thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kurt Vonnegut — vài kỷ niệm

 

[SỔ TAY]

 

Khuya thứ Tư, 11/4/2007, ở Sydney, Úc (tức là sáng thứ Tư ở Manhattan, Mỹ), trong lúc "chat" với nhau trên Yahoo Messenger, Hải Ngọc, từ Hà Nội, thình lình hỏi tôi:

"Nếu muốn giới thiệu văn chương đương đại của Mỹ đến độc giả Việt Nam, thì em nên dịch cuốn tiểu thuyết nào và của ai?"

Tôi đáp:

"Nên tìm dịch cuốn Breakfast of Champions của Kurt Vonnegut."

Chiều nay, thứ Năm 12/4/2007, lúc tôi đang dịch sắp xong chương "Here is a lesson in creative writing" trong cuốn A Man Without A Country của Kurt Vonnegut, thì có email của Nguyễn Hưng Quốc, từ Melbourne, báo tin Kurt Vonnegut vừa qua đời.

Thật lạ. Lúc đề nghị Hải Ngọc tìm dịch cuốn Breakfast of Champions, tôi không ngờ Kurt Vonnegut sắp ra đi; và lúc đang dịch cuốn A Man Without A Country, tôi không ngờ Kurt Vonnegut vừa ra đi vĩnh viễn.

Sau khi nhận email của Nguyễn Hưng Quốc, tôi ngồi ngơ ngác một lúc, rồi tiếp tục dịch cho xong chương sách. Sau đó, tôi giở đến cuối sách, và dịch bài thơ "REQUIEM", có lẽ là bài thơ cuối cùng của Kurt Vonnegut.

 

Tôi đến với văn chương của Kurt Vonnegut một cách hết sức tình cờ. Một buổi sáng đầu năm 1984, sau khi vừa đến Úc, tôi được em tôi, Hoàng Ngọc Diệp, chở xuống phố Sydney để uống cà-phê và dạo qua mấy tiệm sách. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những tiệm sách sạch sẽ, yên tĩnh và đẹp đẽ đến thế. Trong lúc Diệp đang tìm vài cuốn truyện trinh thám, tôi hỏi ông bán sách nơi nào trưng bày những tiểu thuyết đương đại. Ông dẫn tôi đến những dãy kệ sách dài lê thê, và hỏi: "Anh muốn đọc ai?" Tôi nói: "Tôi không biết. Tôi sẽ tìm loanh quanh."

Sách nhiều như đá trên núi. Tôi bước dọc theo các dãy kệ, và thỉnh thoảng rút ra một cuốn, xem cái bìa, đọc cái tên xa lạ của tác giả, lật sơ qua vài trang, đọc vài câu vu vơ, rồi nhét lại đúng chỗ của nó. Thế rồi, tôi tình cờ rút ra một cuốn sách có cái bìa rất... nhảm. Tác giả là Kurt Vonnegut, Jr. và nhan đề sách là Breakfast of Champions, nhà xuất bản Dell ấn hành năm 1975. Đến bây giờ tôi còn giữ cuốn sách này, vậy tôi scan lại cái bìa cho các bạn xem chơi:

 

 

Tôi giở sách ra, xem thử bên trong, thì điều đập vào mắt tôi, trước hết, là những bức minh hoạ. Sách có nhiều bức minh hoạ do chính tác giả vẽ với nét bút ngây ngô, khôi hài. Khi giở phần "Lời Nói Đầu" để đọc thử, thì có một bức minh hoạ làm tôi hết sức ngạc nhiên. "Cái gì vậy?" tôi tự hỏi, vì cái hình giống như một ngôi sao (asterik) nằm to tướng ngay giữa trang sách. Tôi đọc đoạn văn ngay trên cái ngôi sao đó:

"Cuốn sách này là quà sinh nhật năm mươi tuổi của tôi tặng cho chính tôi..."

Và:

"Tôi đã quy định rằng ở tuổi năm mươi tôi sẽ chơi trò con nít — để làm nhục những ngôi sao lên lá quốc kỳ..."

Và:

"Để giúp các bạn hình dung được sự trưởng thành của những bức minh hoạ của tôi cho cuốn sách này, đây là hình tôi vẽ một cái lỗ đít..."

Và ngay dưới đó là cái hình (mà thoạt tiên tôi tưởng là hình ngôi sao):

 

 

Thích chí quá, tôi mua ngay cuốn sách. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi tôi thấy một nhà văn vẽ hình lỗ đít ngay trong "Lời Nói Đầu" của cuốn tiểu thuyết! Cái hình này khiến tôi nhớ đến những "tiểu thuyết gia" với bộ mặt lầm lì, trầm trọng mà từ thuở còn bé tôi vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy ở Việt Nam. Tôi nói với Diệp: "Chỉ đến ngày nào các nhà văn ở nước mình dám nghĩ đến một kiểu chơi cỡ như thế này, thì ngày đó văn chương nước mình mới gột sạch được cái vẻ nghiêm trang giả tạo và rỗng tuếch..."

Tôi mang cuốn sách về và say sưa đọc. Cuốn sách ấy dắt tôi đi vào một thế giới mới mà sau này tôi mới biết đó là thế giới của văn chương hậu hiện đại, với Kurt Vonnegut, Thomas Pynchon, Williams S. Burroughs, Donald Barthelme, Richard Brautigan, Wìliam gass, Tim O'Brien, Robert Coover, Toni Morrison, Joseph Heller, Kathy Acker, John Barth, Paul Auster, Don Delillo, Michael Joyce... rồi Umberto Eco, Italo Calvino, Salman Rusdie, vân vân và vân vân.

Cuối tháng 1 năm nay, tôi cùng Nguyễn Hưng Quốc, Võ Quốc Linh và Hoàng Ngọc Diệp sang Mỹ để tham dự vài sinh hoạt văn học nghệ thuật. Một buổi chiều đẹp trời ở San Jose, nhà văn Lê Thị Thấm Vân đã mời chúng tôi đi uống cà-phê ở quán Libro. Trên lầu là quán cà-phê, dưới tầng trệt là tiệm sách Book Inc. Khung cảnh ấy cho chúng tôi một cảm giác thật êm đềm.

 

 

Uống cà-phê xong, chúng tôi bước xuống tiệm sách, rảo quanh một vòng, và... kìa, một cái bìa sách màu cam đập ngay vào mắt tôi: Kurt Vonnetgut, A MAN WITHOUT A COUNTRY.

 

 

Tôi chọn một bản bìa giấy do nhà Random House vừa in xong. Nhà văn Lê Thị Thấm Vân nói: "Để em mua tặng anh cuốn sách này nhé!" Tôi mỉm cười, biết ơn.

Trong lúc xe đang chạy về nhà người em trai của Nguyễn Hưng Quốc, tôi đọc loáng thoáng những lời điểm sách được in lại trên bìa sau:

"... thâm thuý, sắc sảo, và cười-vang-khoái-trá... một trong những con người văn chương của thời đại hôm nay — hay của mọi thời đại — đàm luận về cuộc sống, nghệ thuật, tình dục, chính trị, và tâm trạng của đất nước Hoa-kỳ..."

Và:

"... cảm ơn Thượng Đế, Kurt Vonnegut đã quên lời hứa rằng sẽ không bao giờ viết thêm một cuốn sách nào nữa..."

Đúng, Kurt Vonnegut đã quên lời hứa ấy, và đã viết thêm cuốn sách này. Nhưng, ngoài 80 tuổi, ông vẫn còn nghịch ngợm như ở tuổi 50! Tôi giở sách ra và thấy ngay, trước khi vào sách là hình 3 cái lỗ đít lớn nằm trên 3 trang giấy, và tôi đếm được từ đầu đến cuối sách có cả thảy là 9 lỗi đít lớn và 28 lỗ đít nhỏ. Tôi biết đây là một cuốn sách tuyệt vời!

Tôi quyết định sẽ thong thả dịch cuốn sách này, và an tâm rằng ông sẽ còn tiếp tục thất hứa và... viết nữa. Nhưng có ngờ đâu, đây chính là cuốn sách cuối cùng của ông. Tôi đang dịch dang dở thì ông đã ra đi vĩnh viễn.

 

Sydney, 12/4/2007

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021