìm được! Nực cười hơn, dưới các bài này người ta lại trang trọng in một dòng chữ rất “hoành tráng”: © Copyright 2005 www.eVan.com.vn, 1997-2005 VnExpress.net, All rights reserved. Contact us”, phải chăng qua đây eVan muốn “mập mờ đánh lận con đen” về bản quyền của các bài viết?

Để tìm hiểu vấn đề, tôi đã thử tìm kiếm qua google để xem trên eVan có bao nhiêu bài đã bị “chôm chỉa”. Kết quả cho thấy (có thể chỉ gần chính xác, vì có những bài eVan đăng nhưng google không tìm ra, hoặc ngược lại, một vài bài lại thấy đăng hẳn 2 lần), sơ sơ trong 6 tháng tính đến ngày tìm kiếm - 30.09.2005, eVan đã sử dụng 63 bài từ Văn nghệ một vài bài từ Văn nghệ Quân đội, 44 bài từ Tiền phong, 45 bài từ Thể thao & Văn hoá, 55 bài từ Tuổi trẻ, 40 bài từ Thanh Niên, 10 bài từ báo Lao động… Một người bạn nói với tôi: “Làm báo mà chỉ việc ngồi một chỗ để “chôm chỉa” như thế thì thật là quá sướng!”. Chúng ta đã bước sang thế kỷ 21 được 5 năm rồi, vậy mà hàng ngày hàng giờ nhiều người vẫn ngang nhiên vi phạm bản quyền, coi thường đạo đức nghề nghiệp và lại còn coi đó là “nguyên tắc”, là “cách biên tập” như tuyên bố của đại diện chính thức từ Vnexpress.net thì quả là không còn gì để nói!”.

Nghe Phong Điệp kể, tôi cũng chỉ biết an ủi chị vì câu chuyện tương tự cũng đã từng xảy ra với chính tôi. Chẳng là cách đây dăm tháng, từ việc đọc và nhận thấy vấn đề trích dẫn trong công việc nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đang phát ra tín hiệu thiếu nghiêm túc (ví dụ: trích dẫn la liệt như muốn khoe khoang đọc nhiều biết nhiều; trích dẫn mà lại bộc lộ khả năng “thuộc bài” nhiều hơn là “hiểu bài”; trích dẫn rầm rộ đến mức ý tưởng đưa ra chỉ là sự “nhai lại” ý tưởng của người khác còn của ý tưởng của tác giả thì... mất tăm; trích dẫn theo lối “ăn theo” vì lười nhác không tìm đọc văn bản gốc nên mới có chuyện... “râu ông nọ cắm cằm bà kia”...!), tôi viết bài Từ một kỷ lục về trích dẫn - hãy suy nghĩ từ cái đầu của chính mình! và đăng trên Thể thao & Văn hóa số ra ngày 15.4.2005. Đang “tí tởn” do được một số đồng nghiệp tán thưởng thì vào internet lại thấy trên tuoitre.com.vn có bài viết mang nhan đề “Mê hồn trận” các trích dẫn: Lười nhác trong lao động trí tuệ, tò mò tôi “nháy chuột” một cái xem sao và tá hoả vì đó chính là bài Từ một kỷ lục về trích dẫn - Hãy suy nghĩ từ “cái đầu” của chính mình! nhưng dưới diện mạo là một văn bản “dị hình”, không còn giống với những gì tôi đã viết và thật tài tình, loắng khoắng thế nào người ta lại biến tôi trở thành một tay “chống trích dẫn”!

Tôi còn tá hỏa hơn vì ngoài những việc như ghi chú một cách khá mông lung: “báo Thể thao và Văn hoá”, “băm nát” bài viết bằng cách liên tục xuống dòng, tùy tiện thay đổi nhan đề, người ta còn cắt xén, lắp ghép một cách rất “ẩu” để sản xuất ra một cái chapeau mà nếu đúng tôi đã viết như vậy thì nếu tôi không phải là một kẻ ngu xuẩn, thì cũng là một tay liều lĩnh. Nguyên văn chapeau như thế này: “Một sự thật không thể chối cãi được rằng, trong rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn ở nước ta luôn luôn ngổn ngang các trích dẫn. Vậy hoặc là khoa học nước nhà đang “có vấn đề”, hoặc là chức danh giáo sư chỉ là kết quả của quá trình “sống lâu lên lão làng”?”. Thế ra chỉ cần căn cứ vào hiện tượng “ngổn ngang trích dẫn” trong các công trình nghiên cứu khoa học, người ta đã có thể đưa ra hai khả năng tương ứng với hai câu hỏi: hoặc là khoa học nước nhà đang “có vấn đề”, hoặc là chức danh giáo sư chỉ là kết quả của quá trình “sống lâu lên lão làng” hay sao? Để đi tới kết luận như thế, phải luận chứng trên nhiều phương diện chứ đâu chỉ từ phương diện trích dẫn. Kinh hoàng hơn, người ta còn bừa bãi tự đặt hai đề mục nhỏ: 10 trang, 53 trích dẫnHãy suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình!, phớt lờ thực tế là hai từ cái đầu được tôi cẩn trọng đặt trong ngoặc kép (“cái đầu”)! Đang loay hoay tìm cách trả lời câu hỏi rằng chẳng lẽ ở tuoitre.com.vn người ta thông minh hơn, làm báo lành nghề hơn (?) thì lại thấy website này đăng bài Sinh hoạt văn chương: “Làng nhàng” chưa có đường ra! và bài này chính là bài Một tình trạng “làng nhàng” chưa có đường ra… của Vương Trí Nhàn đăng trên Thể thao & Văn hoá ra ngày 19.4.2005. Tương tự như với bài viết của tôi, bài của Vương Trí Nhàn cũng bị người ta “băm nát” và một đề mục nhỏ mà tác giả viết rất “gợi” là Vừa tiến vừa lùi dò dẫm uể oải lại được “mông má” thành Trong tiến có lùi - hẳn là do người ta thấy sửa sang như vậy mới chuẩn xác và hóm hỉnh hơn chăng!

Thấy vậy, tôi liền gửi email phản đối tới tuoitre.com và ngày 24.4.2005, ông (bà?) TTO gửi tới tôi bức thư có nội dung:

“Kinh gui nha phê binh Nguyen Hoa. TTO xin loi tac gia Nguyen Hoa vi da bien tap lai bai khong dung y cua ong. Chung toi xin phep rut lai bai nay khoi website. Chung toi se rut kinh nghiem khi dua lai cac bai viet khac cua tac gia. Cam on ong da gop y. TTO”

Và đó cũng là lý do lý giải tại sao trên tuoitre.com.vn hiện nay không còn bài “Mê hồn trận” các trích dẫn: Lười nhác trong lao động trí tuệ. Nhưng sự việc đã xảy ra thì khó có cơ cứu vãn, gần đây trên một website của người Việt ở hải ngoại, trong bài Lý-luận-phi-lịch-sử, tác giả NHQ viết: “Tôi đọc được, đâu đó, trên báo chí trong nước, cách đây mấy tháng, một nhà phê bình nọ phê phán một số đồng nghiệp của mình về thói hay trích dẫn. Ðọc, tôi ngạc nhiên đến độ ngẩn ngơ... Ðằng sau thái độ dị ứng đối với việc trích dẫn, tôi ngờ là có một ngộ nhận về quan hệ giữa nghiên cứu và sáng tạo”. Không biết người đã đưa bài của tôi lên tuoitre.com có hiểu được “nỗi lòng” của một người viết khi sự “biên tập theo trường phái úm ba la” của họ không những làm méo mó ý tưởng của tôi mà còn đẩy tôi tới tình huống bị phê phán mà không thể trả lời? Quá ấm ức về chuyện này, tôi tâm sự với bạn bè thì té ra nhiều người cũng từng là “nạn nhân” của một số báo điện tử y như tôi, thậm chí còn “kinh khủng” hơn nhiều!

Vậy không rõ từ nguồn cơn nào mà lâu nay một số báo điện tử được cấp (tự cấp?) cái “quyền” khai thác các bài viết, các thông tin đã đăng tải trên báo viết mà không cần xin phép tác giả. Theo tôi, các thông tin và bài vở trên báo viết không phải là sản phẩm folklore, không phải là “cái điếu cày ủy ban ai cũng có thể... hút!” để khai thác theo lối cắt xén rồi đăng tải tuỳ hứng, và nhiều khi còn đẩy tới hệ quả làm hư hỏng, xộc xệch nội dung. Điểm qua một số website trong nước, nếu như có một số báo điện tử làm việc khá chững chạc (như VietNamNet chẳng hạn), bài vở chủ yếu do phóng viên, biên tập viên toà soạn thực hiện, trường hợp đăng lại bài vở khai thác từ báo viết người ta rất tôn trọng nội dung văn bản, ghi chú cẩn thận, thì với một vài website khác, tình hình rất đáng chê trách. Thử điểm qua mấy cái “tít bắt mắt” trên trang Văn hoá của Vnexpress.net - một trong những báo điện tử được xem là ăn khách hiện nay, sẽ thấy những cái “nhan đề” rất giật gân kiểu như: Trần Thu Hà “Tôi như ngọn núi lửa”, Sean Penn “Làm đạo diễn dễ như ăn kẹo”, Tôn Lê Hiếu Anh: “Tôi từng sống bằng scandal”, Đức Huy: “Tôi vẫn còn hăng lắm”, Minh Anh muốn thể hiện vai diễn quái dị, NSND Lê Khanh: “Tôi không hiểu rõ mình”… và nếu chịu khó so sánh các bài trên với văn bản gốc, thì thường là không thể chấp nhận, bởi văn bản gốc đã bị cắt xén bừa bãi. Vì thế tôi chỉ còn biết đưa ra một nhận xét rằng làm báo như vậy không chỉ là “ăn sẵn” mà còn là “làm ẩu”. Thiết nghĩ, mưu sinh “trên lưng” người khác đã là điều đáng trách, nhưng mưu sinh một cách “ít lương thiện” như thế thì còn đáng trách hơn nhiều!

NH - 10.2005

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021