thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ba bài từ năm woái
 
 

Xin làm ơn

 
Hãy mang tôi ra bờ sông
một hồn đầy nóng bức
một hồn đầy mồ hôi
một hồn đầy cặn bã
 
Hãy mang tôi ra [khỏi] nhà trường
một hồn đầy chạy điểm
một hồn đầy cái phao
một hồn đầy cô giáo
 
Hãy mang tôi ra [khỏi] Núi Xám
một hồn đầy chờ mưa, một hồn đầy trâu gầy, đầy đất trắng, đầy mất giá, đầy xương rồng, đầy mẹ Lung, đầy bụng lép
 
Hãy mang tôi ra [khỏi] quận Tám
một hồn đầy chuột cống, một hồn đầy mùi khai, đầy mẹ đĩ, đầy cãi lộn, đầy bụi khói, đầy kênh đen
 
Hãy mang tôi ra [khỏi] chính trường
một hồn tràn đầu gối, ngập luồn cúi, thừa dọa dẫm, đầy diễn văn
 
Hãy mang tôi ra [khỏi] văn chương
một hồn đầy nhỏ bé, thừa lườm nguýt, lắm sợ sệt, thiếu nói thật, nhóc bia ôm
 
Hãy mang tôi ra [khỏi] em
một hồn đầy rờ rẫm
một hồn đầy tòm tem
một hồn đầy hôi nách
một hồn đầy thòm thèm
 
Hãy mang tôi ra [khỏi] Việt Nam
một hồn đầy tranh thủ, đầy tông xe, đầy núi trọc, thừa chạy mánh, thừa thu gom
 
Hãy mang tôi ra [khỏi] thế giới
thừa khủng bố, đầy ô nhiễm, ngập máu me, lắm ăn chơi, đầy bắt cóc
 
Hãy mang tôi ra [khỏi] đời tôi
một hồn đầy u ám
một hồn thiếu bạc tiền
một hồn thừa sách vở
một hồn đầy rầy nâu, đầy trăn trối...
 
 
 

Đời mơ hồ

(thứ mấy không nhớ nữa!?)
 
Khi hoa cứt lợn thôi mang tên hoa cứt lợn
Các loài hộ khẩu từng lũng loạn thế nhân đã hết thời[1]
Khi ở đất nước nào đó có nhà thơ nào đó ra mắt tập thơ nào đó khiến kẻ thiên hạ kẹt xe suốt đường sá Sài Gòn[2]
Mấy chú cảnh sát giao thông một phen hú vía
[và triệu kẻ mần thơ khắp thế giới hết hồn!]
 
Khi tiểu thuyết ba xu sắp làm cao điểm[3]
Thây kệ hội đoàn nào đó cất công mở hội thảo nào đó sưu tầm đường dây chạy cho tác phẩm lớn nào đó chào đời
Nỗi đơn-giản-dị cứ ngôi đầu mà chễm chệ[4]
[còn ngôi đuôi là gì nọ biết?]
Đến một loài mạng nào đó ở một xứ nào đó cảm thấy nhột đã mở cuộc thảo luận cho người trần gian xúm lại bàn[5]
 
Khi Việt Nam đã tràn trề tự do để bọn thi sĩ muốn viết nhăng cuội gì thì viết[6]
Khi cuộc chối từ giải thưởng nguy cơ thành mốt[7]
Trời Đà Lạt còn nhiều mây bay
Giọng hát Giang ru đời vào giả tạo
Khi một kẻ viết văn nào đó chợt ngộ ra tại sao kẻ làm thơ nào đó được bàn tròn văn chương nào đó dành cho sự ưu ái ngọt ngào[8]
 
Khi dân Việt tập hát khúc Ca rao [9]
Quê hương thôi là chùm khế [ổi, quýt, mãng cầu, sầu riêng, măng cụt] ngọt
Cơn gió Lào thổi nát tâm linh [ô là tượng trưng với rất mực siêu hình]
Là lúc thơ rơi về cõi đất
Để rồi đi về đâu không biết...
 
-------------------
Chú thích [quan trọng chẳng kém cạnh gì chánh bản]:

[1]Hệt như sách, sau Trung quốc một năm, chuyện hộ khẩu ở Việt Nam không còn là nỗi ám ảnh dân lành nữa!

[2]Nhà thơ Lê Minh Quốc trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ, số 34, ngày 25.8.2007: “Không cần phải khiêm tốn giả vờ, Hành trình của con kiến là một tập thơ đã tạo được dư luận ầm ĩ nhất trong năm qua. Hầu hết báo chí từ Nam ra Bắc đều có bài viết đánh giá, ghi nhận về nó. Sưu tập lại chắc đến cả trăm trang in (...) Lần đầu tiên một buổi ra mắt thơ đã làm... kẹt xe cả con đường Cao Thắng, khách yêu thơ đến quá đông, mấy trăm tập thơ bán hết vèo...”.

[3]Sau Nguyễn Huy Thiệp, là Y Ban rồi Dạ Ngân rồi ai nữa?... “Y Ban bắt chước Thiệp viết tiểu thuyết ba xu”, Vnexpress.net, 01.9.2007.

[4]Ý nói Nguyễn Thanh Sơn, và...

[5]Ám chỉ mạng Tienve.org mở cuộc thảo luận tháng 08.2007.

[6]Chẳng hạn: "Tôi luôn sống và viết tự do, như mình muốn, dám nghĩ dám nói dám làm như chính mình ấp ủ và muốn được làm sứ mệnh của các nhà thơ, không chỉ nói lên những vấn đề to lớn của đất nước hay thời đại, mà còn là sự khám phá những bí ẩn vô tận về con người, những nỗi buồn đau trăn trở và tâm tư của con người. Sự quả quyết dấn thân bằng trọn vẹn mình, trong trạng thái tôn vinh vẻ đẹp thân thể, tâm hồn, tình yêu, sự sống là lý tưởng suốt đời tôi theo đuổi” (Vi Thùy Linh, “Sức sống và tín hiệu Việt Nam trong thơ tôi”, thuật lại trong bài “Phê bình văn học hiện nay: cái thiếu và cái yếu”, của Phạm Xuân Nguyên, đăng trên Talawas.org, 28.5.2004).

[7]Ám chỉ Jean-Paul Sartre, và...

[8]Lê Anh Thu, “Mần văn chương trên mạng...”, Vanchuongviet.org, 20.5.2007: “Thơ Cát Du có gì mà được Ban Thơ chọn làm chủ đề của Kỳ 4?”

[9]Tên một bài thơ của Đinh Linh.

 
 
 

Topten chữ nghĩa nổi [mang, tai] tiếng tháng ngày qua

 
Lý Đợi
Lựa người tài đức ta cho vào hòm.
[dzui nhỉ!]
 
Nguyễn Viện
Tôi cảm thấy xấu hổ vì không giúp gì được cho các bác.
[khá laaám!]
 
Hoàng Hưng
“Tự thu hồi” – một chiêu thức tiến thoái lưỡng nan của Nhà xuất bản ta, nhưng mà thập toàn... công hiệu đại bổ thận hoàn.
 
Nguyễn Thanh Sơn
Các nhà văn Việt Nam nên tạo cho mình một thế giới tưởng tượng, đừng quan tâm tới thực tại vụn vặt.
[theo diễn giải [xuyên tạc (!?)] của Nguyễn Viện [trên talawas] & Trịnh Cung [trên bbc]].
 
Phạm Lưu Vũ
Việc nhân nghĩa cốt ở yên... thân.
[cực kì]
 
Một độc giả nữ rất trẻ và xinh đẹp (tại buổi Càphê Hội đồng Anh)
Cũng cần khống chế tư tưởng [các bác nhà văn] chớ đừng [để họ] sa đà.
 
Lê Minh Quốc
Lần đầu tiên một buổi ra mắt thơ đã làm... kẹt xe cả con đường Cao Thắng Sè Gooòng.
 
Inrasara
Tôi có một điều ước: Các người làm văn làm thơ chớ dại dột/ khôn ngoan dựa vào một thế lực nào bất kì để tìm cách loại trừ nhau ra khỏi trò chơi vô tăm tích này.
[cứ ngồi đó mà mơ với ước, nhé cưng!]
 
Lê Vĩnh Tài
“Đố vui”... mà chả có tí ti dzui dzẻ!
 
[Lại] Nguyễn Viện
Đứng trước sự đau khổ của con người, nhà văn có thể làm gì?
[rất ư đóng thùng trịnh trọng, nhưng... cần thiết!]
 
Tuấn Khanh
Có một điều quý giá tôi học được ở nhiều anh chị em nghệ sĩ Việt Nam là không gì quý hơn việc bảo vệ tự do sáng tạo của mình. Nó phải nguyên vẹn.
[nghĩa là không sứt mẻ, cắt xén cò kè thêm bớt]
 
Đà Linh
Hiện đang có nhiều nhà xuất bản “lưu ban”!
 
 
------------
* Chú thích của ch[á]u thích: Ba bài thơ này tui làm từ năm woái, mãi bi zờ mới liều gởi in trên trời.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021