thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Không được nhập cảnh vào Việt Nam!

 

“Anh đi với em sang bên kia có chút việc.”

Viên công an cửa khẩu mang bảng tên Nguyễn Anh Tuấn vừa nói vừa đứng dậy, trên tay cầm tờ hộ chiếu của tôi, đi về phía văn phòng chỉ huy của trạm công an xuất nhập cảnh ở phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Trước khi đi theo Tuấn, tôi dặn các sinh viên trong phái đoàn du khảo (study tour) do tôi hướng dẫn: “Các em cứ tiếp tục trình hộ chiếu và đợi tôi ở phía bên kia. Tôi sẽ về ngay.”

Lúc ấy là 4:15 phút chiều Thứ Bảy, 19 tháng 11. Phái đoàn gồm có tôi và 11 sinh viên Úc từ trường đại học Victoria, Melbourne về Việt Nam tham quan và học tập. Đúng ra, phái đoàn có đến 14 sinh viên, nhưng một người trong họ đã đến Việt Nam mấy ngày trước đó và hai người khác sẽ bay thẳng từ Bangkok đến Hà Nội. Điểm hẹn của chúng tôi là ở phi trường Nội Bài vào khoảng 8 giờ tối, khởi đầu cho cuộc du khảo kéo dài 4 tuần, trong đó, 18 ngày đầu ở Hà Nội và 10 ngày cuối cùng du hành từ Hà Nội vào Sài Gòn bằng xe lửa và xe buýt, với các điểm ghé chính là Huế, Đà Nẵng - Hội An và Nha Trang.

Xin lưu ý: du khảo là hình thức giáo dục được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các đại học Âu Mỹ. Các nhà giáo dục khuyên, khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên có thể tham gia các chuyến du khảo ở nước ngoài ít nhất là một lần trong suốt chương trình Cử nhân của họ. Đi đến bất cứ nước nào cũng được. Miễn là có đi. Đi để trực tiếp kinh nghiệm tính chất đa dạng và khác biệt giữa các nền văn hoá. Đi để cảm nhận, từ đó, thông cảm và khoan dung trước những cái mới và những cái lạ. Đi để phát triển khả năng giao tiếp liên văn hoá với những người đến từ những xã hội khác với mình.

Riêng trường Victoria University, nơi tôi giảng dạy, đã từng tổ chức các chuyến du khảo tại Việt Nam trong nhiều năm. Phải thành thật thừa nhận Việt Nam chưa phải là một địa chỉ hấp dẫn để tham quan cũng như để nghiên cứu đối với sinh viên Úc. Có năm chuyến du khảo chỉ tập hợp được khoảng 7, 8 sinh viên. Con số quá ít, nhưng đại học vẫn sẵn sàng tài trợ để chuyến đi được tổ chức thật chu đáo: họ coi trọng mục đích giáo dục lâu dài hơn là các lợi nhuận về kinh tế trước mắt. Tuy nhiên, kể từ khi tôi chính thức tiếp nhận vai trò chủ nhiệm Khoa Việt học, do quá bận bịu với nhiều đề tài nghiên cứu cũng như việc cải tổ chương trình giảng dạy, đến năm nay tôi mới đứng ra tổ chức được chuyến du khảo đầu tiên sang Việt Nam. Có 14 người tham dự. Không phải nhiều lắm nhưng mọi người trong Khoa đều cho đó là một sự thành công lớn: những tin tức về dịch cúm gia cầm càng ngày càng làm cho nhiều người lo lắng nên ngay cả chuyến du khảo sang Trung Quốc do trường Victoria University tổ chức vốn thường thu hút khá nhiều thành viên, năm nay, chỉ có 11 người. Lên máy bay, tôi cảm nhận ngay áp lực của dịch cúm gia cầm: vào giữa tháng 11 mà lượng hành khách trên chuyến bay VN780 vào sáng Thứ Bảy ngày 19 tháng 11 khá vắng. Có rất nhiều ghế trống. Dãy ghế của tôi chỉ có một mình tôi. Khi mệt hoặc mỏi, tôi có thể nằm dài trên đó. Tuy vậy, các sinh viên tham gia chuyến du khảo sang Việt Nam thì rất vui, nhất là các sinh viên trẻ. Họ túm lại với nhau chuyện trò và hát hò inh ỏi suốt cả tám tiếng đồng hồ bay. Có người kể là suốt cả buổi tối trước đó họ không hề chợp mắt. Có người lại kể là, để chuẩn bị cho chuyến đi, trong nhiều tuần lễ, họ thường xuyên đến các tiệm ăn Việt Nam ở Footscray để tập... cầm đũa! Với không ít người, đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời. Náo nức và háo hức kể cũng phải.

Mà chắc không phải chỉ có các sinh viên của tôi. Trên máy bay, tôi đọc được một bài viết ngắn đăng trên nhật báo Thanh Niên về kết quả đáng mừng của ngành du lịch Việt Nam: mỗi năm số người đến Việt Nam một tăng. Vài năm gần đây, trung bình mỗi năm tăng đến hơn nửa triệu người: năm 2003 có hơn 2 triệu lượt du khách; năm 2004 gần 3 triệu; năm 2005 này, chỉ mới 10 tháng đầu, đã hơn 3 triệu. Số lượt du khách đến Việt Nam cho cả năm 2005 được dự đoán là khoảng trên 3 triệu 4. Trong số gần 3 triệu rưỡi này, chắc chắn là có khá đông người Việt ở nước ngoài. Nhớ, cách đó mấy ngày, tôi đọc được đâu đó, cũng trên báo chí trong nước, người ta dự đoán sẽ có khoảng trên 100,000 Việt kiều về quê ăn Tết. Người ta cũng dự định tổ chức các cuộc đón rước long trọng dành cho Việt kiều, chẳng hạn, treo băng rôn chào đón Việt kiều ở các sân bay quốc tế ở Sài Gòn và Hà Nội; đưa người giúp các cụ già không rành rẽ các thủ tục khai báo hải quan; tổ chức các buổi tiệc tất niên hay tân niên với sự tham dự các nhiều cán bộ lãnh đạo quốc gia hoặc địa phương, v.v...

Tôi chẳng bao giờ “mơ tưởng” đến những cảnh chào đón như vậy. Nhưng tôi hy vọng khi chính sách đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài thay đổi, những rắc rối không đáng có mà tôi và rất đông Việt kiều khác gặp phải ở Việt Nam sẽ giảm bớt đi. Để các chuyến về thăm quê vui hơn; những kỷ niệm cũ mau phai nhạt hơn và những ấn tượng mới còn lại sẽ ngọt ngào hơn.

Máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 4 giờ kém 5 phút chiều. Trong lúc sắp hàng chờ trình hộ chiếu để chuyển máy bay đi Hà Nội, một sinh viên cho biết em rất hồi hộp khi lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Em hỏi cảm giác của tôi. Tôi đáp: “Cũng hồi hộp.” Em nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Tôi giải thích: mặc dù tôi đã về Việt Nam khá nhiều lần nhưng lần nào tôi cũng có chút hồi hộp. Hồi hộp vì sắp được gặp lại thân nhân và bạn bè cả cũ lẫn mới. Hồi hộp vì, thú thực, tôi không hoàn toàn an tâm về cách thức nhà cầm quyền Việt Nam đối xử với tôi hay với giới viết văn ở hải ngoại nói chung. Lần này, tôi lại càng hồi hộp hơn vì cùng đi với tôi là 14 người. Em sinh viên ấy trấn an tôi: “Chuyến đi này nhất định là vui!” Tôi đáp: “Vâng, chắc chắn là rất nhộn. Những gì tôi được nhìn thấy trong chuyến bay kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ báo cho tôi biết điều đó.”

Khi báo với các sinh viên là hãy chờ tôi bên ngoài khu vực nhập cảnh, tôi nghĩ là mình chỉ “làm việc” khoảng 10, 15, 20 hay 30 phút là cùng. Tôi nhớ lại là cách đây hai năm, bạn tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn, cũng bị mời “làm việc” như thế khi mới bước chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi cho những cuộc “nắn gân” như thế chắc không kéo dài quá lâu. Vả lại, tôi thầm nhủ, người ta thừa biết là tôi không phải đi một mình. Còn bao nhiêu người khác đang chờ đợi tôi.

Nhưng tôi lầm. Khi đến văn phòng chỉ huy của trạm công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, tôi được bảo ngồi chờ. Khoảng 10 phút sau mới có người gọi tôi đến quầy. Tôi nhìn vào bảng tên người ấy đeo trước ngực: Vũ Xuân Ái. Ông Ái cầm tờ hộ chiếu của tôi trên tay, hỏi:

“Anh tên Nguyễn Ngọc Tuấn hay Nguyễn Tuấn Ngọc?”

“Nguyễn Ngọc Tuấn.”

“Anh sinh ở đâu?”

“Quảng Nam.”

“Anh dạy đại học ở Úc, phải không?”

“Vâng.”

“Anh đến Việt Nam có chuyện gì không?”

“Tôi dẫn một đoàn sinh viên Úc về Việt Nam tham quan và học tiếng Việt.”

“Đoàn sinh viên Úc có bao nhiêu người?”

“14 người, nhưng ở đây với tôi chỉ có 11 người. Một người đã đến Hà Nội và hai người sẽ bay từ Bangkok đến Hà Nội tối nay.”

“Xin anh chờ một lát.”

Nói xong, ông Ái vào căn phòng phía sau quầy, đọc gì đó trên màn ảnh computer rồi cầm điện thoại lên nói chuyện với ai đó. Tôi ngồi chờ. Nhìn sang góc bên kia, ở khu vực trình hộ chiếu nhập cảnh, tôi không thấy bóng dáng của một sinh viên nào cả. Tôi đoán mọi người đã bị đẩy xuống khu vực nhận hành lý, sau đó, sang khu vực nội địa để chờ chuyến bay đi Hà Nội. Tôi không lo lắng lắm. Chuyến bay đi Hà Nội sẽ cất cánh vào khoảng 6 giờ rưỡi: tôi có thừa thời gian để sang gặp họ. Đến hơn 5 giờ, ông Ái mới xuất hiện ở quầy công an hải quan. Ông cho gọi tôi đến, trịnh trọng tuyên bố:

“Tôi xin thông báo cho anh biết là chúng tôi được lệnh không cho anh nhập cảnh vào Việt Nam.”

Tôi sửng sốt: “Cái gì? Tôi không được vào Việt Nam?”

Ông Ái nhìn tôi và gật đầu xác nhận. Tôi lại hỏi: “Anh biết là tôi đang dẫn cả phái đoàn sinh viên sang Việt Nam du khảo?”

“Tôi biết. Nhưng đây là lệnh từ trên.”

“Nhưng tại sao tôi không được nhập cảnh vào Việt Nam?”

Ông Ái đáp:

“Tôi cũng không được biết. Chúng tôi chỉ làm theo lệnh từ Bộ Công An.”

“Nhưng ít ra Bộ Công An phải cho biết lý do chứ?”

“Chúng tôi không được quyền biết. Chúng tôi chỉ là cấp thừa hành.”

Nói xong, ông Ái cúi xuống lúi húi viết vào tờ biên bản theo mẫu đơn in sẵn; sau đó, yêu cầu tôi ký. Nội dung tờ biên bản như sau:

 
BỘ CÔNG AN                           CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CỤC QUẢN LÝ XNC                           Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
TRẠM CACK-TSN                           ------------------------------------
******                                   Tp. HCM, ngày 19 tháng 11 năm 2005
Số 1087/BB                                               BIÊN BẢN
 
Về việc: Từ chối nhập cảnh
Hôm nay, ngày 19 tháng 11 năm 2005, hồi 17 giờ 05 phút.
Tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
 
Chúng tôi gồm:
1/ Ông Đinh Thế Công, Chức vụ: Phó Trưởng trạm CACK Tân Sơn Nhất.
2/ Ông Vũ Xuân Ái, Cán bộ Tham mưu CACK Tân Sơn Nhất.
3/ Ông Nguyễn Trung Hải, Cán bộ Đội xuất nhập cảnh 2.
 
Tiến hành lập biên bản vi phạm quy chế xuất nhập cảnh đối với:
 
Người vi phạm là: Ông Nguyễn Ngọc Tuấn
Sinh ngày 29/10/1957. Quốc tịch: Úc (Người VN định cư tại Úc)
Hộ chiếu số: M 32 465.48
Thị thực số B0008922 giá trị 1 lần đến 19/2/2006 do ĐSQ VN tại Canberra cấp ngày 8/11/2005.
Địa chỉ thường trú/tạm trú tại: Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội.
Nhân chứng gồm: Đại diện Hàng không VN: Đỗ Ngọc Anh, nhân viên.
Nội dung vi phạm: Chuyến bay VN 780 của hãng HKVN từ Melbourne Úc nhập cảnh TSN lúc 15h30’ CACKTSN lập biên bản từ chối nhập cảnh đối với ông Nguyễn Ngọc Tuấn (chi tiết nhân sự như trên). Lý do: theo yêu cầu của Bộ Công An.
Tang vật gồm có: Hộ chiếu M32 46548
Thị thực: E0008922 (foto)
Căn cứ:
Pháp lệnh xuất nhập cảnh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định 05/2000/NĐ-CP ngày 3/3/2003 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam
 
Chúng tôi quyết định:
 
Lập biên bản từ chối nhập cảnh đối với đương sự, huỷ bỏ thị thực số E0008922.
Yêu cầu HKVN chịu trách nhiệm chuyên chở đương sự về lại nơi xuất phát trên chuyến bay gần nhất: dự kiến chuyến bay VN783 HKVN xuất cảnh lúc 20h55’
 
Biên bản được lập thành 02 bản, kết thúc lúc 17 giờ 40 ngày 19/11/2005, đã được đọc lại cho đương sự nghe và công nhận những điều ghi trong biên bản là đúng. Biên bản được giao cho đương sự 01 bản.

 

Tôi theo dõi từ đầu đến cuối quá trình lập biên bản nhưng tôi vẫn không hết bàng hoàng. Từ lâu, tôi biết mình không được lòng của nhà cầm quyền Việt Nam, nhất là từ phía công an văn hoá. Trong các lần về Việt Nam, thỉnh thoảng tôi vẫn bị công an văn hoá thuộc Cục Xuất Nhập Cảnh ở số 254 đường Nguyễn Trãi, quận 1, thành phố HCM mời lên “làm việc”. “Làm việc” ở đây là chuyện trò và chất vấn về chuyện viết lách của tôi ở hải ngoại. Phần lớn tập trung vào cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản xuất bản lần đầu vào năm 1991 của tôi. Lần nào, với ai, tôi cũng đều khẳng định: tôi không hề làm chính trị. Tôi chỉ viết về văn học và văn hoá; và luôn luôn viết với tư cách một nhà phê bình. Mọi ý nghĩ của tôi đều được trình bày một cách thẳng thắn, công khai, chả có gì phải giấu giếm cả. Rất khó biết được là người ta có tin tôi hay không. Lần “làm việc” cuối cùng là vào ngày 25 tháng 12 năm 2002. Sau đó, yên. Chuyến đi mới nhất của tôi vào tháng 12 năm 2004 diễn ra tốt đẹp. Không có chuyện gì phiền phức. Tôi thoải mái gặp gỡ, nhậu nhẹt và tán dóc với bạn bè trong giới văn nghệ từ Hà Nội vào đến Sài Gòn, dù, dĩ nhiên, tôi luôn luôn tự kiểm soát mình, không bao giờ sa đà vào những đề tài chính trị. Ra phi trường Tân Sơn Nhất, không có ai chận lại khám xét hành lý, lục từng cuốn sách và từng bức tranh tôi mang về Úc như cái điều thỉnh thoảng vẫn xảy ra mấy năm trước đó.

Tôi ngẫm lại: từ cuối năm 2004 đến nay, chưa đầy một năm, do bận bịu với công việc ở đại học, tôi viết rất ít; và tuyệt đối không viết về bất cứ đề tài gì có tính “nhạy cảm” về chính trị. Vậy, tại sao người ta lại cấm tôi vào Việt Nam sau khi đã cấp visa cho tôi? Tôi đặt câu hỏi với các công an hải quan. Không ai trả lời được. Lần nào, người ta cũng chỉ lặp đi lặp lại: “Đây là quyết định của ‘trên’. Chúng tôi chỉ là những người thừa hành.” Tôi biết tôi không thể đối thoại với những người “thừa hành” câm điếc như thế. Đành im.

Tôi ký tên vào biên bản và yêu cầu được gặp các sinh viên trong đoàn du khảo do tôi hướng dẫn để đưa cho họ chi phiếu trả tiền học và tham quan cho Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội; đưa họ một số tiền để họ ăn uống trong những ngày ở Hà Nội và dặn dò họ một số việc cần thiết. Nhưng các công an hải quan từ chối. Họ bảo tôi không được phép rời khỏi khu vực nhập cảnh. Tôi yêu cầu họ, nếu không cho tôi sang gặp các sinh viên thì cho một sinh viên trong đoàn sang gặp tôi. Cuối cùng, sau khá nhiều cãi cọ căng thẳng, lời yêu cầu ấy cũng được thực hiện. Một sinh viên đến gặp tôi. Tôi kể sơ lược cho em ấy nghe quyết định của Bộ Công An không cho tôi nhập cảnh. Em ấy há hốc vì kinh ngạc rồi gào lên: “Bọn họ có điên không?” Rồi em nhào đến các công an đang đứng canh tôi: “Ai là người chỉ huy ở đây? Tại sao các ông lại làm như vậy đối với thầy của tôi? Các ông có biết là ông ấy đã giảng bao nhiêu điều hay đẹp về văn hoá và xã hội Việt Nam, làm cho chúng tôi yêu mến Việt Nam và muốn học tiếng Việt, học về văn hoá và xã hội Việt Nam không?” Một công an biết tiếng Anh trả lời “Chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên mà thôi!” Tôi khuyên em sinh viên nên bình tĩnh, rồi đưa cho em tiền và các giấy tờ liên quan đến chuyến đi. Hai nhân viên hải quan áp tải em qua khu vực nội địa để đi Hà Nội.

May, trước khi đi, tôi mang theo một cái Sim card cũ mua từ Việt Nam mấy tháng trước đó để dùng cho điện thoại di động. Tôi dùng điện thoại di động liên lạc với Khoa Tiếng Việt và Văn Hoá Việt Nam ở Hà Nội để cho họ biết là tôi bị buộc phải quay lại Úc và bàn với họ cách thức ra phi trường Nội Bài đón các sinh viên trong đoàn về nhà khách của đại học. Đã quá giờ hành chính, tôi không thể liên lạc được với Toà Đại Sứ Úc ở Việt Nam, cho nên tôi liên lạc với thân nhân và bạn bè mình ở Việt Nam cũng như ở Úc để họ biết tình hình. Một vài người bạn ở Việt Nam hứa sẽ nhờ người này người nọ trong Bộ Công An để nhờ giúp cho tôi được nhập cảnh vào Việt Nam. Có người, rất tự tin và nhiệt tình, hứa sẽ đến ngay phi trường để gặp tôi và trực tiếp giải quyết vấn đề. Thế nhưng, cuối cùng, tôi không được gặp ai cả. Một người bạn có quan hệ khá rộng với giới lãnh đạo Việt Nam cho tôi biết: tình hình hoàn toàn tuyệt vọng.

Một nhân viên của hãng Hàng Không Việt Nam và hai công an dẫn tôi xuống khu vực bán vé máy bay để thu xếp chuyến đi sang Úc. Tối hôm đó chỉ có chuyến bay sang Sydney. Hành trình ghi trên vé máy bay của tôi là từ Melbourne đi Hà Nội và từ Sài Gòn trở về Melbourne, do đó, tôi bị buộc phải mua vé máy bay khác đi Sydney. Tôi phản đối với lý do là vé của tôi cũng mua từ Vietnam Airlines; nếu phải trở về Sydney, tôi chỉ bù thêm tiền chứ không đồng ý bỏ hẳn cái vé cũ để mua một cái vé khác. Cô bán vé cứ khăng khăng đòi tôi phải mua vé mới. Tôi cương quyết từ chối. Người ta dẫn tôi lên lại khu vực Nhập cảnh. Khu vực này là nơi hành khách quốc tế chờ trình hộ chiếu vào Việt Nam. Ngoài các quầy hải quan, cả khu vực rộng mênh mông này chỉ có ba dãy ghế nhựa cũ kỹ và một phòng vệ sinh. Lần nào tôi đi vệ sinh cũng đều có hai công an đi kèm. Đến khoảng 7 giờ rưỡi, viên thượng tá công an Đinh Thế Công nói với tôi, giọng nghiêm và lạnh: “Quyết định của Bộ Công An không thể nào thay đổi được. Bởi vậy, anh nên tìm cách quay về Úc càng sớm càng tốt. Như vậy khoẻ cho anh và cho cả chúng tôi nữa. Anh thấy đấy, đây không phải là nơi có thể ở vài ba ngày để chờ chuyến bay về Melbourne.”

Cuối cùng, khoảng 8 giờ, tôi quyết định trả tiền vé máy bay để về Sydney. Trước đây, tôi đã mua vé khứ hồi Melbourne – Hà Nội và thành phố HCM – Melbourne với giá 1450 đô Úc. Bây giờ phải chìa credit card ra để trả thêm 713 đô Mỹ cho chuyến bay một chiều về lại Sydney; sau đó, lại phải mua vé bay từ Sydney về Melbourne. Tôi có cảm giác như bị ăn cướp trấn lột. Nhưng dù sao tôi cũng phải đi. Ít nhất, khi đến Sydney, tôi có thể liên lạc được với các sinh viên của tôi ở Hà Nội và nhờ đại học của tôi can thiệp để tìm cách giúp đỡ các sinh viên ấy trong thời gian họ theo học ở Việt Nam. Ở đây, tôi hoàn toàn vô vọng. Cái Sim card cũ của tôi có thể hết hiệu lực bất cứ lúc nào. Sau khi lấy vé, hai công an “áp tải” tôi lên máy bay. Ở cửa nào, tôi cũng được “ưu tiên” đi trước. Thiên hạ sắp hàng, mặc; tôi đi qua, với hai công an: một phía trước và một phía sau. Sau khi tôi vào hẳn máy bay, hai người công an mới đi ra.

Chuyến bay bay suốt đêm. Đến 9 giờ 30 sáng Chủ nhật tôi mới đến Sydney. Hoàng Ngọc-Tuấn ra phi trường đón. Trước đó, khi liên lạc với Tuấn, tôi đã nhờ Tuấn đặt giùm một vé máy bay từ Sydney đi Melbourne, nơi tôi ở và làm việc. Không có chuyến bay nào vào ngày Chủ nhật còn vé. Tuấn đành phải mua vé chuyến bay đầu tiên của ngày Thứ Hai, 21 tháng 11. Tôi có được gần một ngày và một đêm ở Sydney. 4 giờ sáng Thứ Hai, tôi đã thức dậy để ra phi trường về Melbourne. Chuyến bay hạ cánh xuống phi trường Avalon ở Melbourne vào lúc 7:30. Đây là phi trường mới, cách trung tâm thành phố Melbourne đến hơn 50 cây số. Tôi đã quá mệt mỏi với chuyện ngồi bó chân trên máy bay nên chọn đi taxi thay vì xe buýt về nhà. Tôi nghĩ đi taxi sẽ nhanh hơn nhiều. Nhưng khi chiếc xe buýt đã lăn bánh, tôi mới phát hiện việc chờ đợi một chiếc taxi trống ở đây có khi mất khá nhiều thì giờ.

Tôi về nhà lúc gần 9 giờ sáng. Trước đó hai ngày, tôi cũng rời nhà lấy taxi đến phi trường Melbourne vào lúc 9 giờ sáng. Như vậy, tổng cộng thời gian kể từ lúc tôi rời nhà vào ngày Thứ Bảy 19 đến khi quay về nhà vào Thứ Hai, 21 là đúng 48 tiếng. 48 tiếng đồng hồ, trong đó có khoảng 18 tiếng đồng hồ ê ẩm trên máy bay, chỉ để đi từ nhà mình đến nhà mình. Thật lãng nhách.

Tin tức về việc tôi bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam lan đi khá nhanh. Vừa về đến nhà, mở computer lên, tôi đã thấy có đến mấy chục emails hỏi thăm. Một trong những emails mới nhất, từ một người bạn văn nghệ, hỏi: “Thằng mất dạy nào chận anh lại, không cho anh vào thế?”

Ờ nhỉ, hỏi vậy mà hay.

 

Melbourne 22.11.2005

 

-----------------------------------------------

Hình chụp của tờ BIÊN BẢN (gồm 2 trang):


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021