thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một ngày đàng một sàng khôn

 

1.

Xưa Cao Bá Quát mới tới Tân Gia Ba đã tức khí mắng thơ rồi (Giật mình khi ở xó nhà/ Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi). Và sau khi ở Tân Gia Ba về, chả uất khí thành con người khác.

Tương truyền họ Cao hay tự đắc, thế gian có 4 bồ chữ, chả rủng rỉnh hết 2 bồ. Nhưng với truyền thống kẻ sĩ, ỷ vào chữ lên mặt với đám đầu chày đít thớt, chả lập tức bị xì hơi ngay khi nhìn thấy tàu bè, xe cộ, đèn đóm... khác lạ từ một xứ thuộc địa, biết nằm ngoan trong vòng vây gay cấn của thực dân Anh.

Nếu họ Cao tận mắt chứng kiến bản gốc hoành tráng của nền văn minh, chắc nỗi cay đắng và sự ngậm ngùi của chả còn rực rỡ hơn nhiều. Bây giờ thì tôi hoàn toàn chia sẻ với chả, nỗi cay đắng và sự ngậm ngùi đậm đà bản sắc đó.

Sự chới với của chả, là sự chới với của những giá trị truyền thống khi chạm trán với hiện thực của một truyền thống khác. Cao Bá Quát thấy người liền ngẫm lại ta, và chợt thấy ta chẳng phải ở trong miếu đền, mà thấy ta chẳng ra con ma gì ở giữa chợ.

Khi nổi loạn chống triều đình, chắc chắn Cao Bá Quát hiểu rằng, muốn cải cách cái bộ tộc gà què ăn quẩn cối xay, trước hết phải tống bọn thầy mo ngủ gật ra khỏi cấm thành, nên chả không thể không nổi điên với đám mũ cánh chuồn, phe phẩy quạt giấy coi trời bằng vung.

Sự tuyệt vọng và hành vi liều lĩnh của Cao, có ý nghĩa như một bài thơ xưng tụng tự do, đồng thời cho thấy sự thất bại của truyền thống lấy văn hoá phi vật thể làm nền, trước cái phiên bản của một nền văn minh lấy vật thể làm gốc.

Ðến bây giờ, so với Tân Gia Ba, Việt Nam dưới sự cai trị phè phỡn của “đỉnh cao trí tuệ” khôi hài là Ðảng Cộng sản, vẫn nguyên xi là một quần cư sình bụng, giẫy giụa tưng bừng trong mặc cảm mịt mù của sự thất bại chắc cú đó. Cái chắc cú của một thảm trạng: nghèo, ngu và ác.

 

2.

Tôi không ngờ lại có một cơ hội ngọt ngào, nếu không nhờ cái phương tiện kỳ diệu là internet. Từ ngày có internet, thế giới trở nên huyền ảo hơn, từ đó tôi thấy trâu bò, đồng lúa bớt lãng mạn hẳn. Internet mới thực sự lãng mạn.

Các nhà thơ thích làm thơ về trâu bò, đồng lúa, hãy quan sát thường xuyên hơn cái máy tính, nó mới thực là cánh đồng bất tận, là nguồn cảm hứng không phụ thuộc ngoại cảnh, thi tứ sẽ từ đó tự động tuôn trào, khỏi mất công lên chùa cầu thánh để thỉnh bút thần hay bút mực.

Thử nghĩ nếu không có internet, hệ thống chuyên chính mặc sức mà rung đùi cai trị. Internet đã giúp đám đối thủ (cuội) èo uột và manh mún một cơ hội vàng để lưu thông khí huyết. Một khi khí huyết tự do lưu thông, nó nhanh chóng phục hồi nhân phẩm, và một khi nhân phẩm nhúc nhích, nó kết những mảnh vụn (cuội) thành những mũi nhọn sực mùi ý thức, chọc vào cái giáp sắt (13 ly) của bộ sậu bất nhân toàn trị.

Có thể nói trong tình trạng đục nước béo cò ở Việt Nam hiện nay, và trường hợp độc cô (không cầu bại) là tôi hiện tại, internet là một phương tiện thông hơi tuyệt vời, hơn thế, nó còn là một cứu cánh tân thời của dân chủ, và đôi khi cũng rất đỗi lãng mạn.

Tôi hỏi bà Lydia Haustein, giáo sư tiến sĩ lịch sử nghệ thuật, trưởng ban Văn học-Xã hội-Khoa học của Nhà Văn hoá Thế giới ở Berlin, làm sao mà tôi đến được đây, bà nói: internet. Nghĩa là có một lần tình cờ nào đó, Lydia lướt mắt xanh qua màn hình máy tính, tôi và Linh, 2 thằng từ 2 phương trời bỗng gặp lại nhau ở Berlin.

Lydia nói với Linh, có bữa thức dậy bà không biết là đang ở xứ nào. Bà đã đi 40 quốc gia trên thế giới, nghiên cứu về những hình tượng của nhiều nền văn hoá khác nhau. Trong cuốn sách Về cái đẹp do Nhà Văn hoá Thế giới ấn hành, có một tiểu luận của Lydia, “Tính tức cười của những giá trị biểu tượng khi chuyển dịch”. Tiểu luận phân tích tính nhiều vẻ của cái đẹp là một điểm đồng quy những góc nhìn đan xen của hệ tư tưởng, triết học và văn hoá. Ở phần cuối, Lydia viết: “Cái đẹp có thể vượt qua nỗi sợ tức cười trong tiến trình thay đổi văn hoá, làm mủi lòng mối quan hệ giữa văn hóa kiêu kỳ và văn hoá đại chúng bằng sức mạnh vạm vỡ của văn hoá đại chúng”.

Từ góc nhìn hậu hiện đại đó, Nhà Văn hoá Thế giới không lấy tụ điểm là nghệ thuật đương đại Tây Âu, mà dành trọng tâm giới thiệu nghệ thuật đương đại của phần thế giới còn lại (cái phần thế giới có nhiều ân oán giang hồ với trung tâm là Tây Âu cựu đế quốc), hiện đang đối diện với những mặc cảm ngoại vi, triền miên lâm li trong chuỗi lịch sử bầm dập, để qua đó, qua cái hiện trạng quái gở đó, hy vọng tìm thấy những tín hiệu vui của nghệ thuật đương đại.

Không biết những hoạt động coi bộ tốn tiền này, chứng minh được gì và được bao nhiêu phần trăm nhận định khả ái kia của Lydia. Nhưng khi nhà thơ Ðức Mario Wirz đọc những bài thơ của Ðinh Linh, những bài thơ nói về sự phiền toái của thân thể, tôi thấy nhiều người và cả Lydia cười ha hả, còn những bài thơ của tôi, nói về sự phiền toái ( “Phỉnh” [1]) của xã hội Việt Nam, khi Mario Wirz đọc, tôi thấy có vài cái đầu gật gù và Lydia thì ra dấu bằng cách chìa ngón tay cái lên. Tôi hiểu cử chỉ đó có nghĩa là: ồ, tao thấy Việt Nam của mày phỉnh thiệt!

Nguyễn Quốc Chánh và Đinh Linh đọc thơ
trong Liên hoan Nghệ thuật đương đại Đông Nam Á
tại Nhà văn hoá Thế giới Berlin ngày 01.10.200

Sau buổi đọc, tôi muốn chụp hình với Lydia, bà dang hai tay choàng lên cổ tôi và Linh thật thân ái. Tôi hiểu đây là thời điểm xuất hiện mối quan hệ “mủi lòng” của tiến trình chuyển đổi văn hoá, giữa một bên là cái đẹp của văn hoá kiêu kỳ (high culture) và một bên là hai cái đẹp của sức mạnh vạm vỡ của văn hoá đại chúng (robust powers of popular culture). Có thể nói, hành vi đó tương ứng với nhận định trong tiểu luận “Playfully Translating Symbolic Values của Lydia.

Khi được yêu cầu nói lời cuối cùng trong buổi đọc, tôi nói thi sĩ là một loài động vật quý hiếm, nếu không được bảo vệ thì sẽ bị tuyệt chủng, và tối hôm nay, ở đây, trong khung cảnh này, tôi thấy mình được bảo vệ. Sau đó ở hành lang, Lydia nói không những thi sĩ cần được bảo vệ, mà cả Lydia cũng cần được bảo vệ. Tôi tưởng bà nói chơi, nhưng có một sự thật là, vì Lydia thích rước toàn cái đám trời ơi từ khắp nơi về đây, nên cán bộ sứ quán các nước ở Berlin chắc cũng bực mình, và bộ ngoại giao Ðức làm sao mà không nhăn mặt. Lydia nói có thể bà bị cho thôi việc trong vòng 2 năm tới.

Mỹ quan tổng quát của nghệ thuật đương đại Ðông Nam Á ở Liên hoan này, có một điểm chung trong tư duy nghệ thuật là: phê phán và chế giễu. Phê phán nạn xâm hại môi trường của ngành kinh doanh du lịch ở Phi Luật Tân; chế giễu tính dân chủ giả cầy ở Indonesia; phê phán chế độ chính trị độc tài của Miến Ðiện... Và hai tác giả tiêu biểu của tinh thần phê phán và chế giễu đó là Ðinh Linh (Việt Nam) và Prabda Yoon (Thái Lan).

Trong một truyện ngắn xuất sắc có tên “!”, Ðinh Linh đã điểm đúng huyệt cái xã hội Việt Nam đương thời, không gì khác là một xã hội của những thứ đồ dỏm. Trong cái làng phúng dụ có tên là Kỳ Ðồng, tờ báo Công nhân ở đó mấy bữa lại khui ra một bác sĩ dỏm, một luật sư dỏm, một doanh nhân dỏm, một đại biểu quốc hội dỏm... Nghĩa là ở làng Kỳ Ðồng cái gì cũng có, từ nghệ sĩ (phá cách) đến nhà giáo (dân nhân), nhưng một khi bị khui ra, không thứ gì trong đó có thể xài được.

Trong cái lũ dỏm đó, có một thầy giáo tiếng Anh dỏm tên là Hồ Mười. Trong 25 năm Hồ Mười dạy cho sinh viên 1 triệu từ vựng, thậm chí Hồ Mười còn cho sinh viên đọc truyện ngắn, thơ bằng tiếng Anh của hắn, nhưng khi bị công an hù, Hồ Mười không biết trong tiếng Anh có thì quá khứ, động từ “to be, to do” và chưa bao giờ nghe tên Shakespeare, cũng không biết người Anh và Úc nói cùng một thứ tiếng.

Với kinh nghiệm của một tên sống sót dưới chế độ cộng sản, sống sót có nghĩa là vẫn chưa bị ngu và ác hết thuốc chữa, tôi khẳng định cái dỏm trong xã hội Việt Nam mà Ðinh Linh đặt ra trong truyện ngắn “!” đúng đến một trăm lẻ một phần trăm, không những đúng bây giờ mà còn đúng cho cả mai sau. Vì không đủ thời gian, truyện “!” không kịp đọc, nhưng nó được coi là một tác phẩm bao quát chủ đề: “Không gian và Bóng tối” - một thông điệp của Liên hoan về Nghệ thuật đương đại Ðông Nam Á, diễn ra ở Berlin từ 29.09 - 20.11.2005

Và cuốn phim Cuộc đời mạt kiếp trên trần thế, dựng từ truyện ngắn của Prabda Yoon, nói về một khoảng đời của ả điếm Thái với một gã du đãng Nhật. Ðặc tính của ả điếm Thái là bày hày, và đặc tính của gã du đãng Nhật là trật tự. Ả Bày Hày và gã Trật Tự cù cưa nhau trong một căn nhà cũng rất bày hày trên đất Thái. Họ vừa cù cưa vừa xung khắc, vừa xung khắc vừa tò mò và đến gần cuối phim, họ phải lòng nhau. Sau đó gã Trật Tự và ả Bày Hày kéo về Nhật, nhưng khán giả chưa kịp thấy họ yên thân một ngày trên đất Nhật, thì gã Trật Tự bị bắt, ả Bày Hày không biết ở đâu, chắc là đang kéo lê va li ở một nhà ga nào đó, loay hoay rồi lại phải vô nhà thổ nữa thôi.

Hai tính cách trái ngược như hai đối cực trong một thực thể không thể tách rời, chúng giao động giữa 2 cấp độ phát triển xã hội khác nhau. Nước Nhật ai cũng biết là biểu tượng cực thịnh của một châu Á chậm tiến, và Thái nổi tiếng với ngành du lịch và sex của một châu Á đang phát triển. Sự thái quá của tính trật tự và bày hày, là những nét đặc trưng của một khu vực cực thịnh và nhiều khu vực đang phát triển, đã trở thành một vấn đề của xã hội và đối tượng chế giễu của nghệ thuật đương đại.

Nhà Văn hoá Thế giới là một hội quán, toạ lạc trong một toà nhà có lịch sử và kiến trúc đặc biệt. Nó là một biểu tượng về tự do triệt để trong kiến trúc thời bấy giờ (1957). Ở trên nhìn xuống, nó giống như một con bướm giơ cánh, nhìn từ đằng trước, nó là một nụ cười rạng rỡ, nhằm truyền đi bức thông điệp về sự đối lập giữa hai hệ thống xã hội trong thời chiến tranh lạnh. Nó là quà tặng của chính phủ Mỹ cho phía Tây thành phố Berlin.

Nhà Văn hoá Thế giới (Haus der Kulturen der Welt) Berlin

Hội quán hoạt động quanh năm, là cái cửa sổ để công chúng Berlin thấy toàn cảnh nghệ thuật đương đại thế giới. Nghệ thuật có thể nảy sinh ở khắp mọi nơi, nhưng nghệ thuật là một loại hàng xa xỉ phẩm, chỉ những quốc gia thịnh vượng và dân chủ mới có cơ hội thụ hưởng.

 

3.

Bức tường chia đôi Berlin nổi tiếng trong thời chiến tranh lạnh, giờ chỉ còn chừng 100 thước, làm chứng cho cái mưu đồ dùng tư tưởng cải tạo thế giới của Marx. Tuy đã sụp, nhưng bức tường vẫn tồn tại vô hình, tiếp tục ngăn cách người dân hai miền Ðông và Tây Berlin. Ông tiến sĩ Sven Arnold, điều phối viên chương trình của Nhà Văn hoá Thế giới nói với Linh và tôi, người dân của Ðông và Tây Berlin vẫn khó ngồi chung với nhau, giữa họ vẫn còn một vết hằn lịch sử. Khi nhà văn Phạm Thị Hoài chở chúng tôi đi chơi, chị cũng nói, người Việt ở Berlin chia làm 2 khu, người Việt miền Bắc chủ yếu ở bên Ðông và người Việt miền Nam chủ yếu ở bên Tây, bên nào treo cờ bên nấy. Mới thấy học thuyết đấu tranh giai cấp đã để lại hậu quả ghê gớm như thế nào. Nó là một loại thặng dư, (dĩ nhiên không làm tăng tích lũy tư bản, không làm mồ chôn đế quốc), một thứ virus huỷ hoại tinh thần của chính những kẻ thiết kế nó và những người bị nó cuốn theo.

Một trong những phần còn lại của Bức tường Berlin

Tôi không thể không liên tưởng đến tình trạng Việt Nam. Một Việt Nam với những khẩu hiệu tràn ngập, lải nhải suốt 30 năm là thống nhất, giải phóng... nhưng trên thực tế, chỉ có tàu xe và máy bay là thống nhất, còn lòng người, vết hằn ý thức hệ thì vẫn còn nguyên. Nước Ðức thống nhất, nhưng không thống nhất theo kiểu ba trợn là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà thống nhất theo “định hướng” từ phía tư bản Tây Ðức. Ði chơi tôi không thấy bối rối vì túi ít tiền, mặc dù ít tiền ở đâu chắc cũng bất tiện, nhưng thật sự nhục vì biết rõ mình đang là một thứ nửa người nửa ngợm, chui ra từ một cái địa ngục toàn là ma với quỷ.

Ngoài bức tường Berlin, tôi có đến khu tưởng niệm những người Do Thái bị giết hại. Khu này có hàng ngàn khối đá màu đen, không cùng kích cỡ, dựng đứng, nằm ngang tạo thành một nghĩa địa nhấp nhô rất ấn tượng. Nó là một kết hợp giữa ý thức sám hối và nguyên nhân gây ra sự sám hối đó, hai sự thật rất khó dung hòa lại được lồng vào nhau. Những khối đá màu đen, mỗi khối vừa như biểu thị cho một linh hồn, vừa như khẳng định một hành vi tội ác. Ý tưởng sám hối lồng trong ý tưởng khôi hài, vì dưới những khối đá biểu trưng cho sự sám hối, lại chính là nơi Hitler tử nạn. Ở đây tồn tại cùng lúc hai sự thật: nơi chôn chặt một kẻ vì nước Ðức mà gieo tội ác, và tội ác đó được sám hối bởi chính những người Ðức đương thời.

Đài tưởng niệm các nạn nhân Do Thái châu Âu (Holocaust Mahnmal)

Từ ý tưởng trên, tôi liên hệ đến lăng Hồ Chí Minh trong tương lai, vì nó cũng đang là một nấm mồ khổng lồ, nhưng không hẳn của một kẻ vì Việt Nam mà gieo rắc tội ác, mà rõ ràng là vì một thứ chủ nghĩa không tưởng, đã gây tang tóc cho chính đồng bào. Tôi nghĩ một ngày nào đó, khi chúng ta vượt qua nỗi khiếp sợ của cái ngu và ác, tôi đề nghị một phương pháp xử lý lăng Hồ Chí Minh như vầy: chôn ông ta thật sâu dưới lòng đất, ngay nơi xác ông ta đang quàn, rồi dán lên bên trong, bên ngoài của tất cả những bức tường, trần và các lối đi trong lăng những đầu lâu của những nạn nhân, ưu tiên là những nạn nhân trong cải cách ruộng đất, và đổi tên thành: LĂNG NHỮNG NẠN NHÂN CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN VIỆT NAM.

Lăng những nạn nhân của CNCS Việt Nam

Tục ngữ có câu đi một ngày đàng học một sàng khôn. Ý tưởng vừa nêu là một trong những sàng khôn tôi học được, và muốn chia sẻ với những oan hồn, những nạn nhân và cả những chủ nhân của những oan hồn và nạn nhân đó. Vì chủ nghĩa cộng sản có một khả năng ma quái là biến tất cả những ai ở trong nó, trước sau gì cũng thành nạn nhân của nó. Tức là tất cả đều thành những kẻ ngu và ác.

 

_________________________

[1]“Phỉnh”: Tên một bài thơ của Nguyễn Quốc Chánh được dịch sang tiếng Ðức và đọc trong buổi đọc thơ nêu trong bài viết.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021