thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Truyền thống | Người Mỹ, người Pháp, người Tàu | Chân dung

 

Truyền thống

 

Ông Winston Churchill bảo: người Mỹ luôn luôn làm đúng, tuy nhiên họ chỉ đúng sau khi mày mò thử nghiệm đủ kiểu, hết kiểu này tới kiểu kia.[1]

Cái nhà ông Churchill này, ông khen hay ông xỏ người Mỹ đấy?

Nhưng ông khen hay xỏ tôi chả thiết. Tôi chỉ biết rằng tôi theo truyền thống nước tôi. Truyền thống ấy là: cứ làm bừa đi, cứ khẳng định bừa là đúng đi, sau này có gì sai thì ta làm lại, gọi là sửa sai, đổi mới. Rồi cũng lại là làm bừa, khẳng định bừa, riết thì rồi cũng đâu vào đó cả còn chuyện sai quấy cũ thì cứ xem là... lịch sử, là di sản, buồn buồn thì mang ra triển lãm cho vui.

Nói thật, nước tôi bây giờ giàu truyền thống, giàu di sản một phần cũng là nhờ cái... truyền thống này!

 

 

Người Mỹ, người Pháp, người Tàu

 

Thấy thằng con ông cố thứ trưởng văn hoá uyên bác dẫn ra đủ thứ luật lệ ra để kết tội cô ca sĩ, hung hăng đòi trừng phạt vì cái tội dám “chat” với những thiên tài âm nhạc thế giới, thiếu điều đòi bỏ tù cô, tôi hãi quá.

May thật, hú hồn. Người Mỹ hay người Pháp không khó tính như thằng con ông cố thứ trưởng mà luật của họ cũng không khó như luật ta.[2] Họ mà như ta thì phiền lắm đa. Cái vụ “Chat” với bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và “Tuyên ngôn dân quyền” của bác ông thứ trưởng còn sờ sờ ra đó, trong sách lịch sử, trong các tuyển tập hay các toàn tập và năm nào cũng kỷ niệm, kỷ chú...

Đáng hãi phải là vụ “chat” với ông ở bên Tàu. Nước này không trọng luật như người Pháp, người Mỹ nhưng họ thâm, họ biết cách trồng người, người mà cứ làm như cây, gỗ...

 

 

Chân dung

 

Angus Trumble, trong A Brief History of the Smile, nói rằng bất kể thế nào, bất kể có mấy kiểu cười thì khi chụp ảnh chân dung chúng ta có thể được chia thành hai loại: cười trên hình hay nghiêm nghị trên hình. Tôi nghĩ đến những “ảnh chân dung” sau những trang viết “choảng nhau”.

Nhà phê bình, chuyên nghiệp hay tay trái, mà choảng nhau thì mặt mày chắc không khác gì võ sĩ giác đấu. Choảng kiểu thượng võ thì mặt mày sang trọng nét mã thượng, kiêu hùng; choảng kiểu rửa thù giải hận thì mặt mày đằng đằng sát khí; còn choảng để ăn thua đủ thì mặt mày chắc là đỏ như đầu gà chọi. Nhưng thế đã quý vì có luật, có đài, đâu ra đó, rất chính quy. Chán nhất là những khuôn mặt lấm la lấm lét, dớn dác trông trước trông sau của những kẻ choảng nhau kiểu bóng gió, bâng quơ, choảng mà làm như chẳng choảng. Mà choảng vặt thế cũng là quý, cũng là giải phóng sân si, để đầy ứ trong ấy thì mới là đau, như là cái đau tưởng tượng của ông Hồ Hữu Tường.

Thì cũng là muốn “choảng” mà chẳng thể nào “choảng” được. Ngày dấn thân hoạt động ông Hồ này tâm sự rằng ông không sợ chết, ông cũng không sợ tù đày, ông chỉ sợ một mai bị ông Hồ kia bắt được rồi bày trò giết người không gươm: hớt phăng cái của nợ nhưng chừa hai hòn đạn, cho ăn toàn đồ bổ, cho sống trong vòng tay hầu hạ của đám nữ hộ lý xinh như mộng. Có cái khổ nào hơn cái khổ này, thà là thiến phăng như thái giám thì thôi, chứ nợ đời còn vướng, thèm thì rất thèm mà không bao giờ được đã...[3]

Bởi thế hễ đọc một bài phê bình kiểu du kích thì tôi lại nghĩ đến chân dung của những anh chàng không cu, kẻ đang đau đớn tưởng tượng là mình xuất tinh...

 

Sydney 2.1.2007

 

_________________________

[1]Tôi không có nguyên văn lời của Churchill mà chỉ dựa theo lời dẫn gián tiếp của Stephen Bayley trong bài “Left breast, righ breast”, đăng trên The Guardian (21.2.2004): “Americans, Churchill once said, always do the right thing but only after exploring all the alternatives.”

[2]Xem "Chat với luật Sở Hữu Trí Tuệ" của Phạm Quang Tuấn.

[3]Hồ Hữu Tường, Tiểu Phi Lạc Náo Sài Gòn II, Nam Cường: Sài Gòn (sách tái bản ở hải ngoại). tr.37-38: “Cháu nghĩ coi, nếu ngày kia, bác lọt vào tay Hồ Chí Minh, mà Hồ Chí Minh không giết, lại thi hành biện pháp độc địa, thì bác đây chịu sao nổi? Phương pháp độc địa ấy là: Một mặt, thiến cái của quí của bác đi, mà chừa lại hai nguyên đùm, để cho cái ‘chức vụ’ hãy còn mà còn cái ‘cơ quan’ mất hẳn. Việc ấy ví như Trung Cộng có lò máy chế bom nguyên tử mà không có oanh tạc cơ tối tân để chở bom nguyên tử sang qua dội bên địch. Một mặt bắt buộc bác ăn đồ bổ, không phải ăn khẩu phần thường của dân...”
 
Ngoài ra Hồ Hữu Tường còn nêu ra “mặt” thứ ba và thứ tư là: cho uống thuốc cường dương và cho người đẹp hầu hạ…


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021