thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Châu Đốc - Tịnh Biên, núi trong mưa, đất trong nước

 

Đi qua khỏi bến phà Châu Giang (thị xã Châu Đốc, An Giang) một đoạn, tay chạy xe đạp lôi chỉ vào một con hẻm xuyên qua giữa hai cái nhà sàn cao cẳng, nói:

"Mấy đại ca đi vô đó là tới quán bè. Em út không đẹp thì làm vài chai ngắm cảnh, rẻ rề, có mất mát gì. Tôi đợi ngoài này bao lâu cũng được."

Tay xe ôm nhất định không lấy tiền lượt đi. Một đoạn của con hẻm kê bằng những lớp bao cát mấp mé sóng nước, đoạn còn lại lót ván bè bập bềnh. Cái thú vị của quán bè neo trên đoạn sông Hậu chảy qua thị xã Châu Đốc này là bềnh-bồng-bập-bềnh. Trong quán có hai chàng Tây balô ngồi uống bia không mồi, vây quanh là các em phục vụ đang hả hê cười nói bằng bàn tay với các chàng cao lớn đang lắc lư nghiêng ngả theo nhịp quán bè. Từ chân trời phía Bắc mây giông nổi sấm, tiếng máy phà Châu Giang, tiếng cười bỡn cợt của hai gã Tây say xỉn với các em môi son má phấn tạo thành một dòng tiếng động gây cho chúng tôi sự ức chế đến mức, tự dưng thấy buồn một cách vô duyên. Anh bạn H., dân địa phương cùng đi nói:

"Mấy cha có đi đái chưa? Toilet của loại quán bè trên sông này các kiểu đều là cái lỗ thải trực tiếp xuống sông. Ở miệt đầu nguồn, chuyện đi vệ sinh là một thử thách văn hoá chớ phải chơi đâu."

Nhà văn Nguyễn Viện nói:

"Thế có văn hoá mà gặp cảnh này phải tè vào đâu?"

Tôi gọi cô phục vụ có nước da còn vương vấn màu nâu thôn nữ lại hỏi. Cô nghe nguyên văn câu hỏi của ông nhà văn rồi cười khanh khách:

"Em chịu chết! Mà Tây nó vô đi tè lia chia, còn ra dấu là sướng ơi là sướng, mấy anh làm bộ hoài."

Chúng tôi ba người bập bềnh trên sông chiều nước nổi gần hai giờ đồng hồ, gặm mỏi răng một đĩa càng cua đồng bự, húp một kí lô nghêu luộc, một nồi cháo sò, uống sáu chai bia La-rue và tổng số tiền phải trả 105.000$, quá bèo! Dù biết sau khi đổ vài ve “nóng máy” chúng tôi có thể bước qua tấm vách che hờ của quán bè này là có thể nhậu với các nàng bia ôm tới bến. Nhưng vì không có chỗ ưng ý để giải quyết vấn nạn “cái bầu tâm sự” nên chúng tôi ra về mà tiếc hùi hụi. Thà bị chửi là “bọn xạo sự, chỉ có chuyện đái ỉa mà cũng vẽ duyên” chớ làm sao người ta có thể nào yên dạ khi đứng hoặc ngồi chồm hỏm trên cái lỗ rồi xả chất thải xuống dòng nước đầu nguồn cuồn cuộn phù sa nuôi cái uống, chuyện ăn của biết bao sinh linh ở dưới nguồn.

Anh H. nói:

"Mấy năm gần đây chuyện dân đồng bằng sông Cửu Long làm cầu tiêu trên sông bớt nhiều. Vậy là mừng! Từ từ, chớ mấy cha nội tưởng thay một thói quen lâu đời dễ hả!"

Như các tỉnh miền Nam trong tiết tháng mười, vùng Châu Đốc - Thất Sơn có ngày mưa dầm suốt. Chúng tôi bao Honda ôm vào núi Tượng - Ba Chúc. Hai phần ba đoạn đường, phía tay trái chỉ thấy lênh đênh mênh mông nước. Nước, nước! Nước ở hút tầm mắt thì liền với đường chân trời một màu đục ngầu, ở sát tầm mắt thì xanh xanh táp vào chân những cột nhà sàn nằm sát bên đường của dân chạy lụt. Đất nổi sóng, trời mưa dầm rả rích, người với vật của cả một vùng châu thổ rộng lớn đều ướt chèm nhẹp như nhau, đều rười rượi buồn như nhau và phải nói trong cảnh ướt như chuột lột này ai ai cũng chỉ có vẻn vẹn mỗi điều cầu mong. Mong sao có đủ gạo và củi khô nấu cơm ngày hai bữa.

Trước khi qua Nhà Bàng - Xuân Tô chúng tôi tấp vào nhà một người dân chạy lụt bên đường để trú mưa trốn lạnh. Ông chủ căn nhà có vách và mái che bằng vài tấm tôn kẽm, cả gia đình ăn, ngủ, nằm, ngồi trên diện tích sàn chưa tới mười mét vuông lót bằng ván cốt-pha cũ. Anh T., chủ căn nhà, tuổi chừng bốn mươi. Một vợ ba con nheo nhóc, anh có đứa con gái lớn được học tới lớp 5 rồi ở nhà “chỉ huy” hai đứa em, mùa khô đi giữ bò mướn, mùa nước thì giăng câu bắt cá.

"Nước rút thì dỡ nhà về trỏng. Đi đi về về vậy mới có cái ăn, còn nghèo thì phải chịu."

Nhưng người đàn ông má hóp mặt nhăn nheo này lại hào phóng không thể tưởng. Anh pha trà nóng cho chúng tôi uống rồi lại hỉ hả mời chúng tôi ở lại ăn cơm trưa. Anh nói

"Làm cho chắc bụng rồi đi. Vô núi chi? Có gì mà coi? Hay ở lại nhậu chơi mai về luôn được hôn mấy cha?"

Tôi hỏi giỡn chơi:

"Tụi tôi mê mồi lắm! Anh mời tôi ăn cơm, nhậu với gì?"

Anh cười hề hề, chỉ ra cánh đồng nước mênh mông:

"Tui chống xuồng đi quăng chài một lát cá thiếu gì mấy cha, lo gì."

Xưa nay, cái chuyện mời cơm của dân miền Nam là mời thật lòng. Tánh nết này đã thành một thứ văn hoá truyền thống. Trong tình cảnh của dân chạy lụt vất vả trăm bề mà bụng dạ vẫn rộng mở như gia đình anh T. thì thiệt hết chỗ nói.

Theo các tài liệu của bộ Kế hoạch – đầu tư Việt Nam thì từ năm 1993 trở về trước khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 23% GDP so với cả nước, hiện nay vẫn đứng ở hàng thứ 3. Từ các số liệu trên chúng tôi bỗng liên hệ đến các báo cáo tổng kết văn hoá, giáo dục đầu năm 2005, được báo chí trong nước đưa tin, rằng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thuộc khu vực được coi là kém phát triển nhất Việt Nam. Một kết luận thật đau lòng! Bởi 30 năm sau ngày sau chiến tranh, từ mảnh đất và đàn gia súc của mình, những người miền Tây nam bộ đã rộng rãi hết lòng hết dạ đóng góp vào việc tái thiết đất nước. Vậy mà nay, cái họ được rõ nhất chỉ là sự kinh thường: dân văn hoá thấp!

Trời vẫn mưa không ngớt hột. Khi gần đến chợ biên giới Tịnh Biên, bác tài xe ôm nói:

"Mấy anh có tính mua vải hay mỹ phẩm gì hôn tui giới thiệu chỗ bán rẻ cho?"

Nhà văn Nguyễn Viện nói:

"Chợ biên giới mà chỉ bán mấy thứ đó thôi sao?"

Anh xe ôm lên giọng:

"Có bửa củi, bò cạp, nhện, tắc kè... rẻ rề, mua về ngâm rượu chơi lết luôn!"

Chúng tôi quyết định không vào chợ mà đi thẳng lên biên giới Campuchia. Ở khu vực biên giới nếu không có những cây cầu thì thật là không thể biết đâu là lòng sông đâu là cánh đồng. Trong màn mưa, chỉ có bóng núi và con đường trải nhựa lên biên giới là khác màu, còn tất cả toàn một màu nước trắng xoá. Biên giới trên bộ mà cái nhìn không bị vướng bởi cột mốc, đường ranh, chỉ là một biển nước, chỗ thì phẳng lặng chỗ lại cuồn cuộn xoáy và không cây cối không ghe xuồng, cái nhìn cứ trôi tuột trên mặt nước, thông thống không có chỗ dừng .

Tôi buộc miệng:

"Biên giới mùa nước nổi khác thường thiệt."

Nhà văn Nguyễn Viện nói:

"Biên giới Lào, Trung Quốc tôi tới rồi. Vùng đất biên giới nào cũng tạo cảm giác chao giao. Nhưng đúng là biên giới này đẹp không thể tả."

Chúng tôi bước lại trạm gác của công an biên phòng, định xin cho hai bàn chân được đi bộ vài bước trên đất Miên lấy cảm giác nhưng mong muốn của chúng tôi bị từ chối. Biết có nhờ anh xe ôm năn nỉ cũng chẳng được mà ở lại thì cũng không được phép chụp hình, chúng tôi chỉ hỏi người lính biên phòng trẻ tuổi tên cái núi liền với dãy Thất Sơn ở bên đất Campuchia. Anh cho biết, cái tên núi đó nếu dịch ra tiếng Việt có tên là núi Khom Lưng, và ngay lập tức anh xe ôm cho biết cái núi đối diện cùng cở nằm trên đất Việt Nam có tên là Phú Cường. Hai cái tên núi nằm cạnh nhau có thể mang một ý nghĩa, cũng có thể đơn giản chỉ là cái tên để gọi. Chỉ biết chắc một điều là mai này khi nước rút, cánh đồng biên giới này sẽ có thêm một lớp phù sa màu mỡ. Ở Châu Đốc – Tịnh Biên chúng tôi đã thấy nhị tỳ người Hoa, chùa Miên, miếu Việt luôn trụ vững giữa gò cao trong mùa nước nổi. Tương lai phồn vinh của vùng này có lẽ vẫn còn rất xa. Hiện tại chỉ có sự hoà hợp của các sắc dân sống ở vùng đất này mới là tiền đề cho mọi hy vọng về một tương lai no ấm!

 

Tháng 10/2005

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021