thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG [II]

 

MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Viện, viết năm 1974. Tác phẩm gồm ba phần. Hai phần đầu đã được in trong tạp chí Sáng Hóa (bộ mới), mùa xuân 1975, tại Sài Gòn, sau đó, cả tác phẩm này đã được in trong tập truyện Trinh Nữ (NXB Đồng Nai, 1995) dưới nhan đề “Trinh nữ”. Đây là tác phẩm hoàn chỉnh đầu tiên, sau feuilleton Ngày tháng đi lên (viết dưới một bút danh khác) cho thiếu nhi, đăng dở dang trên tuần báo Thẳng Tiến tại Sài Gòn khoảng năm 1967-1968.

 

 

MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG

 

Đã đăng: PHẦN MỘT

 

PHẦN HAI

 

tặng HƯƠNG

 

NGƯỜI TÙ

Bỗng nhiên lòng tôi sợ hãi, vọng động. Không còn điều gì thuộc về tôi. Ngay cả thân thể tôi nữa, những cử động trở nên kỳ lạ và rời rạc. Tôi không thể làm sao diễn tả cho anh hiểu trạng huống này. Tương tự như nỗi cô quạnh nhưng xấu hổ hơn là bị từ chối. Tôi không thể ngất lịm đi, cũng không thể vùi đầu chạy trốn. Tôi có đó, khô cứng như một hình nhân, mỗi lần có ai gọi tên tôi là mỗi lần tôi tan vỡ như trái tim thủy tinh. Tôi không nhận ra mình để trả lời. Cùng khốn hơn là tôi cũng không thể im lặng. Bởi vì vẫn còn một điều gì khác thường không thuộc về thế giới này.

Có thể nào là Hương sao?

Tôi vẫn gọi nàng như tên thánh như thể nàng hằng phù trì tôi.

Một chút gì đã phôi pha, một chút gì còn trầm hương là ký ức, tôi sẽ kể với anh về Hương như người tù nói về đời sống của y thuở trước, giữa mơ và thực.

Đó là những ngày đầu tiên tôi ở quận lỵ, xung động và buồn chán vì công việc. Tôi đến nhận lớp dạy với một chút uể oải, một chút khinh bạc trong lòng. Những ngày của màn kịch thứ nhất ngổn ngang hỗn loạn vì sự khác biệt về cá tính với guồng máy cai trị. Bạn chưa quên hồi đó tôi mới hai mươi mốt tuổi và dở dang Đại học. Tôi chỉ có thể nói vắn tắt về giai đoạn này như tôi nhận thức rằng: ngoài kia, cái vô tri trùng trùng điệp điệp bủa vây là cơ cấu chăn dắt của một bầy thú.

Tuy vậy, tôi không hề coi dạy học như một lối thoát, bởi vì sẽ rất khôi hài khi có thể cho rằng dạy học là công việc thăng hóa con người.

- Ông không thấy dạy học sẽ bó buộc một vài điều sao?

- Tôi chỉ làm công việc của mình.

Ít nhất, tôi đã nhìn thấy ở những nơi hẻo lánh, việc giáo dục được kể như chiếu lệ, và ít hơn sự chiếu lệ là cái bất thường. Như vậy, tôi đến trường để làm chút quà tặng cho ngày giờ hư không. Hơn nữa, công việc bắt buộc tôi phải ở lại một chỗ mà chỉ có chết chóc là sôi động, nhưng không được coi là đáng kể.

Và điều tôi không ngờ là thấy Hương trong đám học trò của mình, ngay hôm đầu tiên tới lớp. Chúng tôi nhận ra nhau mau lẹ. Lúc tôi đọc bài, thay vì phải cúi đầu chép như tất cả mọi người, Hương ngước đôi mắt lên từ từ đưa cái nhìn tới chậm, và cuối cùng đậu trên người tôi, một khoảng xanh và sáng. Không tinh nghịch, không khuất phục của tuổi chớm mười lăm, nhưng xác định cái đồng đẳng và đáng kể là không có cái tính cách đặc quyền. Tôi ngạc nhiên trong một lúc, rồi tôi cảm thấy mơ hồ đây là người trói chân tôi lại, tất cả những hệ lụy của tôi sẽ còn mãi vì đôi mắt ấy. Về sau, tôi khám phá ra những lý do của sự nhận biết này như chính một phần đời tôi ngưỡng vọng tới.

Khi khoảng xanh và sáng ấy tắt đi, chỉ còn lại trong tâm hồn chút cảm xúc như một tiếng ngân nhẹ trên cánh cửa. Hồn tôi sẽ mở và đổi thay.

- Làm sao em biết gió ngừng ở đâu?

Tâm hồn ẩn mật của Hương mà tôi cảm thụ như thế.

Và được thúc đẩy bởi những gì sâu xa nhất, mỗi lúc chúng tôi đến gần nhau hơn. Tất cả đều nhịp nhàng như ý muốn. Một tuần lễ sau, nàng đến nhà tôi cũng quá bất ngờ, một khoảng xanh và sáng trên ngưỡng cửa, như tàn hơi:

- Thầy phải về.

Thế rồi, nàng quay ra vội vã. Một khoảng xanh và sáng tắt đi như thể nàng chưa hề đến. Tôi bước ra cửa nhìn theo nhưng chẳng còn kịp nữa.

Khi đó những tiếng pháo kích nổ ầm, vẫn vu vơ khôn tả như mọi ngày.

Tôi nhìn quanh căn phòng mình, mường tượng lại một khoảng xanh và sáng vừa rọi đến. Tôi vẫn chờ đợi điều ấy chăng?

Đừng cho bâng khuâng tràn ngập lòng tôi. Tại sao em lại sợ?

Hôm sau, tới trường M. hỏi tôi:

- Biết gì chưa?

Tôi không hiểu M. muốn hỏi tôi biết về thứ gì nên tôi trả lời chưa. Và M. nói tiếp tụi học trò bảo sắp sửa có đánh lớn và M. cũng giải thích cho tôi biết loại tin đó xuất phát từ đâu và có thật ít nhiều.

Tôi nói:

- Tôi cũng biết tin đó.

M. hỏi như khẳng định:

- Hương phải không?

Tôi nói:

- Vâng, sao biết?

M. chỉ cười cười. Tôi bỏ đi tới lớp, ở đó tôi cám ơn Hương và nói như tôi không định thế, thỉnh thoảng em ghé qua tôi chơi.

- Thầy có về không? Hương hỏi.

- Không, tôi còn kẹt nhiều thứ. Em biết tôi không chỉ đến đây dạy học.

- Em sợ cho thầy. Hương nói thật nhanh và nhẹ, nhưng âm hưởng thì rất xa.

- Em không sợ, chẳng lẽ tôi sợ.

- Thầy khác. Em sợ, nhưng nhà em ở đây.

- Tôi cũng đang ở đây thôi. Tôi nói thêm như chỉ còn một mình: hơn nữa, tôi không có quyền chọn một chỗ nào khác. Vả lại, ở đâu cũng vậy.

Hương treo cái nhìn trên người tôi và chúng tôi biết được sức nặng của nó là lòng tin cậy.

 

CỦA VIỄN MƠ

Trong vườn phong lan nhà ông Ba, nàng bỗng trở nên sống động lạ thường. Những dàn phong lan cao hơn đầu người như những hàng dậu khuất nẻo. Nàng chạy trốn trong đó, bên những đóa hoa như những cánh bướm tím, hờ hững tưởng chừng như một cơn gió nhẹ cũng có thể thổi bay đi. Tôi cũng trở nên lãng mạn để tham dự trò chơi này với một chút lòng thơ dại.

Tôi sẽ đi tìm em.

Đầu tiên nàng khoe tôi thế này:

- Thầy có biết không, ở bên kia cầu có một cái vườn đẹp quá chừng chừng.

Tôi hỏi quá chừng chừng là cỡ nào. Nàng nói:

- Ở đó có những hàng dậu hoa phong lan này; (đếm ngón tay) có ổi để ăn này; (cười cười) có dòng sông để mơ màng này; (đổi giọng nhanh hơn) có mía ngọt; có chôm chôm; có đủ thứ...

- Em chưa nói có phong lan để làm gì?

- A... a... có phong lan để tặng nhau.

- Ai bảo em thế?

- Ông Ba chứ còn ai.

- Ông Ba để làm gì?

- Ông Ba để bán ổi, bán hoa...

Tôi cũng muốn hỏi thêm: nếu tôi sang đó, tôi để làm gì?

Nhưng nàng nói:

- Thầy thích vườn không?

- Không (chậm đi một lúc). Nhưng tôi thích ổi.

- (ranh mãnh) Vậy em dẫn thầy qua đó nghe?

- Đồng ý.

- Ủa, nhưng thầy không thích hoa sao?

- Thích, nhưng làm sao để tặng?

- Bộ thầy chưa tặng ai sao?

- (ngây thơ) Chưa.

- Sao thầy không tặng...

- ...?

- Cô M. chẳng hạn.

- (tôi lờ đi) Thế em tặng ai?

- Em tặng... chiếc bình hoa nhà em. Nó buồn lắm (như nàng muốn chia sẻ điều ấy).

Cuối cùng tôi đi tìm nàng. Sau khi chúng tôi đã ăn những trái ổi lớn.

Tôi nhìn thấy bóng áo trắng của nàng phía đầu bên kia, cách hai ba hàng dậu phong lan, lẫn trong sắc nâu của cành cây và màu xanh đậm của toàn thể khu vườn. Tôi nghĩ thầm rằng mình đang sống thơ mộng, vì vậy hãy chầm chậm thôi.

Tôi giả vờ lên tiếng gọi nàng rồi đi thật xa và lẻn ra phía sau lưng, khi chỉ còn cách nàng ít bước, tôi ngừng nấp sau gốc ổi. Ở đó tôi lặng nhìn mái tóc nàng buộc thành hai lọn buông bởi hai dây vải màu đỏ. Tôi cũng ngó thấy một chút gáy trắng ở giữa, trong hồn tôi lúc đó là xúc động, thẩm mỹ và hoang đường. Dường như nàng bồn chồn vì không thấy tôi đâu. Nàng gọi:

- Thầy ơi.

Tôi bỗng trở nên khó khăn để xuất hiện. Tôi lựa chọn giữa các vai hoàng tử và tặc dăng. Có lẽ, tôi chỉ nên làm tặc dăng.

- Ta đây, chúa tể rừng xanh. Ta bắt được mi rồi.

Tôi cất tiếng cười dài đắc thắng và điên khùng.

Nàng quay phắt lại. Run rẩy. Khuôn mặt đồng nội của nàng xanh đi vì sợ hãi.

Có cơn bão trong đầu tôi. Những bất hạnh thời bé thơ thổi tới bằng tốc độ hơn mười năm trong khoảnh khắc. U tối thay lòng thù hận. Ta cắn nát mi, hạnh phúc ạ.

- Khóc đi ta thả về.

Đôi mắt nàng chớp chớp mọng đầy nước, hai tay nắm chặt nhau, tay phải chuyển âu lo và nghi hoặc cho tay trái.

- Thôi cho nhà ngươi về.

Tôi không chịu nổi nước mắt của bất cứ ai.

Nàng định cười.

- Khoan, ngươi phải trả lời ta: bình hoa làm sao nó biết buồn?

- (lí nhí) Em thấy nó một mình tội nghiệp.

- Về đi.

Tôi không thiện hảo. Tôi hắt hủi. Tôi là bóng tối.

Nàng bỗng nhiên òa khóc thật sự, và không chịu đi đâu.

Cơn bão trên đầu tôi đã hết, chỉ còn lại chút ảm đạm trong trời chiều. Tôi dỗ dành:

- Tôi giỡn chơi mà. Nín đi, tôi tặng em dòng sông.

Tôi kéo nàng ra dòng sông, nước xuống cuồn cuộn vội vã như nhớ nhà.

Tôi nói:

- Nước đang xuống. Tôi rút lại quà tặng. Bữa khác, tôi sẽ tặng em một dòng sông lên.

Nói xong, tôi cảm thấy mình tự chủ hơn. Và tôi giải thích đại khái, một dòng sông lên sẽ khoan thai hơn, mênh mông hơn, tự tin và êm đềm hơn. Một dòng sông xuống thì vô tình, bất trắc và đau đớn (vì cuốn xoáy).

- Nhiều lúc, (trắc ẩn) tôi thấy em mở cửa nhìn trời, em thấy gì trên trời xanh?

Thay vì trả lời, nàng hỏi trong mơ màng:

- Làm sao em biết gió ngừng ở đâu?

Lúc đó, khoảng xanh và sáng rọi tới nội tâm trầm uất tôi, tôi biết có thể nói những gì.

- Mây chẳng bao giờ biết gió ngừng ở đâu. Và gió nữa, gió đã lên rồi, gió cũng chẳng biết ngừng ở đâu.

- Trời ơi (như có sợi tóc rụng).

- Nếu ta biết (điềm đạm) gió ngừng trong hồn ta.

Rồi tôi im lặng. Buổi chiều thấm xuống, tôi không ước lượng được nàng đã hiểu điều ấy như thế nào. Ví chừng như dòng sông để mơ màng, làm sao tôi biết em mơ gì?

 

MÊNH MÔNG HIU QUẠNH

Mỗi ngày, những mô thức kiểu hình dung từ càng trở nên đa dạng. Nhức đầu quá. Cho tôi mở cái cửa sổ đi. Sự biểu hiện những hình dung từ khác nào cơn từ biệt. Cho tôi đứng nhìn một chút nghe. Đứa con ra đi sẽ không bao giờ trở về. Bởi vì trở về có nghĩa là lầm lạc. Tôi nhìn thấy cơn gió từ xa trước khi những chiếc lá lay động. Bởi vì, những chiếc lá đang chờ đợi, khác chi là tình nhớ. Đừng bỏ tôi. Đừng quên tôi.

Tôi cũng nhìn thấy ngoài kia quốc lộ đang trườn lên ngọn đồi.

Em của ước mơ hãy cùng tưởng tượng với tôi rằng:

- Tôi sẽ dẫn em ra khỏi nhà, bắt đầu cuộc đời trên quốc lộ đó. Em nhớ nhìn lên, bờ dốc án ngữ tầm mắt làm chúng ta tưởng chừng như sau đỉnh đồi là chân trời vừa dựng lên, em sẽ có cái sung sướng của người đi tới tận cùng kỳ tuyệt. Nếu em cầm tay tôi như bé thơ và đi không nhớ nhà, tôi sẽ có nhiều ước mơ kể em nghe.

Sự bướng bỉnh minh trí biết rằng chân trời mà chúng ta sẽ tới chẳng bao giờ có. Nhưng nếu em đã lên tới đỉnh đồi, thích thú và sợ hãi sẽ cùng đến trong một lúc, rồi em ngạc nhiên lay gọi tôi:

- Anh ơi, thật là mông mênh hiu quạnh...

Và mông mênh hiu quạnh chính là cái tri thức thứ nhất trong câu chuyện những ước mơ của tôi.

Bây giờ em nhắm mắt lại, rồi hãy quên đôi mắt đi, em thấy chứ.

- Mông mênh hiu quạnh thay hồn em.

Em ạ, em bắt đầu biết mọi hiện hữu có từ hư không. Vậy thì, từ mông mênh hiu quạnh của trái tim em hãy ước mơ.

Giữa hư không và hiện hữu, nghệ sĩ là kẻ sống cái bi kịch của Thượng đế, khác chi là tình mộng. Nhưng nếu chẳng kể hiu quạnh mông mênh kia ra, chỉ còn tôi, những hình dung từ làm đời sống trở thành không có thật. Và tôi hiến dâng bằng tất cả bình sinh tôi, để thưa:

- Yêu em. Tôi yêu em vô cùng.

Bên trên là đoạn văn tôi viết dở dang khi lòng nhớ Hương, như cánh cửa mở sau cùng trong lòng tôi. Nếu như chẳng bao giờ Hương đọc đoạn văn trên, tôi vẫn tin rằng nàng cảm nhận được điều ấy. Bởi vì, giữa những người yêu nhau sự cảm ứng sẽ gia bội. Tuy nhiên, điều thiết yếu là được nói ra bất kể điều ấy là hạnh phúc hay sẽ đớn đau.

Cũng tương tự như một hôm, tôi bỗng tha thiết lạ lùng muốn hát cho nàng nghe vì nói thôi chẳng đủ, viết thôi chẳng đủ.

Tôi hát:

“Nhiều khi tôi như một đứa bé không mẹ

xa vắng

âm thầm

bơ vơ.

Nhiều khi tôi như là đi mãi không về...”

...

Xong, nàng đăm chiêu thốt lên:

- Buồn thảm quá.

Tôi tự nghĩ, lòng tôi sao cũng quanh co. Nhưng tôi chẳng muốn buồn như một cơn mưa vô tận, tôi vẫn cười nói:

- Chẳng phải tôi thế đâu. Tôi còn mẹ. Và em nữa.

Nhưng nàng ngây thơ bướng bỉnh không tin lời tôi nói. Tâm sự của bài hát kia là gì?

Nàng từ bi thăm hỏi:

- Thầy đi tìm điều chi?

Mỗi người là một ẩn ngữ của đời sống mình. Tôi đi tìm điều chi?

Nếu tôi có thể ôm nàng âu yếm như lòng tôi ước ao và nói: Anh yêu em.

Tôi được sinh ra phải chăng là vì nỗi điên cuồng tuyệt vọng của sự cô đơn. Vậy thì làm sao tôi trả lời. Chính tôi, tôi biết điều chi để tìm?

Giữa hư không và hiện hữu là ý chí diệt vong hay lực sống rất điên cuồng vì sợ hãi?

Tôi nói:

- Đừng hỏi tôi nữa.

Và tôi bồn chồn hốt hoảng như vừa từ khước điều gì trọng đại. Tôi chẳng muốn bị đóng đinh vào định mệnh và chịu chết, cho dù có phải bơ vơ tới đâu suốt đời tôi.

Hãy yêu tôi ngây thơ như mặt đất nuôi đồng xanh. Đừng để hồn tôi trống trải một giờ trước khi mặt trời lặn. Rồi khi đêm đến, sự chết sẽ tối tăm.

 

MỘT CÁCH TỪ BIỆT

Khi ấy, Hương đang nhìn một cánh hoa màu vàng. Tôi không hiểu giữa hoa và nàng là sự hồn nhiên nào. Nhưng tôi nhìn Hương đã thấy bờ môi trên của nàng hơi cong lên, trong khi bờ môi dưới được ngậm giữa hai hàm răng muốn ứa. Màu của da mặt là sự hòa hợp tính dục một cách dịu dàng. Trong một lúc nào đó, tôi biết Hương sẽ không thấy được hoa nàng nhìn màu gì, bởi vì chú tâm của nàng đã chuyển hướng về cái nhìn say mê của tôi, nếu như tôi không lầm, có thể nàng dự đoán được tôi muốn hôn nàng hết sức, đôi khi nàng chờ đợi điều ấy, đôi khi nàng e sợ.

Phần ngoại cảnh của xúc động này, tôi chỉ có thể kể vài điều chấm phá như sau:

Buổi sáng một ngày lễ nghỉ, bầu khí êm mát như thân thể mới tắm, chúng tôi ngồi trong một cái quán bên đường, còn lại một bàn ghế trống, những vỏ dừa nằm ngổn ngang, chìm khuất và thô sơ, những cơn gió nhẹ mang theo hương cau từ phía bên kia đường thơm ngát. Tôi thấy hạnh phúc quá đỗi.

Và tôi đã nói chuyện với nàng như một thiếu nữ. Vì thế, trong giọng tôi nói có pha chút đường mật, dù sao điều tốt lành là tôi yêu nàng. Tôi hỏi Hương:

- Em thích sao trên trời không?

- Thích nhất.

- Thế em đã đọc truyện “Các vì sao” của Alphonse Daudet chưa?

- A... em đọc rồi.

- Tôi tặng em một bầu trời sao nhé.

Tôi nhìn sâu xuống một dòng sông êm, đôi mắt Hương phản chiếu lấp lánh, nụ cười rạng rỡ. Tất cả tình yêu tôi mong được diễn đạt, tất cả bình sinh của đời sống tôi dâng hiến, tất cả ma lực của xác thân quỷ quái, tôi khai mở và dụ dỗ. Đây là tôi, cùng đích và viên mãn.

- Em thấy rồi. Nàng nói nhẹ như hơi thở.

Có lúc chúng tôi kề mặt nhau, có lúc rời xa quyến luyến, vừa tươi tắn vừa ngây dại. Cuối cùng, tôi đưa tay ôm khuôn mặt nàng, tha thiết, và chúng tôi hôn nhau lần đầu, nhanh như một cái rùng mình nhẹ.

Rồi nàng quay mặt đi, cơn mơ của nàng ẩn khuất vương vấn.

Tôi nhẹ nhàng gọi:

- Hương.

Nàng từ từ quay lại nhìn tôi rất chậm, mơ hồ và ngượng ngập, cơn mơ của nàng bâng khuâng kéo dài cho tới lúc chết.

- Em có nhìn thấy hai con chim đang tắm kia không?

- Ô, ngộ quá. Chắc nó nghĩ là biển.

Nàng nói thêm: Tất cả các vũng nước đều là biển.

Tôi nghĩ thầm, điều kỳ diệu không phải là sự hiểu biết vô tận, nhưng là ngạc nhiên. Đời sống đã cúng dường cho mỗi người một mức độ thâm sâu khác nhau, sự hạnh phúc và đau khổ cũng vậy. Bấy giờ tôi nghĩ rằng điều kỳ diệu nhất trên cõi đời là Chúa đã sinh ra Hương, sau này tôi lại nghĩ điều kỳ diệu nhất trên cõi đời là Chúa đã để Hương chết. Tôi lập lại ý nghĩ với nàng:

- Điều kỳ diệu nhất trên cõi đời là Chúa đã sinh ra em. Và không phải bất cứ điều gì khác.

Nàng nói:

- Điều kỳ diệu nhất là ngày hôm nay.

Tôi hôn trên tay nàng, lời nói kỳ diệu. Ánh nắng mềm như lụa mặc trên các lá cây bóng bẩy. Tôi dẫn nàng qua phía sau của chiếc quán. Đó là cái vườn cây ăn trái. Chúng tôi cầm tay nhau đi vòng vòng qua các thân cây, thoát khỏi sự cô độc là cơn bay bổng. Nhiều khi nàng dừng lại ôm sát một thân cây, dáng âu yếm, nàng muốn tìm thấy điều gì có thực, rồi bỗng nhiên nàng lại tung tăng đến một cây khác hồn nhiên như con chim nhỏ tập bay, lãng mạn và nghệ sĩ. Thế giới xung quanh thuộc về nàng thần tiên và riêng biệt.

Tôi như kẻ từ biệt đứng nhìn. Rồi tôi chìm vào cơn sầu muộn. Điều kỳ diệu nhất của tôi là hôm qua.

Tôi châm điếu thuốc hút. Nàng đang trôi chảy cớ sao tôi lại ngồi chờ?

Có tiếng hỏi bên tai tôi:

- Thầy có phải là người chung thủy không?

- Tôi cũng không biết nữa.

- Chắc là không, phải không?

- Chắc vậy.

Tiếng nói vang ở xa:

- Em không cần thầy chung thủy đâu. Sự thành thật quan trọng hơn.

- Đúng vậy. Ai dạy em điều đó?

- Thầy.

Tôi quẳng mẩu thuốc xuống rạch nước nghe xèo. Tôi không muốn nhắc tới M.. Đó là một thế giới khác. Sự thể hiện đa diện bao giờ cũng là một dấu hiệu bối rối. Tuy vậy, tôi không hề cảm thấy một chút tội lỗi nào khi vừa yêu một người quá lớn, vừa yêu một người quá nhỏ. Sự bất ổn không ở nơi những người con gái đó, nhưng ở tôi. Tôi không phải là kẻ của may mắn, tôi là điềm bất tường. Sự hấp dẫn nơi tôi là sự hấp dẫn huỷ hoại, có ai trong chúng ta chẳng muốn mình tan tành, mất tích.

Tôi cởi dây lưng làm một cái thòng lọng trên cành cây, lặng lẽ và cung kính, nơi đây an nghỉ của đấng cà chớn vô lượng, tôi cũng cởi bỏ đôi giày bên dưới. Tôi mường tượng xác mình treo trên đó, lưỡi dài ra như thể đã nói hết mọi điều, hai tay buông thõng, chân duỗi thong dong lười biếng. Tôi hất hất cái đầu vô nghĩa, a ông Nguyên Viện không liên hệ gì với cái chết lười biếng ấy.

Rồi tôi đi bằng chân không vô sâu phía trong vườn.

Tôi cất tiếng gọi âm vang:

- Hương. Hương.

 

CÁT BỤI MỆT MỎI

Buổi tối, tôi đang từ nhà M. về, có một chút men bia chảy trong máu, tôi nhìn trời xuyên qua một tàng cây, mặt trăng sáng và rạng rỡ như mặt người đàn bà sung mãn ái tình, tôi huýt sáo gây hấn. Không có điều gì đáng kể hơn là được chết vì một người đàn bà.

Như có kẻ nào vừa nghe được sự tiết lộ ấy. Sự có mặt của người khác làm xáo trộn không khí, và ý muốn xuất lộ làm co thời gian lại. Trước khi tôi nhận ra ai là tiếng gọi khẽ:

- Thầy.

Rất quen thuộc và rất mong.

- Ủa, em. Đi đâu vậy?

- Từ nhà thầy về.

- Em đợi lâu không?

- Lâu.

- Có chuyện chi vậy?

- Cứ phải có chuyện chi mới tới được nhà thầy sao?

- Tôi xin lỗi.

Im lặng như mặt hồ, tôi quên trăng đang sáng. Và lòng tôi trở nên thanh tịnh khoan dung, như tôi có thể nhìn thấy ba nghìn thế giới.

- Tôi đưa em về.

Con đường dẫn ra một phía khác. tôi có thể quả quyết rằng thời gian co lại thực.

- Em có chuyện muốn nói.

Tôi cầm tay Hương bóp nhẹ, ân cần:

- Tôi nghe.

Nàng vừa đi vừa nhìn đất, và vẫn để tay trong tay tôi.

- Bữa trước, em có hỏi thầy chung thủy không.

- Tôi nhớ.

- Đúng ra- Nàng ngập ngừng- Em muốn nói điều trọng đại hơn thế.

- ...?

Tiếng chân đạp trên mặt đất nghe lẹp kẹp. Tôi không cảm thấy một sức mạnh nào, xác thân được chia với bóng nằm đổ trên mặt đường.

Bấy giờ, nàng ngước mặt lên nhìn tôi, khi chân đã ngừng lại, khuôn mặt nàng tha thiết một cách trong sáng, và cung kính như dâng lễ.

- Thầy, em là người chung thủy. Thầy có thể đợi em lớn không?

Đối với Hương có thể đó là giấc mơ, nhưng tôi biết đó là hiện thực va chạm tới cội rễ, hết sức lạ lùng.

Thời gian bỗng bung chạy vô định.

Tôi xuất lộ hỗn mang và nguyên thủy.

- Tôi đợi em.

Trong một lúc dường như nàng ôm chặt tôi, thế rồi nàng chạy biến vào bên trong chiếc cổng nhà nàng.

Chỉ còn mình tôi đứng giữa trời. Tôi nói thầm: chúc em ngủ ngon và mơ đẹp.

Tôi về. Ngọn đèn tù mù trong căn phòng, một cái bàn, một cái giường bố và một cái hầm nổi bằng bao cát, chúng hiện hữu thù lù cách biệt và vô duyên, cho dù bóng tối đã hoài công hòa hợp lại. Tôi thả người xuống giường, ngửa mặt nhìn trần, ý thức về tôi và cái khác làm cho lòng tôi trở nên trống rỗng khó chịu. Thầy có thể đợi em lớn không. Tôi đợi em. Có lẽ, chuyện đời không giản dị như thế. Tôi yêu Hương bên một biển xa cách, sự chuyển thành trong mỗi giây khắc càng trở nên truân chuyên biến dạng. Hương đâu có thể hiểu được nỗi khao khát bình yên của tôi lại chính là những biến động không ngừng.

Nửa đêm, trận đánh bất ngờ xảy ra. Tôi mắc võng trong hầm nằm đong đưa. Những tiếng nổ làm rung nhà cửa. Tôi có cảm tưởng bị nhồi từ lớp sóng này sang lớp sóng khác. Quay cuồng hình ảnh Hương. Những Hương của kỷ niệm, và những Hương cung thỉnh vẽ vời. Rồi tôi chìm trong mơ màng và tưởng tượng.

Tôi thấy Hương mở cửa vô, một tay cầm đèn âm u trong bóng tối sự chết và tay mang một bó hoa phong lan. Nàng cắm cho tôi một bình hoa bằng chiếc bình hoa nhà nàng, mê mải và thanh thoát. Sự cấu tạo của đường nét cao vút và lơ lửng. Xong, nàng đứng nhìn nó một lúc, rồi nàng cầm đèn đi một vòng quanh nhà, ánh sáng soi tỏ một bên mặt xanh mét như hết máu, quần áo nàng thướt tha và dáng điệu huyền bí nhưng mỏng manh. Cuối cùng, nàng trở lại bàn để ngọn đèn bên bình hoa, ánh sáng chiếu lên những cánh hoa trở nên tím ngắt. Nàng kiếm giấy bút viết một đôi điều và để tờ giấy dưới bình hoa.

Buồn bã như không còn bao giờ trở lại, nàng mở cửa đi ra.

Tôi không thấy có điều gì để suy diễn giữa hình ảnh vừa thấy và lời hứa chờ đợi của tôi.

Mệt mỏi quá tôi ngủ luôn trong hầm.

 

[còn tiếp PHẦN BA]

 

Đã đăng:

MỘT KHOẢNG XANH VÀ SÁNG [I]  (truyện / tuỳ bút) 
Vào năm hai mươi mốt tuổi, tôi bắt đầu đi dạy học ở một nơi buồn thảm và tuyệt vọng như sự chết. Thường vào khoảng bảy giờ tối, phố xá đã đóng cửa kín mít và dây thép gai phòng thủ được giăng ra giữa đường như là luôn luôn chờ đợi một cuộc tấn công tràn ngập. Tôi không có gì kể về những ngày đầu tiên của việc làm này, bởi vì tôi không coi đó là nghề nghiệp của mình. Tôi dạy học chỉ vì muốn phủ đầy nỗi cô đơn heo hút... (...)

 

---------------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021