thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Genette: “Tái tạo” một tiểu thuyết của Robbe-Grillet […] là vứt bỏ nó

 

Lời toà soạn:
 
Đầu tháng 9/2006 vừa qua, Tiền Vệ đã công bố tặng thưởng TÁC PHẨM CỦA THÁNG 8/2006 cho bài “Xoá bỏ trong tác phẩm của Robbe-Grillet: cơ chế tạo sinh và tái tạo sinh văn bản” của Nguyễn Thị Từ Huy, do chính tác giả viết lại từ nguyên tác Pháp văn "L’effacement chez Robbe-Grillet: mécanismes de la production et de la reproduction du texte" [tham luận này đã được tác giả trình bày trong hội thảo chuyên ngành văn chương Pháp, “Marking Loss: Reading and Writing Erasure in French and Francophone Literature”, tại Columbia University, ngày 17 tháng 2 năm 2006].
 
Từ ngày công bố tặng thưởng cho đến nay, Tiền Vệ đã nhận được nhiều bức thư hưởng ứng và tán thưởng từ những nhà văn thuộc thế hệ tiền bối — những người đã từng yêu thích và tìm hiểu Robbe-Grillet trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
 
Tuy nhiên, Tiền Vệ cũng vừa nhận được một bài phản hồi khá gay gắt của độc giả Trần Văn Lục. Chúng tôi đã chuyển bài phản hồi ấy đến tác giả Nguyễn Thị Từ Huy, và chị có viết một bức thư gửi lại cho độc giả Trần Văn Lục. Chúng tôi xin đăng nguyên văn bài phản hồi ấy dưới đây, song song với bức thư của Nguyễn Thị Từ Huy.
Tiền Vệ

 

 

Genette: “Tái tạo” một tiểu thuyết của Robbe-Grillet […] là vứt bỏ nó

 

Ðọc bài viết của Nguyễn Thị Từ Huy “Xoá bỏ trong tác phẩm của Robbe-Grillet: cơ chế tạo sinh và tái tạo sinh văn bản”, tôi chia sẻ với chị lòng yêu mến tác phẩm của nhà văn Pháp. Tuy nhiên tôi xin phép đưa ra một vài nhận xét.

Bài viết của chị chưa có cách trình bày rõ ràng. Các ý tưởng và các phần không tách bạch. Mở đầu đã là nhận định: “Ông biến sự xoá bỏ thành lời kêu gọi việc tái tạo, tái lập và lấp đầy những gì đã bị bỏ mất nhưng đồng thời mang chức năng kép: tạo sinh và tái tạo sinh văn bản.” Nhưng kết luận cũng với một nhận định tương tự: “Như vậy xoá bỏ là một cơ chế kép thực sự: vừa tạo sinh vừa tái tạo sinh văn bản.” Điều này khiến cho độc giả băn khoăn tự hỏi đâu là mục đích của bài viết.

Bản thân hai khái niệm “tạo sinh”“tái tạo sinh văn bản” chỉ được tác giả nhắc đến (ở đầu bài và ở cuối bài), nhưng không được định nghĩa, không được phân tích thông qua tác phẩm của Robbe-Grillet. Vì vậy, người ta có cảm giác chúng được đưa vào bài viết một cách gượng ép. Bản thân khái niệm “xoá bỏ” cũng được trình bày rất chung chung. Đọc bài viết của Nguyễn Thị Từ Huy, người ta không hiểu khái niệm này, như chị đưa ra, là kỹ thuật, là phương tiện, hay là mục tiêu của Robbe-Grillet?

Đây là một kết luận khác của bài viết: “khi văn bản được xây dựng lại từ văn bản gốc, nó sẽ không bao giờ là một phiên bản trung thành, trái lại nó sẽ huỷ diệt văn bản gốc trong khi khai thác các yếu tố làm nên văn bản ấy. Văn bản do độc giả viết lại sẽ luôn là một phiên bản mới so với tác phẩm mà tác giả đã tạo ra”. Người đọc tự hỏi: tác giả viết cả một bài dài, quanh co, rối rắm, chỉ để đạt đến một điều quá hiển nhiên này sao? Có lẽ không cần phân tích Robbe-Grillet, người ta cũng có thể phát biểu: “khi văn bản được xây dựng lại từ văn bản gốc, nó sẽ không bao giờ là một phiên bản trung thành, v.v.”.

Ngay trong đoạn kết luận sau của Nguyễn Thị Từ Huy, người ta sẽ thấy rằng hai câu này viết liền nhau nhưng chỉ lập lại cùng một ý: “Và xoá bỏ không phải để làm tiêu vong vĩnh viễn, mà trong tương liên với tái diễn và sự trở về mãi mãi (éternel retour), nó là điều kiện cho hành động tái lập, nó chứa đựng khả năng kiến thiết những thế giới mới. Quả thực, xoá bỏ được thực hiện không với mục đích huỷ diệt hoặc tẩy xoá, mà khiến cho việc tái tạo trở nên thiết yếu”.

Sau đây là một số nhận xét khác của tôi.

 

1. Bài nghiên cứu này được dựa trên những quan niệm mới (thậm chí lạ tai) với độc giả. Song không một lần Nguyễn Thi Từ Huy định nghĩa hay làm rõ nghĩa chúng. Ví dụ: “cơ chế tạo sinh”, “cơ chế hoá văn bản”, “tái tạo sinh văn bản”, “tính năng sản văn bản”,…

Xin được biết vì sao “Tạo sinh và tái tạo sinh” vừa là “chức năng”, vừa là “ cơ chế”, vừa là “quá trình”? “Tính năng sản văn bản”, “Cơ chế hoá văn bản”, “tổn thất bản thể học” là gì? Đâu là sự khác nhau giữa “tái tạo”, “tái lập”, “tái lặp”, “tái diễn”, “tái thiết”?

Vì không làm sáng tỏ những khái niệm trên, nên bài viết có những nhận định thật u tối, khó hiểu. Ví dụ:

- “Và những tái lặp được thực hiện mà không tuân theo bất kỳ một quy tắc nào về thời gian. Trái lại chúng vẽ lên một dạng thức quanh co rắc rối, trùng phức xuyên nhập lẫn nhau đến mức không ai có thể tái lập các quan hệ giữa các yếu tố thời gian được đưa vào trong tác phẩm”.

- “Cái không chắc chắn và cái không biết nảy sinh, một phần, từ những tái lặp hay tái diễn, đấy là những yếu tố văn bản mà ở đó sự phân biệt nội dung và hình thức trở nên vô nghĩa”.

- “Từ góc độ lối viết xoá bỏ, tái lặp không có chức năng khẳng định, ngược lại, nó phá bỏ xác tín để chỉ ra rằng cái sai, cái không biết cũng cần thiết như là cái đúng và sự hiểu biết”.

- “Tái lặp ở đây được hiểu như là sự giống nhau, và đồng thời, theo Gilles Deleuze, như là những gì mang trong mình tính khác biệt, có nghĩa là khác nhau”.

- “Và tái diễn, trong tư cách là “kỷ niệm hướng về phía trước” mang trong nó sức mạnh tái thiết”.

 

2. Bài viết của Nguyễn Thị Từ Huy được xây dựng trên một số nhận định về tác phẩm của Robbe-Grillet, và sau đó được chị phát triển ra. Ví dụ: từ “bây giờ” trong tác phẩm Ghen (La jalousie) hay quan niệm “chủ thể” trong Tái Diễn (La reprise).

Trước hết, tôi lấy làm ngạc nhiên khi chị không hề nhắc tới bài nghiên cứu của Denis Bertrand có tựa đề “Maintenant” in ngày 11/4/2004, trên tờ “Rivista dell Associazione Italiana di Studi Semiotici on-line”. Denis Bertrand dành nhiều trang để bàn về từ “Maintenant” (Bây giờ) trong tác phẩm Ghen (La Jalousie) của Robbe-Grillet. Giống như Nguyễn Thị Từ Huy, Denis Bertrand, trong khi phân tích, cũng tiến hành khảo sát mục lục của tiểu thuyết để chỉ ra rằng nó lập lai nhiều lần từ “Bây giờ”. Chỉ có điều, bài của Denis Betrand xuất hiện trên mạng 2 năm trước bài của Nguyễn Thị Từ Huy.

Về quan niệm “chủ thể”, bài viết của Nguyễn Thị Từ Huy không nêu được sự chuyển động của đề tài này trong sáng tác của Robbe-Grillet. Nó chỉ dừng ở cách đặt vấn đề của Robbe-Grillet trong các tác phẩm đầu tiên như Ghen (La jalousie, 1957) hay Những chiếc tẩy (Les gommes, 1953) khi cho rằng nhân vật trong tác phẩm của ông là “chủ thể không-tư-duy, không-phát-ngôn”, “không có cái tôi chủ thể, không có cái tôi bản ngã, không có quan hệ với những kẻ khác”, “chủ thể không có chủ thể tính, bị tách khỏi bản thân để trở thành một “chủ thể rỗng”. Chị đã không nhận thấy quan niệm về “chủ thể” đã thay đổi trong những tác phẩm sau này của Robbe-Grillet như “Le miroir qui revient” (1985) hay “La reprise” (2001), mặc dù có phân tích chúng, từ đó dẫn đến những nhận định tối nghĩa, không thuyết phục. Ví dụ chị viết (tôi xin gạch dưới những chỗ khó hiểu, thậm chí trái nghĩa):

“Nhưng vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nếu ta thừa nhận cấp độ thứ hai của chủ thể trong tác phẩm Robbe-Grillet: chủ thể viết. Tự xoá bỏ hoàn toàn trong các tiểu thuyết, tác giả tuyên bố một cách nghiêm túc trong tự thuật: “Tôi chưa bao giờ nói về cái gì khác hơn là về chính tôi. Như thể đó là từ bên trong, người ta gần như không nhận thấy điều này. May mắn thay. Bởi vì tôi xuất hiện ở đó, giữa hai dòng chữ, để bày tỏ vài ba từ ngữ đáng ngờ, đáng xấu hổ và thảm hại (Le Miroir qui revient)”. Ông đã đối diện với chính mình theo một cách thức đặc biệt như vậy. Chủ thể Robbe-Grillet không chỉ là nạn nhân của khu vực trung chuyển của tư duy, mà đó còn là chủ thể sáng tạo ra thứ ngôn ngữ đã tổ chức nên một thế giới vô thức cần tới mọi khả năng diễn giải”.

Hoặc: “Mặc dù kiệt sức bởi sức nặng ghê gớm của sự thật và sự thật nội tâm, nhân vật của Robbe-Grillet không hề dừng lại trên con đường dẫn tới cái không thật và từ cái không thật này mà dẫn tới sự thật. Con đường ấy, lần này bị bao phủ bởi cái bóng của tác giả- nhà tự thuật, tồn tại trong tư cách là một kẻ đang tự hình thành. Thực tế, đó không phải là một cái bóng duy nhất, mà là một loạt những cái bóng được tạo ra bằng vô số các cấp độ tự sự”.

Hoặc: “Nếu tác giả không bao giờ nói về điều gì khác ngoài chính bản thân mình, thì thực sự, với lối viết như vậy, ông đã hướng về nội tâm của chính mình bằng cách thoát ra khỏi đó dưới dạng thức các nhân vật được đặc trưng bởi tính phi bản sắc”.

Hoặc: “Con người của Robbe-Grillet nhìn vào bên trong nó xuyên qua những đồ vật trên đó nó phóng chiếu những cái nhìn”.

Hoặc: “khi lối viết trở thành không gian của những tái lặp, nó mang trong mình sức mạnh phá huỷ hoặc khiến cho mọi xác tín đều trở nên đáng ngờ, và dẫn tới hệ quả là sự xoá bỏ bản sắc, các nhân vật lao vào cuộc kiếm tìm sự thực về chính mình, một sự thực mà họ không bao giờ đạt tới” (Đọc câu này, người ta có thể hỏi: “lối viết trở thành không gian của những tái lặp” nghĩa là gì? tại sao trong trường hợp này “nó mang trong mình sức mạnh phá huỷ hoặc khiến cho mọi xác tín đều trở nên đáng ngờ”? Tại sao các nhân vật của Robbe-Grillet mà Nguyễn Thị Từ Huy định nghĩa như những chủ thể “hư vô”, “chủ thể rỗng”, “không có cái tôi bản ngã”, “không có chủ thể tính” lại “lao vào cuộc kiếm tìm sự thực về chính mình” như nhân vật của các tiểu thuyết “truyền thống”? Giải thích thế nào về sự mâu thuẫn này?

 

3. Tôi xin lưu ý về một số lỗi dịch thuật trong bài viết của Nguyễn Thị Từ Huy. Ví dụ sau đây theo tôi là một sai lầm khá cơ bản:

Nguyên tác: “Je n’ai jamais parlé d’autre chose que de moi. Comme c’était de l’intérieur, on ne s’en est guère aperçu. Heureusement. Car je viens là, en deux lignes, de prononcer trois termes suspects, honteux, déplorables…” (Le miroir qui revient, Paris, Éditions de Minuit, 1984, tr.10).

Bản dịch của NTTH: “Tôi chưa bao giờ nói về cái gì khác hơn là về chính tôi. Như thể đó là từ bên trong, người ta gần như không nhận thấy điều này. May mắn thay. Bởi vì tôi xuất hiện ở đó, giữa hai dòng chữ, để bày tỏ vài ba từ ngữ đáng ngờ, đáng xấu hổ thảm hại” (tôi xin phép gạch dưới những chỗ dịch sai).

Từ “comme” ở đây chỉ nguyên nhân, phải dịch là “vì” (NTTH dịch là “như thể”). Cụm từ “Je viens (…) de prononcer” là động từ “prononcer” chia ở thời quá khứ gần, phải dịch là: “tôi vừa phát âm” (NTTH dịch là “tôi xuất hiện để bày tỏ”). “Prononcer” là “phát âm” (NTTH dịch là “bày tỏ”). “Trois” là “ba” (NTTH dịch là “vài ba”), vv. Chính vì vậy, bản dịch của Nguyễn Thị Từ Huy rất tối, nếu không nói là vô nghĩa, thậm chí ngây ngô. Tóm lai đoạn này phải được dịch như sau: “Tôi chưa bao giờ nói về cái gì khác ngoài tôi. Vì điều đó đi từ nội tâm, nên người ta gần như không nhận thấy. May thay. Bởi vì trong hai dòng trên, tôi vừa phát âm ba từ đáng ngờ, đáng xấu hổ, thảm hại…».

Những lỗi dịch sai ngữ pháp trên có lẽ do tác giả thực sự không hiểu tinh thần tác phẩm của Robbe-Grillet, vì chị đã cắt bỏ đoạn tiếp theo trong đó nhà văn bày tỏ minh bạch tư tưởng của mình. Ngay sau đó Robbe-Grillet viết thế này: «…trois termes suspects, honteux, déplorables sur lesquels j’ai largement concouru à jeter le discrédit et qui suffiront, demain encore, à me faire condamner par plusieurs de mes pairs et la plupart de mes descendants: “moi”, “intérieur”, “parler de”. (… ba từ đáng ngờ, đáng xấu hổ, thảm hại, ba từ này, tôi đã góp phần đánh mất uy tín của chúng và chúng vẫn có khả năng, trong tương lai, làm cho nhiều đồng nghiệp và phần lớn các thế hệ sau lên án tôi: đó là ba từ “tôi”, “nội tâm”, “nói về”).

Thật vậy, chính ở đây, trong cuốn Le miroir qui revient (Chiếc gương trở về), tiểu thuyết thường được coi là “tự truyện”, in năm 1984, Robbe-Grillet ghi nhận sự biến đổi của ông trong quan niệm “chủ thể”. Robbe-Grillet thường được coi là cha đẻ của nền văn học Tiên Phong vì đã đoạn tuyệt với “tiểu thuyết cũ”, căm ghét cái “tôi”, cái “nội tâm” và lối văn kể chuyện của nó. Vậy vì lẽ gì trong tác phẩm này ông dường như đã “hoà giải” với chúng? Tại sao ông tổ của Tiểu thuyết Mới lại viết tự truyện, một thể loại văn học tiêu biểu của cái “tôi”?

Vậy một trong thiếu sót của Nguyễn Thị Từ Huy là đã không hiểu và không phân tích được khúc ngoặt quan trọng này trong sáng tác của Robbe-Grillet. Thật đáng tiếc cho một người làm chuyên môn như chị, vì chỉ cần đọc một số bài báo và bài nghiên cứu xung quanh Robbe-Grillet, chị sẽ thấy rằng sự xuất hiện của tác phẩm này đã gây rất nhiều ngạc nhiên và tranh cãi. Bản thân Robbe-Grillet cũng coi sự thay đổi cái nhìn của ông về “chủ thể” có ý nghĩa bất thường nên ông đã viết lời “trần tình” này ngay trong những trang đầu tiên của tự truyện.

 

4. Để bảo vệ ý kiến của mình, Nguyễn Thị Từ Huy trích Genette: “‘Reconstruire un roman de Robbe-Grillet […] c’est l’effacer” (‘Tái tạo’ một tiểu thuyết của Robbe-Grillet […] là xoá bỏ nó). Như vậy xoá bỏ là một cơ chế kép thực sự: vừa tạo sinh vừa tái tạo sinh văn bản”. Nhưng tiếc thay, dường như chị đã không hiểu rằng cả bài viết của chị hoàn toàn đối lập với ý tưởng của Genette.

Xin đọc cả đoạn văn của Genette (trong “Vertige fixé”, in trong Figures I, Essais, Seuil, 1966): “Maurice Blanchot s’élevait autresfois contre un essai de ‘traduction’ en prose des poèmes de Mallarmé. Il rappelait à cette occasion que ‘l’œuvre poétique a une signification dont la structure est originale et irréductible’, que ‘le premier caractère de la signification poétique, c’est qu’elle est liée, sans changement possible, au langage qui la manifeste’, et que ‘la poésie exige, pour être comprise, un acquiescement total à la forme unique qu’elle propose’. Il faut évidemment en dire autant d’une œuvre romanesque comme celle de Robbe-Grillet: son sens est inséparable de sa forme, et l’on ne peut pas davantage reconstituer l’action d’un de ces romans au-delà du récit textuel qu’on ne peut atteindre le sens d’un poème en modifiant son expression littérale. ‘Reconstruire’ un roman de Robbe-Grillet, comme ‘traduire’ un poème de Mallarmé, c’est l’effacer”.

(Xin dịch: “Maurice Blanchot đã từng chỉ trích việc thử ‘dịch’ thành văn xuôi các bài thơ của Mallarmé. Nhân đó, ông lưu ý ‘tác phẩm thơ có một ý nghĩa mà cấu trúc là độc nhất và bất khả qui’, ‘tính chất đầu tiên của ý nghĩa thơ, đó là nó gắn liền với ngôn ngữ thể hiện’, và ‘thơ, để được hiểu, đòi hỏi sự đồng tình tuyệt đối với hình thức duy nhất mà nó đưa ra’. Đương nhiên, người ta có thể nói như vậy về một tiểu thuyết như tiểu thuyết của Robbe-Grillet: ý nghĩa của nó không thể tách rời hình thức của nó, và người ta không thể dựng lại hành động của tác phẩm này ngoài văn bản của nó, cũng như người ta không thể đạt được ý nghĩa của một bài thơ bằng cách chuyển đổi hình thể văn học của nó. ‘Tái tạo’ một tiểu thuyết của Robbe-Grillet, giống như ‘dich’ một bài thơ của Mallarmé, là vứt bỏ nó”. Xin lưu ý “effacer” ở đây phải dịch là “vứt bỏ” chứ không phải là “xoá bỏ”).

Tóm lại, nếu theo Genette, tái tạo tiểu thuyết của Robbe-Grillet là một hành động tiêu cực, thì Nguyễn Thị Từ Huy lại cho đó là một hành động tích cực. Trên thực tế bài của Genette không phải là quá khó hiểu, nhưng Nguyễn Thị Từ Huy, khi sử dụng nó, đã hoàn toàn hiểu sai ý tưởng của ông. Tiếc thay!

 

Trần Văn Lục
8/9/2006

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021