thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thánh địa Hoà Hảo trong mùa nước lũ

 

Chiếc xe Mec 16 chỗ ngồi của hãng xe đò chất lượng cao Tô Châu cho chúng tôi xuống bến phà Năng Gù. Cô gái tên P., một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo trẻ mà chúng tôi làm quen trên xe, ngó quanh bến phà và nói với vẻ luyến tiếc:

"Phải chi có ai bán bông huệ đặng cúng Đức Thầy."

Lúc xuống phà, cô P. lại nói với người thanh niên chạy xe ôm:

"Mấy ảnh trên Sài Gòn xuống, muốn vô tổ đình thắp nhang cho biết đạo của mình."

Buổi trưa phà vắng khách, trừ những chiếc honda ôm đậu sẵn trên chiếc phà sắt loại nhỏ, khách qua sông ngoài ba người chúng tôi, số còn lại chỉ chừng năm người đi trên ba chiếc xe gắn máy và một chiếc xe đạp. Sông Năng Gù mùa nước lớn trông ngon lành như màu ngà vàng của ruột bánh thửng.

Cô P. vừa kể vừa hướng cái nhìn thành kính về hướng Thánh địa:

"Bà dì em có bà con với bên ngoại Đức Thầy. Nghe dì kể Đức Thầy từ lúc sanh ra đã mang cốt Phật. Lúc dì em đẻ con đầu lòng bị sản hậu, gia đình kêu khóc, kể như dì chết rồi. Vậy mà khi tới, Đức Thầy chỉ nói: 'Có gì mà phải khóc! Để cho con Ba nó ngủ, một chút nữa là nó thức.' Thầy chỉ nói vậy mà thiệt, dì em được cải tử hoàn sinh."

Chiếc phà sắt phun khói đen kịt, xoay trở một lúc rồi cũng cặp gọn gàng vào cái cầu nổi. Đường từ bến phà đi tới con đường nhựa dẫn về thị trấn Phú Tân chúng tôi bị mười mấy chiếc honda ôm vây quanh. Họ kè kè theo ba người chúng tôi, cô P. cố tình nói gắt gỏng:

"Mấy anh này chỉ thích đi xe đạp lôi, đừng mời mắc công."

Nhưng cánh xe ôm không chịu buông tha. Một người có tướng to con nhất trong họ nói lớn:

"Đuổi mấy thằng xe lôi đi cho tao."

Nhà văn Nguyễn Viện đi cùng nói nhỏ bên tai tôi:

"Có khi nào tay đó là chỉ điểm của công an không, tướng hách quá!"

Tôi chưa kịp trả lời thì nghe cô P. nói:

"Í, đừng nói vậy. Mấy anh lạ hoắc, lại qua đây không nhằm ngày cúng nên họ tranh giành vậy thôi, chớ gặp ngày Phật sinh, người đi cúng rần rần thì đâu có chuyện gì."

Cuối cùng thì chúng tôi cũng chịu giá 30.000$ cho một cuốc xe. Cô P. và nhà văn Nguyễn Viện chất lên một chiếc, tôi và một người dân địa phương đi trên chiếc khác. Hai chiếc Wave Trung Quốc chở ba phóng vù vù. Tôi hỏi:

"Mấy cha không sợ công an phạt à?"

Người khách đàn ông nồng nặc mùi rượu ngồi trước mặt tôi trả lời thay cho tay chạy xe ôm:

"Sợ té đái chớ bộ không. Nhưng nhờ tụi nó có bùa nên khỏi lo."

Cái bùa mà ông ta nói chính là tín hiệu hỏi thăm bằng bàn tay rằng “có cảnh sát giao thông phía trước hay không và ở đoạn nào…”

Bên đường vào thị trấn, cặp theo mé sông, người địa phương bó từng bó cây lục bình và chất thành đống chờ xe lại chở đi. Tôi hỏi:

"Người ta làm gì với thứ cây bỏ đi này."

Ông xe ôm nói nửa đùa nửa thật:

"Ai biết đâu hà. Tự nhiên Nhật Bổn với Tây khoái nằm nệm bằng lục bình. Vậy là có tiền, vật hay người cũng vậy, biết thuận theo sấm giảng rồi có lúc hữu dụng."

An Hoà Tự có lối kiến trúc và bày biện đặc trưng của các kiểu chùa xây dựng từ thế kỷ trước ở miền Tây nam bộ, trừ ba chữ PGHH đúc bằng xi măng. Còn cái lý vì sao không viết thẳng cho đủ chữ "Phật Giáo Hoà Hảo" thì chúng tôi dù rất muốn hỏi cũng thấy ái ngại. Nhưng sau khi cô P. cho biết địa danh này xưa kia có tên là Hoà Hảo thì tôi chỉ còn biết buột miệng xuýt xoa:

"Cái tên hay quá!"

Cô P. cười cười nói:

"Mà nãy giờ qua đây hai anh có thấy đất hảo người hoà chưa?"

Người tiếp chúng tôi ở hậu điện nhà chùa là vị tu sĩ tuổi ngoài 50, áo bà ba nâu, tóc búi. Nhưng trên hết, cái mà chúng tôi cảm nhận từ ông là phong thái chân chất của một người nông dân cam chịu – cam chịu đến rầu buồn. Nhưng chúng tôi chưa kịp hớp hết một chung trà giải khát của ông mời thì có người đàn ông mặc cái áo trắng cũ, bút bi vắt miệng túi, bước vào hỏi:

"Mấy anh từ đâu đến đây?"

Khi ánh mắt dò xét của ông ta đọc thấy vẻ dửng-dưng-du-lịch vô hại của chúng tôi, ông ta đổi giọng:

"Mời các anh tham quan chánh điện. Có cần trao đổi gì thêm một chút nữa gặp tôi."

Gian giữa chánh điện An Hoà Tự thờ chư vị Phật, riêng hai cây cột cái ở giữa và phía trước chánh điện có treo hai bức ảnh chân dung lớn của đức Huỳnh giáo chủ. Chiêm ngưỡng hai bức ảnh tuổi hai mươi của vị khai sáng đạo Hoà Hảo, sau khi thắp nhang, nhà văn Nguyễn Viện nói thì thầm:

"Tôi thích bức bên trái. Ngài trông như một tiên tri-thi sĩ! Một người đàn ông đẹp đến không ngờ!"

Trở lại hậu điện, chúng tôi đặt vài câu hỏi cho “vui lòng” ông trị sự chùa mặc áo trắng có bút bi vắt miệng túi. Ông cho biết:

"Nếu các anh định ngủ tạm ở chùa một đêm cũng được, ăn chay thì khỏi lo chuyện ăn uống. Đạo không có trụ trì, người tu đều đồng đẳng không phân cao thấp, mọi việc điều hành có ban trị sự chăm lo."

Rời An Hoà Tự chúng tôi đi ngang qua khu phố chợ. Sinh hoạt về chiều của một thị trấn miền sông nước êm ả theo tinh thần của bản vọng cổ. Vẫn những quá rượu nghèo đông khách nhậu nhưng không ồn ào, biển quán karaoke chữ hồng chữ xanh, tụ điểm Internet tốc độ cao và tiệm chụp hình kiểu Hàn Quốc theo mốt Sài Gòn đã lan tới đây. Phải chăng những tôn chỉ hành đạo nghiêm cẩn nhưng không trói buộc của Phật giáo Hoà Hảo đã tạo nên tính cách của một xứ dân hiền hoà mà lại đượm buồn. Có điều gì đó rất gần với sự ức chế mà mọi người dân cố cựu ở thị trấn này phải cưu mang. Bốn giờ rưỡi chiều, loa phóng thanh của phòng Văn hoá - Thông tin thị trấn bắt đầu phát lanh lảnh bản tin thời sự và đó cũng là thứ tiếng ồn duy nhất không đếm xỉa gì tới trạng thái êm ả u buồn của thị trấn.

Tổ đình Phật Giáo Hoà Hảo vốn là ngôi nhà của ông bà thân sinh Đức thầy Huỳnh Phú Sổ, cũng là nơi Đức Thầy khai sáng đạo. Khuôn viên nhà có hồ sen, vườn cây cảnh vừa đủ tầm mắt, cột và mặt dựng có cẩn miểng chén, miểng sành, dân gian còn gọi là kiểu nhà lai. Vật dụng và đồ trang trí cùng rất nhiều hình ảnh gia đình trưng bày trong nhà cho thấy nguyên vẹn phong cách một gia đình bề thế thời trước. Nhiều nhất vẫn là những tấm ảnh chụp thuở niên thiếu và có cả văn bằng tốt nghiệp tiểu học của Đức Thầy. Người cư sĩ quản lý ngăn việc chúng tôi định chụp ảnh, ông cho biết:

"Cô Tư không đồng ý cho chụp hình."

Cô Tư, người cháu gọi Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ bằng cậu ruột, một người có gương mặt phúc hậu nói:

"Xin mấy cậu thông cảm! Đã không cho chụp hình thì Việt kiều hay người ngoại quốc tới đây cũng vậy. Còn hỏi tôi lý do thì với ai tôi cũng khuyên không nên. Thời buổi giờ kỳ khôi lắm!"

Biết là không thể thuyết phục được cô Tư. Chúng tôi rời tổ đình lúc trời vừa chạng vạng tối. Ở một quán cà phê nhỏ trước chợ thị trấn chúng tôi được nghe giọng tụng ngâm sấm giảng của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng ở Sài Gòn từ cái đầu đĩa hàng nội địa hiệu California. Bà chủ quán cho biết, dân làm ruộng vào mùa nước nổi nếu không bắt võng nằm ngó lên trần nhà thì đi Sài Gòn hoặc Long Xuyên làm mướn, dân nuôi cá bè thì suốt ngày coi tivi nghe “ra dô” ngóng tin bên Mỹ rồi hồi hộp theo giá cá trồi sụt. Bà khoe:

"Không tính mấy chục con heo, mỗi ngày tôi bỏ mối trăm lít rượu, mỗi lít lời một ngàn. Bán quán với lại nấu rượu nuôi heo như tui coi vậy mà khoẻ re."

Nhìn số vòng vàng sáng trưng mà bà đeo trên cổ, cườm tay, ngón tay, chúng tôi chợt nghĩ đến dáng hao gầy với đôi má hóp sâu của những người đạp xe lôi, họ chỉ mong kiếm đủ tiền đong gạo.

Tháng 9 mây mưa quần tụ từ hướng Bắc. Tiếng loa của đài phát thanh địa phương không còn lanh lảnh trong gió chiều, thay vào đó là tiếng ca vọng cổ mùi mẫn ở một mâm nhậu nào đó từ phía sông Hoà Hảo vọng về, dường như họ đang hát bài “Gánh nước đêm trăng” tới đoạn “...tưởng giếng sâu anh nối sợ dây dài, ngờ đâu giếng cạn anh tiếc hoài sợ dây.” Cô P. người tín đồ phật giáo Hoà Hảo trẻ, từ nhỏ đã học ngâm tụng sấm giảng và ăn chay một tháng bốn ngày, không lắng nghe bản vọng cổ như chúng tôi. Bằng cái giọng đơn đớt mà có duyên, cô kể lại đúng câu chuyện mà cô đã kể lúc chúng tôi còn ngồi trên xe đò, kể lại mà không nhằm mục đích thuyết phục chúng tôi tin câu chuyện. Có lẽ cô thích kể lại cho chính cái đức tin trong sáng mãnh liệt của cô được nghe lần nữa, nghe nhiều lần nữa rằng cô luôn tin Trời Phật, rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ hàng ngày vẫn hiện hữu quanh các tín đồ và không gì có thể hiếp đáp được đức tin. Bởi có tin có lành. Chuyện cô kể như vầy:

"Em chỉ biết ngày 15 tháng 8, còn ngày Phật sinh lần thứ mấy em không nhớ, có một cô gái còn trẻ và rất đẹp nói từ phương xa đến viếng tổ đình. Chiều tối, lúc các vị trị sự đang họp, cô gái xin được vào nói chuyện. Cô gái thưa là 'có thể nghỉ lại ở tổ đình một đêm được không?'. Các vị trị sự ưng thuận. Nhưng cô gái lại chỉ vào căn buồng riêng của Đức Thầy nói: 'Tôi muốn nghỉ ở đó.' Các vị trị sự nghiêm khắc nói cho cô biết, từ ngày Đức Thầy đi xa mọi thứ của căn buồng vẫn giữ nguyên và không ai được phép nghỉ trong đó. Cô gái nhỏ nhẹ nói: 'Ta sẽ nghỉ ở trong đó đến nửa đêm!' Rồi cô gái đi xuyên qua vách buồng. Đúng nửa đêm các vị trị sự mở cửa buồng thì không thấy cô gái đâu, chỉ thấy đôi guốc của Đức Thầy còn để lại."

Chúng tôi ra bến đò Thị Đam và hướng cái nhìn về Châu Đốc trong mùa nước nổi. Từ thời cha ông mở cõi, vùng Thất Sơn đã đậm màu linh thiêng, nhưng không sự linh thiêng hay đỉnh núi cao nào có thể sánh bằng niềm tin tâm linh của những người dân chất phác. Tin vào tâm linh của mình chính là điểm tựa cho khát vọng được sống hoà hảo giữa cộng đồng có chung ý thức làm lành lánh dữ.

 

Tháng 10/2005

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021